Tả cảnh mùa gặt ở quê em – Văn hay lớp 5
Tả cảnh mùa gặt ở quê em – Văn hay lớp 5 Tả cảnh mùa gặt ở quê em – Bài làm số 1 của một bạn học sinh giỏi văn tỉnh Hà Giang Sáng nay em thức giấc sớm hơn thường nhật bởi những âm thanh rộn rã của thôn quê đang vào mùa gặt. Cả cánh đồng vàng rộm cũng bừng tỉnh dưới những tia nắng ...
Tả cảnh mùa gặt ở quê em – Văn hay lớp 5
Tả cảnh mùa gặt ở quê em – Bài làm số 1 của một bạn học sinh giỏi văn tỉnh Hà Giang
Sáng nay em thức giấc sớm hơn thường nhật bởi những âm thanh rộn rã của thôn quê đang vào mùa gặt. Cả cánh đồng vàng rộm cũng bừng tỉnh dưới những tia nắng đầu tiên của một ngày hè oi ả với cái mùi ẩm ẩm, nồng nồng, dằm dặm mà có lẽ lũ bạn nội thành của em chẳng bao giờ cảm nhận được.
Các bà, các mẹ, các chị từng nhóm, từng nhóm vừa chuyện trò rôm rả vừa rảo buớc ra phía cánh đồng. Sáng sớm mùa hè nên mặt trời cũng dậy sớm hơn, chim chóc cũng rời tổ từ mờ sáng tìm mồi, cả cánh đồng lúa thì nặng nề đong đưa trong làn gió nhẹ. Cây nào cây nấy uốn cong cong chiếc móc câu với bao nhiêu là hạt thóc tròn mây mẩy, hứa hẹn một vụ mùa thóc lúa đầy kho.
Hôm nay mẹ cho em cùng theo ra đồng, mẹ bảo: cho con gái thử cảm nhận những nhọc nhằn của người nông dân ra sao, để trông đó mà gắng học hành! Vậy là lần đầu tiên một con bé vốn vẫn được cưng chiều cầm tới chiếc liềm và thử những nhát cắt đầu tiên. Lần đầu tiên khuôn mặt mình được áp lại gần những cây lúa đến thế! Chao ôi là thú vị! Nhìn kĩ hơn những hạt thóc vẫn cho mình gạo ăn hàng ngày, chúng tròn căng như sắp phả tung ra chiếc áo nhiều gân với chi chít những lông tơ, hạt chen hạt như một đại gia đình đua nhau đi trẩy hội. Mà đúng là hội thật đó! Hôm nay chúng sẽ được những người nông dân gặt về kho, phơi dưới nắng vàng và chẳng bao lâu nữa chúng sẽ được làm những bông hoa trắng nở bung, thơm dẻo. Trông mẹ thoăn thoắt cánh tay gặt sao mà dễ quá vậy, mình thì mướt mồ hôi mà chẳng được bao nhiêu. Chốc chốc lại vươn vai ngó nghiêng xung quanh hàng xóm, thấy ai cũng lom khom, cần mẫn. Những đốm áo màu thấp thoáng đây đó trên cánh đồng trải dài một màu vàng trù phú. Mỗi đợt gió tràn tới, cá biển vàng đỏ lại ào lên rì rào như đang kể cho nhau nghe câu chuyện cuối mùa thu hoạch.
Lúa gợn lên từng đợt như mời gọi những chú chim sẻ, chim chiền chiện sà xuống nhặt những hạt thóc rơi vãi. Chúng vui vẻ nhảy nhót trên bờ ruộng xanh mướt cỏ như những đường kẻ trên chiếc ô bàn cờ khổng lồ mà thiên nhiên đã tạo ra một sự phối màu rất ăn ý.
Có lẽ những hoạt động nhà nông thế này chính là ví dụ rõ ràng mà gần gũi cho đời sống làng xã mà trước nay em vẫn được nghe nhắc đến trong những bài giảng ở trường. Một cảm giác thân quen mà nếu sống trong thành thị sẽ chẳng bao giờ thấy được. Tuy chẳng phải một nhà mà ai nấy nói chuyện với qua từng khoảnh ruộng như thể anh em một nhà vậy! Từ những chuyện con trâu cái cày cho tới chuyện ông Ba-ma gì đó là tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ… Tất cả đều rộn ràng như một khúc nhạc ngẫu hứng làm mọi người quên đi cái oi ả của buổi trưa hè trên cánh đồng đang trong mùa gặt.
Cả không gian thoảng mùi thơm dịu mát của lúa mới, mùi ngai ngái cũa thân và lá lúa; Đó là mùi của quê hương, mùi của một thế giới những người lao động lam lũ mà vinh quang.
Nếu một lần ghé qua một vùng quê, bạn hãy nán lại bên một khoảnh ruộng và thử cảm nhận chút hương của hương đồng gió nội, để rầm rì đọc lại những câu ca “Ai ơi bưng bát cơm đầy, dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”, và để cảm nhận rõ hơn cuộc sống muôn màu.
Tả cảnh mùa gặt ở quê em – Bài làm số 2
Năm nay, em được về quê chơi đúng vào mùa gặt, khi những thảm lúa vàng trên cánh đồng đã gọi từng bầy chim én nhỏ. Cả vùng quê yên ả bỗng chốc trở nên nhộn nhịp hẳn lên.
Tháng sáu, lúa đã vàng, những cánh đồng được trải kín bởi một màu duy nhất: vàng rực rỡ. Những bông lúa vàng căng mẩy như đám trẻ ăn no, nằm gối vào như, kéo trĩu cây mẹ xuống sát mặt ruộng. Cánh đồng rộn ràng vào mùa gặt. Mùa lúa chín, những cô bác nông dân nô nức đổ ra đồng. Những nón trắng lom khom cắt lứa nổi bật trên tấm thảm màu vàng khổng lồ của ruộng lúa. Theo tay liềm, những thân lúa để xuống thành dãy gọn gàng những cây lúa, hạt thóc vàng rời đất mẹ nằm im lìm đợi được gom về. Gặt đến đâu, đồng quang đến đó, chỉ còn trơ lại gốc rạ tua tủa trên nền đất màu nâu thẫm. Chiều về, những chiếc máy tuốt lúa quay đều tạo ra âm thanh gấp gáp, hối hả và đem lại cảm giác về một vụ lúa được mùa, một vụ ngô trĩu hạt. Dọc theo triền đê, máy tuốt lúa kêu rào rào. Những chiếc nón trắng nhấp nhô theo nhịp tay đưa lúa vào máy. Tiếng hò, tiếng hát của các cô thôn nữ cũng trở nên ngọt ngào hơn. Em theo đám trẻ trong làng lên triền đê chạy nô đùa, tung lên trời đủ thứ diều đang căng mình đón gió.
Ngày mùa vất vả nhưng không ngớt tiếng cười, hương lúa mới vẫn căng lồng ngực. Nhìn cảnh làng quê vào mùa gặt, em thấy lâng lâng một niềm vui. Năm nay bội thu, nhà ai cũng sẽ đủ cơm no, áo ấm.
Qua một ngày lao động vất vả, sẩm tối, từ những cánh đồng quanh làng, dòng người tấp nập trở về nhà. Niềm vui rạng ngời trên khuôn mặt của mỗi người. Bao nhiêu rơm rạ phơi trên các lối ngõ, dọc theo bờ ao được các cụ bà ở nhà gom lại chồng thành đống. Cây rơm chất đầy, cao ngất, vàng ươm. Những đống rơm đốt dở khói lam, làn khói mỏng manh len lỏi trong từng đụn rơm, khóm rạ, hương khói quyện vào nắng chiều. Sân lúa ắp đầy cũng được thu dọn cho vào bao, đề phòng cơn mưa rào mùa hạ ập xuống bất chợt
Thời gian trôi qua thật nhanh, chẳng mấy chốc là kì nghỉ hè của em sẽ kết thúc. Trở về thành phố nhưng mùi lúa non, mùi rơm, rạ, mùi khói lam của mùa gặt vẫn không hề phai nhạt trong kí ức tuổi thơ của em. Em cầu trời mưa thuận, gió hòa để mùa gặt nào lúa cũng nặng tay liềm của các bác nông dân, để những đàn chim én nhỏ bay về làm rộn vui cả vùng quê, để gió hè thổi mát lưng ai sau những nhọc nhằn và để em có được những kỉ niệm ngọt ngào ngày thơ bé.
Tả cảnh mùa gặt ở quê em – Bài làm số 3
Mùa hè đến đem theo tiếng ve kêu râm ran, điểm tô những màu rực rỡ của hoa phượng, hoa bằng lăng cả một vùng trời. Trên những cánh đồng, lúa chín đã khoác lên mình tấm áo vàng ươm báo hiệu mùa gặt đã đến khiến cho vẻ đẹp của miền quê Việt Nam trở nên rộn ràng, nao nức.
“ Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”
Bao đời nay, cuộc sống của người dân Việt Nam đã gắn liền với hạt thóc, hạt gạo, để làm nên những bát cơm trắng thơm ngon là bao mồ hôi công sức của người nông dân. Cây lúa được chăm nom từ khi gieo mạ, đến khi mạ non lớn lên và trở thành những cây lúa đầy ắp hạt. Cứ nhìn cánh đồng lúa vào mùa gặt là ai cũng vui mừng vì sau bao công sức, bao tháng ngày thì thành quả cũng đã đến. Chẳng những thế, những cánh đồng lúa chín vàng ươm nối tiếp nhau còn tô điểm cho khung cảnh làng quê thêm tươi đẹp và thanh bình. Dường như trong bất kì bức tranh vẽ về làng quê nào cũng đều có hình ảnh cánh đồng lúa chín, thế mới biết cây lúa chín chính là linh hồn của làng quê Việt Nam.
Cánh đồng lúa chín có lẽ đẹp nhất vào những buổi chiều, khi hoàng hôn sắp buông xuống, những làn gió thổi nhè nhẹ làm cậy lúa rung rinh như reo ca, như réo rắt. Bầu trời với những áng mây che đi cái nắng của một ngày hè và xa xa là những cánh cò “ bay lả rập rờn” trên những ruộng lúa chín. Màu vàng của lúa làm rực rỡ cả một vùng trời, những bông lúa nặng trĩu hạt uốn cong xuống như để bảo vệ đứa con bé nhỏ của mình. Những cánh đồng lúa chín bát ngát cứ nối tiếp nhau mà trải dài vô tận vi vu trong gió mát lộng cả lòng người.
Đằng xa kia là những rặng tre cao vi vút ôm lấy khung cảnh đồng ruộng. Đất trời cùng hòa mình vào bài ca reo vui trước gió của cánh đồng lúa.Cả cánh đồng điểm xuyết những cánh diều bay cao đến tận chân mây, lũ trẻ chạy dài trên cả con đường ruộng. Tiếng trống trường vang lên là lúc từng tốp học sinh khăn quàng đỏ đạp xe ngang qua cánh đồng lúa, tiếng cười đùa vang lên vang vọng cả một vùng. Ngắm nhìn khung cảnh ấy sao mà yên bình, thư thái đến vậy.
Vào một ngày hè rộn ràng tiếng người nông dân vui vẻ ra đồng để gặt lúa, những bông lúa chín như giọt sương mai trong lành dưới ánh bình minh lại càng tươi đẹp hơn. Vì hôm đó, chúng sẽ được thu hoạch để tạo ra những hạt gạo thơm ngon phục vụ cuộc sống của con người. Trên đồng, từng tốp, từng tốp những người nông dân nhấp nhô những chiếc nón lá với chiếc liềm đang thoăn thoắt gặt lúa, dù nắng nóng và vất vả nhưng nhìn ai cũng đang vui vẻ, những cây lúa họ trồng cuối cùng đã cho ra hạt lúa vàng ươm và nặng trĩu. Lúa gặt đến đâu được xếp thành từng đống đến ấy. Nhà nào nhà nấy trên mỗi ô ruộng đều nhanh tay gặt lúa, nhiều người còn tuốt lúa ngay trên những thủa ruộng của nhà mình. Lúa tuốt đến đâu là hạt lúa rơi ra lúc ấy, những đám rạ lúa thì được đặt ra một chỗ để phơi lấy rơm.
Cây lúa chín nhìn bé nhỏ như vậy mà có bao công dụng. Con của nó là hạt lúa thì được tuốt để xay thành những hạt gạo dẻo thơm, còn thân của nó thì được phơi thành rơm để đốt lấy lửa hay làm thức ăn cho bò. Trên những cánh đồng lúa, những chú chim gáy từ đâu xà xuống từng tốp nhặt những hạt thóc rơi, chúng gọi nhau, rồi chia phần cho nhau. Cả một ruộng lúa đâu đâu cũng thấy đông đúc những người, những vật, những bó lúa, một ngày lao động thật rộn ràng. Đến trưa, người nông dân nghỉ ngơi dưới những gốc cây mát ven đường, nhiều nhà đem những bó rạ ra đường phơi nắng, cả con đường làng lại được nhuộm vàng và trên những cánh đồng, nắng trải dài dưới ánh mặt trời gay gắt phả lên mùi thơm của lúa chín. Một mùi thơm của thức ăn truyền thống bao đời nay của người dân Việt. Mấy ngày tiếp theo là những ngày hạt lúa được phơi khắp những mảnh sân nhà, sân đình. Nhìn những hạt lúa vẫn đang mặc áo, ngửa mình đón ánh nắng mặt trời, chắc chúng đang mong muốn nhanh chóng được tuốt vỏ để cống hiến cuộc đời mình cho con người.
Vậy là sau những tháng ngày nuôi trồng, gieo mạ, gặt lúa, lúc này nhà ai nhà nấy đã đầy ắp những hũ gạo. Những hạt gạo được làm ra từ mồ hôi công sức và bao vất vả mới đáng quý làm sao. Được ăn những bát cơm dẻo trắng lại nhớ đến hình ảnh lao động vất vả của người nông dân, lại nhớ đến hình ảnh cánh đồng lúa chín vàng ruộm cả một vùng trời. Em thầm cảm ơn các bác nông dân từ đời này qua đời khác đã làm ra những hạt gạo thơm ngon. Dù sau này lớn lên có đi xa, thì hình ảnh những cánh đồng mỗi màu lúa chín sẽ luôn in đậm trong tâm trí em bởi đó là linh hồn của quê hương, là bức tranh thủy mạc đẹp vô cùng sống mãi cùng với làng quê Việt Nam.
Tả cảnh mùa gặt ở quê em – Bài làm số 4
Tháng mười nắng vàng hoe. Ban đêm sao lấp lánh bầu trời xanh. Trăng sáng vằng vặc. Mọi người, mọi nhà trong làng em đều náo nức sửa soạn. Các mẹ các chị đi chợ về sớm hơn. Liềm hái, xe công nông được sửa sang. Lúa ngoài đồng ửng vàng lên. Sớm nay, tiếng gà gáy sáng vừa râm ran, cả làng Bàng đã tấp nập kéo ra đồng đông vui như ngày hội. Vụ gặt đã bắt đầu.
"Ba tháng trồng cây không bằng một ngày trông quả". Một vụ mùa bội thu. Năm năm liền được mùa. Niềm vui hiện lên từng khuôn mặt rạng rỡ. Cây rơm chất đầy, cao ngất, vàng ươm. Lúa vàng óng, khô giòn phơi đầy sân, đóng bao xếp đầy nhà. Tiếng điếu cày của bố rít lên nghe giòn hơn mỗi sáng, mỗi chiều. Mẹ bán thêm lứa lợn, bàn với bố việc sửa nhà.
Cánh đồng làng sau một tuần chỉ còn trơ gốc rạ. Chúng em chuẩn bị thả diều. Sau mùa gặt cả làng vui. Nồi cơm gạo trắng thơm, mẹ xới đầy, giục đàn con mỗi đứa ăn thêm bát nữa.
Hồng Loan tổng hợp
Từ khóa tìm kiếm:
- tả cảnh đốt rơm ở quê em
Bài viết liên quan
- Tả cảnh mùa gặt quê hương em – Văn hay lớp 7
- Tả cánh đồng lúa vào mùa gặt – Văn hay lớp 7
- Tả một người lao động trí óc mà em biết – Văn hay lớp 2
- Tả cảnh mưa rào – Văn hay lớp 6
- Tả một người thân yêu và gần gũi nhất với em (Tả chị gái) – Văn hay lớp 6
- Tả cái trống trường em – Văn hay lớp 4
- Tả bác nông dân đang gặt lúa – Văn hay lớp 6
- Tả một ngày mới bắt đầu ở quê em – Văn hay lớp 5