Suy nghĩ về bệnh vô cảm trong xã hội hiện nay
Bài Làm Ngày nay khi cuộ c sống ngày càng đi lên thì con người cũng trở nên bận rộn hơn. Có những lúc chúng ta bị cuốn theo vòng quay cuộc sống mà quên đi những giá trị tốt đẹp của con người. Một trong những điều đó là tình thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, giúp người những lúc hoạn ...
Bài Làm
Ngày nay khi cuộ c sống ngày càng đi lên thì con người cũng trở nên bận rộn hơn. Có những lúc chúng ta bị cuốn theo vòng quay cuộc sống mà quên đi những giá trị tốt đẹp của con người. Một trong những điều đó là tình thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, giúp người những lúc hoạn nạn. Cũng bởi lẽ đó mà căn bệnh vô cảm đang ngày càng ăn sâu, lan rộng trong xã hội ngày nay.
Bệnh vô cảm là thái độ thờ ơ, không có sự quan tâm trước những hiện tượng, sự vật đang diễn ra xung quanh, thờ ơ trước những nỗi đau của người khác. Đây là một thái độ sống tiêu cực bởi nó đã đi ngược lại với truyền thống “tương thân tương ái” của dân tộc ta. Ngày nay trong xã hội hiện đại “vi-rút” vô cảm đã ăn sâu vào tất cả những tầng lớp xã hội, trở thành nỗi lo chung cho toàn xã hội. Căn bệnh vô cảm như một bệnh dịch và dường như ai cũng đang mắc phải.
Trước hết biểu hiện của sự vô cảm đó là tính ích kỉ, chỉ quan tâm đến cái “tôi” của mình. Những cám dỗ về vật chất dễ dàng làm con người ta quên đi những giá trị tinh thần tốt đẹp. Biểu hiện bệnh vô cảm cũng ở cả sự thờ ơ trước niềm vui và cả những nỗi buồn của những người xung quanh hay chỉ đơn giản là với một câu chuyện buồn chỉ trên vô tuyến hay sách vở. Vô cảm là không có cảm nhận hay cảm xúc gì vì vậy trước những chuyện buồn hay cả những chuyện vui họ cũng sẽ đều không có phản ứng gì. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó thì sẽ không có gì đáng nói mà ở đây họ thờ ơ, vô cảm trước cả những nỗi đau, những mất mát đau thương tột cùng nhất như với những cụ già, những trẻ em mồ côi, những con người yếu ớt gặp hoạn nạn,…. Họ không hề hay biết rằng một ánh mắt dửng dưng khinh bỉ hay chỉ đơn giản là không một chút ngoái đầu nhìn cũng đã khoét sâu thêm những nỗi đau như thế nào. Một lời bình luận vu vơ thiếu suy nghĩ hay chỉ một câu nói bâng quơ cũng đủ giết chết một con người.
Khi ta đi trên đường sẽ rất dễ bắt gặp những con người dửng dưng hoặc cố tình né tránh khi chứng kiến những người gặp nạn trên đường. Trong khi người ta cần sự giúp đỡ thì họ lại né tránh và coi như không hề có chuyện gì xảy ra. Một thanh niên không nhường ghế cho cụ già trên xe buýt hay thấy người già, trẻ em qua đường không giúp đỡ. Trong môi trường học đường bệnh vô cảm biểu hiện ở việc không quan tâm đến những học sinh yếu kém, thái độ thờ ơ với bạn bè – những người có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt trong lớp, trường.
Chắc hẳn chúng ta đều biết câu chuyện ngụ ngôn “Cháy nhà hàng xóm bình chân như vại” phải không? Hậu quả của nhân vật tron truyện thì ai cũng biết nhưng bài học được rút ra thì khồn phải ai cũng học được.
Bệnh vô cảm rất đáng bị lên án và phê phán. Nó đồng nghĩa với thái độ vô trách nhiệm với cuộc sống của mình và của cả cộng đồng. Chúng ta chỉ cần nghĩ đến chuyện những bác sĩ vô cảm với nỗi đau của người bệnh và gia đình họ chỉ chạy theo đồng tiền mà quên mất đi lời thề Hy-pô-cơ-rát thì điều gì sẽ xảy ra cho những bệnh nhân của họ.
Bệnh vô cảm dẫn đến những hậu quả đáng lo ngại. Nó đang dần làm phai mờ truyền thống tương thân tương ái của dân tộc ta. Nó sẽ ảnh hưởng xấu đến quá trình tự hoàn thiện nhân cách của mỗi cá nhân.. Sẽ ra sao nếu mỗi người chỉ biết tới bản thân mình mà thờ ơ với những người xung quanh. Họ chẳng những không được sống trong sự quan tâm ấm áp của đồng nghiệp, bạn bè mà con mất đi một những cơ hội được học hỏi nhiều hơn.
Có thể lý giải một số nguyên nhân dẫn đến căn bệnh vô cảm trong xã hội ngày nay đó là do cách sống của mỗi người. Khi con người ta sống ích kỉ, khép mình rất dễ dẫn đến vô cảm. Một tác động rất lớn dẫn đến vô cảm đó là cuộc sống hiện đại. Xã hội phát triển với tốc độ nhanh chóng, mỗi người luôn bị cuốn vào guồng quay ấy, phấn đấu cho sự nghiệp, đâu ai còn dành được thời gian lắng đọng lại cho bản thân chứ đừng nói gì đến cho một người khác. Tính chất của cuộc sống này đã làm cho người ta quên đi tình nghĩa bạn bè, hàng xóm láng giềng và những mối quan hệ khác,… Với những bạn trẻ ngày nay việc được cha mẹ quá nuông chiều cũng rất dễ đẩy các bạn vào căn bệnh này. Bởi trên thực tế có những bạn đã được cha mẹ vạch sẵn cho một con đường, một cuộc đời, việc của họ là chỉ cần bước đi trên con đường đó. Họ đâu cần quan tâm đến những điều xung quanh hay bất cứ mối quan hệ nào khác.
Vậy làm thế nào để chữa căn bệnh vô cảm này hay để ngăn ngừa căn bệnh này? Thứ nhất cần nâng cao việc giáo dục, tuyện truyền về tinh thần tương thân tương ái, đùm bọc lẫn nhau của dân tộc ta ngay từ trên ghế nhà trường nhiều hơn nữa. Cần có nhiều giờ học đạo đức hơn nữa cho học sinh để thế hệ trẻ có thể tiếp thu nhiều hơn nữa, từ đó tư tưởng sẽ thấm nhuần và sẽ kháng lại con “vi-rút” vô cảm. Thứ hai, điều quan trọng nhất là bản thân mỗi người cần có lý tưởng sống cho riêng mình. Mỗi suy nghĩ, hành động, lời nói của bản thân đều phải xuất phát từ lòng chân thành, lòng nhân ái. Mỗi người hãy làm giàu tâm hồn mình, tích cực tham gia những hoạt động tập thể, thiện nguyện. Chỉ cần có một tâm hồn rộng mở ta sẽ biết yêu thương mọi người nhiều hơn.
Khi mà những tấm gương người tốt việc tốt đang ngày càng giảm đi thì căn bệnh vô cảm lại càng có mảnh đất màu mỡ để phát triển. Mỗi người chúng ta cần phải cùng chúng tay để đẩy lùi căn bệnh này, không chỉ cho chính bản thân mỗi chúng ta mà còn cho lợi ích và tương lai của toàn xã hội.
Phạm Loan