02/04/2018, 12:00

Phân tích hình tượng rừng xà nu trong tác phẩm Rừng xà nu

Đề bài: Phân tích hình tượng rừng xà nu trong tác phẩm rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành Bài Làm Rừng xà nu là hình tượng mang nhiều ý nghĩa trong tác phẩm cùng tên của Nguyễn Thành Trung. Bao trùm lên toàn bộ là cảm hứng về một sự sống kiên cường, hiên ngang, mạnh mẽ tồn tại ...

Đề bài: Phân tích hình tượng rừng xà nu trong tác phẩm rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành 

Bài Làm 

Rừng xà nu là hình tượng mang nhiều ý nghĩa trong tác phẩm cùng tên của Nguyễn Thành Trung. Bao trùm lên toàn bộ là cảm hứng về một sự sống kiên cường, hiên ngang, mạnh mẽ tồn tại ngay dưới hầm đại bác, một sức sống vượt lên mọi sự hủy diệt của bom đạn kẻ thù. Rừng xà nu là hình tượng thiên nhiên gắn bó mật thiết với con người, hơn vậy rừng xà nu là tượng trưng cho những đau thương của cộng đồng, dân làng Xô Man.

Cây xà nu từ đuốc, dầu, nhựa, lửa, khói cho đến cả rừng cây mênh mông luôn hiện diện song song cùng cuộc sống sinh hoạt hàng ngày và cả cuộc nổi dậy của dân làng Xô Man. Cây  xà nu được miêu tả trong một bối cảnh cụ thể, đó là cánh rừng chịu một số phận đau thương bởi phải chịu sự tàn phá khốc liệt của kẻ thù.

Ngay từ khi bắt đầu ta đã cảm nhận rõ sự khốc liệt của chiến tranh “Làng ở trong tầm đại bác… ngày nào cũng bị bắn hai lần…hầu hết đạn đại bác đều rơi vào những ngọn đồi xà nu”. Như vậy cả dân làng và rừng xà nu đều bị chiến tranh tàn phá, hủy diệt đầy khốc liệt. Sự tàn phá của bom đạn khiến “cả rừng xà nu hàng vạn cây, không có cây nào không bị thương”. Câu phủ định để nói sự khẳng định tạo ấn tượng về tính chất tuyệt đối, tăng thêm sự thảm khốc, cùng cách nhân hóa “bị thương” khiến câu văn mang đậm âm hưởng xót xa. Nỗi đau của những cây non “nhựa còn trong, chất dầu còn loãng, vết thương không lành được, cứ loét mãi ra, năm mười hôm thì cây chết”, khi lại là cái đau dữ dội của những cây xà nu trưởng thành dưới vũ khí của kẻ thù “chặt đứt ngang nửa thân mình, đổ ào ào như một trận bão”. Nguyễn Thành Trung còn đặc tả một cách chi tiết những vết thương “nhựa ứa ra tràn trề, thơm ngào ngạt, long lanh nắng hè gay gắt, rồi dần dần bầm lại, đen và đặc quyện lại thành từng cục máu lớn”. Nỗi đau của rừng xà nu hay cũng chính là nối đau mà dân làng Xô Man giai đoạn tiền khởi,kháng chiến gian khổ thấm đầy máu và nước mắt.

Qua hình tượng đau thương đến xót xa của những cánh rừng xà nu bị giặc tàn phá, tác giả đã khắc họa sâu đậm nỗi xót xa cho thiên nhiên và cuộc sống con người trên mọi miền. Nỗi căm hận với kè thù tạn bạo phá tan bao sự sống tươi đẹp và an lành ngày càng sâu sắc. Rừng xà nu gợi cảm hứng về một sự sống kiên cường, hiên ngang mạnh mẽ như biểu tượng cho ý chí kiên cường của dân làng Xô Man.

Xà nu là một loại cây khao khát sống và vươn lên “Trong rừng ít có loài cây nào sinh sôi nảy nở khỏe như vậy… Cũng ít có loài câu nào ham ánh sáng mặt trời đến thế. Nó phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh nắng”. Đặc điểm này gợi cho ta liên tưởng tới lối sống phóng khoáng, ưa tự do của những người dân Tây Nguyên. Họ luôn muốn vươn lên để đón nhận ánh sáng chứ không cam chịu một cuộc sống ngục tù đầy tủi hờn.Làm nô lệ cho giặc dữ. “Không có cây gì mạnh bằng cây xà nu đất ta. Cây mẹ ngã, cây con mọc lên”, là lời khẳng định đầy tự hào của già làng, thể hiện sức sống kiên cường mà đầy bền bỉ tiếp nối nhau của những con người nơi đây, của công cuộc cách mạnh đang sôi nổi. Đặc biệt hình ảnh “vô số cây con đang mọc lên”  quanh cây xà nu mới bị đại bác đánh ngã- mở ra sự tiếp nối không ngừng nghỉ của người dân Tây Nguyên.

Hình ảnh “những cây non mới nhú… nhọn hoắt như những mũi lê” đã gợi sự suy nghĩ sâu xa hơn cả sức sống còn là sự chiến đấu, sức mạnh chống trả bất khuất của rừng xà nu, của người Tây Nguyên trước những thế lực xấu xa, độc ác và đầy tàn bạo. Trước sự hủy diệt của bom đạn kẻ thù, sự đàn áp của Mỹ- Ngụy, cả dân làng Xô Man cùng rừng xà nu không chỉ duy trì cho mình sự sống mà còn kiên cường chống chả quyết liệt.

Rồi đây những “đồi xà nu… rừng xà nu… nối tiếp chạy đến chân trời” còn gợi ra cảm nhận về cuộc vùng dậy của dân làng Xô Man không hề đơn độc, không còn là một cuộc chiến đơn lẻ nữa mà đã lan rộng và hòa chung với phong trào đồng khởi của nhân dân Việt Nam những năm 60.

Sự chiến đấu anh dũng, hình tượng oai hùng của rừng xà nu lại một lần nữa khiến người đọc cảm nhận được không khí hào hùng của cuộc kháng chiến năm xưa. Sự tàn phá ghê gớm với cả con người lẫn vật chất đã khiến trái tim người dân Việt Nam dâng lên một nỗi căm thù sâu sắc. Bao cảnh yên ấm dưới những mái nhà bị phá tan bởi vũ khí chiến tranh, đạn dược, những âm mưu xâm lược. Cả rừng xà nu tươi tốt bị bom phá hủy đến thảm thương. Tất cả, tất cả khiến trong lòng chúng ta dâng lên nỗi căm thù chiến tranh phi nghĩa nổ ra với mục đích xâm lược. Chiến tranh là nguyên nhân trực tiếp gây đau thương và mất mát cả về người và của, vậy nên mỗi người hãy mạnh mẽ lên tiếng phản đối chiến tranh. Luôn nêu cao tinh thần nhân đạo và có ý thức mạnh mẽ giữ gìn cuộc sống độc lập, yên ấm.

Mở đầu và kết thúc lại là hình ảnh “cánh rừng xà nu nối tiếp chạy đến chân trời” Không chỉ là bức tranh thiên nhiên thơ mộng hùng vĩ đem đến chất trữ tình cho tác phẩm mà rừng xà nu còn trở thành biểu tượng cho số phận đau thương và tinh thần chiến đấu anh dũng oanh liệt của người dân Tây Nguyễn trong kháng chiến chống Mỹ.

Phạm Loan 

0