Sự tích Núi Bà Đen
Rất lâu ngày trước, núi Bà Đen còn có một tên gọi khác là Núi Một. Phía trên đỉnh núi có một bức tượng Phật làm bằng đá, mọi người truyền tai nhau rằng nó rất thiêng. Vậy là mọi người rủ nhau kéo lên chặt cây cối rậm rạp, mở đường để lên núi cúng bái tượng Phật. Thường thì họ đi thành từng ...
Rất lâu ngày trước, núi Bà Đen còn có một tên gọi khác là Núi Một. Phía trên đỉnh núi có một bức tượng Phật làm bằng đá, mọi người truyền tai nhau rằng nó rất thiêng.
Vậy là mọi người rủ nhau kéo lên chặt cây cối rậm rạp, mở đường để lên núi cúng bái tượng Phật. Thường thì họ đi thành từng đoàn lên núi, vì trên đường đi có thể gặp nhiều thú dữ.
Thời đó ở Trảng Bàng có một người con gái tài giỏi, văn hay võ đều tốt tên Lý Thị Thiên Hương. Cô thường hay leo lên núi cúng lễ bái Phật vào mỗi đêm trăng rằm. Ở làng có một anh chàng thầm thương trộm mến cô tên là Lê Sĩ Triệt.
Vì thấy Thiên Hương xinh đẹp hơn người, lại giỏi văn biết võ nên có ông quan nọ nảy lòng gian ác, muốn dùng vũ lực ép cô về làm thiếp cho mình. Ông ta lệnh cho thầy võ thực thi kế hoạch xấu xa của mình.
Thầy võ theo lệnh tên quan ác bá kia tìm đến đấu võ với cô Lý, lúc cô gần như bị đánh bại thì anh chàng Lê Sĩ Triệt xuất hiện kịp thời, cứu cô thoát khỏi nanh vuốt kẻ ác. Lúc trở về nhà, cô Lý đem tất cả mọi chuyện đầu đuôi kể lại cho cha mẹ mình biết, họ vô cùng cảm kích và quyết định cho cô kết duyên cùng với chàng ân nhân cứu mạng.
Cùng thời điểm đó, Võ Tánh phụng mệnh Gia Long chiêu binh mãi mã để đánh Tây Sơn, và Lê Sĩ Triệt đã đồng ý đi tòng quân. Ngày kia, trong lúc chờ người chồng đánh trận trở về, cô đang thành tâm khấn cầu tượng Phật trên núi, không may bị bọn cướp xông ra vây bắt. Lúc đó cô chạy trốn vào tận rừng sâu, sau thì mất tích.
Đến thời vua Minh Mạng, vị hòa thượng hiện là trụ trì núi Tây Ninh đang niệm Phật, tự nhiên thấy có một người con gái hiện ra, mặt cô thì đen thùi lùi nhưng lại rất xinh đẹp nói với ông: “Ta họ Lý, năm 18 tuổi gặp cướp nên té chết. Giờ ta tu đã thành chính quả, nhờ Hòa thượng đi xuống triền núi tìm hài cốt ta rồi chôn cất giúp”. Vị trụ trì y lời, xuống triền núi tìm thấy xác của cô, sau đó đem chôn cất đoàng hoàng.
Câu chuyện trên được mọi người đồn thổi rộng rãi, sau đến tai vị Thượng Quốc Công Lê Văn Duyệt đương triều. Ông lập tức tự mình lên núi xem mọi chuyện thực hư ra sao, và lập lời hứa sẽ dâng sớ lên triều đình xin phong chức vị cho cô Lý nếu cô thực sự hiển linh và cho ông nhìn thấy tận mắt mọi sự.
Nghe được Thượng Quốc Công nói vậy, cô liền nhập hồn vào một người con gái, và bảo rằng: “Hồn thượng quan sau sẽ nhận chức thần kỳ vinh hiển, tuy nhiên thân xác lại bị hành hạ”.
Thượng Quốc Công Lê Văn Duyệt không lấy làm ngạc nhiên hay sợ hãi, ông bình tĩnh mà nói: “Ta không cầu biết tương lai, chỉ mong biết được căn nguyên nơi nàng?”
Xác cô gái bỗng nhiên khóc nức nở rồi kể lại chi tiết câu chuyện cuộc đời cùng cái chết oan uổng của bản thân. Nàng cũng nhắc tới mối duyên nợ của mình cùng chàng Lê Sĩ Triệt thuở trước.
Theo như lời kể, khi thành Bình Định bị thất thủ, Võ Tánh đã tự mình hỏa thiêu ngay ngày hôm ấy. Còn chàng Lê Sĩ Triệt đã được quan phong làm chỉ huy tỉnh Khánh Hòa cùng tỉnh Bình Thuận. Cả hai tuy chung sống nhưng chưa từng chung chạ với nhau nên được trời ban cho trường sinh bất lão. Vì vậy nàng mới hóa thành tiên thánh, được phái xuống trần để phổ độ chúng sinh.
Vừa dứt lời thì cô gái ngã nhào xuống đất, bất tỉnh nhân sự rất lâu sau mới tỉnh dậy được.
Nghe tường tận câu chuyện, Thượng Quốc Công Lê Văn Duyệt thay mặt cho nhà vua, ban chiếu phong vị cho Lý Thị Thiên Hương là “Linh Sơn Thánh Mẫu”, và ngự tại Núi Một, cũng chính là núi Bà Đen bây giờ.
Núi Bà Đen ở Tây Ninh nổi danh khắp nơi là một nơi địa linh nhân kiệt, ly kỳ và nhiều phép kỳ lạ khó hiểu mà không ai giải thích rõ được.