Trinh phụ hai chồng
Ngày xửa ngày xưa, ở vùng nọ có một cô gái xinh đẹp, thùy mị. Khi cô gái khôn lớn, đến tuổi dựng vợ gả chồng thì có một chàng trai họ Đỗ ở trong vùng mang lễ vật, cau trầu đến để xin hỏi nàng làm vợ. Anh chàng này là một người thông minh, hiếu học và rất tốt bụng. Người cha thấy có chỗ tốt như vậy ...
Ngày xửa ngày xưa, ở vùng nọ có một cô gái xinh đẹp, thùy mị. Khi cô gái khôn lớn, đến tuổi dựng vợ gả chồng thì có một chàng trai họ Đỗ ở trong vùng mang lễ vật, cau trầu đến để xin hỏi nàng làm vợ. Anh chàng này là một người thông minh, hiếu học và rất tốt bụng. Người cha thấy có chỗ tốt như vậy để con gái mình nương tựa thì vô cùng vui mừng, đồng ý cho chuyện tình cảm của họ. Lễ cưới của hai người vừa tổ chức xong thì người cha không may bị bệnh nặng qua đời.
Cô gái theo về nhà chồng, ăn ở rất hiếu thuận, phải đạo. Người chồng vốn mồ côi cả cha lẫn mẹ nên cả gia sản cũng chỉ có một mảnh vườn nhỏ cùng với một ít sách vở, nhưng cuộc sống vợ chồng của họ vô cùng hạnh phúc. Ngày ngày, người chồng hăng say đèn sách, còn vợ thì quay tơ dệt vải, cuộc sống không lúc nào thiếu vắng tiếng cười.
Nhưng chẳng bao lâu sau, người chồng bị mắc phải bệnh hủi. Càng ngày bệnh càng nặng thêm, toàn thân bắt đầu bị nở loét. Người vợ thương chồng vô cùng, hết lòng chạy chữa thuốc thang. Nàng đem bán tất cả đồ nữ trang của mình để có tiền chạy chữa. Hàng ngày, từ sáng sớm tới khuya, hết lòng phụng dưỡng bên cạnh chồng nhưng bệnh tình của anh ta vẫn không hề thuyên giảm. Cũng vì hết hi vọng với bệnh tình của mình, lại thương cho người vợ hẩm hiu, người chồng bảo vợ hãy ly dị mình và đi tìm một cuộc sống tốt hơn. Nhưng nàng chỉ nhẹ nhàng trả lời chồng:
– Nghĩa vợ chồng là nghĩa trăm năm, nay chàng bệnh tật dày vò như vậy, làm sao thiếp có thể bỏ mặc chàng được chứ? Thiếp nguyện kiếp này ở bên chàng, dù có chuyện gì xảy ra đi nữa.
Nhưng càng ngày, bệnh tình của người chồng lại càng trở ra nặng hơn. Càng thêm lo lắng cho vợ, anh vẫn hết sức khuyên can vợ hãy bỏ mặc mình mà trở về nhà. Và người vợ vẫn một lòng ở lại chăm sóc chồng. Thấy không thể làm thế nào để lay chuyển được vợ. Một ngày kia, anh chồng bí mật khăn gói ra đi, chỉ để lại cho vợ một lá thư với nội dung nhắn gửi rằng mình sẽ không bao giờ trở về nữa, mong người vợ hãy đi tìm hạnh phúc mới cho mình.
Khi biết tin người chồng bỏ đi, tìm kiếm bao nhiêu tháng ngày cũng không thấy. Dù mẹ nàng khuyên bảo con gái nên đi lấy chồng khác nhưng nàng vẫn nhất quyết ở vậy.
Sau ba năm, người chồng vẫn bặt vô âm tín. Nhiều người nói rằng anh ta đã không thể vượt qua bệnh tật mà bỏ mạng nơi nào, có người lại nói anh ta đã quyên sinh để thoát khỏi bệnh tật…Người vợ để lại am khói cùng nhà cửa cho thân tộc nhà chồng rồi trở về với mẹ đẻ. Nàng lập bàn thở chồng ở nhà, một lòng thờ cúng. Người mẹ thấy vậy cũng vẫn khuyên con gái mình nên đi bước nữa, không nên để phí hoài tuổi trẻ.
Người trong vùng thấy nàng vừa đẹp người lại đẹp nết nên có ý hỏi nàng làm vợ. Mọi người đồn đoán, bàn tán xôn xao khiến cho tâm tưởng nàng không được yên. Thêm nữa, người mẹ cũng hết sức khuyên can, tác hợp vào nên nàng đành nhận lời đi bước nữa với một chàng học trò họ Nguyễn trong vùng. Lấy chồng mới, họ có với nhau được hai cậu con trai kháu khỉnh. Người chồng cũng miệt mài đèn sách, sau hai năm thì thi đỗ làm quan, được phân công về nhậm chức án sát ở Sơn Tây.
Vào năm đó, vùng Sơn Tây vì bị thiên tai nên mất mùa nghiêm trọng, khắp nơi đều bị đói khổ, giá lương thực tăng cao. Trong vùng lũ lượt từng đoàn người đi ăn xin và bị chết đói ven đường. Khi đó, triều đình ban lệnh cho các quan án đi phát lương thực cho dân.
Còn về chuyện anh chàng họ Đỗ thuở trước, vì thấy mình bệnh tật, không muốn làm khổ vợ nên dứt áo ra đi, quyết định rằng sẽ không bao giờ trở về nữa. Chàng đi lang thang khắp nơi, sống nhờ của bố thí của mọi người, trong khi bệnh tình vẫn không hề thuyên giảm. Một hôm, nghe tin có phân phát lương thực, chàng tìm đến nơi, xin được gia nhập vào đoàn quân phát chẩn. Quân lính phân phát lương thực lần lượt từ hàng này sang hàng khác. Trong khi quân lính chuẩn bị phát tới nơi thì anh chàng họ Đỗ cất tiếng kêu lên rằng: “Thân tôi là một người học trò tàn tật, lại bị bệnh nặng, tôi qua đây chỉ mong được xin một ít cơm gạo để cho qua những ngày tháng đói khổ”. Quan án nghe thấy vậy thì cho gọi anh lên, hỏi về văn chương, thơ phú. Anh chàng đối đáp trôi chảy, làm quan vô cùng ngạc nhiên. Thấy vậy, quan cũng có phần quý mến nên phân phát hậu hĩnh hơn những người khác.
Đến khi về phủ, quan án kể lại câu chuyện đó cho vợ nghe. Người vợ nghĩ ngay đó có thể là người chồng thuở trước liền đi ra xem, thì thấy đó đúng là người chồng cũ của mình thật, trong lòng nàng trào dâng xúc cảm. Nhưng hiện nay nàng đã có gia thất mới, nên đành phải kìm nén tình cảm của mình. Nàng nói khéo với người chồng mới của mình để mời người đó về dinh, cho một chỗ ở trong phủ. Từ đó, nàng sai người chăm no cho người chồng cũ cẩn thận, và tuyệt nhiên không để lộ thân phận.
Vào một đêm nọ, người chồng cũ bỗng bị đau bụng dữ dội. Vì khát nước quá nên anh ta cố lê tới chum nước bên gốc cây để uống mà không biết rằng trong chum nước đó có một con rắn trắng đã chết từ lâu. Nhưng thật thần kỳ, chỉ vài hôm sau, những mụn ghẻ trên người anh ta bay biến hết, cơ thể anh lại trở về lành lặn, mạnh khỏe như cũ.
Sau đó, chàng lại miệt mài đèn sách và nhờ có quan án giúp đỡ nhiệt tình, chàng này khăn gói đi thi một lần nữa.
Bấy nhiêu sự việc xảy ra, người vợ cảm thấy vừa vui mừng, vừa khổ đau vì chưa thể dứt hết tình cảm với người chồng cũ, lại cảm thấy không thể che giấu sự việc mãi như vậy. Khi hay tin người chồng cũ của mình vào kinh đô đi thi, chuẩn bị đậu làm tiến sĩ thì nàng quyết định trần tình sự việc. Nàng viết một lá thư thật dài, kể hết đầu đuôi sự việc, xin lỗi người chồng mới của mình vì sự giấu diếm. Nàng xin hãy để cho một trong hai đứa con trai hiện giờ được làm con nuôi của người chồng cũ. Sau khi để lại lá thư, nàng trốn đi biệt. Từ đó, không ai hay tin về nàng nữa.