Sự tích hoa Tầm Xuân

Ngày xưa, có hai anh em mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Tuy còn nhỏ nhưng hai em rất yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Ngày ngày cậu anh trai khi thì đi xin về nuôi em, khi thì vào rừng hái nấm, kiếm củi đem ra chợ bán hoặc đem đổi lấy gạo để nuôi em. Còn cô em là một cô bé tuyệt vời, rất hoạt bát, vui vẻ và ...

Ngày xưa, có hai anh em mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Tuy còn nhỏ nhưng hai em rất yêu thương, đùm bọc lẫn nhau.  Ngày ngày cậu anh trai khi thì đi xin về nuôi em, khi thì vào rừng hái nấm, kiếm củi đem ra chợ bán hoặc đem đổi lấy gạo để nuôi em. Còn cô em là một cô bé tuyệt vời, rất hoạt bát, vui vẻ và tốt bụng. Em nghe được tiếng chim và biết cùng chim trò chuyện. Từ sáng sớm, chim muông lũ lượt bay đến nhà và cùng em trò chuyện, ca hát.

Tiếng hát của em làm say mê cả con quỷ độc ác trong một khu rừng gần đó. Nó bèn giả làm bà già tốt bụng, ra khỏi rừng tìm đến nhà em bé. Nó cho em bé trái cây, cho lũ chim hạt thóc. Nó còn khôn khéo bày trò vui chơi cùng lũ chim và cô gái. Vốn rất ngây thơ, em bé không đề phòng, thừa cơ con quỷ chộp lấy em và lũ chim mang tận vào rừng sâu. Nó nhốt em bé với lũ chim trong một chiếc lồng lớn, rồi bắt em hát cho nó nghe. Nhưng quá khiếp sợ, em bé không hát.

Tức lắm, con quỷ gầm lên những tiếng kêu man rợ, rồi vùng dậy vừa gào thét, vừa đấm đá. Chiếc lồng lăn long lóc làm cho thịt da em trầy trụa, xây xát. Nó liền phạt em bé và lũ chim bằng cách đem chiếc lồng treo lên một cành cây cao rồi bỏ đi, lòng đầy tức giận.

Ở trên cành cây cao, cô bé tìm cách cứu bầy chim. Em cố chịu đau, luồn mấy ngón tay nhỏ xíu vào kẽ giữa những chiếc nan lồng. Răng nghiến chặt, em cố kéo chiếc nan bị uốn cong mở ra một lối nhỏ. Em giúp bầy chim thoát khỏi lồng bay ra, nhưng hai bàn tay em bị những chiếc nan lồng siết chặt làm dập nát, máu me đầm đìa.  Máu thấm đỏ cả mấy chiếc nan. Và rồi một điều kỳ lạ đã xảy ra. Những chiếc nan dính máu như cựa mình và cứ thế dài mãi ra, buông mình xuống tận đất, thân mọc đầy những chiếc gai nhọn.

Khi trở về nhà, người anh không thấy em gái đâu, cả đàn chim cũng mất. Nhìn thấy cảnh nhà tan hoang, biết có sự chẳng lành, chú bé đi tìm em, miệng gọi Xuân ơi, Xuân ơi, không ngớt. Nhưng không một tiếng trả lời. Em càng cuống quýt, sợ hãi càng chạy, càng gọi. Em đi mãi, gọi mãi vượt qua mấy cánh đồng, lội qua mấy con suối, sau cùng đã tìm được người em khi đó đã trở thành bông hoa Xuân mất rồi. Từ đó người ta gọi loại hoa này là hoa Tầm Xuân.

0