Người dân nghèo và Ngọc hoàng
Ngày xửa ngày xưa ở một nhà nông dân nọ có mấy đời đã phải trải qua cảnh sống nghèo khó, khố rách áo ôm. Khi đến đời của người cháu nội chính là một anh học trò nghèo không có nổi tấc đất để cắm dùi. Ngày này qua ngày khác, anh học trò ấy cố gắng đi làm mướn làm thuê ở khắp nơi, rồi tối về lại cố ...
Ngày xửa ngày xưa ở một nhà nông dân nọ có mấy đời đã phải trải qua cảnh sống nghèo khó, khố rách áo ôm. Khi đến đời của người cháu nội chính là một anh học trò nghèo không có nổi tấc đất để cắm dùi. Ngày này qua ngày khác, anh học trò ấy cố gắng đi làm mướn làm thuê ở khắp nơi, rồi tối về lại cố gắng học thêm năm ba cái chữ, cũng chỉ hy vọng một ngày nào đó có thể thay đổi số phận của bản thân và gia đình. Tuy nhiên thì đến khi anh ta đã ba mươi tuổi rồi nhưng cuộc sống vẫn cứ không nhích lên chút nào cả. Bởi vì không thể nào tiếp tục chịu đựng cảnh sống trong đói khổ, nghèo nàn và dằn vặt ấy, một ngày kia anh ngồi một mình liền than thở về kiếp sống của mình:
- Tục ngữ cũng có nói rằng: "Không ai giàu ba họ, cũng không ai khó ba đời". Vậy mà sao nhà mình cũng đã ba đời mà toàn thấy cảnh đói rách nghèo túng. Ta nghe người ta đồn rằng Ngọc Hoàng thượng đế hay xuống ngự ở một hòn đảo mãi ngoài biển Đông. Thế thì ta phải đến đó một phen, hỏi Ngọc Hoàng cho rõ ràng mọi lẽ mới được.
Nghĩ là làm, anh lập tức thu gom chút đồ đạc rồi lên đường. Ngày thì đi, đêm lại nghỉ, hành trình của anh cũng đã được mươi hôm rồi. Nhưng tiền cùng lương khô anh mang theo cũng chẳng có mấy nên nhanh chóng cạn kiệt. Vậy là anh đành phải tìm đến một nhà kia để mà xin họ giúp đỡ mình. Chủ ở nhà này lại là một phú ông giàu có. Thấy anh có vẻ thật thà chất phác nên sai người đem dọn cơm nước thiết đãi rất tử tế, sau đó thì hỏi anh:
- Anh bây giờ đang đi đâu thế? Có chuyện gì à?
Anh học trò nghèo cũng không giấu giếm chuyện gì nên kể luôn:
- Tôi nghe được người ta nói Ngọc Hoàng thượng đế hay xuống ngự ở một hòn đảo mãi ngoài biển Đông, vì vậy mới cất công để đi tìm Ngọc Hoàng, tôi muốn hỏi ngài ấy là vì sao tục ngữ có câu "Không ai giàu ba họ, cũng không ai khó ba đời", nhưng mà sao nhà tôi ba đời nay vẫn phải chịu cảnh đói khổ, không thể nào mà khấm khá lên được.
Nghe anh học trò nói muốn đi tìm Ngọc Hoàng hỏi chuyện thì phú ông lập tức đưa cho anh một số tiền lộ phí, rồi bảo anh:
- Nếu anh có gặp Ngọc Hoàng thì tiện thể hãy hỏi giúp tôi việc này. Nhà tôi trước nay đều chưa từng làm một việc xấu gì thất đức cả, nhưng mà không rõ tại sao mà vợ chồng chúng tôi bao năm cũng chỉ sinh được đúng một đứa con gái, đã vậy còn mắc chứng câm từ nhỏ nữa.
Anh học trò tốt bụng nhận lời nhờ vả, sau đó lại tiếp tục lên đường theo đuổi cuộc hành trình đầy gian nan vất vả của mình. Nhưng mà số tiền mà phú ông cấp cho anh đi đường cũng chẳng được bao lâu thì hết sạch. Lần này anh lại tìm đến một nhà khác ở ven đường để xin giúp đỡ. Chủ nhà lần này cũng cơm nước đãi anh vô cùng tử tế, họ cũng lại hỏi anh về mục đích của chuyến đi. Một lần nữa anh tỉ mỉ kể lại số phận bi thảm của mình và suy nghĩ tìm đến chỗ Ngọc Hoàng thượng đế để hỏi chuyện. Khi nghe xong câu chuyện thì người chủ nhà lập tức đem gạo và tiền tặng cho anh, còn bảo:
- Tiện đây thì anh hãy hỏi Ngọc Hoàng giúp tôi việc này luôn nhé. Số là nhà tôi trồng được mấy cây cam, nhưng là không biết tại sao cây nào cũng cành lá sum suê nhưng lại chẳng ra quả bao giờ cả.
Tất nhiên là anh học trò tốt bụng cũng nhận lời rồi lại tiếp tục cuộc hành trình đầy gian nan của bản thân. Tuy nhiên đến khi anh muốn vượt qua biển để đến được hòn đảo mà Ngọc Hoàng hay ngự thì chỉ thấy một biển trời đầy nước vô cùng mênh mông, nơi này lại chẳng có cái thuyền cái bè nào cả. Anh học trò đành phải ngồi lại trên bờ mà chờ đợi. Nhưng anh chờ liền ba ngày vẫn chẳng thấy gì cả, lúc này thì anh bắt đầu cảm thấy sốt ruột lắm. Rồi một hôm anh bỗng nhiên nhìn thấy có con ba ba khổng lồ đang nổi lên trên mặt nước, nó bơi vào gần bờ nơi anh đang đứng, còn hỏi thăm xem anh có chuyện gì hay sao mà mấy ngày nay đều ngồi đợi ở đó. Anh học trò lại kể lại một lượt về chuyện khổ tâm của mình, rồi nói rằng điều anh mong ước nhất bây giờ là có thể gặp được một con thuyền hay một cái bè nào đó để anh có thể nhờ đi ra ngoài đảo kia. Ba ba khi nghe xong toàn bộ câu chuyện của anh thì nói:
- Vậy bây giờ anh hãy leo lên trên lưng của tôi đi, tôi rất sẵn lòng chở anh ra tận ngoài đảo kia. Tuy nhiên thì tôi muốn nhờ anh một chút, sẵn tiện anh hỏi chuyện Ngọc Hoàng thì hãy hỏi giùm tôi xem là tại sao tôi đã sống ở nơi này đã đủ một ngàn năm rồi nhưng mà mãi vẫn cứ giữ nguyên bộ dáng này chưa được thay đổi.
Anh học trò lại nhận lời giúp đỡ ba ba. Sau đó anh trèo lên lưng ba ba ngồi để nó rẽ nước rồi đưa anh băng qua không biết bao nhiêu sóng nước mênh mông. Hòn đảo ở xa tít mù khơi cũng ngày một rõ ràng hơn. Cũng không lâu sau thì chân anh cũng dẫm được lên hòn đảo kia. Tuy nhiên thì anh vẫn còn phải đi một quãng đường xa nữa, sau lại phải trèo lên trên đỉnh của một ngọn núi cao. Theo những lời chỉ dẫn mà anh biết thì nơi đây chính là nơi mà thi thoảng Ngọc Hoàng sẽ xuống nghỉ ngơi. Bởi vậy anh liền dừng chân tại đây, cố gắng chờ đợi cơ hội. Quả nhiên là không sai, anh học trò đợi khoảng ba ngày thì buổi sáng ấy, đột nhiên từ trên trời bay vụt xuống nơi đỉnh núi cao là một vầng sáng chói mắt. Ngọc Hoàng bước ra từ vầng sáng ấy rồi khoan thai bước tới ngự trên chiếc ngai chất đầy châu báu vô cùng rực rỡ. Nhìn thấy Ngọc Hoàng, anh học trò nghèo không chút rụt rè lập tức bước tới ngay trước mặt của Ngọc Hoàng quỳ xuống thỉnh cầu. Khi trông thấy anh thì Ngọc Hoàng liền chau mày hỏi:
- Nhà ngươi tới tận đây là muốn cái gì?
Anh học trò cũng không vội hỏi ngay việc của mình mà bắt đầu hỏi việc của con ba ba đã chở anh tới đây đầu tiên. Nghe anh hỏi xong thì Ngọc Hoàng liền bảo:
- Nó vẫn giữ khư khư hòn ngọc ở trong cổ họng nên mới không thể hóa kiếp được. Bây giờ chỉ cần nó nhả ngọc ra là lập tức được hóa kiếp.
Sau đó anh học trò lại tiếp tục tâu chuyện của người trồng cam. Ngọc Hoàng nói:
- Mấy cây cam đó không ra được quả bởi vì bên dưới gốc cây có vàng. Vì kim khắc mộc mới thành ra như vậy.
Anh học trò lại hỏi chuyện của nhà phú ông có người con gái bị câm từ nhỏ. Ngọc Hoàng lại đáp:
- Nó vẫn chưa nói được bởi vì chưa có trạng nào tới để mà khai khẩu giúp nó.
Anh học trò chuẩn bị hỏi tới chuyện của chính mình, nhưng nào ngờ Ngọc Hoàng vì thấy anh cứ hỏi mãi nên bực mình mà gắt lên:
- Thật là bực mình! Ta tới đây tưởng là có thể cách biệt với thiên đình kiếm tìm không gian yên tĩnh, ai ngờ bị mấy đứa trần gian tìm đến quấy rầy mãi.
Dứt lời Ngọc Hoàng cưỡi mây rồi bay luôn về trời. Thấy Ngọc Hoàng đã đi mất, anh học trò cho rằng đây là vận số của mình xui xẻo nên cũng đành ngậm ngùi mà quay trở về. Khi anh đến bên bờ biển thì đã trông thấy con ba ba khổng lồ chầu chực sẵn ở đó rồi. Nó lập tức bảo anh lên lưng rồi chở anh về đất liền, xong mới hỏi anh:
- Này anh, việc của tôi anh hỏi thế nào rồi?
- Bởi trong cổ của mày có viên ngọc, mày lại cứ khư khư giữ lấy nó không chịu nhả ra nên mới không hóa kiếp nổi đấy!
Nghe lời anh nói, ba ba lập tức nhả viên ngọc ra rồi biếu cho anh học trò, không lâu sau nó liền được đầu thai sang kiếp khác. Anh học trò lại trở về theo đúng con đường cũ anh đã đi qua. Khi đến nhà trồng cam, chủ nhà vội vàng chạy ra đón anh và hỏi:
- Này anh, việc của tôi anh hỏi thế nào rồi?
- Bởi vì có chôn vàng dưới gốc cây nên cây mới như vậy, bây giờ đào hết lên là cây sẽ có quả ngay.
Chủ nhà lập tức đi lấy cuốc thuổng tới đào thì thấy dưới mỗi gốc của cây cam đều có một chĩnh vàng. Chủ nhà vô cùng vui vẻ liền chia cho anh học trò một chĩnh vàng coi như trả công vì đã hỏi việc giúp mình. Rồi anh lại tiếp tục lên đường trở về. Lúc anh đi ngang qua nơi kinh thành, thấy không khí nơi này vô cùng tấp nập nên anh cũng tò mò mà vào nghía xem thử. Hóa ra là ở đây đang mở khoa thi chọn Trạng Nguyên.
Bởi có viên ngọc của ba ba mà anh học trò đột nhiên sáng dạ khác thường, kinh sử dù bao nhiêu thì cũng ôn đâu thuộc đấy. Bởi vậy anh quyết định nấn lá lại kinh thành. Cũng sẵn có vàng trong tay, anh liền đi sắm sửa đủ thứ, nào quyển thi, nào lều chiếu, còn có lễ vật… và cuối cùng thì anh cũng có được tên trong danh sách thí sinh ứng thí đợt này. Khoa thi năm ấy, bài văn của anh vô cùng xuất sắc nên được chánh chủ khảo đưa lên đầu bảng. Vua cũng khen ngợi vô cùng khi đã tìm được một nhân tài xuất sắc, xứng đáng liền phong anh học trò nghèo đậu Trạng Nguyên.
Không lâu sau đó thì Trạng cưỡi ngựa trở về vinh quy bái tổ. Cùng đi với Trạng còn có một đoàn lính theo tiền hô hậu ủng. Lúc đi ngang nhà của phú ông ngày trước, Trạng vẫn chưa quên lời hứa khi ấy của mình. Chàng lập tức dừng ngựa và ghé vào trong.
Phú ông ở nhà trông thấy bao nhiêu là quân gia nườm nượp kéo vào trong nhà mình thì vội vội vàng vàng chuẩn bị khăn áo chỉnh tề để chạy ra đón tiếp. Nhìn thấy quan Trạng tiến vào lại chính là anh học trò nghèo ngày trước tìm đường đi hỏi chuyện Ngọc Hoàng thì ông càng kinh ngạc hơn. Nhưng khi Trạng vừa chuyển câu nói của Ngọc Hoàng cho phú ông nghe thì cô gái câm đã từ trong buồng trong bước ra ngoài, nàng mỉm cười và cúi chào với Trạng, cũng tự nhiên cô thốt thành lời. Phú ông vô cùng mừng rỡ, để cảm ơn ân nhân giúp đỡ mình, phú ông liền ngỏ lời muốn gả con gái mình cho Trạng.