Sự tích một trăm trứng
Sau khi Lạc Long Quân từ lúc diệt trừ ba con yêu Quái là Mộc tinh, Ngư tinh và Cửu Vĩ Hồ tinh xong, mới bắt đầu xây dựng cung điện lâu đài. Ngoài những kiến trúc lớn, thần còn xây dựng ở trên một núi đá cao một chỗ ở rất đẹp gọi là Long Trang. Long Trang ngày nay không rõ là ở núi nào nhưng cứ ...
Sau khi Lạc Long Quân từ lúc diệt trừ ba con yêu Quái là Mộc tinh, Ngư tinh và Cửu Vĩ Hồ tinh xong, mới bắt đầu xây dựng cung điện lâu đài. Ngoài những kiến trúc lớn, thần còn xây dựng ở trên một núi đá cao một chỗ ở rất đẹp gọi là Long Trang. Long Trang ngày nay không rõ là ở núi nào nhưng cứ như tên gọi, có thể đoán được ngoài nhà cửa lâu đài còn có vườn tược rộng rãi, trồng đủ mọi thứ cây lạ. Thần lại xây dựng cung điện ở dưới nước làm chỗ ở lâu dài. Xong đâu đấy Lạc Long Quân xuống ở dưới thủy phủ, dặn dân sự lúc nào có việc gì cần đến chỉ gọi mấy tiếng "Bố ơi!" là thần sẽ lên giải quyết công việc.
- Truyện Mộc tinh
- Truyện Ngư Tinh
- Truyện Cửu vĩ Hồ tinh
Bấy giờ có thần Đế Lai đưa vợ (có chỗ nói là em gái) là Âu Cơ sang thăm đất Lạc. Cứ như sách Lanh nam chích quái thì Đế Lai cũng thuộc dòng giống Thần Nông ở cõi Bắc, đối với Long Quân có bà con họ hàng. Đế Lai đến nơi gặp lúc Long Quân đang ở dưới thuỷ phủ bèn để vợ lại nơi hành tại rồi dẫn bộ chúng đi thăm mọi chỗ. Không biết Đế Lai sang đây có âm mưu gì không nhưng nội một việc phục dịch cho thần và bộ chúng đã làm cho dân Lạc bất mãn, họ bèn gọi Long Quân lên.
Long quân đến chỗ hành tại thấy Âu Cơ đẹp đẽ thì đem lòng yêu dấu thần bèn hóa thành một chàng trai mạnh khoẻ phong tư rất mỹ miều đến trước cửa, gảy đàn và cất giọng hát ghẹo. Âu Cơ trông thấy tự nhiên có cảm tình với chàng trai lạ kia. Hai người bèn lấy nhau. Long Quân đưa nàng về giấu ở Long Trang.
Khi Đế Lai về thấy mất Âu Cơ, nổi giận đùng đùng, sai bộ chúng sục sạo tìm tòi khắp mọi nơi, Lạc Long Quân được tin báo bèn hóa phép phân thân nơi làm rồng rắn, nơi làm voi cọp cùng các thú vật kỳ dị đón các nẻo đường. Bọn họ khiếp sợ trở về khuyên Đế Lai rút lui. Nhưng Đế Lai không nghe cố ở lại tìm Âu Cơ Cuộc gặp gỡ giữa long Quân và Đế Lai không nghe nói thế nào chỉ biết kết quả Đế Lai phải mang tàn quân về Bắc.
Âu Cơ có mang đến kỳ sinh được một bọc thịt. Hai vợ chồng cho là quỷ quái đem quăng ra ngoài đồng. Quá bảy ngày tự nhiên trong bọc nở ra 100 trứng mỗi trứng tự nhiên nở ra một người con trai. Thấy sự lạ, Âu Cơ lại đem con về nuôi. Những đứa bé đó chả cần phải bú mớn gì cả, lớn lên như thổi, người nào người nấy khoẻ mạnh trí dũng khác thường.
Vốn quen tính ở nước, Lạc Long Quân tuy lấy Âu Cơ nhưng thường xuyên ở dưới thủy phủ để cho mẹ con một mình ở cung điện trên cạn. Thái độ hờ hững của thần làm cho Âu Cơ nảy ra tư tưởng nhớ nhà. Một hôm Âu Cơ rủ cả 100 con đi lần về bắc thăm quê cũ.
Bấy giờ Đế Lai đã bị Hoàng Đế đem quân tiêu diệt. Hoàng Đế nghe tin Âu Cơ đem 100 thần nam về, sợ rằng họ đến báo thù, bèn đem bộ chúng ngăn đón ở biên giới. Âu Cơ thấy cơ sự như thế đành phải quay về, sợ rằng họ đến báo thù, lo việc giữ gìn đất Lạc, nàng bèn gọi chồng lên. Vợ chồng cha con có một cuộc hội kiến ở đồng Cổn (Cổn dã).
Thoạt tiên, Âu Cơ trách chồng, cho chồng biết tình hình ở miền Bắc và bắt buộc chồng phải giải quyết tình trạng khó khăn. Nàng có ý trao trả tất cả trách nhiệm lại cho chồng, Nhưng Lạc Long Quân cho vợ con biết lý do chính đáng của mình:
- Tôi vốn thuộc giống rồng mà nàng thì là giống tiên. Tính tình tập quán của hai bên: kẻ ở cạn người ở nước khác nhau, khó mà ăn ở với nhau một nơi lâu dài được. Bây giờ trong số các con, một nửa theo tôi về thuỷ phủ còn một nửa thì ở lại với mẹ. Tuy kẻ ở rừng người xuống biển nhưng mỗi khi bên nào có hoạn nạn thì phải ủng hộ nhau không được bỏ.
Ý kiến của Lạc Long quân được vợ và con ai nấy đều tán thành. Thế là từ đó họ chia tay từ biệt.
(Theo NGUYỄN ĐỔNG CHI)
Khảo dị: Lạc Long Quân
Ngày xưa, sau khi dựng nên trời đất không biết bao nhiêu đời, vào thời thượng cổ, ở vùng châu thổ sông Hồng Hà (Bắc Việt), tộc Việt đã định cư sống tại đây, sinh hoạt bằng nghề làm ruộng theo nước thuỷ triều lên xuống và nghề chài lưới. Hồi bấy giờ đất Lạc Việt xuất hiện một thần tên gọi là Lạc Long Quân.
Tục truyền rằng Lạc Long Quân là cháu mấy đời của Thần Nông ở phía Bắc núi Ngũ Lĩnh, con của Kinh Dương Vương, vua nước Xích Qủy. Mẹ của Kinh Dương Vương là con gái Thần Núi Ngũ Lĩnh tức là bà Vụ Tiên. Kinh Dương Vương lấy con gái Thần Hồ Động Đình, rồi cuộc phối hợp giữa con trai Thần Núi và con gái Thần Nước sinh ra Lạc Long Quân. Con gái Thần Hồ Động Đình là Long Nữ vốn thuộc dòng rồng, nên con trai được di truyền nhiều tính chất của mẹ mà lấy hiệu Lạc Long Quân, vốn tên thật là Sùng Lãm.
Lạc Long Quân lớn lên được Kinh Dương Vương cho cai quản đất Lạc Việt. Bờ cõi nước Xích Quỷ bấy giờ phía Bắc giáp hồ Động Đình (Hồ Nam), phía Nam giáp nước Hồ Tôn (Chiêm Thành) phía Tây giáp Ba Thụ (Tứ Xuyên), phía Đông giáp bể Nam Hải.
Theo sách Lĩnh Nam chích quái thì Lạc Long Quân tính ưa ở nước, và vùng đất Lạc là một nơi bốn mùa khí hậu không nóng quá, không rét quá, có nhiều sông ngòi, ở sát bể, lại lắm cảnh vật kỳ lạ, cầm thú dị thường. Lạc Long Quân đi về phía đông nam, đóng dọc theo mạn bờ biển.
Hồi bấy giờ dân cư ở miền Duyên Hải đang bị một con cá to lớn đã sống không biết bao đời thành tinh phá hại khủng khiếp. Con Ngư Tinh nào thường quanh quẩn ở trong vịnh Bắc Việt để gây tai họa cho người ta. Mình nó dài ngoài năm mươi trượng, đuôi như một cánh buồm căng gió, miệng mỗi lần há rộng có thể nuốt lọt một chiếc thuyền con. Nó lại có phép thuật biến hóa dị kỳ, mặc sức tung hoành chẳng ai làm gì nổi. Ngư tinh có tính thích ăn thịt người, đã có biết bao kẻ sống về nghề chài lưới bị nó giết hại. Chỗ ở của nó là một cái hang lớn thông xuống đáy biển bên trên là một dãy núi đá ngăn cách vùng duyên hải ra làm hai nơi. Ngư tinh lấy đá lấp ngang làm cho eo biển hẹp lại.
Dân chúng đôi bên muốn qua lại với nhau phải đi thuyền theo con đường độc nhất đó, chứ vượt núi thì khó khăn hiểm trở, mà đi thuyền thì phải qua miệng Ngư tinh nằm ở hang đá chực sẵn đánh hơi thấy người là làm nổi sóng lên cho thuyền lật để ăn thịt.
Người ta kể lại rằng đã có lần thần Trời xuống đục núi mở đường cho dân sự hai bên qua lại để tránh khỏi làm mồi cho Ngư tinh. Con quái vật bèn hóa làm một con gà trắng bay lên ngọn núi gáy ba tiếng, làm cho thần Trời đang đào tưởng trên Thiên đình gọi nên bỏ dở công việc mà về trời. Dấu vết đục đá dở dang ở dẫy núi sừng sững ấy còn lại đến ngày nay, người ta vẫn gọi là đường Phật đào.
Khi Lạc Long Quân đến nơi, nghe kể chuyện tác hại của Ngư tinh mới quyết ra tay diệt trừ. Thần bảo đóng một chiếc thuyền lớn, cho rèn một khối sắt to nung đỏ rồi chèo đến phía cửa hang con thủy quái. Ngư tinh quen thói há miệng ra chực đón mồi, không ngờ lạc Long Quân liệng khối sắt nóng đỏ vào Con quái vật chồm lên, điên cuồng chống trả, đánh lại Long Quân. Cuộc giao chiến ác liệt giữa thần đất Lạc và con thủy quái làm nổi sóng gió, cuồn cuộn nước tung toé cả một vùng. Đôi bên đánh nhau liên tiếp ba ngày đêm. Long Quân được Thần Biển giúp sức ngăn bão táp, lại chặn đường không cho Ngư tinh thoát ra biển cả. Bị một khối sắt đỏ bất ngờ ném ngay vào cổ họng, lại gặp phải tay địch thủ lợi hại, Ngư tinh ban đầu còn vùng vậy phản công dữ dội, nhung rồi khí thế yếu dần chống trả không xong, toan kiến đường chạy. Lạc Long Quân nhất quyết không tha, rượt theo chém chết Ngư tinh, chặt ra làm ba đoạn, máu đỏ ngầu cả một vùng biển. Khúc đuôi Ngư tinh bị lột da căng lên một hòn đảo giữa biển, nay gọi là đảo Bạch Long Vĩ. Đẫu Ngư tinh hóa làm một con hải cẩu, bị Lạc Long Quân rượt theo chém chết, vứt đầu lên núi đá, nay còn gọi là Núi Đầu Chó (Cẩu Đầu Sơn). Đoạn mình của Ngư tinh bị sóng trôi dạt ra xứ Mạn Cầu ngày nay người ta gọi là Cẩu Mạn Cầu.
Trừ xong được Ngư tinh ở miền bể, Lạc Long Quân được dân chúng ở trong nội địa mời đến trừ một con quái vật khác, gọi là Cáo chín đuôi (Cửu vĩ Hồ tinh).
Bấy giờ ở đất Long Biên (Hà Nội ngày nay) về mạn phía tây, sát sông Hồng Hà, có một hòn núi đá có hang sâu rộng, người ta vẫn gọi là động con Cáo (Lỗ hồ dỗng) vì trong hang ấy có một con Cáo chín đuôi chiếm giữ lâu nay. Truyền rằng con Cáo sống trên một nghìn năm, đã hóa thành tinh, có đủ phép biến hóa thành người, thành vật thường trà trộn trong dân chúng để bắt đàn bà con gái đưa về hang hãm hiếp. Có khi con quái vật hóa ra quỷ trêu ghẹo cho người ta mắc bệnh đến chết. Dân sự lo sợ, hoang mang, vì con Hồ tinh thường lẫn lộn với người, phá rối đủ cách, khiến họ phải bỏ tất cả đất đai nhà cửa tránh xa các vùng ở gần hang nó. Thấy dân chúng càng sợ hãi, Hồ tinh càng làm lộng thêm, tìm đến nơi người Mán ở để phá quấy.
Có một bộ lạc người Mán bấy lâu vẫn sống yên ổn quanh vùng núi Tản Viên, dệt vải may một kiểu áo trắng riêng để mặc, nên người ta vẫn gọi là Mán áo trắng.
Họ trồng lúa theo lối đốt rẫy làm nương, dùng lửa thế cày, sinh hoạt giữa một thiên nhiên màu mỡ nên đời sống thanh nhàn, sung sướng thường vui chơi, ca hát quanh năm. Hồ tinh tìm đến hóa làm người trai trẻ, hoặc con gái xinh tươi, trà trộn vào bộ lạc Mán áo trắng cùng hát, rồi quyến rũ người về hang bắt hầu hạ hay cưỡng bức cho đến chết. Giờ đây đến lượt người Mán phải khốn đốn vì con quái vật.
Lời ta thán của dân đến tai Lạc Long Quân thần mới tìm đến động huyệt Hồ tinh. Thấy có người táo bạo đến hang, Hồ tinh xông ra làm dữ, bị Lạc Long Quân chặn lại. Một cuộc giao chiến khủng khiếp diễn ra. Hồ tinh giở các phép thuật biến hóa ra nhiều hình trạng toan hại đối phương song gặp phải tay địch thủ cao cường, mưu trí, con quái vật biết không làm gì nổi, nên cuối cùng đành bỏ chạy. Lạc Long Quân đã cho bao vây kín chặt quanh cửa hang, nổi lửa làm hàng rào chặn Hồ tinh lại, dùng gương sắt chém chết, quái vật hiện nguyên hình là một con cáo lớn có chín đuôi.
Những người bị Hồ Tinh bắt giữ trong hang đều được Lạc Long Quân giải thoát cho về. Động con quái vật thì bị bộ hạ Lạc Long Quân dẫn nước sông Cái vào phá huỷ. Nước tràn vào mấy ngày đêm, xoá mạnh vào hang, đào sâu thành một cái hồ sâu rộng, làm mất tích cả hòn núi đá. Người ta gọi là đầm Con Cáo (Lỗ hồ Đàm hay đầm thây Con Cáo (Thi Hồ Bạch) về sau đổi ra là Hồ Tây.
Dân sự bấy lâu trốn tránh nạn Hồ tinh được gọi về ở trên khoảng đất cao cạnh hồ, trồng trọt làm ăn ở cánh đồng phẳng bờ phía tây hồ Con Cáo, ngày nay còn giữ tên là làng Hồ.
Sau khi trừ xong hai con quái vật ở nước và ở đồng bằng, Lạc Long Quân lại nghe đến sự phá hại của một con yêu quái khác ở đất Phong Châu.
Nguyên nơi đây có một cây cổ thụ đã mấy ngàn năm, vô cùng cao lớn, um tùm che khuất cả một vùng, gọi tên là cây Chiên đàn. Sau một trận bão to cây bị trốc gốc, tinh cây hóa thành một con yêu quái, khi ẩn, khi hiện phá phách khắp nơi. Người ta gọi tên nó là Mộc Tinh, thích bắt người ăn sống, giết hại dân gian vô kể.
Lạc Long Quân quyết ra tay trừ hại, song gặp phải Mộc Tinh phép thuật thần thông, đánh nhau mấy ngày đêm vẫn không nao núng. Bộ hạ của Lạc Long Quân xông vào trợ lực, cũng không làm gì nổi Mộc Tinh. Thế không thắng nổi yêu quái, Lạc Long Quân bèn cậy đến cha là Kinh Dương Vương.
Gặp phải tay đối thủ cao cường hơn, Kinh Dương Vương lại có Lạc Long Quân trợ chiến, nên Mộc Tinh bị trọng thương phải tìm đường bỏ chạy. Nó lê về phía tây Nam rồi hóa thành quỷ gọi là qủy Xương Cuồng.
Quỷ Xương Cuồng ẩn náu trong rừng núi được ít lâu rồi lại quấy nhiễu dân chúng, rình mò đến các nơi hẻo lánh bắt người ăn thịt. Dân cư ở thượng du hàng năm phải lần lượt nộp mỗi nơi một người sống để cho nó đỡ phá hại. Sau có một thầy pháp sư cao tay bày kế mở một hội lớn làm trò cho quỷ Xương Cuồng đến xem, rồi thừa lúc bất ngờ rút dao chém chết.
Từ khi trừ được các mối hại cho dân, Lạc Long Quân về đóng đô ở xuôi, bắt đầu xây dựng cung điện ở đất liền và dưới nước. Lạc Long Quân dạy dân cách cày cấy và ăn mặc, thường thường ở Thủy phủ, dặn dân khi có việc thì cứ gọi: "Bố ơi!, sao không đến dạy vẽ chúng con?” Long Quân tức khắc đến ngay.
Bấy giờ Đế Lai trị ở phương Bắc, vốn dòng dõi thần Nông, nhân thấy thiên hạ thái bình, bèn đi thăm nước Xích Quỷ ở phương Nam. Trong lúc ấy Long Quân đang ở thuỷ phủ. Đế Lai để con gái yêu là Âu Cơ ở hành tại rồi đi thăm các địa phương . Dân chúng phải khổ sở vì những nỗi phiền nhiễu của họ hàng phương Bắc của Long quân, bèn cùng nhau to tiếng, gọi lên 'Bố ơi ở đâu? Sao để cho chúa phương Bắc đến xâm nhiễu dân chúng?” Long Quân đến, thấy Âu Cơ một mình ở hành tại, nhan sắc đẹp đẽ thì đem lòng yêu. Long Quân biến thành một chàng trai khoẻ đẹp, phong độ, hiện ra trước cửa đàn, hát tỏ tình ghẹo Âu Cơ. Âu Cơ trông thấy có cảm tình, vui theo. . . Long Quân đưa Âu Cơ về Long Trang, lâu đài xây trên một ngọn núi đá cao rất đẹp.
Đến khi Đế Lai trở về không thấy Âu Cơ, sai bộ hạ đi tìm kiếm mọi nơi không được, đành trở về Bắc.
Long Quân và Âu Cơ ở với nhau, cách một năm sinh được một bọc trứng, nở ra một trăm người con trai. Lũ trẻ chóng lớn khác thường, khỏe mạnh, trí dũng hơn người. Long Quân thường ở Thủy phủ để Âu Cơ sống cùng các con trong cung điện trên đất. Xa chồng, Âu Cơ đâm ra nhớ quê cũ, bèn dẫn các con về thăm phương Bắc. Bấy giờ Đế Lai đã bị Hoàng Đế tiêu diệt. Nghe tin Âu Cơ đưa một trăm con trai tới bờ cõi, Hoàng Đế sợ đến báo thù, bèn đem binh ra ngăn. Âu Cơ cùng các con quay trở lại phía Nam, gọi Long Quân đến.
Vợ chồng, cha con gặp nhau ở đồn Cồn, Âu Cơ nói:
- Thiếp ăn ở cùng chàng, sinh được trăm con trai. Nay chàng bỏ thiếp mà đi, khiến con không cha, vợ không chồng, chỉ tự bi thương mà thôi. Xin cho cùng theo chàng.
Long Quân nói:
- Ta thuộc giống rồng, nàng là giống tiên, thủy hỏa khác nhau, người thích ở cạn, người ưa ở nước, tính tình đôi bên khác nhau, không cùng ở chung với nhau một nơi lâu được. Bây giờ một nửa các con theo ta về Thủy phủ, còn một nửa thì ở lại với mẹ. Tuy đôi bên kẻ ở rừng, người ở biển, song đến khi có việc gì thì tin cho nhau, không được bỏ nhau.
Trăm con trai đều cùng nghe mệnh rồi chia tay nhau mà đí, 50 theo mẹ về núi, 50 theo cha về biển, chia nhau cai quản các nơi. Tổ tiên của người Việt bắt đầu từ đó. Âu Cơ cùng 50 con ở Phong Sơn, nay là huyện Bạch Hạc, tôn người con trưởng làm chúa, gọi là Hùng Vương, tức là thủy tổ của dân Việt Nam.