Tại sao núi chàng rể gù lưng

Ngày ấy, Thủy Tinh rất tức giận vì mang lễ vật đến chậm. Không lấy được Mỵ Nương, Thủy tinh bèn kéo hết quân đuổi theo đám cưới của Sơn Tinh. Đuổi đến sông Đà thì trời đã muộn. Quân của Sơn Tinh đã qua sông từ lâu, nước đã trong rồi. Thủy Tinh liền dâng luôn nước sông Đà lên đánh Sơn Tinh. ...

Ngày ấy, Thủy Tinh rất tức giận vì mang lễ vật đến chậm. Không lấy được Mỵ Nương, Thủy tinh bèn kéo hết quân đuổi theo đám cưới của Sơn Tinh. Đuổi đến sông Đà thì trời đã muộn. Quân của Sơn Tinh đã qua sông từ lâu, nước đã trong rồi.

Thủy Tinh liền dâng luôn nước sông Đà lên đánh Sơn Tinh. Quân của hắn chia làm hai ngả đánh vào mặt sau núi Tản; Một ngả theo suối Cái (1) đánh lên, một ngả theo ngòi Tôm (2) từ mạn thượng lưu sông Đà đánh xuống.

Sơn Tinh đã kịp thời ngăn chặn. Ông đã cho chăng lưới sắt ngầm suốt bờ bên trái sông Đà và bố trí 'buồng' lưới ở ngay cửa suối Cái.

Trong đêm tối, đất trời mù mịt, giữa tiếng mưa gào, bão thét, sóng gầm, quân của Thủy Tinh ồ ạt tràn vào vùng núi Tản. Toán quân phía ngòi Tôm tiến sát núi Chàng rể(3) là ngọn núi chắn giữ phía ngoài của dãy Tản Viên. Đám giặc hung hãn này dựa vào thế nước mạnh ở thượng nguồn sông Đà, thúc mạnh đánh vào sườn núi hết sức dữ dội. Đá rơi, cây đổ ầm ầm như trời long đất lở. Từ chập tối đến nửa đêm, núi Chàng Rể đã ba lần chuyển động. Chân núi bị sạt từng mảng lớn làm cho ngọn núi nghiên hẳn về phía ngòi Tôm.

Sơn Tinh phải đích thân chống dữ ở đây. Ông cho đan phên cạp quanh chân núi. Ông lại ra lệnh cho quân bẻ cây 'mần để' và lăn đá vôi đánh xuống mãnh liệt. Chất độc ở cây 'mần để' và đá vôi tan trong nước làm cho Thủy Tinh sặc sụa, trúng độc chết vô kể. Những tên sống sót chen nhau xô vào suối Cái để rút ra phía sông Đà. Nhưng đến cửa suối Cái, đám quân này lại chui gọn vào vòng lưới bủa vây của Sơn Tinh y như chui vào hom đó.

Thất thế nguy, Thủy Tinh ở phía sau liền thu đám tàn quân quay vòng trở lại. Hắn liều chết mở đường suối Di, phá vờ đổ dãy gò ở mặt đông bắc núi Ba Vì, rồi phá đồi xẻ ruộng đào thành sông Con, mở đường chạy ra ngả sông Hồng Nhưng đến địa phận xã Thụy An, Xuân Sơn, hắn lại bị phục binh của Sơn Tinh  đổ ra, đánh cho tan tác ở vùng đầm Dượng.

Ngày nay đến thăm vùng núi Ba Vì, còn thấy suối Di là một con suối lớn  chảy vào sông Con. Sông Con chính là sông Tích Giang bây giờ. Còn núi Chàng Rể vì đã bị húc nghiên rồi, không ngửng lên được nữa, đến nay vẫn gù lưng như một ông già, mặt nhìn ra phía ngòi Tôm. Còn cái tên là Chàng Rể thì chưa rõ vì  sao lại gọi như thế.

(Thuyền thuyết Đức thánh bất tử Tản Viên)

(1) Địa phận xã Minh Quang, Ba Vì, Sơn Tây.
(2) Địa phận xã Khánh Thượng, Ba Vì, Hà Tây.
(3) Địa phận xã Khánh Thượng, Ba Vì, Hà Tây.

0