Sự tích núi Chẹ và núi Chẹ Đồng
Tục truyền, khi Thủy Tinh đem lễ vật tới xin cưới con gái Hùng Vương thì Sơn Tinh đã đưa công chúa Mỵ Nương về núi Tản từ lâu. Vừa ghen vừa tức, Thủy Tinh bèn dâng nước biển Đông lên đánh Sơn Tinh. Tuy bị Sơn Tinh đánh cho thua to ở vùng đầm Dượng, Thủy Tinh vẫn mưu toan cướp lại Mỵ Nương. Lần ...
Tục truyền, khi Thủy Tinh đem lễ vật tới xin cưới con gái Hùng Vương thì Sơn Tinh đã đưa công chúa Mỵ Nương về núi Tản từ lâu. Vừa ghen vừa tức, Thủy Tinh bèn dâng nước biển Đông lên đánh Sơn Tinh.
Tuy bị Sơn Tinh đánh cho thua to ở vùng đầm Dượng, Thủy Tinh vẫn mưu toan cướp lại Mỵ Nương. Lần này Thủy Tinh kéo quân đánh vỗ vào mặt sau núi Tản. Bấy giờ dòng sông Đà còn chảy ven chân núi phía Tây Cả một vùng Thuần Mĩ, Sơn Đà, Tông Bạt (1) ngày nay lúc đó còn là dòng sông mênh mông nước trắng. Thủy Tinh chia quân ba mũi ồ ạt đánh lên núi Tản: Ngược dòng sông Đà đánh vào sườn tây bắc đến thượng lưu sông Đà đánh xuống tây nam núi; xẻ ngòi Tôm qua các đầm Mom, đánh thẳng vào chính nam.
Thủy Tinh còn phù phép cho nổi mưa to gió lớn, dâng nước sông lên tràn ngập hết ruộng đồng của nhân dân. Trong đêm tối, quân của hắn dựa vào những cơn giông bão ầm ầm để bẻ gẫy rừng, lợi dụng mưa tuôn nước xối làm lỡ từng tảng đá xuống sông.
Để chống lại bọn giặc dữ, Sơn Tinh đắp núi cao lên tận mây xanh. Thủy Tinh không sao dâng nước lên kịp, bèn thúc nước xoáy vào làm lở chân núi. Nhất là đám lâu la của hắn ở vùng thượng lưu sông Đà kéo theo luồng nước lũ xô về, hợp với bọn thủy quái ở ngòi Tôm đổ nước ra như thác vào sườn núi phía nam, làm rung rinh cả tòa núi lớn. Để phá thế bao vây uy hiếp của giặc, Sơn Tinh cho quân đắp thêm một dãy gò đồi kéo dài từ Đá Công lên núi Chẹ ngày nay để che sườn phía tây và phía nam núi Tản.
Biết Sơn Tinh mắc việc lâu ngày không trở về nhà, Thủy Tinh cho quân cải trang đến báo tin vợ con ông ốm nặng, mới mất, mời ông về gấp. Không rõ Sơn Tinh có biết đấy là tin giả mạo hay không, nhưng vẫn điềm nhiên bảo:
- Sinh mạng của vợ con ta không lớn bằng tính mạng của trăm họ. Trăm họ đang lầm thân khốn khổ vì bọn giặc dữ. Rủi vợ con ta có bề nào chăng nữa, ta cũng không thể bỏ mọi người mà về được.
Rồi, Sơn Tinh lại tiếp tục cùng mọi người gánh đất đắp núi. Đích thân Sơn Tinh tự gánh hai trái núi đắp chặn phía tây nam núi Tản. Một trái, Sơn Tinh đặt trấn giữ ngay phía ngòi Tôm. Còn một trái nữa, Sơn Tinh đặt chắn ngang sông Đà, không cho dòng nước xô thẳng vào phía núi như trước. Hai trái núi ấy, nay là núi Chẹ và núi Chẹ Đồng.
Bị núi Chẹ và núi Chẹ Đồng án ngữ, sông Đà phải đổi dòng chảy, chảy vòng ra xa khỏi chân núi Tản. Quân của Thuỷ Tinh mất chỗ dựa cũng phải lùi ra xa, theo dòng sông mới. Thừa thế, Sơn Tinh cho quân đốn gỗ mần để vót thanh lao nhọn từ trên cao đánh xuống 'Mần để' là một loài cây rừng có nhiều nhựa độc. Nhựa của nó nhuộm nước sông Đà từ màu xanh đen thành màu trắng đục gọi là nước vôi hay nước hoa mơ. Quân của Thuỷ Tinh phần thì trúng lao, phần thấm nhựa độc, chết trắng cả mặt sông. Thuỷ Tinh hoảng sợ, chuồn thẳng một mạch ra biển. Còn đám tàn quân của hắn như bọn Mu, Giải, Cộc, Dài thì trốn về ẩn nấp ở các ghềnh La Phù, ghềnh Bợ, ghềnh Trung Hà thuộc mạn hạ lưu sông Đà.
Vào mùa mưa lớn, đôi khi đêm đêm thấy núi động, nghe như tiếng cây lăn đá đổ, sáng ra thấy ở sườn non có vệt kéo dài như vệt kéo gỗ, nước sông Đà lên cao. Người ta tưởng tương rằng đó là Thuỷ Tinh đem quân lên núi đánh Sơn Tinh. Sau đó ít lâu thấy có gỗ 'mần để' trôi sông và dòng sông Đà lại xuất hiện màu nước hoa mơ. Người ta bảo đấy là điềm nước rút cũng có nghĩa là quân của Thuỷ Tinh đang bị thánh Tản đánh cho đại bại.