Truyện Ngư Tinh
Vừa tới vùng bờ biển đông nam cứ như bây giờ là một phần đất Quảng Đông và Bắc bộ, Lạc Long Quân đã nghe nhân dân than khóc về nạn Ngư tinh. Cảnh tượng con mất mẹ, vợ mất chồng phổ biến ở khắp vùng. Cả một dọc duyên hải vợi người đi vì con quái vật đó. (Đón đọc Truyền thuyết Lạc Long Quân và ...
Vừa tới vùng bờ biển đông nam cứ như bây giờ là một phần đất Quảng Đông và Bắc bộ, Lạc Long Quân đã nghe nhân dân than khóc về nạn Ngư tinh. Cảnh tượng con mất mẹ, vợ mất chồng phổ biến ở khắp vùng. Cả một dọc duyên hải vợi người đi vì con quái vật đó.
(Đón đọc Truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ)
là một con cá lớn sống không biết từ bao nhiêu đời thành tinh, thường đi lại ở một khoảng biển rộng tức là vịnh Bắc bộ bây giờ. Người nó dài hơn 50 trượng, đuôi như cánh buồm, chân sắp hai hàng ở hai bên người như chân rết. Ngư tinh có một cái miệng rất lớn có thể nuốt lọt hàng năm ba người luôn một lúc. Phép thuật của nó thần dị vô cùng có thể biến hóa hàng trăm cách không ai có thể lường được. Nó đến tung hoành ở đây không biết từ bao giờ, mỗi lần nó đi thì nổi mưa nổi gió thuyền bè khó lòng tránh khỏi tai nạn.
Ngư tinh thích ăn thịt người. Những người dân đánh cá biển, hồ ra ngoài khơi là y như bị hại. Họ phải lén lút làm ăn sát bờ nhưng nhiều lúc cũng không thoát được vì Ngư tinh rất thính. Mỗi lần thấy bóng con quái vật ở đâu là thiên hạ bạt hồn bạt vía cầm chắc cái chết trong tay.
Chỗ ở của Ngư tinh là một cái hang lớn ăn thông xuống đáy biển. Phía trên là cả một dãy núi đá đứng sừng sững ngăn miền duyên hải thành hai vùng. Ngư tinh lại lấp đá lấp ngang khúc biển làm cho eo biển rất hẹp. Dân sự hai vùng không thể không qua lại với nhau. Trèo núi thì xa mà dốc, chỉ có đi thuyền là tiện hơn cả. Mà đi thuyền thì không thể không qua con đường độc nhất đó. Người ta muốn đục núi làm một con đường giao thông để tránh con đường thuỷ nhưng đá cứng lởm chởm khó lòng thực hiện. Thành thử khi có Ngư tinh nằm ở hang há miệng sẵn để đánh hơi thấy thuyền đi qua là làm cho sóng cuốn lật thuyền, nạn nhân khó lòng trốn thoát.
Người ta nói đã có một lần Thiên thần hiện xuống đục núi đá mở lối cho dân qua lại bằng đường bộ dễ dàng. Ngư tinh thấy thiên thần động chạm đến sào huyệt của mình lấy làm tức giận, nhưng cũng biết thế của mình không phải là kẻ đối địch với Thiên thần, mới tìm một mẹo để cho họ phải bỏ dở công việc, Ngư tinh bèn hóa làm một con gà trắng bay lên đỉnh núi gáy ba tiếng. Thiên thần đang đào, bỗng nghe có tiếng gà gáy báo hiệu cuộc hội họp của Thiên đình nên bỏ dở công việc vội vã lên trời. Vì thế mà núi vẫn sừng sững chắn mất lối đi. Cũng vì thế mà ngày nay chỗ ấy còn có vết tích đá đục dở dang người ta gọi chỗ đó là Phật đào cứ như bây giờ là thuộc về Quảng Đông.
Lại nói chuyện Lạc Long Quân từ lúc mới đến, nghe kể chuyện Ngư tinh thì bừng bừng nổi giận quyết ra tay diệt trừ con thủy quái. Thần bèn làm một chiếc thuyền lớn và rèn một khối sắt ở trong có nhiều lỗ ngang dọc. Đoạn, thần cho đun đỏ khối sắt đó rồi chèo thuyền đến cửa hang của Ngư tinh, giả bồng một người giơ lên làm như cách ném cho Ngư tinh ăn thịt. Ở trong hang nghe tiếng động Ngư tinh quen thói nhô đầu lên và há miệng ra đón con mồi. không ngờ từ trên thuyền Long Quân ném khối sắt đỏ vào. Lần đầu tiên Ngư tinh bị mắc mưu và cũng là lần đầu tiên Ngư tinh tức giận đến điên cuồng. Hắn cố khạc cái vật nguy hiểm kia ra và chồm lên đánh Long Quân. Long Quân nhảy xuống nước chống lại. Hai bên giao chiến rất kịch liệt. Chiến trường mở rộng từ bắc xuống nam. Bấy giờ người ta chỉ thấy sóng gió cuồn cuộn, nước tung toé như bão táp. Trận đánh kéo dài ba ngày ba đêm. Bên phía Long Quân được thần biển giúp sức, ngăn hẳn gió bão lại và đón đường không cho Ngư tinh thoát ra đại dương.
Ngư tinh lúc đầu khí thế rất dữ dội nhưng dần dần sức yếu, lại thêm thực quản bị bỏng, phải đổi thế công làm thế thủ. Long Quân rượt theo cuối cùng giết được Ngư tinh, chặt làm ba đoạn. Đoạn đuôi, thần bắt lấy lột da căng phơi trên một hòn đảo ở giữa biển, nay hòn đảo ấy gọi là Bạch long vĩ. Trong khi đó thì khúc đầu của Ngư tinh hóa thành một con chó bể, Long Quân lấy đá ngăn biển lại rồi rượt theo chém chết, vứt đầu lên núi, nay hòn núi đá ấy còn gọi là Cẩu đầu sơn. Còn khúc mình của Ngư tinh thì trôi ra xứ Mạn cầu ngày nay còn gọi là Cẩu mạn cầu.