Sự tác động của kinh tế thị trường đối với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp thương mại
Nguyên tắc đối với các doanh nghiệp thương mại trong nền kinh tế thị trường Để thành công trong kinh doanh, các doanh nghiệp thương mại cần tuân thủ những nguyên tắc sau: - Phải lôi cuốn khách hàng rồi sau đó ...
Nguyên tắc đối với các doanh nghiệp thương mại trong nền kinh tế thị trường
Để thành công trong kinh doanh, các doanh nghiệp thương mại cần tuân thủ những nguyên tắc sau:
- Phải lôi cuốn khách hàng rồi sau đó mới nghĩ đến cạnh tranh.
- Mỗi khi làm lợi cho mình thì đồng thời phải làm lợi cho khách hàng.
- Tìm kiếm thị trường đang lên và chiếm lĩnh thị trường nhanh chóng.
- Đầu tư vào tài năng và nguồn lực để tạo ra được nhiều giá trị sản phẩm, dịch vụ.
- Nhận thức và nắm cho được nhu cầu của thị trường để đáp ứng đầy đủ.
Vai trò của kinh tế thị trường đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thương mại
Kinh tế thị trường là sản phẩm hoạt động kinh tế của con người đã trải qua nhiều thời đại. Kinh tế thị trường ra đời và phát triển mạnh mẽ cùng với sự ra đời của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa.
Trong nền kinh tế thị trường, toàn bộ quá trình vận hành từ sản xuất đến lưu thông phân phối đều được tiến hành trên thị trường. Đây là một quá trình mà người mua, người bán tác động qua lại lẫn nhau để xác định giá cả và số lượng hàng hoá. Kinh tế thị trường là cách tổ chức nền kinh tế xã hội, trong đó mối quan hệ kinh tế giữa các cá nhân, các doanh nghiệp đều thể hiện qua mua bán hàng hoá dịch vụ trên thị trường, và thái độ cư xử của từng thành viên chủ thể kinh tế là hướng vào tìm kiếm lợi ích của chính mình theo sự dẫn dắt của thị trường. Điều đó phát huy tính chủ động sáng tạo của các doanh nghiệp tăng cường khả năng thích ứng của doanh nghiệp trước sự thay đổi của môi trường.
Một doanh nghiệp tồn tại trong nền kinh tế thị trường hoàn toàn khác với một đơn vị kinh tế hoạt động trong cơ chế kế hoạch hoá tập trung ở chỗ nó không phải là một đơn vị kinh tế chấp hành theo mệnh lệnh của cấp trên mà là một chủ thể kinh doanh đối mặt với thị trường. Doanh nghiệp có toàn quyền quyết định và tự chịu trách nhiệm về quá trình kinh doanh của mình trong khuôn khổ pháp luật quy định. Để đảm bảo duy trì và phát triển lâu dài, doanh nghiệp phải biết chăm lo và bảo đảm quyền lợi cho người lao động hay nói cách khác doanh nghiệp phải bảo đảm thống nhất giữa lợi ích tập thể của cán bộ công nhân doanh nghiệp và lợi ích chung của hệ thống kinh tế quốc dân - sự thống nhất chung về mục tiêu đạt hiệu quả kinh tế- xã hội ngày một cao sẽ là bảo đảm chắc chắn cho sự nhất trí chung của toàn bộ doanh nghiệp.
Lợi nhuận là yếu tố quan trọng là động lực đối với hoạt động doanh nghiệp. Trong kinh tế thị trường doanh nghiệp thực hiện hạch toán kinh doanh theo nguyên tắc lấy thu bù chi và đảm bảo lợi nhuận, nhà nước không can thiệp vào hoạt động kinh doanh của họ. Khác với nền kinh tế tập trung trước đây nhà nước can thiệp quá sâu vào hoạt động của các doanh nghiệp, nền kinh tế thị trường đòi hỏi các doanh nghiệp luôn phải cố gắng vươn lên giành lợi ích cao nhất cho mình nếu không sẽ thất bại. “Kinh doanh thương mại là cuộc chạy đua không có đích cuối cùng ”, điều đó luôn đúng nhất là trong điều kiện kinh tế thị trường cạnh tranh khốc liệt này, không những chỉ cạnh tranh giữa người bán với người bán với người bán mà còn cạnh tranh giữa người mua với người bán, và người mua với người mua.
Trong điều kiện kinh tế thị trường đầy cạnh tranh đó, người mua có quyền quyết định, người mua chọn sản phẩm ai thì người đó bán được hàng và tồn tại, phát triển. Người mua không chấp nhận sản phẩm của người kinh doanh nào thì người đó không bán được hàng và phá sản. Phương châm “ Hãy bán cái mà khách hàng cần” luôn cần được các nhà kinh doanh quan tâm đến. Trong hoạt động kinh doanh, khách hàng nằm ở vị trí trọng tâm. Mọi quyết định kinh doanh của doanh nghiệp đều phải xuất phát từ khách hàng và hướng tới khách hàng để phục vụ.
Nhờ kinh tế thị trường mà hàng hoá cũng ngày càng phong phú đa dạng hơn, cũng luôn có xu hướng lớn hơn cầu, kinh doanh ngày càng khó khăn, mức độ rủi ro cao, các doanh nghiệp muốn thành công thì mới thoả mãn tốt nhu cầu khách hàng, mọi hoạt động kinh doanh đều hướng vào khách hàng. Giá cả hàng hoá được xác định thông qua cung cầu trên thị trường, cạnh tranh. Ngày nay trong cơ chế thị trường, các doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh trong khuôn khổ của pháp luật. Và trong quá trình kinh doanh các doanh nghiệp luôn tuân thủ, tôn trọng các quy luật của thị trường: quy luật giá trị, quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh...
Để kinh doanh có hiệu quả trong hoạt động kinh doanh các doanh nghiệp phải xây dựng được chiến lược kinh doanh đúng đắn, nắm vững môi trường kinh doanh, và có cách ứng xử phù hợp với từng hình thái thị trường. Qua đó giải quyết được ba vấn đề cơ bản trong kinh doanh : kinh doanh cái gì? Kinh doanh như thế nào ? Và cho ai?
Trong cơ chế mới - cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, doanh nghiệp có trách nhiệm và có thể làm tốt các vấn đề xã hội. Ngược lại giải quyết tốt các vấn đề xã hội sẽ tạo ra những động lực quan trọng bảo đảm sự phát triển hiệu quả kinh tế xã hội cao của doanh nghiệp trong hiện tại cũng như trong tương lai.