18/06/2018, 11:39

Quyển VI: Nói về thổ sản

Các vật sản quý nhất phần nhiều sản sinh ở phương nam. Châu Bắc-Bố-Chính có 50 làng sản ra nhân sâm, yến sào, mật ong trắng, sáp ong vàng, sừng con tê, ngà voi, sừng bò tót, diêm tiêu, giáng hương, trầm hương, tốc hương, thiết đằng (rotin de fer), long đằng (rotin dragon), gỗ thiết lâm (gỗ ...

  Các vật sản quý nhất phần nhiều sản sinh ở phương nam. Châu Bắc-Bố-Chính có 50 làng sản ra nhân sâm, yến sào, mật ong trắng, sáp ong vàng, sừng con tê, ngà voi, sừng bò tót, diêm tiêu, giáng hương, trầm hương, tốc hương, thiết đằng (rotin de fer), long đằng (rotin dragon), gỗ thiết lâm (gỗ lim), gỗ hòa hao, gỗ hoa nao (loupe), gỗ kiền kiền.

    Các rừng về châu Bố-Chính có thứ gỗ gọi là gỗ “ngật”, lại có tên là gỗ dầu, sắc nó trắng, chất nó mềm, lâu ngày thì sắc nó lại biến ra sắc vàng, uốn không gẫy, có thể dùng làm cánh nỏ.

    Châu Bắc-Bố-Chính sản ra thứ dâu rừng, có chất nuớc ngọt và mát. Cây nó không giống như cây dâu thường, hình nó như cây sâm, lá nó như lá cây móng tay. Đến tháng giêng thì quả nó chín đầy cả trong rừng. Ăn sống cũng có chất ngọt. Dân ở nơi ấy đem tẩm mật chưng lên làm mứt, để được lâu.

    Các làng Phù-lưu, Tiên-lễ ở châu Bắc-Bố-Chính có thứ sâm, hoa nó có sắc tía, giồng nó ở trong chậu cát cũng sống được. Nếu phơi và sao đúng cách thức thì hình dáng không khác gì bắc sâm. Vị nó ngọt, dùng uống có bổ ích, nên người ta hay dùng.

   Từ Thạch-hà, Kỳ-hoa ở Nghệ-an đến châu Bắc-Bố-Chính sinh sản nhiều thứ gỗ thiết táu, đen tím và bền, hạng lớn hạng nhỏ đều tốt. Lại có thứ gỗ gụ lại càng bền. Gỗ ấy có nhiều loại, có thứ đỏ, có thứ đen, có thứ có vằn đều tốt cả. Dùng gỗ ấy mà làm nhà cửa lại tốt hơn gỗ lim. Còn hạng có vân hoa chất nhẹ, có thể dùng thợ tiện để tiện làm ra đồ dùng.

    Về thời họ Nguyễn cứ 1 tạ (100 cân) hồ tiêu giá là 5 hay 6 quan, lái buôn Trung-quốc và Ma-cao thường mua về Quảng-đông. Giầu không cứ 60 lá là một  liền (tức là một tấm giầu hay là một thếp), 10 liền giá là 20 đồng tiền đồng. Nguời ta buôn vào Phú-xuân và mang ra Khang-lộc, Bố-chính để bán. Giá cau tươi cũng rẻ, 10 quả to giá có 3 đồng kẽm. Cây mít (ba la mật)  giồng lâu năm thì cây rất to, sắc vàng, vân nhỏ, nhân dân ở các huyện Minh-linh, Đăng-xương thường dùng làm cột nhà. Có cây rộng đến 1 thước 1 thốn. Có khi dùng gỗ mít làm bức bàn nhà gỗ (dùng gỗ thay tường gạch).

    Các làng ở huyện Hương-trà và ở chung quanh thành Phú-xuân cây cối cao lớn, như loài cây xoài, cây sung to đến vài mươi ôm. Các quân lính chặt làm ván lát và làm củi, dùng đến 1 năm không hết. Nguời xưa có nói “nuớc cũ có nhiều cây cao lớn’. Câu nói ấy thật đúng vậy.

    Ở Thuận-hoá, tục thường gọi ý dĩ là bo bo, hột vừng là mè, quả dứa là trái thơm, quả na là mãng cầu. Ba-la-mật thứ mềm gọi là mít ướt, thừ rắn gọi là mít ráo. Am-bà-la thứ nhớn gọi là xoài voi, thứ nhỏ gọi là xoài cơm, hạng vừa gọi là mọc ruộng.

   Xứ Thuận-hóa bốn mùa đều có rau tươi, non và ngọt, giá rất rẻ, một chục quả chỉ độ 2 đồng kẽm. Ở Quảng-bình cứ mỗi một gốc cau thì nguời ta giồng một gốc giầu không ở dưới, giầu không leo vào cây cau mà mọc lên. Cũng có khi người ta giồng thêm một gốc hồ tiêu. Các vườn cau thấy mọc san sát ở trong rừng.

   Ở chân núi Ải-vân có phường Lạc, phường Giá, phường Tây thuộc về Quảng-nam, cây cau tươi mọc nhiều như rừng, quả cau già vỏ nứt ra, người ở miền ấy lấy hạt cau chứa tích một nơi. Tầu buôn Trung-quốc đến mua đem về Quảng-đông, dùng thay nước trà.

    Thuận-hóa có nhiều loài chuối, tên gọi khác với 4 trấn. Chuối bụt gọi là chuối nanh lợn rất ngọt và thơm. Chuối hột gọi là chuối sứ, lại có thứ chuối kêu là Bà hương, giống như chuối tiêu nhung múi nó hơi chát, lại có thứ chuối tên là thanh tiêu, giống như chuối tai mèo nhưng quả dài hơn, lại có thứ gọi là chuối dai, giống như chuối bụt nhưng quả nhỏ, ruột vàng, mùi thơm, lại có thứ gọi là chuối cau, sản ở trấn Hà-tiên, vỏ mỏng, ruột vàng, mùi ngọt.

    Thuận-hoá nhiều khoai, có thứ gọi là khoai quai đường, nấu chín nó mềm nhuyễn như sáp, có thứ khoai đầu hầm, chỗ nào cũng có. Tháng 4 giồng, tháng 11 có củ, củ to như cái chậu, nấu ăn, mùi nó giống như mùi khoai đông dự ở xứ Kinh-bắc. Có thứ khoai khương, củ nó mọc từng cụm như cụm gừng, sắc trắng và mềm, có thứ khoai na, củ mọc cụm đẻ ra củ rất nhiều, dùng làm dưa ăn.

    Tổng Bái-giời và làng Chi-xá đều giồng cây dầu lai. Dân ở đó, ép dầu ấy đem đi bán. Làng Thủy-môi ở huyện Lệ-thủy cũng lấy hột dầu ấy đem ép ra dầu để bán cho các huyện. Mỗi một phường khách hộ, lệ phí nộp thuế dầu mỗi năm 40 chinh, được miễn cả các thứ thuế lệ khác như là sưu lính, sâu, đường, đắp lũy, cỏ voi ăn, đò chợ, gạch ngói và các lễ bài biểu, thương tiêu vân vân.

    Làng Phù-trạch huyện Hương-trà dệt cỏ bồ làm chiếu và làm cánh buồm. Chiếu ấy cũng giống như chiếu làng Quảng-lãm xứ Kinh-bắc. Hai làng Đại-phúc, Tuy-lộc huyện Lệ-thủy dệt chiếu cói thảo gian.

    Làng Hoa-sơn huyện Tân-phúc về phủ Điện-bàn nộp chiếu hoa để thay lệ sưu lệ lính. Hằng năm về dịp Tết Nguyên đán, Dinh cũ Quảng-nam thu 25 đôi chiếu mềm cói và 5 đôi chiếu nhỏ, 8 đôi chiếu cù du (thứ chiếu có hoa như là chăn chiên), 1 đôi chiếu trừờng kỷ, 1 đôi chiếu kỷ ngắn, 4 đôi chiếu nhỏ dùng thay đệm, 1 đôi chiếu trắng dài dùng giải ở Văn miếu, 1 đôi chiếu cù du có viền lụa huyền, cộng 50 đôi. Lại còn thu 75 đôi trắng để phân phát cho công đường các phủ và đền chùa ở xứ ấy. Cũng nhiều khi giao cho quan chức dinh Quảng-nam mua chiếu để dùng ở chùa miếu và ở các dinh cộng đến 350 đôi. Chiếu lòng bạch lãng mỗi đôi giá 6 mạch, chiếu lòng lệnh long mỗi đôi giá 3 mạch 30 đồng kẽm, chiếu lân phụng 5 mạch, chiếu bát hòa 2 mạch 30 đồng kẽm, chiếu hoa 7 mạch.

   Làng Nha-phiên huyện Phù-ly thuộc về phủ Quy-nhân có một đội dệt chiếu mỗi năm nộp 30 đôi. Phủ Phú-an cũng có đội ấy, mỗi năm phải nộp 50 đôi chiếu rộng, 1 đôi chiếu dài, 1 đôi chiếu hẹp. Chiếu mây nguởi ta đan ở các miền núi xứ Thuận-hóa, chiếu ấy không phải nộp thuế. Chỉ ở điếm tuần Viên-kiều thì mỗi năm phải nộp 2 đôi chiếu mây. Khổ chiếu hoa ở Quảng-nam dài 5 thước 4 tấc, rộng 4 thước, thứ chiếu nhỏ cói dài 7  thước 8 tấc 7 phân, ngang 1 thước 8 tấc 8 phân. Chiếu nhai văn ở tầu buôn Trung-quốc mang đến, trắng nhẹ và mềm, có thể cuốn để trong hòm áo. Chiếu hoa mây cũng do tầu buôn Trung-quốc mang sang có vẽ mầu đen mầu đỏ ngang dọc chen nhau.

    Nón dứa ờ Thuận-hóa cách chế nón khác các nơi. Thôn Tam-giáp-thượng và làng Triều-sơn ở huyện Phú-vinh dệt nón rất là nhỏ và mỏng.

   Làng Đốc-sơ về huyện Hương-trà làm giấy khổ nhỏ và khổ vừa. Truớc vẫn có lệ phải nộp thuế. Thôn Trung-chỉ phủ Phú-an cũng hằng năm có nộp thuế ấy. Hạng giấy ở xã Đốc-sơ và hạng giấy khổ vuông ở xã Vĩnh-xương đều làm bằng vỏ cây dâu rừng. Hạng giấy to ở xã Phú-lộc, Phúc-tuy  thuộc về huyện Lệ-thủy làm bằng vỏ cây thương lộc (tức là cây niết) rất là dầy và bền, không khác gì giấy lệnh ở Thanh-hóa.

    Thuế ở phuờng Ngu-võng huyện Hương-trà lệ phải nộp 30 cái chum.

    Hai làng Phan-xá và Hoàng-giang về huyện Khang-lộc đúc súng rất khéo. Họ Nguyễn lấy số 60 người dân ở làng Phan-xá đặt làm 2 đội thợ súng tả và hữu, có 12 viên cai quản gọi là chánh ty quan, mỗi người được cấp một mẫu ruộng và mỗi năm 10 quan tiền, và 40 người lính mỗi người mỗi năm được 10 thùng thóc và 5 quan tiền. Hai đội ấy do quan Ngoại tả và Ngoại hữu trông coi. Sau lại thêm mỗi đội 20 người. Hai đội ấy chỉ chuyên về việc làm khí giới. Cứ mỗi một khẩu trụ súng phải dùng 15 khối sắt, 3 quan 5 mạch tiền than, 10 cân gang, 1 lượng dầu. Cứ 10 khẩu súng tay phải dùng 30 khối sắt, 10 quan tiền than, 30 cân gang. Lại chọn 40 người ở làng Hoàng-giang đặt làm ty thợ đúc súng trong nội phủ, có một viên thủ-hợp mỗi năm được cấp 20 quan và một viên ty quan mỗi năm được cấp 30 quan. Quân lính thì mỗi người được mỗi năm gạo 10 hộc và 5 quan tiền. Công việc làm cũng như công vệc của 2 đội trên. Các cái đanh dùng vào súng to súng nhỏ thì do thợ rèn làm, cò súng thì do thợ bạc làm, cái nhi đích do thợ nhi làm, cái báng súng do thợ mộc làm. Trong 3 đội binh ấy chỉ có công việc đúc lòng súng mà thôi.

  Xứ Thuận-hóa có đội thợ đúc, mỗi đội 30 người, có phường thợ đúc ở làng Phú-xuân về phía nam sông. Các người thợ đúc ấy đều là người ở các nơi đến ngụ cư. Họ biết đúc súng đồng, và vạc, nồi, sanh chảo, cây đèn vân vân.

    Còn đội than gỗ mới lập ra từ năm kỷ dậu niên hiệu Vĩnh-khánh, đội ấy có 100 người, được miễn tiền gạo, sai dư và sưu dịch. Do quan Nhà đồ trông coi. Mỗi năm đội ấy phải nộp thuế than ở trường đúc. Đội ấy dần dần tăng lên đến 195 người.

    Làng Võng-thì huyện Phú-vinh chuyên nghề làm cuốc sẻng dao búa. Làng Mậu-tài chuyên nghề làm giây thau giây sắt. Làng An-lưu có nghề mài khí giới. Làng Dã-lê có nghề làm mui thuyền, mui kiệu và các bức đồ họa.

    Họ Nguyễn có ty thợ thiếc ở trong nội phủ, lính thợ có 10 người. Thợ ấy rất khéo, giá thiếc cũng hạ. Hai cái quả trầu tròn vo có vẽ hoa mà giá chỉ có 4 mạch tiền cũ. Nhưng sắc mầu không được tươi sáng.

    Trước kia họ Nguyễn hằng năm đến ngày lễ sinh nhật, các quan ở ty thợ phải có lễ mừng là 2 quan 5 mạch. Còn ty thợ đúc phải nộp lễ cho tất cả bản bộ 1 quan tiền, 1 chiếc ống nhổ thau hạng to, 1 chiếc ống nhổ thau hạng vừa, một chiếc đế đèn bằng thau. Về thợ đúc thì người kinh đô nôp 5 mạch, 1 chiếc ống nhổ to, 1 chiếc ống nhổ hạng vừa, 1 chiếc đế đèn bằng thau.

    Phố Hội-an ở Quảng-nam, các tàu thuyền ngoại quốc đem nồi đồng mâm đồng đến bán kể hàng nghìn muôn thứ. Lái buôn Trung-quốc mua buôn sang phố Thanh-hà được lời gấp đôi.

    Về thời Tuyên-đức, nhà Đại Minh đồ dùng rất là khéo. Lò hương bằng đồng có khắc chữ “Tuyên Đức niên chế“, nghĩa là làm vào năm Tuyên Đức, đồ đồng ấy sáng bóng không có vết cặn. Người ở Thuận-hóa thích tranh nhau mua thứ đồ đồng ấy. Đồ sứ như bát đĩa chén lọ có kiểu rạn (có vân như là rạn) cũng là kiểu thời trang về đời Tuyên-đức.

   Đồng hồ ở Tây-dương gọi là Thự minh chung hình dáng khác nhau. Người coi viện Thiên văn cũ Từ-tam-Bá có một thứ đồng hồ ấy hình cái tháp chùa, chiều cao 1 thước, mặt đằng trước có một phiến đồng vòng tròn, ở giữa khắc vòng có 12 giờ, giờ ngọ ở trên, giờ tý ở dưới, giờ mão ở bên đông, giờ rậu ở bên tây (có 12 phương vị), chia ra 8 phương và 4 duy. Từ đinh vạch 1 nét đến vị vạch 2 nét, đến khôn vạch 3 nét, chạỵ suôi cho đến tý, rồi lại bắt đầu từ quý vạch 1 nét, đến sửu vạch 2 nét đến cấn vạch 3 nét rồi xoay sang bên tả đến ngọ vạch 12 nét, ấy là 24 giờ, mỗi giờ 4 khắc. Cái vòng ngoài vạch 96 khắc. Mặt giữa đồng hồ đặt 2 cái kim, ở trong lớn mà ngằn để chỉ giờ, kim ở ngoài nhỏ mà dài để chỉ phân khắc. Về mặt sau có một miếng sắt bựng, về phía bên tả và bên hữu đều có một phiến đồng để che kín. Ở mặt trong có trụ đồng 4 góc 4 cái, và 5 cái trụ đồng nhỏ, 15 cái bánh xe đồng lớn và nhỏ. Có 3 bánh xe lớn thuôn chung vào một cái trục, bánh xe đầu là hình răng cưa, khi chuyển vận cọ sát vào nhau. Về mặt trên có một quả chuông to, 6 quả chuông nhỏ, có một cái dùi đồng để đánh chuông lớn và 6 cái dùi đồng để đánh 6 cái chuông nhỏ. Ở dưới có một cái giá cao 5 thước, đặt đồng hồ ở trên giá ấy. Có 3 sợi giây đồng buộc xuyên vào cái trụ to, sợi giây ấy từ trong 3 bánh xe mà dủ xuống. Dây ở giữa ngắn hơn, dây ở hai bên dài hơn. Ở hai bên đầu dây, một đầu buộc một hòn chì to nặng 6 cân, một đầu buộc một hòn chì nhỏ nặng 1 lạng 7 tiền  để chuyển động cho bánh xe chạy. Khi trông thấy hòn chì lớn dủ xuống cách đất độ một thước thì lấy tay đưa nhẹ lên để cho hòn chì nhỏ dủ xuống. Nếu không làm như thế thì đồng hồ không chạy. Phía sau bánh xe đồng lại phải có một quả đồng dài treo dủ xuống để đồng hồ chạy cho có điều độ. Nếu không dùng cách ấy thì đồng hồ chạy nhanh quá không thể đúng thời khắc vậy. Khi bánh xe xoay đến giờ đinh, khắc thứ nhất thì chuông to đánh một hồi, đến khắc thứ hai chuông nhỏ đánh hai hồi, đến khắc thứ ba chuông nhỏ đánh ba hồi,  khắc thứ tư chuông nhỏ đánh bốn hồi. Khi đến đúng giờ đinh thì chuông to đánh một tiếng. Rồi đến giờ vị, đúng khắc thứ nhất, chuông nhỏ đánh một hồi, đúng khắc thứ hai, đánh hai hồi, đúng khắc thứ ba đánh ba hồi, đúng khắc thứ tư đánh bốn hồi. Khi đến đúng giờ vị thì chuông to đánh hai tiếng. Còn các giờ khác cứ nhân đó mà suy ra. Giờ khôn chuông to đánh ba tiếng, giờ thân bốn tiếng, giờ canh năm tiếng, giờ dậu sáu tiếng, giờ tân bảy tiếng, giờ tuất tám tiếng, giờ nhâm mười một tiếng, giờ tý mười hai tiếng. Đến giờ quý lại bắt đầu như giờ đinh đánh 1 tiếng, giờ sửu hai tiếng, giờ cấn 3 tiếng, giờ dần 4 tiếng, giờ thân 5 tiếng, giờ mão 6 tiếng, giờ ất 7 tiếng, giờ thìn 8 tiếng, giờ tốn 9 tiếng, giờ tỵ 10 tiếng, giờ bính 11 tiếng, giờ ngọ 12 tiếng. Đồng hồ cứ theo giờ mà đánh chuông suốt ngày đêm không nhầm lẫn. Trên đồng hồ ấy có làm một cái mái, trên mái làm hình lá sen đế che, về bên hữu, hai mặt sau có kính thủy tinh để che bụi. Về bên tả, hai mặt trước có làm cửa để tiện lúc mở đóng phòng khi xem xét. Đồng hồ ấy đã để lâu năm Từ-tâm-Bá không sửa chữa lại. Tháng 5 năm bính thân có nguời khách Ma-cao tên tài phú Ngôn biết cách làm đồng hồ. Gọi đến hỏi thì hắn nói tuổi đã già không thể làm được. Hắn ta liền giới thiệu tên Nguyễn-văn-Tú Chiêu-tài-nam là chức Thủ-Hợp cụ thuộc về ty thợ làm kính của họ Nguyễn có tài sửa chữa đồng hồ. Bèn giao cho y chữa lại đồng hồ ấy, trong 10 ngày làm xong. Văn-tú lại chế ra một hàng đồng hồ kiểu nhỏ hơn, đồng hồ ấy cụng theo cách thức trước, nhưng bớt đi 5 bánh xe và 6 quả chuông nhỏ cùng một đoạn giây, không đánh chuông khắc, chỉ đánh chuông theo giờ. Người ta đo bóng nắng mặt trời để nghiệm xem thì rất đúng giờ không có sai nhầm chút nào. Văn-Tú là người làng Đại-hào huyện Đăng-xương, khi trẻ tuổi sang nước Hòa-lan (Hollande) học 2 năm, học được nghề làm đồng hồ và kính thiên lý rất khéo. Tuổi đã 74 mà mắt sáng như lúc còn trẻ. Em là Văn-thi, con là Văn-duy, dể là Lương-văn-Dung, cả nhà đều tinh nghề làm đồng hồ. Văn-tú lại làm một cái đồng hồ cũng như cái đồng hồ của họ Nguyễn đã giao cho chữa lại. Nhưng về mặt trước, phía trong chế thêm 2 bánh xe đồng hồ có lỗ thông với mặt ngoài, lỗ ấy đúng với cái kim về phía bên tả và bên hữu. Bên tả có 60 phiến đồng khắc chữ từ giáp tý đến quý hợi, bên hữu 30 phiến cũng khắc từ ngày mồng 1 đến ngày 30. Đến ngày nào thì chữ hiện ra ở hai bên. Khi đi hết một vòng, lại bắt đầu như trước. Máy đồng hồ ấy thật là tinh sảo.

   Lại có một kiểu đồng hồ từ Tây-dương mang đến cao 1 thước 5 tấc, ngang 1 thước. Ở trên có một tượng người tiên cưỡi voi. Bên tả bên hữu có hình 2 con rồng chầu mặt trăng. Ở dưới có 4 chân làm hình con voi phục, làm bằng hạng đồng tốt, nét khắc rất là tinh vi. Ở trong là hình tròn. Mặt đằng trước làm bằng miếng sứ trắng, trong ngoài khắc chữ Tây-dương, tầng trong khắc 24 giờ. Số tiếng chuông điểm giờ tý và giờ ngọ cùng một vị, ở trên khắc 12 vạch, quý và đinh cùng một vị khắc 1 vạch. Ở tây nam xoay sang bên tả, sửu mùi cùng một vị khắc 2 vạch, càn khôn cùng một vị khắc 3 vạch, dần thân cùng một vị khắc 4 vạch, giáp canh cùng một vị khắc 5 vạch. Ở tây bắc, mão dậu cùng một vị duới khắc 6 vạch, ất  tân cùng một vị khắc 7 vach. Ở về đông bắc thìn tuất cùng một vị khắc 8 vạch, tốn kiền cùng một vị khắc 9 vạch, tỵ hợi cùng một vị khắc 10 vạch, bính nhâm cùng một vị khắc 11 vạch. Ở đông nam, lại xoay về tý ngọ. Hai cái kim chỉ vào giữa cái mặt phiến sứ cũng giống như kiểu đồng hồ trước. Cái kim ở trong đi đến giờ nào thì chuông theo giờ ấy mà đánh. Từ nhâm đến tý, từ tý đến quý, ở khoảng giữa đều có hoa điểm. Khi cái kim ở trong đi đến chỗ hoa điểm ấy thì chuông cũng đánh 1 tiếng để phân biệt đầu giờ và cuối giờ. Mười hai giờ đều như thế. Ở ngoài cái mặt sứ lại có một mặt thủy tinh bịt đồng, bên tả có khóa để tiện sự mở đóng. Ở trong ruột đồng hồ treo những phiến đồng tròn bầu dục. Trong ngoài ba tầng đều đóng liền làm một. Ở trong lại có 2 bánh xe to, 10 bánh xe nhỏ với các trụ nhỏ ngang ở trên, mặt sứ có lỗ thông với trục sắt. Nếu khi đồng hồ không chạy, người ta lấy cái khóa đưa nhẹ vào thì đồng hồ lại chạy ngay. Thật là khó tả hết những máy móc ở trong đồng hồ ấy. Ở trên có cái chuông to để đánh giờ và điểm từng khắc. Về mặt sau, có một quả đồng đeo lúc lắc luôn luôn để làm bánh xe đồng hồ xoay từ từ có điều độ. Mặt sau có một phiến đồng, bên tả có khóa, bên hữu có chìa khóa để khi mở khi đóng. Tôi tuởng máy cơ hành đời thượng cổ (đời vua Thuấn) sự tinh sảo cũng không hơn được máy đồng hồ này. Văn-Tú cũng có thể chế được kiểu đồng hồ này, nhưng không chế được giây lò so. Kiểu này để vào chỗ bằng thì chạy, hễ hơi lệch là không chạy.

   Ở Thuận-hóa có thứ ngọc quý gọi là ngọc hạc đính giống như ngà voi, nhưng sắc ngọc nó vàng, lại hơi có điểm đỏ, thớ rất nhỏ và sáng sủa. Nguời ta chế ra làm hộp sáp và ngọc châu đeo chuổi để niệm Phật, đeo thứ ngọc ấy có thể lánh xa loài rắn độc. Thứ ngọc này do tàu buôn ở Tây-dương đem đến, chứ không phải là thổ sản vậy. Xét ở sách Vũ-bị-chí có chép nước Tam-phật-tề, có tên nữa là Cựu-cang (ở phía tây Trảo-oa về phía đông nam Tô-môn-cách-lạp) sản sinh loài chim hạc đính, lớn hon loài vịt, xương ở óc dầy hơn 1 thước, ngoài vàng trong đỏ, sắc sáng bóng rất đẹp. Nước Bột-nê (thuộc về bán đảo Mã-lai gần nước Trảo-oa) cũng có loài chim ấy.

    Xứ Thuận-hóa có thứ ngọc rất quý gọi là ngọc hoàn chiếu. Từ tầu buôn nước Hòa-lan (Hollandais) mang đến. Ngọc ấy có nhiều thứ sắc trắng và xanh còn sắc vàng và sắc đỏ thì rất hiếm. Hạng to bằng hột ngô, hạng nhỏ bằng hột đậu xanh. Người ta chế làm nhẫn đeo tay và đính vào đầu mũ. Để ở một nơi tối vẫn thấy ánh lóe sáng, gần ánh sáng mặt trời ta nhìn thì thấy ngọc ấy hiện ra năm sắc xanh đỏ nhấp nhánh. Cho vào lửa cũng không cháy. Một hạt ngọc ấy giá đến 800 lạng bạc. Lại có các thứ ngọc quý như thủy soạn, hoa soạn và ngọc kim cương.

    Người Tây-dương tên là Từ-tâm-bá làm Giám đốc đài thiên văn cho họ Nguyễn ngày trước, ở phố Phú-xuân đã 30 năm, đem theo sách vở sang đến mấy chục quyển đều là chữ Tây-dương không ai hiểu được. Chỗ ông ta ở, nhà cửa sân vườn rất sạch sẽ. Ông ta lấy nghề bán thuốc Tây-dương làm kế sinh nhai. Thuốc hoàn, thuốc tán, thuốc nước đều để vào lọ thủy tinh hay pha lê. Ông ta nói “đá mắt mèo” dùng làm nhẫn đeo tay chỉ có hai thứ vàng thẫm và vàng nhạt là của thật, còn như sắc khác đều là giả mạo cả. Còn như Ngoc hoàn chiểu muốn biết thực hay giả thì cứ cho vào lửa mà cũng không vỡ là thực, nếu cho vào lửa mà cháy hay vỡ thì là thủy tinh.

  Xứ Thuận-hóa người ta lấy lá mài hổ phách cho sáng, rồi ngậm nước rựa củ nghệ phun vào, lại lấy gỗ tử đan tẩm ruợu chưng qua, đem hổ phách ngâm vào một lúc thì sắc nhạt hóa ra sắc đỏ, hôm sau lấy dầu sát vào thì sáng bóng như hổ phách thật. Gỗ tử đan ở Trung-quốc không có. Gỗ ấy do tầu các xứ mọi ở nuớc Xiêm-la mang đến. Đem gỗ ấy chưng với rượu thì hóa ra sắc đỏ nhuộm được, giặt không phai.

    Sà cừ sinh sản ở Quảng-nam. Khi người ta muốn dùng sà cừ để khảm đồ vật, quan coi Nha đồ tư ra quan ở địa phương ấy sức cho các xã, thôn, phường đi mua kiếm để đem nộp. Có khi đến 4.500 phiến, có khi 2.000 phiến hay 3.000 phiến, Người Thuận-hóa dùng để khảm bàn vuông, bàn tròn, khảm chuôi gươm và tráp, hòm vân vân. Người Chiêm-thành và Cao-miên khảm sà cừ vào bàn hay hộp phần nhiều khảm thêm miếng thủy tinh nhỏ, trông có sắc xanh biếc đẹp lắm.

    Hột huyền, thổ sản ở trấn Hà-tiên, khối của nó như khối đồng, sắc đen như sắt. Người ta nói hột huyền có thể trừ gió độc, nên họ thường tiện ra để làm chuổi hạt châu.

    Kỳ nam sản xuất ở núi về hai phủ Bình-khang và Duyên-khánh thuộc xứ Quảng-nam là hạng tốt nhất, sản ở Phú-an, Quy-nhân là hạng thứ hai. Hương kỳ-nam là bởi ruột cây gió kết lại mà thành ra. Cây gió có 3 loại : gió luỡi trâu kết thành khổ trầm, gió niết kết thành trầm hương, gió bầu kết thành kỳ nam. Khi người ta trông thấy cây đã già, lá nó vàng, thân cây có biếu thì biết là cây ấy có hương, bổ ra mà lấy. Trước kia họ Nguyễn đặt ra đội An-sơn, hằng năm cứ tháng 2 lính ở trong đội ấy đi vào núi tìm kiếm, đến tháng 6 thì về. Người kiếm được nhiều, kẻ kiếm được ít, không nhất định. Loài kỳ nam có mầu giống như sáp trắng là hạng tốt nhất, thứ nhì là màu xanh như đầu vịt, thứ ba là mầu như sáp xanh, thứ tư là màu như sáp vàng, còn thứ màu vằn hổ là thứ kém. Kỳ nam thứ nào mềm như phấn đông lại, có thể cắt ra từng phiến thì là thứ tốt hơn cả, thứ nào cứng là kém. Tục ngữ có câu : “Tốt nhất là trắng, thứ hai là xanh, thứ ba là vàng, thứ tư là đen”. Người ta chỉ căn cứ vào hình, chất, khí mà phân biệt được trầm hương với kỳ nam khác nhau. Trầm huương nặng, ít hương, sắc nhạt, mùi đắng, kỳ nam mềm nhẹ, có chất dầu. Hương thanh, đủ cả các mùi cay, chua, ngọt, đắng. Đốt lên thử, khói trầm hương bắt đầu kết lại rồi tan ngay, khói kỳ nam lên thẳng và triền miên lâu tan. Trầm hương chỉ có thể hạ khí, kỳ nam thì trị được cả chứng trúng phong, đờm xuyển, cấm khẩu. Nguời ta mắc phải chứng ấy, đem kỳ nam mài vào nước đổ cho uống và đốt kỳ nam cho hương thơm vào mũi thì sống lại ngay. Người đau bụng dầu chuớng lên, ngậm vào khỏi ngay. Kỳ nam lại có thể trừ khí độc, khí uế. Người đi đường và đi đánh trận cần phải có nó. Kỳ nam kỵ bọc giấy, nên để vào đồ sứ và lấy vỏ cây chuối bao cho kín. Đem phơi ra nắng buổi chiều lấy ra liền thấy dầu chảy ra. Nhưng cũng không nên phơi luôn. Các điều trên này là do Cựu Văn chức Hiến chưởng nam họ Nguyễn thuật lại.

    Xét ở tập Thiên-nam-du-ba có chép miền Ô-kim, Trà-đinh ở huyện Bồng-sơn, miền Kiêu-bông, thôn Nhã-ca ở huyện Phù-ly và huyện Tuy-viễn đều hằng năm phải tiến cống kỳ-lam-hương, Kỳ-lam-hương tức ở đây goị là kỳ-nam-hương. Lại xét về mục hương phả ở bộ Sự văn loại tụ chép rằng: “Trầm hương thuộc về loài cây thung cây cù có nhiều đốt. Khi người ta muốn lấy trầm hương, truớc hết chặt cái rễ nó đi, để lâu năm vỏ và thân cây đều mục mà ruột và đốt nó vẫn không nát, ấy là trầm vậy. Hạng nào cành nhỏ rắn chắc là hạng quý, hạng đen mà cho vào nuớc thì chìm là trầm hương, nửa chìm nửa nổi là kê-cốt hương, hạng thớ to là  tiên hương. Trầm hương sản ở nhiều nơi, sản ở Chân-lạp là hạng tốt nhất, ở Chiêm-thành là thứ hai, ở Bột-nê là thứ ba. Trầm hương sản ở Chân-lạp chia làm 3 hạng, hạng ở Lục-dương là là tốt nhất, hạng ở Tam-lộc thứ hai còn hạng Bột-la-cương là kém. Nói về hương thì hạng trầm có ngay khi cây còn tươi là tốt nhất, hạng trầm nào khi cây đã héo mà rụng xuống là hạng vừa. Chặt nó dòn và rắn là tốt, chất vàng là hạng vừa. Hình nó có thứ như hình con tê, có thứ như hình con chim yến, có thứ như hình cái thoi“. Nay hỏi lại mọi nguời ở Nghệ-an, Thuận-hóa chuyên nghề đi kiếm hương, tôi mới biết rõ  là trước kia nguời ta nói là sai lầm.

    Xét ở bản thảo bị yếu (sách thuốc) chép : trầm hương cay, đắng và thơm. Mọi loài cây đều nổi, chỉ trầm hương là chìm, cho nên làm cho khí hạ xuống và trừ được đờm. Dù có tính làm cho khí hạ xuống, nhưng lại có tính thăng để lên, khí thơm vào chân tỳ, có thể điều hòa được dạ dầy, lá lách, sắc đen và chất là dương cho nên vào chân thận, bổ cho mạnh môn hỏa, có tính làm cho khí lưu thông mà không hại khí, làm cho trong bụng ấm áp mà không bốc hỏa lên, lại trị được chứng đau bụng và chứng đi lỵ cấm khẩu cùng các báng tích, chứng trúng phong, vân vân. Hạng sắc đen xuống nước chìm thì tốt. Hạng mùi ngọt thì có tính ôn hòa, hạng có chất cay thì nóng. Thứ trầm có vân vàng gọi là hoàng trầm, thứ trầm như sừng trâu gọi là giác trầm, thứ trầm khi người ta thấm thì thấy mềm, khi người ta bóc thì nó cuốn lại là hoàng-lạp-trầm, hạng ấy rất hiếm có, hạng trầm nổi gọi là sạn hương, hạng trầm nửa nổi nửa chìm là tiên hương. Còn hạng gọi là kê cốt hương dẫu chìm nhưng ruột rất rắn thì không dùng được.

    Cứ theo như tôi nhận xét thì loài kỳ nam hạng tốt nhất tức là hoàng-lạp trầm, hạng vừa là hoàng trầm.

    Huyện Hương-trà có phường dệt lụa hoa ở phía sau Phú-cam và đông nam sông Phú-xuân vào khoảng giữa 3 làng Sơn-điền, Dương-xuân và Vạn-xuân, mỗi làng 10 nhà có 15 người thợ dệt. Ông tổ xa đời, nguyên là nguời ở phủ Thăng-hoa về dinh Quảng-nam, học được nghề dệt của nguời thợ dêt Trung-quốc, nghề dệt ấy truyền đời nọ đến đời kia. Họ dệt được các thứ sa hoa, gấm vóc, sô nhiễu rất khéo.

   Xứ Quảng-nam, về thuế lụa chỉ thu ở hai phủ Thăng và Điện. Còn về phủ Phú-an có thợ dệt gọi là đội sa-thái, lệ phải nộp thuế sai dư 16 tấm 18 thước lụa, thế nộp bằng tiền 66 quan 8 mạch. Có thuộc Hoa-châu lệ phải nộp thuế sai dư 36 tấm 13 thước 3 tấc lụa, nộp thay bằng tiền là 218 quan 6 mạch 42 đồng kẽm. Làng Long-phượng huyện Mộ-hoa về phủ Quảng-nghĩa phải nộp 2 tấm 7 thước 5 tấc 8 phân lụa, nộp thay bằng tiền là 11 quan 2 mạch đồng kẽm.

  Phủ Thăng-hoa, hằng năm phải nộp 1545 tấm lụa, huyện Phú-châu ở phủ Điện-bàn hằng năm phải nộp 2358 tấm lụa. Ngày trước Đoan-quốc-công dâng lễ cống vào triều dùng thứ lụa rộng 1 thuớc 7 tấc, dài 33 thước, dầy như một nắm chỉ.

    Thuộc Hoa-châu ở phủ Thăng-hoa hằng năm phải nộp thuế 809 tấm lụa và thêm 11 tấm lụa để biếu, chứa vào 17 cái hòm đem nộp. Số lụa thuế để tiến vào nôi phủ, số lụa biếu quan các trấn, cái lệ ấy cũng là theo lễ ý đời cổ vậy.

    Thuận-hóa có thợ dệt gấm chỉ độ hơn 10 người. Mỗi một người phải nộp 4 mảnh. Đội tiểu sai nhận thu vào kho. Thứ to gọi là phương cẩm, giá tiền 9 mạch, thứ to dầy giá 6 mạch, thứ to mỏng giá 5 mạch. Cũng có năm nộp thay bằng tiền.

    Thuận-hóa cứ mỗi năm đến dịp Tết, quan Tri-bạ tầu phải lễ  một tấm hồng sô, một tấm lăng hoa trắng (thay nộp tiền 10 quan). Ngày lễ sinh nhật họ Nguyễn lễ vật cũng theo như lễ ngày Tết. Cai-bạ tầu dâng một tấm kim ngân đoạn (thay tiền 17 quan), một tấm lụa hồng (thay tiền 5 quan), một tấm lụa trắng (thay tiền 5 quan).

    Dinh Quảng-nam có thợ dệt sa tanh nộp 46 tấm sa tanh để thay thế vào các thứ thuế sai dư, thương tần, tiết liệu. Làng Thanh-hảo huyện Mộ-hoa về phủ Quảng-nghĩa mỗi năm nộp vải trắng 1170 tấm để thay thế sưu lính.

    Các làng Đồng-dân, Dương-nổ, Quận-lỡ dệt vải nhỏ, làng An-lưu dệt lụa vàng, lụa trắng. Huyện Phú-vinh có thợ thêu khéo, thêu được các lối hoa, thưa và khít khác ráng mà vẫn có vẻ đẹp. Đàn bà hay thêu ở cổ áo và thêu vào túi đựng giầu cau.

    Người làng Quảng-nguyên về huyện Hương-trà dệt mũ mã vi rất khéo, làm ra hình rồng phượng và các kiểu vạn thọ, tam sơn, bát bảo, lại chế ra khăn nhã tu, trông tưởng như là mầu sa tanh thâm. Thường thường nguời ta lấy hổ phách nạm vào đầu mũ.

    Suốt cả một huyện Khang-lộc đều dệt vải (chỉ trừ có 2 làng không có nghề dệt). Làng Bình-xá, Vu-xá ở huyện Lệ-thủy đều làm nghề dệt lụa.

    Năm Giáp Tý, niên hiệu Cảnh-hưng thứ 5, Nguyễn-phúc-Khoát nhân có câu sấm ở Nghệ-an lưu truyền rằng “Bát thế hoàn trung đô” (nghĩa là đến đời thứ tám được về kinh đô). Tự nghĩ rằng từ đời Đoan-quận-công đến đời ấy đúng là 8 đời. Bèn tự xưng vương hiệu. Theo kiểu mẫu mũ áo ở trong tam tài đồ hội làm mẫu sắc áo mũ cho các quan Văn Võ. Võ từ Chưởng doanh cho đến Cai đội, Văn từ Quán bộ cho đến Chiến hậu Huấn đạo đều theo lối mới. Áo dùng vóc đoạn, hạng quý hơn dùng áo bào thêu rồng và thủy ba, mũ dát vàng bạc. Lại hạ lệnh cho giai gái hai xứ ấy cải trang theo lối áo quần Trung-quốc, để tỏ ra sự đổi mới. Con gái mặc áo ngắn hẹp tay như áo con giai, cái lối ăn mặc ấy thì người Trung-quốc cũng không có. Đã hơn 30 năm thành ra thói quen, người ta quên cả lối ăn mặc cũ. Khi quân nhà vua kéo vào xứ ấy, có người ở Đăng-xương tên là Trần-duy-Trung dâng thơ có câu rằng “tám đời đã chán pháp lệnh Tần, trăm năm lại thấy uy nghi Hán”.

   Mùa xuân năm Bính Thân, đặt ra Trấn phủ nha môn, tháng 7  ban bố tờ hiểu thị rằng: “Y phục nước nhà đã có lề lối. Từ khi trước xứ này vẫn theo quốc tục. Nay nhờ ơn đức nhà vua, vỗ yên nơi biên cảnh, trong ngoài đã thống nhất, phong tục phải như nhau. Hiện nay còn thấy nhân dân mặc lối áo quần Trung-quốc. Vậy nay nhất luật phải ăn mặc theo lối quốc tục. Các nhân dân phải dùng vải và lụa, chỉ trừ có quan chức mới đuợc dùng sa tanh nhiễu đoạn. Đến như gấm vóc và thêu rồng phượng nhất thiết cấm hẳn không được tiếm dùng. Còn như áo mặc thường thì đan ông đan bà phải mặc áo ngắn cổ hẹp còn tay áo rộng hay hẹp được tùy ý. Áo mặc thì từ hai nách trở xuống phải khép vạt áo lại, không được mở thênh ra. Trừ có đàn ông nếu muốn mặc áo cổ viền hay ngắn để tiện làm việc thì cũng được. Đến như áo dùng về việc lễ nghi thì mặc áo thụng dài, hoặc vải xanh hoặc vải thâm hoặc vải trắng tùy theo trường hợp. Về các đấng bậc cổ áo và bố tử thì theo như điều hiểu dụ năm trước mà chế.”

    Xừ Thuận-hóa hưởng thái bình đã lâu ngày, công sở và tư gia đều giầu có, đồ ăn mặc và đồ dùng đều xa hoa. Trải qua đời Hiếu Vương hào phóng, kẻ dưới bắt chước thành thói quen. Từ quan to đến quan nhỏ, nhà cửa khắc chạm, tường xây bằng đá bằng gạch, màn dùng bằng sa bằng đoạn, khí dụng bằng đồng bằng thau, bàn ghế làm bằng gỗ đan gỗ trắc, cốc chén bằng đồ sứ, yên ngựa dây cương nạm vàng bạc, quần áo là lượt, nệm hoa chiếu mây, lấy sự xa xỉ khoe khoang lẫn nhau. Những nguời có chức vị ở dân làng cũng mặc áo đoạn vẽ kiểu bát ty và áo lương, áo sa, áo địa đều là áo mặc thường. Ăn vận áo vải mộc mạc thì cho là đáng hổ thẹn. Ngay đến binh sĩ cũng ngồi chiếu mây, dựa gối xếp, ấp lò hương cổ, uống nước trà ngon, chén sứ bịt bạc, ống súc bằng thau, chén bát đĩa dùng để ăn uống đều là đồ sứ của Trung-quốc. Một bữa ăn ba bát sứ to. Đàn bà con gái vận áo sa, áo lụa đỏ, thêu hoa ở cổ áo. Quen thói hoang phí, coi tiền bạc như rác, thóc gạo như bùn.

    Tham mưu cũ của họ Nguyễn là Lê-công-Bình kể truyện rằng : Nguyễn-phúc-Thuần tin cậy vào Quốc phó Trương-phúc-Loan. Loan là nguời rất tham lợi, hễ thấy có lợi là nhắm mắt làm tràn. Trong nhà chứa tích vàng bạc của báu lụa là không biết bao nhiêu mà kể, mà vẫn chưa mãn nguyện.

    Nguyễn-phúc-Thuần lại dùng hai người cậu : Một là Nguyễn-Moãn (trông coi thủy cơ), tính nghiện rượu, say sưa suốt ngày, không hiểu biết một việc gì. Một là Nguyễn-Nghiễm (coi hữu cơ), tính thích gái đẹp, lấy 120 người làm thiếp, châu ngọc chất đầy ở hậu phòng.

    Nguyễn-phúc-Thuần tin dùng những hạng người hư hỏng đến thế, còn làm sao mà chả mất nước.

    Năm Kỷ Sửu, Nguyễn-phúc-Thuần hạ lệnh cho các huyện lập ra mỗi huyện đều có hội du xuân, mỗi tụi 50 người, mỗi người nộp thuế 1 quan. Phóng túng đến thế là cùng..

    Hiếu-Vương có 15 người con. Con cả là Phúc-Hiệu gọi là Đức Mệ mất sớm. Con thứ hai là Chưởng-Vũ, con thứ ba là Chưởng-Văn. Phúc Thuần ít tuổi nhất, vì mẹ Phúc-Thuần là anh chị em cùng một họ, cho nên nuôi ở trong cung, không lập làm kế vị.

    Đức Mệ có con tên là Phúc-Dương gọi là Chị Dương, Hiếu Vương cung không lập làm kế tự. Ý muốn lập Chuởng-Vũ, nên ủy thác cho Nội hữu Ý-đức-hầu trông nom săn sóc. Tháng 5 năm ất dậu Hiếu-Vương mất, Thái-giám Chử-đức-hầu cùng Nội tả Thân-kính-hầu giả mạo truyền di mạnh cho Ngoại tả Trương-phúc-Loan lập Phúc-Thuần nối ngôi.. Bọn này bắt bỏ tù Chuởng-Vũ và giết Ý-đức-hầu, Trương-phúc-Loan vốn vẫn ghét em Hiếu-Vương tên là Chuởng-Hoàng (Thuờng-quận-công) sai người vu cáo Chuởng-Hoàng mưu làm phản, nhưng xét ra không có tang tích, liền lấy cớ là Chưởng-Hoàng dấu riêng một khẩu súng, đem bỏ tù mấy năm. Chuởng-Hoàng  uất ức phảỉ bệnh ung thư chết.

    Năm Quý Tỵ giặc Tây-sơn Nguyễn-văn-Nhạc nổi loạn, đưa thư cho Thám-mưu-Tá nói giả mạo là của Trương-phúc-Loan xúi dục làm loạn. Thám-mưu-Tá đua thư ấy cho Chuởng-Văn. Chuởng-Văn nói với Nguyễn-phúc-Thuần, Phúc-Thuần giao cho các tướng họ Nguyễn hội đồng tra xét. Phúc-Loan hết sức tỏ bầy. Sau khi xét ra thư ấy là thư giả mạo, nên Phúc-Loan không phải tội. Phúc-Loan nghi cho Thám-mưu-Tá làm ra thư ấy, bắt về khảo đả, không nhận tội, liền đem giết đi. Phúc-Loan lại ngầm sai người vu cáo cho Chuởng-Văn cùng đồ đảng thông với Tây-son, đem bỏ Chuởng-Văn vào ngục. Được vài tháng Chưởng-Văn trốn đi, khi đến quảng rừng châu Bố-chính, bị người ta trình báo, Nguyễn-phúc-Thuần bảo Phúc-Loan sai người đi bắt, khi giải về đến Tam-giang, đem dìm chết ở trong hồ.

    Phúc-Loan chuyên quyền hơn 30 năm, tham lam tẳn nhẵn, giết hại nhiều người. Được ăn ngụ lộc về hoa lợi ở các nguồn Sái, Thu-bồn, Trà-đính, Trà-vân, Đồng-hương. Mỗi năm thu được bốn, năm vạn. Phúc Loan lại cai quản việc tàu buôn, cơ Trung-tượng, giữ Hộ-bộ và các việc khác, thu lợi cũng đến ba, bốn vạn. Trong nhà chứa vàng, bạc, châu ngọc, gấm vóc, của báu chật ních, ruộng vuờn nhà cửa, tôi tờ, trâu ngựa không biết bao nhiêu mà kể. Những đội binh thuộc quyền của hắn, cứ mỗi năm phải nộp 5 gánh sợi mây dùng thay vào những lõi giây mục đễ xâu tiền kẽm. Hắn có làm một cái vườn đặt tên là vuờn Phấn-dương, gặp kỳ mùa thu nước lên, hòm đựng bị ẩm ướt, đem vàng bày vào chiếu mây phơi ra ngoài nắng, sáng loáng cả một cái sân. Mỗi ngày ăn 3 bữa, chỉ phát cho người bếp 4 mạch, tên bếp ra chợ mua một cách ăn hiếp, không ai dám tranh cự lại. Thức ăn đầy mâm, còn nói muốn dùng món ăn khác, tức thời tên bếp phải chạy ra chợ lùng kiếm. Nhưng hắn không ăn được nhiều, chỉ dùng một ít nước mắm trắng và canh rau. Mùa đông năm Giáp Ngọ quân nhà vua đến Hồ-xá, Thượng-tướng truyền tờ bạch kể tội Phúc-Loan. Họ hàng nhà họ Nguyễn nhân dịp nói với Phúc-Thuần bắt Phúc-Loan đem nộp. Quân và dân Thuận-hóa đều hoan hô, đến phá phách và cướp của nhà Phúc-Loan và chửi rủa tàn tệ. Người con của Phúc-Loan đút lót cho quan hầu của Việp Công tên là Tạo-Thuận vàng 30 dật để kêu van giúp đỡ cho. Mùa xuân năm Ất Vị, Việp Công đem quân vào Phú-xuân, bắt giam giữ Phúc-Loan ở dinh Nội-tả. Phúc-Loan nhờ Tuân-thọ-hầu nộp vàng muời 30 dật, bạc 200 dật xin chuộc tội. Lại còn đem lễ riêng vàng bạc châu báu không biết bao nhiêu mà kể. Mùa xuân năm Bính Dần đuợc lệnh bắt Phúc-Loan giải về kinh-sư. Phúc-Loan cầu cạnh xin hoãn, đem lễ tới 20 dật vàng mười và cho người lệ mục 5 dật. Số vàng ấy tôi từ chối không nhận. Tôi hỏi sao nhà mi lắm vàng thế ? Kẻ đem lễ nói tiền ấy là do bán ruộng vườn mà có.

    Xứ Thuận-hóa sản vật rất ít. Các sản vật quý đều lấy ở Quảng-nam. Đấy là một nơi sản vật nhiều nhất trong nước. Người ở Thăng-hoa và Điện--bàn biết dệt vải, lụa, sa tanh, đoạn, lụa hoa, nghề dệt ấy không kém gì người Quảng-đông. Về đồng ruộng thì nhiều và tốt, thóc gạo ngon. Trầm hương, tốc hương, loài voi, loài tê giác, vàng bạc, đồi mồi, ngọc châu, ngọc chai, bông, sáp vàng, đường mật, dầu son, hồ tiêu, cá muối, cau tươi và các thứ gỗ đều là thổ sản ở nơi ấy. Ba phủ Quy-nhân, Quảng-nghĩa và Gia Định, số thóc gạo nhiều không biết bao nhiêu mà kể. Các khách buôn Trung-quốc đến mua buôn rất nhiều. Các xứ Hòn-lãnh, Thu-bồn và Phương-tây sinh sản nhiều loài voi, loài trâu, loài ngựa. Nhà dân thường cũng có nuôi voi. Ở Quy-nhân, Quảng-nghĩa cũng có nhiều voi. Ngựa sinh ở núi ở hang hằng trăm, nghìn đàn một, có loài cao đến 2 thuớc 5 thốn. Người miền ấy nuôi và dậy cho ngựa thuần thục dùng ngựa tải hàng hóa đi Phú-an. Cả cho đến đan bà con gái đi chợ hay đi đuờng xa đều thường thường cưỡi ngựa.

    Các viên chức trông coi về việc thu thuế ở trường điền tô kho Tân-an thuộc dinh Quảng-nam, hằng năm tháng 3 phải nộp lễ thường tân. Cai-bạ và ký-lục mỗi người phải nộp gạo 8 bao, cau khô 40 hũ, rượu 40 vò, mật 40 chỉnh hay nộp bằng tiền 24 quan. Cai-bạ và Tri-bạ mỗi ngưởi nộp gạo 7 bao, tiền 20 quan. Câu-kê mỗi người gạo 5 bao. Thủ-hợp mỗi người gạo 2 bao, tiền 4 quan. Tư-lại mỗi người gạo 3 bao, tiền 6 quan. Một lễ này cũng đã được 182 bao gạo và 462 quan  tiền.

    Đến kỳ tháng 6 lại có lễ thường tân. Ký-lục phải nộp lệ gạo 20 bao, cau khô 100 vò, rượu và mật đều 100 chinh, các lễ ấy nộp tiền thay là 20 quan, hồng hoa 2 bao thế tiền 10 quan, cộng là 70 quan. Cai-án và Tri-bạ phải nộp mỗi người 14 bao gạo, còn các sản vật khác thì nộp thay 58 quan tiền. Câu-kê thuộc về ty Tướng-thần lại nộp mỗi nguời gạo 6 bao, cau khô và ruợu nộp thế tiền 16 quan. Thủ-hợp mỗi người 3 bao gạo, cau khô, ruợu nộp thay tiền 6 quan. Tri-lại nộp chung gạo 10 bao, ruợu 50 chỉnh nộp thế tiền 10 quan. Một lễ này lại được 254 bao gạo và 739 quan tiền.

    Về phần quan chức trông coi việc thu thuế ở Bộ-lại cũng phải nộp lễ : cau khô, rượu và mật, nộp thay bằng tiền 30 quan. Còn Ký lục ở Quảng-nghĩa chỉ phải nộp gạo 20 bao, riệu và mật mỗi thứ 10 chinh, tiền giầu không 2 quan. Phủ Điện-bàn về lễ biếu cũng theo lệ trên, duy chỉ khác là không có mật ong thì nộp cau thay vào. Phủ Quy-nhân chỉ có 2 lễ Ký-lục và Đề-đốc, còn các viên chức khác không phải nộp. Trường điền tô ở các phủ huyện cũng không phải nộp lễ. Đến như các lễ tiết hằng năm cũng chỉ quan lại ở dinh Quảng-nam là phải nộp nhiều : Về lễ chính đán bạc 25 hốt 5 lượng 8 tiền 6 ly, nộp thay bằng tiền 588 quan 5 mạch, 36 đồng kẽm, tiền giầu không 10 quan. Lễ sinh nhật bạc 25 hốt 3 lượng 1 tiền 3 phân 3 ly, nộp thay bằng tiền 582 quan 2 mạch 3 đồng kẽm, tiền giầu không 10 quan. Vào những ngày giỗ của họ Nguyễn phải có lễ đem đến tiến cúng : có lễ 7 hốt 3 lượng 6 tiền 6 phân 1 ly, có lễ 16 hốt 2 lượng 5 tiền 6 phân 5 ly, có lễ 18 hốt 6 lượng 1 tiền 7 phân 1 ly, có lễ 10 hốt 3 lượng 1 tiền 3 phân 1 ly, có lễ 28 hốt 6 lượng 7 tiền 6 phân 1 ly, có lễ 17 hốt 2 lượng 5 tiền 2 phân 1 ly. (tất co các lễ số bạc đều tính thành giá tiền kẽm, mỗi lạng bạc giá là 2 quan 3 mạch). Tiền giầu không mỗi lễ 10 quan. Về ty Xá-dai hằng năm cũng phải nộp lễ chánh đán, sinh nhật, húy nhật (ngày giỗ), các lễ cộng bạc là 3 hột 2 lạng 8 tiền, nộp thay bằng tiền là 75 quan 4 mạch 24 đồng kẽm.

    Xứ Thuận-hóa, mỗi năm đến tháng 12, các quan Vũ ở các dinh phải dâng lễ chạp tết:  một mâm bánh chưng, thay nộp tiền 8 quan, một mâm thịt lợn thay nộp tiền 5 quan.

    Xứ Thuận-hóa có thuế mỡ lợn. Về năm Kỷ Sửu, mọi xã, thôn, phường về các huyện ở phủ Triệu-phong nộp thuế mỡ lợn bán ở các chợ do Ký-phủ thu là 164 chinh, cũng có nhiều nơi nộp thay bằng tiền, mỗi chinh tiền 3 mạch. Xứ Quảng-nam cũng có thuế mỡ lợn, đều cho nộp thay bằng tiền, mỗi một chinh nộp thay tiền 5 mạch. Khoản tiền này để dùng vào việc phí tổn lau dầu súng đại bác.

    Xứ Thuận-hóa lễ chính-đán về năm Canh Dần, 2 Cai-cơ thuộc về họ Công-tộc (tức là họ Nguyễn) dâng lễ 2 quan tiền giầu không, 11 nguời Cai-đội mỗi nguời nộp 1 con lợn, thay tiền 10 quan. Còn các quan võ khác, như 1 Ngoại-tá, 2 Chưỡng-dinh và 4 Chưởng-cơ dâng mỗi nguời 1 con lợn, nộp thay tiền 10 quan hoặc 5 quan. Cai-cơ 10 người, mỗi người chỉ phải nộp 2 quan tiền giầu không. Cai-đội 28 người lễ biếu cũng theo như lễ biếu của Cai-đội về họ Công-tộc.

    Về Văn quan 5 viên, mỗi viên chỉ phải nộp 2 quan tiền giầu không. Còn như cơ đội và thuyền về nhà binh thì lễ biếu như sau :  về các thuyền ở cơ Trung-hậu hoặc 8 quan, hoặc 3 quan hoặc 2 quan. Còn 30 đội và 25 cơ thuộc về một dinh, Đội-trưởng mỗi người tiền 1 quan. Mỗi một thuyền về bán cơ 1 quan. Cơ Trung-hậu và cơ Nội thủy nộp thêm tiền giầu không hoặc 3 quan hoặc 5 quan. 12 thuyền Thuộc-kiên, Đội-trưởng và binh lính mỗi người đều nộp 1 quan. Về các cơ tượng binh (voi) quan coi về cơ Chính-tá-thương nộp tiền thay lợn và giầu không cũng như lễ của Cai-đội. Các quan võ về các cơ tả, hữu, tiền, hậu chỉ phải nộp tiền giầu không 1 quan. Các binh lính về 5 cơ tượng binh mỗi người nộp tiền 5 quan.

    Về điều biên tập ở trên, để biết qua đại cương về ngạch quan binh cũ của họ Nguyễn.

    Hai làng Ly-khê, Tri-lễ về huyện Phú-vinh ở Thuận-hóa làm các thứ bánh rất khéo. Làng Mậu-tài biết làm thứ bánh gọi là hồ-binh. Làng Phú-lai về huyện Quảng-điền có nghề nấu rượu. Họ mua men ỡ phường Việt-dương, cứ 38 đồng kẽm được 10 bánh men. Nấu thành riệu mùi êm và ngọt, gạo nếp hay gạo tẻ, họ nấu cũng ngon cả. Rượu ở làng Phú-lại cũng ngon. Dân ở làng Tây-thành huyện Phú-vinh tự làm men lấy, rượu nấu hơi nhạt.

    Hằng năm, làng Thanh-hảo về huyện Mộ-hoa thuộc phủ Quảng-nghĩa, xứ Quảng-nam phải nộp cho ty Lệnh-sứ 5 chỉnh rượu. Hai thuộc Kim-hộ và Trai-du về phủ Phú-an nộp riệu 5 chỉnh. Hai huyện Đồng-xuân và Tuy-hòa nộp riệu 20 chỉnh. Làng Ái-tử huyện Đăng-xương, làng Long-hồ, làng Tân-quán và phường Mỹ-xuyên đều có nghề nấu đường trắng và đường đen.

    Loại đường phổ đăng sản xuất ở phủ Điện-bàn. Tính nó nhẹ, mềm và trắng.  Mỗi phiến nặng một cân. Họ Nguyễn thường thường giao cho quan Ký-lục ở Quảng-nam mua ở làng Đông-thẩm châu Xuân-viên. Có kỳ mua 300 phiến, có kỳ mua 800 phiến, để dùng về việc giỗ tết. Trả tiền mỗi cân 24 đồng kẽm, không phải nộp thuế. Làng Nhị-châu có nghề làm đường phèn, đường cát, mỗi năm nộp các hạng đường 48.320 cân để thay vào tiền sai dư.

    Mật đỏ sản xuất ở làng Nghĩa-lập huyện Chương-nghĩa. Mỗi năm nộp thuế sai dư, cước mễ, tiết liệu, sưu, cộng 2.753 chỉnh và 734 chỉnh thay vào thuế điền tô, lại còn phải cấp cho quan Cai-trường 20 chinh.

    Thuế ruộng muối ở xứ Thuận-hóa : về phường Khánh-viêm huyện Hương-trà mỗi năm nộp 20 giỏ và 2 giỏ lễ biếu, hai làng Diêm-trường, Phụng-chính về huyện Phú-vinh mỗi năm nộp 57 giỏ và 4 giỏ lễ biếu, làng Xuân-mỹ về huyện Minh-linh mỗi năm nộp 168 giỏ, 15 giỏ lễ biếu, làng Di-luân mỗi năm nộp 60 giỏ và 5 giỏ lễ biếu.

    Thuế ruộng muối ở 3 phường làng Cừ-hà về huyện Khang-lộc mỗi năm nộp 84 giỏ 13 cân, thuế ruộng muối ở Bình-phúc mỗi năm 77 giỏ 27 cân, thuế ruộng muối ở Trấn-ninh 82 giỏ 15 cân và 16 giỏ lễ biếu.

    Thuế muối về số đầu người (buôn muối) làng Hà-thanh huyện Hương-trà về năm Kỷ-sửu nộp 918 giỏ và 10 giỏ lễ biếu, phường Kế-đăng nộp 1.050 giỏ và 10 giỏ lễ biếu.

    Xứ Thuận-hóa sau khi mới quy phụ, nhân dân chưa khôi phục lại các nghề nghiệp cũ, lò muối bỏ không làm. Các người dân ở gần Phú-xuân, hết thảy người quê kẻ chợ phần nhiều đem thuyền ra bể chở nước mặn vài ba mươi chum đem về cho vào cái chảo thật to nấu sôi lên đến nghìn

0