Quy trình biên soạn sách giáo khoa còn “gây khó”
Các chuyên gia giáo dục bày tỏ lo ngại quy trình biên soạn SGK sẽ là rào ngăn cản sự tham gia của các tổ chức, tác giả, nhóm tác giả, các nhà xuất bản. Mới đây, tại hội thảo “Biên soạn tài liệu hướng dẫn dạy học và sách giáo khoa (SGK) theo chương trình giáo dục phổ thông” do Bộ ...
Các chuyên gia giáo dục bày tỏ lo ngại quy trình biên soạn SGK sẽ là rào ngăn cản sự tham gia của các tổ chức, tác giả, nhóm tác giả, các nhà xuất bản.
Mới đây, tại hội thảo “Biên soạn tài liệu hướng dẫn dạy học và sách giáo khoa (SGK) theo chương trình giáo dục phổ thông” do Bộ GD&ĐT tổ chức, một ủy viên Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực, đã đề xuất một quy trình biên soạn SGK.
Lẫn lộn quy trình
Quy trình biên soạn SGK gồm các bước cơ bản: Tập huấn cho các tác giả về biên soạn SGK; viết đề cương SGK và tổ chức góp ý đề cương; biên soạn bản thảo SGK theo đề cương; trưng cầu ý kiến bản thảo và được Hội đồng Quốc gia thẩm định; tổ chức dạy thực nghiệm; chỉnh sửa, phê duyệt sử dụng.
Theo ThS Nguyễn Đình Độ, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân, TP.HCM (người từng xuất bản hơn 20 đầu sách tham khảo và giáo trình dạy học của bộ môn hóa học trong trường THPT), nếu tuân thủ quy trình này sẽ tốn rất nhiều thời gian cho các tổ chức, nhóm tác giả, tác giả, nhà xuất bản (NXB); tốn kém ngân sách nhà nước để tập huấn, hội họp, thẩm định... Đối với cá nhân hoặc nhóm cá nhân thì khó có đủ điều kiện tài chính, quyền hạn để thực hiện các việc như trưng cầu ý kiến về bản thảo SGK; tổ chức dạy thử nghiệm SGK…
“Rõ ràng quy trình này chỉ phù hợp cho nhóm biên soạn thuộc Bộ GD&ĐT” - ông Độ nói. Ông Độ đề nghị nên chăng Bộ GD&ĐT chỉ cần công bố chương trình khung. Các tác giả sẽ dựa vào đó để soạn đề cương SGK. Đề cương này không cần thiết công bố rộng rãi vì đó là “bí mật công nghệ” của tác giả để SGK hấp dẫn người học. Cuối cùng, chính thị trường (giáo viên, học sinh, phụ huynh) đánh giá sự thành bại của cuốn SGK trên.
TS giáo dục Lê Vinh Quốc (nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) nhận xét: “Quy trình trên được xây dựng theo lối tư duy của cơ chế quan liêu bao cấp trước đây, lẫn lộn giữa quy trình xây dựng chương trình học với quy trình biên soạn SGK. Xây dựng chương trình học là phần việc của Bộ GD&ĐT. Còn việc biên soạn SGK thì các tác giả sẽ biết mình phải làm gì theo các nguyên lý khoa học và phải tuân theo một quy trình như thế nào (không cần phải tập huấn cho họ)”.
Theo GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, tiêu chí soạn SGK còn quá chung chung. Ảnh: HTD
Giáo viên có quyền lựa chọn SGK thích hợp
Cũng tại hội thảo trên, bà Andrea Car, đại diện một NXB ở Anh, cho biết Bộ Giáo dục Anh chỉ cung cấp một khung nội dung chương trình bắt buộc và Bộ Giáo dục gần như không có vai trò gì trong việc biên soạn SGK. Các NXB sẽ tự tổ chức biên soạn SGK. Các trường và giáo viên dựa vào tiêu chí của Bộ Giáo dục đưa ra để lựa chọn sách phù hợp.
TS Quốc cho rằng cách làm này, hoàn toàn đúng đắn không chỉ đối với nước Anh mà tất cả các nước tiên tiến (Pháp, Đức, Ý, Nhật, Mỹ…) đều áp dụng cách làm như vậy. “Cái mà bà Car gọi là “khung nội dung” chính là chương trình học mà tôi đã nêu trên. Ở các nước này, Bộ Giáo dục chỉ quản lý ngành về hành chính thông qua chương trình học, tuyệt nhiên không can thiệp vào việc biên soạn SGK” - ông Quốc nhấn mạnh.
Ông Độ cũng bày tỏ đồng tình, đồng thời lo ngại: “Nếu Bộ GD&ĐT cũng tham gia biên soạn SGK, e rằng ưu thế sẽ nghiêng về bộ SGK do Bộ GD&ĐT biên soạn”.
Cũng theo bà Andrea Car, SGK chỉ là công cụ hỗ trợ tốt hơn cho công tác giảng dạy chứ không phải là tất cả. Nếu giáo viên phụ thuộc nhiều vào SGK sẽ không có sự sáng tạo, mà sáng tạo là chìa khóa thành công của giảng dạy.
Ý kiến này được, ông Quốc tán đồng: “Tôi hoàn toàn nhất trí với quan điểm đó; bởi vì nó xuất phát từ các nguyên lý của khoa học giáo dục hiện đại. Giáo viên là chủ thể của việc dạy học, họ có quyền lựa chọn các SGK thích hợp với mình và khai thác nhiều nguồn tài nguyên hỗ trợ dạy học khác trên Internet để thiết kế bài học cho học sinh. Văn kiện pháp lý duy nhất mà giáo viên phải tuân thủ là chương trình học (thuật ngữ chuyên môn tiếng Anh là curriculum)”.
Theo ông Độ, các kiến thức luôn là kiến thức “động”. Do đó, giáo viên luôn cần cập nhật kiến thức mới nhất. SGK chỉ là công cụ hỗ trợ trong việc giảng dạy. Để thành công, người thầy giáo luôn phải tìm tòi các vấn đề ngoài SGK để bài giảng được sinh động và hoàn thiện hơn.
Tiêu chí SGK còn quá chung chung Cũng tại hội thảo “Biên soạn tài liệu hướng dẫn dạy học và SGK theo chương trình giáo dục phổ thông”, năm tiêu chí SGK mới đã được đề xuất. Cụ thể, tiêu chí trước tiên là SGK phải tuân thủ Hiến pháp, luật pháp và chương trình giáo dục phổ thông. Tiêu chí thứ hai về nội dung kiến thức, sách phải đồng bộ và phù hợp với mục tiêu chương trình. Tiêu chí thứ ba về tính sư phạm, sách phải hỗ trợ giáo viên về phương pháp, hình thức tổ chức dạy, học và đánh giá kết quả học tập của học sinh; hỗ trợ học sinh phương pháp học tập. Thứ tư về cấu trúc văn bản, sách có thể được thiết kế theo chương, bài, phần… tùy theo môn học. Tiêu chí thứ năm về trình bày văn bản, SGK phải đảm bảo các yêu cầu về tính mỹ thuật, kỹ thuật. Nhận xét về các tiêu chí này, GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, nói: “Cách đây hai ngày tôi đã đọc năm tiêu chí đánh giá SGK mới, tôi thấy nó quá chung chung vì theo Nghị quyết 29 của Trung ương, bậc học phổ thông bây giờ chia làm hai giai đoạn rất khác nhau về mục tiêu, chương trình. Bậc học thứ nhất là chín năm học bậc phổ thông bắt buộc, ba năm sau ở bậc THPT là ba năm định hướng nghề nghiệp, vì thế hai bậc học này phải có chương trình rất khác nhau. Tóm lại, năm tiêu chí này không có gì sai nhưng quá chung chung. Năm tiêu chí này chẳng bao giờ lạc hậu, xưa vẫn thế, nay vẫn thế và mai sau vẫn thế”. GS Hạc cho rằng Bộ GD&ĐT đưa ra một chương trình, các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK là hợp lý. Bộ GD&ĐT không nên đưa ra quy trình biên soạn SGK theo kiểu phân biệt tư nhân hay nhà nước. Chính sự tham gia của tư nhân mới tạo ra tính minh bạch cao trong biên soạn, phát hành SGK. HUY HÀ Nếu buộc mọi người biên soạn SGK phải tuân thủ theo quy trình trên là một sự bất bình đẳng giữa các nhóm biên soạn SGK với nhóm của Bộ GD&ĐT. Bởi nếu tuân thủ đúng các quy trình này thì làm sao các cá nhân, tổ chức có đủ điều kiện thực hiện các bước như trưng cầu ý kiến về bản thảo, tổ chức dạy thử nghiệm… Quy trình của Bộ là rào cản với những người có ý định thực hiện một bộ SGK phù hợp hiện nay. Một giáo viên tại TP.HCM (xin giấu tên) |