Quy định mở ngành đào tạo vẫn còn nhiều "lỗ hổng"
Quy trình chưa đảm bảo yêu cầu Việc Bộ Y tế có công văn gửi Bộ GD-ĐT đề nghị cần có quy định chặt chẽ mở ngành đào tạo với sự tham gia về chuyên môn của Bộ Y tế và các chuyên gia cho thấy quy trình thẩm định mở ngành hiện nay còn nhiều vấn đề. Trước tới nay, quy trình mở ngành học của Bộ GD-ĐT ...
Quy trình chưa đảm bảo yêu cầu
Việc Bộ Y tế có công văn gửi Bộ GD-ĐT đề nghị cần có quy định chặt chẽ mở ngành đào tạo với sự tham gia về chuyên môn của Bộ Y tế và các chuyên gia cho thấy quy trình thẩm định mở ngành hiện nay còn nhiều vấn đề.
Trước tới nay, quy trình mở ngành học của Bộ GD-ĐT là: Sở GD-ĐT thẩm định về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên, một trường ĐH lớn có chuyên môn thẩm định về chương trình đào tạo. Dựa vào các hồ sơ này, Bộ sẽ quyết định cấp phép cho trường ĐH, CĐ mở ngành học. Tuy nhiên, theo một thành viên đoàn thẩm định của Trường ĐH Y Dược TP.HCM, đối với khối ngành sức khỏe, quy trình này chưa đảm bảo được yêu cầu.
Người này cho biết yêu cầu mở ngành vẫn còn quá dễ dàng. Về chương trình đào tạo, chỉ cần bắt chước phần lớn chương trình đào tạo của các trường lớn. Về đội ngũ giảng viên, Bộ chỉ yêu cầu chung là trường có 1 tiến sĩ, 3 thạc sĩ. “Với nhiều ngành học khác, điều này không quá quan trọng nhưng với các ngành như y, dược, điều dưỡng..., mỗi bộ môn cần phải có một tiến sĩ”, người này nhấn mạnh.
Theo một thành viên thẩm định khác, khâu hậu kiểm của Bộ GD-ĐT cũng quá yếu khiến các trường lợi dụng kẽ hở để “vơ vét” thí sinh. Dù vẫn xác định chỉ tiêu chung dựa trên số lượng giảng viên cơ hữu nhưng đa số các trường ngoài công lập không công khai chỉ tiêu cụ thể từng ngành học. Vì thế các trường sẽ lấy chỉ tiêu khối ngành sức khỏe nhiều, bớt các ngành khác. Có trường, đoàn thẩm định yêu cầu năm đầu tiên tuyển khoảng 100 sinh viên ngành dược, sau đó nâng dần lên khoảng 300 trong 5 năm để đảm bảo chất lượng. Nhưng khi mở ngành rồi, ngay năm đầu tiên có trường tuyển đến 400 hoặc 700 chỉ tiêu, vượt xa năng lực đào tạo. Vì quá nhiều sinh viên trong khi số lượng giảng viên có hạn, chất lượng đào tạo có vấn đề.
Việc mở ngành không mấy khó khăn khiến số lượng các trường/ngành thời thượng tăng nhanh chóng. Chỉ tính riêng khối ngành sức khỏe, theo số liệu của Bộ, từ năm 2011 đến nay, các tỉnh ĐBSCL có 13 trường ĐH, trong đó 11 trường ngoài công lập đào tạo ngành y dược. Đáng nói, đa số các trường này chỉ tuyển các ngành dược, điều dưỡng với điểm chuẩn bằng điểm sàn.