Thi tuyển hiệu trưởng ở tuổi 55

PGS.TS Phạm Văn Cương - Ảnh: Thân Hoàng Ở độ tuổi 55 và đang là phó hiệu trưởng, chủ tịch hội đồng trường của Trường ĐH Hàng hải, một trường ĐH có uy tín, nhưng PGS.TS Phạm Văn Cương đã ứng cử để thi vào chức hiệu trưởng của Trường ĐH Hải Phòng - một trường còn nhiều khó khăn. Cuộc trao ...

Thi tuyen hieu truong o tuoi 55

PGS.TS Phạm Văn Cương - Ảnh: Thân Hoàng

Ở độ tuổi 55 và đang là phó hiệu trưởng, chủ tịch hội đồng trường của Trường ĐH Hàng hải, một trường ĐH có uy tín, nhưng PGS.TS Phạm Văn Cương đã ứng cử để thi vào chức hiệu trưởng của Trường ĐH Hải Phòng - một trường còn nhiều khó khăn. Cuộc trao đổi với pv về hành trình đi thi của mình ở tuổi không còn trẻ nữa, tân hiệu trưởng Trường ĐH Hải Phòng chia sẻ:

- Tôi muốn trở thành người đứng đầu một trường ĐH. Ở vị trí đó, tôi nghĩ mình có thể chủ động hơn khi biến những ý tưởng thành hiện thực. Tôi biết nếu được chọn vào vị trí mới, tôi sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức hơn là vị trí ổn định hiện nay. Nhưng thách thức vẫn luôn là động lực để nhà quản lý có thể nỗ lực và tạo được dấu ấn tích cực trong nhiệm kỳ của mình.

“Tôi muốn thử cơ hội này”

* Rất nhiều người thận trọng sẽ không quyết định đi thi như thầy vì họ sợ rơi vào tình huống thi trượt, uy tín bị sụt giảm, bản thân bị dư luận đàm tiếu?

- Đương nhiên khi suy nghĩ tới việc tranh cử công khai, tôi cũng nghĩ nhiều tới tình huống có thể mình sẽ thi trượt. Trong số các ứng viên dự thi lần này, tôi nhiều tuổi hơn, xét ở nhiều khía cạnh, có thể tôi có lợi thế hơn họ. Nhưng sau một thời gian cân nhắc, tôi vẫn quyết định thi. Ở VN, việc công khai tranh cử, công khai bày tỏ mong muốn được đứng vào một vị trí nào đó còn lạ lẫm. Nhưng ở nước ngoài đây là việc bình thường, cần được tôn trọng. Và khi bị loại trong cuộc tranh cử đó, người ta cũng thấy không có gì quá nặng nề. Thậm chí những ứng viên trong cuộc tranh cử là đối thủ của nhau, nhưng sau tranh cử, có thể người chiến thắng lại mời đối thủ làm cộng sự. Tôi thấy VN cũng cần học tập cách làm văn minh ấy. Hơn nữa, tôi có niềm tin vào thực lực của bản thân. Nếu kỳ thi tuyển diễn ra thật sự nghiêm túc, tôi sẽ có cơ hội.

* Căn cứ vào đâu mà thầy nghĩ kỳ thi này thật sự diễn ra nghiêm túc khi mọi dữ liệu liên quan tới kỳ thi như thông tin cụ thể về ứng viên, hội đồng chấm thi, hội đồng phản biện đề án dự thi đều được bí mật như đã thông báo?

- Tôi tin là kỳ thi này sẽ nghiêm túc khi được biết chủ trương đổi mới trong tuyển dụng cán bộ của Thành ủy Hải Phòng. Nếu không định làm nghiêm túc, người ta không mở ra kỳ thi như thế này làm gì mà cứ cung cách cũ mà làm.

* Tiến trình tham gia tranh cử của thầy như thế nào?

- Tôi nhận được thông báo về việc tổ chức kỳ thi tuyển hiệu trưởng vào cuối tháng 6-2013, một tháng sau tôi nộp hồ sơ. Tôi và các ứng viên được giao đề tài (nội dung giống nhau) vào ngày 25-7. Chúng tôi có 20 ngày để viết đề án, tập trung vào việc Trường ĐH Hải Phòng cần phấn đấu đạt những tiêu chí gì trong 5-10 năm. Để làm điều đó, hiệu trưởng cần có trách nhiệm như thế nào? Cần có cơ chế, chính sách gì để hỗ trợ? Khoảng giữa tháng 8, tôi hoàn thành “bài dự thi”, đóng thành quyển, in ra 10 quyển để nộp cho ban tổ chức. Ngày 20-8, chúng tôi lần lượt bảo vệ đề án trước hội đồng.

Lúc này tôi mới biết hội đồng xét tuyển mình trong đó có những GS, PGS ở một số trường ĐH lớn, đại diện Ban Tuyên giáo trung ương, đại diện Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ GD-ĐT, lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Hải Phòng. Đề án của chúng tôi sẽ được chấm theo thang 100 điểm tối đa cho phần viết và 100 điểm cho phần bảo vệ trực tiếp tại hội đồng. Sau buổi bảo vệ, chúng tôi phải thi ngoại ngữ. Ai có trình độ ngoại ngữ nào thì đăng ký thi ngoại ngữ đó. Nếu điểm đề án là căn cứ chính để loại thì điểm ngoại ngữ chỉ là điểm điều kiện, đạt 50 điểm trở lên là đạt.

* Vậy kết quả thi của thầy và các ứng viên thế nào?

- Tôi không được phép tiết lộ điểm của các ứng viên khác. Nếu bạn muốn biết thì có thể hỏi ban tổ chức. Còn tôi được 152/200 điểm (cho phần viết và bảo vệ đề án), điểm ngoại ngữ của tôi đạt 74/100 điểm. Tôi được thông báo kết quả của tôi cao nhất trong các ứng viên, kể cả phần thi viết và ngoại ngữ.

* Những người đang là lãnh đạo của Trường ĐH Hải Phòng, họ có lợi thế là hiểu việc, hiểu người của trường mình và có thể sẽ được nhiều người ủng hộ hơn. Còn thầy là người về sau, rất có thể thầy sẽ gặp trở ngại khi phải làm việc với người lạ mà mình không hiểu, nhất là những người từng là đối thủ của mình. Đây có phải khó khăn nhất của người nhận chức hiệu trưởng bằng kỳ thi tuyển không?

- Ở đâu cũng thế, nếu nội bộ không đoàn kết thì có giỏi mấy cũng không thể làm tốt công việc được. Tôi hiểu điều đó và sẽ cố gắng để có được sự đoàn kết, nhất trí trong nội bộ cán bộ, giáo viên của trường. Nhưng tôi cũng hiểu, khi nhận vị trí đó, tôi sẽ phải thể hiện quan điểm quản lý riêng, quyết đoán hướng điều hành mới, khi đó có những nhóm có thể tăng lợi ích hoặc giảm lợi ích. Nhóm bị giảm lợi ích thời gian đầu có thể họ sẽ không thích tôi, thậm chí chống đối. Thế cũng là chuyện bình thường thôi. Tôi hi vọng dần dần, cách điều hành quản lý của tôi sẽ được họ chấp nhận và ủng hộ.

Không làm được, sẽ xin rời vị trí

* Ở cương vị mới, thầy sẽ làm gì để tạo dấu ấn trong nhiệm kỳ quản lý của mình?

- Cái cần quan tâm nhất của Trường ĐH Hải Phòng là chất lượng giảng viên, môi trường để giảng viên nghiên cứu khoa học. Cả trường bây giờ mới chỉ có 52 tiến sĩ, 3 phó giáo sư/hơn 600 giảng viên. Tỉ lệ sinh viên/giảng viên rất cao nên giảng viên chủ yếu làm “thợ dạy”, ít có thời gian nâng cao trình độ, nghiên cứu khoa học.

Ở vị trí mới, đây sẽ là một trong những điều tôi phải đặc biệt quan tâm. Dĩ nhiên, trong bối cảnh hiện nay có nhiều cái khó, trong đó khó nhất là tài chính eo hẹp, khiến các trường không thể chủ động trong việc thu hút người tài và giữ người tài. Các trường non trẻ càng khó.

Hiện tại tôi không thể áp dụng việc ồ ạt nhận người có trình độ cao về trường vì không còn chỗ cho họ. Giải pháp trước mắt là tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên của trường nâng cao trình độ, kết hợp với việc đẩy mạnh quan hệ hợp tác với nước ngoài, với các trường có uy tín trong nước để mời người giỏi về làm việc theo chế độ thỉnh giảng.

Tôi sẽ phải có cơ chế để thúc đẩy, bắt buộc giảng viên phải làm mới mình, phải thay đổi. Cơ chế tốt sẽ khiến người có năng lực có cơ hội và người không có năng lực, trì trệ bị đào thải.

* Thầy có nghĩ tới việc đổi mới cách tuyển dụng người mới cho trường, giống như kỳ thi tuyển hiệu trưởng này không?

- Đó là điều tôi đang muốn làm. Việc tuyển cán bộ, giảng viên hiện nay sẽ do hiệu trưởng quyết định nên tôi muốn sẽ tổ chức thi tuyển nghiêm túc. Cả các vị trí lãnh đạo của trường, nếu Thành ủy, UBND TP cho phép, tôi cũng muốn áp dụng việc thi tuyển để chọn người mới. Một đội ngũ chỉ tốt khi áp dụng cơ chế “vào - ra”, tức là có đào thải.

* Nếu không làm thay đổi được thực trạng có nhiều bất cập của Trường ĐH Hải Phòng, thầy sẽ làm gì?

- Không làm được, tôi sẽ xin rời khỏi vị trí hiện nay.

VĨNH HÀ - THÂN HOÀNG (Theo tuoitre)

>> Tâm thư gửi phụ huynh của hiệu trưởng Văn Như Cương

0