05/06/2018, 18:23
Giải nút thắt việc làm, tín dụng học sinh, sinh viên mới bền vững
Không đồng bộ với chính sách tạo việc làm sẽ giảm hiệu quả chính sách hỗ trợ HS, SV nghèo Tăng mức cho vay đối với HS, SV Nói về hiệu quả chương trình tín dụng HS, SV, ông Nguyễn Văn Lý - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cho biết: Đến nay, tổng doanh số cho ...
Không đồng bộ với chính sách tạo việc làm sẽ giảm hiệu quả chính sách hỗ trợ HS, SV nghèo
Tăng mức cho vay đối với HS, SV
Nói về hiệu quả chương trình tín dụng HS, SV, ông Nguyễn Văn Lý - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cho biết: Đến nay, tổng doanh số cho vay đạt trên 43.000 tỷ đồng với hơn 3 triệu lượt HS, SV được vay vốn. Hiện còn 1,9 hộ gia đình đang vay vốn cho trên 2,3 triệu HS, SV đi học. Dự kiến trong vòng 5 năm tới, tổng nguồn vốn dành cho HS, SV sẽ lên tới 45.000 tỷ đồng. Để thực hiện mục tiêu "không để bất kỳ HS, SV nào phải bỏ học vì thiếu tiền” ngân hàng đã chuẩn bị đủ vốn để đảm bảo cho tất cả HS, SV đủ điều kiện đều được vay vốn đi học. Đặc biệt, năm học mới 2013 - 2014 này, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, mức cho vay đã được tăng 100.000 đồng/tháng/người, tức là 11 triệu đồng/người/năm.
Ông Lý cho biết, khác với các chương trình tín dụng ưu đãi khác mà NHCSXH đang triển khai là theo kế hoạch "cứng”, chương trình tín dụng cho HS, SV với mục tiêu "không để HS, SV nào vì khó khăn tài chính mà phải nghỉ học” nên chỉ cần đúng đối tượng vay, ngân hàng lập tức giải ngân. Để không mất chi phí đi lại của người dân hiện trên toàn quốc có 203.000 tổ tiết kiệm và vay vốn, gần 11.000 điểm giao dịch tại xã, cùng các phòng giao dịch tại huyện đã sẵn sàng phục vụ người có nhu cầu vay.
Có thể nói chương trình tín dụng HS, SV giống như những "chiếc phao cứu hộ” giúp hàng triệu HS, SV thuộc diện nghèo, hoàn cảnh khó khăn theo đuổi ước mơ học hành, lập nghiệp. Chính sách hỗ trợ mang tính nhân văn này đã đóng góp tích cực, thúc đẩy phong trào học tập ở các địa phương nghèo, giúp một bộ phận nhân dân có thu nhập thấp được thụ hưởng sự bình đẳng về giáo dục, đào tạo và có công ăn việc làm.
Sinh viên chưa tìm được việc, khó trả nợ
Cho vay ưu đãi các đối tượng HS, SV nghèo, câu hỏi đặt ra với ngân hàng là làm sao thu hồi được khoản tiền cho vay. Đối với HS, SV cũng vậy, họ không muốn mắc nợ mãi mà nhanh chóng trả khoản tiền họ đã vay. Giải tỏa những băn khoăn tiền có thể quay trở lại ngân hàng để tiếp tục một quay vòng mới cho các HS, SV nghèo tiếp theo được vay, ông Lý cho biết: Quá trình thu hồi số nợ cho HS, SV vay rất tốt. Năm 2013, chúng tôi thu nợ chương trình HS, SV được khoảng 5.500 tỷ đồng đủ để quay vòng cho vay tiếp. Hiện nay nợ quá hạn chỉ khoảng 0,46% trên tổng dư nợ, chỉ bằng một nửa so với tỷ lệ nợ quá hạn chung của các chương trình tín dụng của NHCSXH khoảng 0,91%. Nói về lý do có sự trả nợ sòng phẳng, nghiêm túc này, ông Lý khẳng định: Chương trình đã đáp ứng đúng nguyện vọng của xã hội. Bản thân nó đi vào cuộc sống rất nhanh và được toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, nhân dân ủng hộ. Phương thức quản lý vốn vay được NHCSXH đề xuất Chính phủ thay đổi từ cho vay cá nhân HS, SV sang cho vay theo hộ gia đình có con đi học. Qua đó, phát huy được truyền thống gia đình, văn hóa cộng đồng để nâng cao ý thức trả nợ, tạo nguồn vốn quay vòng để những HS, SV khác có hoàn cảnh khó khăn cũng được vay vốn. Bên cạnh đó, Chính phủ có chính sách khuyến khích hộ trả nợ trước hạn sẽ được giảm lãi suất cũng là một biện pháp phù hợp. Theo ước tính có tới 30 -40% hộ vay có điều kiện đã trả nợ sớm trước thời hạn. Ngoài ra, công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ chính sách của Nhà nước cũng góp phần tạo nên thành công của chương trình tín dụng cho HS, SV vay...
Hầu hết tín dụng HS, SV rất thuận trong quá trình thu hồi công nợ, sự khẳng định của Phó Tổng giám đốc NHCSXH liệu có chủ quan? Để lý giải cho câu trả lời sinh viên có tiền trả nợ sau khi họ đã vay một khoản tiền không nhỏ để hoàn thành việc học, chúng tôi đã nghe được những tâm sự của những người trong cuộc.
Thanh Nam - cử nhân loại giỏi ngành Sư phạm tin học Trường Cao đẳng Nguyễn Tất Thành cho biết: Món nợ em vay khó trả được khi mà 3 năm ra trường em vẫn chưa trở thành thầy giáo theo đúng ngành học. Lo sợ lãi mẹ đẻ lãi con, sợ cha mẹ đã nghèo khó tảo tần chắt chiu cho mình ăn học lại phải gánh thêm khoản nợ này, nên em vào Sài Gòn tìm cơ hội việc làm. Hiện Nam đang làm việc cho một xưởng may, chi phí sinh hoạt gồm ăn ở, đi lại đã ngốn hết khoản tiền lương em kiếm được. Công cuộc trả nợ trở nên xa vời.
Hầu hết các SV được xét cho vay vốn của NHCSXH đều thuộc diện gia đình khó khăn, không đủ khả năng lo chi phí ăn học. Nay ra trường lại phải làm công việc lao động giản đơn, tạm bợ nên họ rất khó có điều kiện trả nợ vay. Theo quy định, đối với các chương trình đào tạo có thời gian không quá 1 năm, thời hạn trả nợ tối đa bằng 2 lần thời hạn phát tiền vay. Đối với các chương trình đào tạo khác, thời hạn trả nợ tối đa bằng thời hạn phát tiền vay. Thời hạn trả nợ được chia thành các kỳ hạn trả nợ do NHCSXH quy định. Như vậy, đối với một SV học bậc đại học 4 năm có thể vay của ngân hàng tối đa là 40 triệu đồng, tương đương 5 triệu đồng/học kỳ (chưa tính lãi suất 0,65%/tháng). Lúc ra trường họ sẽ phải trả nợ cho ngân hàng 40 triệu đồng, trong khi chưa có việc làm thì số nợ đó quá lớn. Nếu quá thời hạn trả nợ sẽ được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay. Những con số ấy khiến nhiều SV hoang mang, lo lắng, không biết đến bao giờ mới trả được nợ ngân hàng?
Góp thêm ý kiến vào câu chuyện sinh viên ra trường không tìm được việc làm lấy gì trả nợ, ông Trần Minh Kỳ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, nhiều sinh viên ở Hà Tĩnh ra trường không thể xin được việc làm nên không có điều kiện trả nợ. Nói chung, để được vay vốn họ đều là hộ nghèo, cận nghèo. Không trả được khoản nợ cho con học tập, khó càng thêm khó.
Cần đồng bộ với chính sách tạo việc làm
Câu chuyện người nghèo không có tiền học lên đã có chính sách tín dụng HS, SV, nhưng chuyện sinh viên nghèo sau khi có bằng đại học không tìm được việc là thực tế. Theo bà Nguyễn Kim Thúy, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam: Vấn đề bức xúc trong xã hội hiện nay là việc làm của HS, SV. Nhiều em tốt nghiệp đại học, cao đẳng vài ba năm nhưng không tìm được việc làm. Thậm chí, có sinh viên tốt nghiệp xong đại học (ĐH) lại quay về học nghề để xin vào làm việc tại một cơ sở sản xuất. Như vậy, rõ ràng nếu không có chính sách hỗ trợ thì thời gian, tiền bạc cho đào tạo sẽ bị lãng phí. Bà Thúy cho rằng, cần tuyên truyền để thay đổi nhận thức của toàn xã hội về định hướng việc làm cho tất cả mọi người. Ước muốn con học cao là không sai, nhưng tất cả cùng vào ĐH dẫn tới tình trạng thừa thầy, thiếu thợ, quá nhiều HS, SV không tìm được việc sau khi có bằng ĐH trên tay.
Một điều khiến công cuộc trả nợ tiền đã vay của HS, SV sau khi ra trường đó là chúng ta chưa đào tạo HS, SV có tâm thế tự tạo việc làm sau khi ra trường. Muốn làm được điều này, phải có chính sách phù hợp như "bà đỡ” để một nhóm sinh viên có kiến thức, sức trẻ có thể tụ hội lại, tự tạo được việc làm cho chính mình. Bà Thúy gợi ý, để tạo việc làm tại thành phố không dễ nhưng nếu các bạn trẻ có kiến thức trở lại vùng nông thôn mang tiến bộ khoa học áp dụng vào sản xuất tại các vùng đó thì không khó tạo ra việc làm có thu nhập.
Theo ĐĐK
>> Nan giải vấn đề việc làm của sinh viên sư phạm