Quy định khai báo giải phóng hàng hóa và cơ sở xác định hàng hóa xuất khẩu
Khi làm thủ tục hải quan để xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài hoặc vào khu chế xuất, điều kiện như thế nào để doanh nghiệp khai báo giải phóng hàng hóa và dựa trên cơ sở như thế nào để xác định hàng hóa đã xuất khẩu? Kế toán thuế Centax xin chia sẻ bài: 1. Quy định về khai báo thông ...
Khi làm thủ tục hải quan để xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài hoặc vào khu chế xuất, điều kiện như thế nào để doanh nghiệp khai báo giải phóng hàng hóa và dựa trên cơ sở như thế nào để xác định hàng hóa đã xuất khẩu? Kế toán thuế Centax xin chia sẻ bài:
1. Quy định về khai báo thông tin giải phóng hàng
Theo Khoản 1, 2 Điều 33 Thông tư 38/2015/TT-BTC quy định về khai báo giải phóng hàng hóa cụ thể như sau:
“1. Trường hợp giải phóng hàng hóa chờ xác định trị giá hải quan:
a) Trường hợp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chưa có giá chính thức tại thời điểm đăng ký tờ khai và trường hợp người khai hải quan yêu cầu tham vấn:
a.1) Trách nhiệm của người khai hải quan:
a.1.1) Khai thông tin đề nghị giải phóng hàng trên tờ khai hải quan theo hướng dẫn khai báo tại phụ lục II kèm Thông tư này; Trường hợp khai hải quan trên tờ khai hải quan giấy thì ghi “Đề nghị giải phóng hàng” tại ô “Ghi chép khác” trên tờ khai hải quan;
a.1.2) Thực hiện nộp thuế hoặc thực hiện bảo lãnh đối với số tiền thuế tự kê khai;
a.1.3) Thực hiện các thủ tục về trị giá đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chưa có giá chính thức tại thời điểm đăng ký tờ khai quy định tại Thông tư của Bộ Tài chính về việc xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu hoặc tham vấn theo quy định tại Điều 25 Thông tư này;
a.1.4) Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày giải phóng hàng hóa, thực hiện khai báo trị giá hải quan trên tờ khai hải quan hoặc trên tờ khai bổ sung sau thông quan theo mẫu số 03/KBS/GSQL Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này đối với trường hợp khai hải quan trên tờ khai hải quan giấy, xác định số thuế chính thức phải nộp và nộp đủ thuế để thông quan hàng hóa theo quy định.
b) Trường hợp tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan, người khai hải quan chưa có đủ thông tin, tài liệu để xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu:
b.1) Trách nhiệm của người khai hải quan:
b.1.1) Khai thông tin đề nghị giải phóng hàng trên tờ khai hải quan theo hướng dẫn khai báo tại Phụ lục II ban hành kèm Thông tư này (khai rõ trường hợp giải phóng hàng);
b.1.2) Thực hiện kê khai, tính thuế theo trị giá hải quan do cơ quan hải quan xác định:
b.1.2.1) Trường hợp không chấp nhận trị giá do cơ quan hải quan xác định, ghi rõ “đề nghị giải phóng hàng” tại ô “ghi chép khác” trên tờ khai hải quan đối với trường hợp khai hải quan trên tờ khai giấy; thực hiện nộp thuế hoặc bảo lãnh đối với số tiền thuế theo trị giá do cơ quan hải quan xác định để giải phóng hàng hóa. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày giải phóng hàng hóa, thực hiện khai báo trị giá hải quan trên tờ khai hải quan hoặc trên tờ khai bổ sung sau thông quan theo mẫu số 03/KBS/GSQL Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này đối với trường hợp thực hiện thủ tục hải quan thủ công, xác định số thuế chính thức phải nộp và nộp đủ thuế để thông quan hàng hóa theo quy định;
b.1.2.2) Trường hợp chấp nhận trị giá do cơ quan hải quan xác định thì thực hiện khai báo trị giá hải quan trên tờ khai hải quan, nộp thuế hoặc bảo lãnh đối với số tiền thuế phải nộp để cơ quan hải quan quyết định thông quan theo quy định.
2. Đối với trường hợp giải phóng hàng chờ kết quả giám định, phân loại hàng hóa:
a) Trách nhiệm của người khai hải quan
a.1) Khai thông tin đề nghị giải phóng hàng trên Tờ khai hải quan theo hướng dẫn khai báo tại phụ lục II kèm Thông tư này; Trường hợp khai hải quan trên tờ khai hải quan giấy thì ghi “Đề nghị giải phóng hàng” tại ô “Ghi chép khác” trên tờ khai hải quan;
a.2) Thực hiện nộp thuế hoặc bảo lãnh đối với số tiền thuế tự kê khai, tự tính thuế;
a.3) Thực hiện khai bổ sung theo quy định tại Điều 20 Thông tư này.
b) Trách nhiệm của cơ quan hải quan:
b.1) Cơ quan hải quan kiểm tra các điều kiện giải phóng hàng và phản hồi cho người khai hải quan;
b.2) Căn cứ kết quả giám định, phân loại, Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai thông báo cho người khai hải quan để khai bổ sung (nếu có);
b.3) Trường hợp phải khai bổ sung mà người khai hải quan không thực hiện việc khai bổ sung thì cơ quan hải quan xử lý theo quy định tại điểm b.7 khoản 3 Điều 20 Thông tư này;
b.4) Chi cục trưởng Chi cục Hải quan căn cứ đề nghị của người khai hải quan, hồ sơ hải quan để quyết định việc giải phóng hàng.”
Theo các quy định trên, hướng dẫn chi tiết người khai hải quan khai báo thông tin giải phóng hàng rất rõ ràng, cụ thể. Các bạn cần chú ý những điểm tóm tắt sau:
- Người khai hải quan khai thông tin đề nghị giải phóng hàng trên tờ khai hải quan theo hướng dẫn khai báo tại phụ lục II kèm theo Thông tư;
- Đối với khai trên tờ khai hải quan giấy, người khai hải quan ghi “Đề nghị giải phóng hàng” tại ô “Ghi chép khác” trên tờ khai hải quan
- Ngoài ra, người khai thực hiện khai báo trị giá hải quan trên tờ khai hải quan hoặc trên tờ khai bổ sung sau thông quan theo mẫu số 03/KBS/GSQL Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày giải phóng hàng.
Chi tiết Mẫu số 03/KBS/GSQL Khai bổ sung về hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ban hành kèm theo Thông tư 38/2015/TT-BTC
2. Cơ sở để xác định hàng hóa xuất khẩu
Theo Điều 53 Thông tư 38/2015/TT-BTC để xác định là hàng hóa xuất khẩu cần dựa vào những cơ sở cụ thể như sau:
“1. Đối với hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu đường biển, đường hàng không, đường sắt, đường thủy nội địa, cảng chuyển tải, khu chuyển tải; hàng hóa cung ứng cho tàu biển, tàu bay xuất cảnh; hàng hóa xuất khẩu được vận chuyển cùng với người xuất cảnh qua cửa khẩu hàng không; hàng hóa xuất khẩu đưa vào kho ngoại quan; hàng hóa xuất khẩu đưa vào kho CFS là tờ khai hàng hóa xuất khẩu đã được thông quan và được xác nhận hàng đã qua khu vực giám sát trên Hệ thống.
2. Đối với hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu đường bộ, đường sông là tờ khai hàng hóa xuất khẩu đã được thông quan và được công chức hải quan xác nhận hàng hóa đã qua khu vực giám sát trên Hệ thống khi hàng hóa vận chuyển qua biên giới sang nước nhập khẩu.
3. Đối với hàng hóa xuất khẩu tại chỗ, hàng hóa từ nội địa bán vào khu phi thuế quan trong khu kinh tế cửa khẩu hoặc khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất là tờ khai hàng hóa xuất khẩu, tờ khai hàng hóa nhập khẩu đã được thông quan.
4. Trường hợp khai trên tờ khai hải quan giấy:
a) Đối với hàng hóa quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này là tờ khai hàng hóa xuất khẩu đã được thông quan và có xác nhận hàng đã qua khu vực giám sát (ghi ngày tháng năm, ký tên, đóng dấu công chức) của công chức hải quan cửa khẩu xuất. Riêng hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu đường bộ, đường sông là tờ khai hàng hóa xuất khẩu đã được thông quan và được xác nhận hàng hóa đã thực xuất khẩu;
b) Đối với hàng hóa quy định tại khoản 3 Điều này là tờ khai hàng hóa xuất khẩu đã được thông quan.”
Thông tư 38/2015/TT-BTC đã bỏ quy định phải có vận đơn, chỉ xác nhận hàng đã qua khu vực giám sát. Cơ sở xác định hàng xuất khẩu như sau:
- Đối với đường biển, đường hàng không là tờ khai hàng hóa xuất khẩu đã thông quan và được xác nhận hàng đã qua khu vực giám sát
- Đối với đường bộ, đường sông là tờ khai hàng hóa xuất khẩu đã được thông quan và được công chức hải quan xác nhận hàng hóa đã qua khu vực giám sát khi hàng hóa vận chuyển qua biên giới sang nước nhập khẩu;
- Đối với hàng hóa xuất khẩu tại chỗ, hàng hóa từ nội địa bán vào khu phi thuế quan, DNCX là tờ khai hải quan xuất khẩu, tờ khai hải quan nhập khẩu đã được thông quan;
- Tờ khai giấy phải có xác nhận của công chức hải quan trên tờ khai.
Lưu ý: Riêng hồ sơ hàng hóa xuất khẩu để thực hiện các thủ tục về thuế, được quy định tại các văn bản thuế. Chi tiết các bạn tiếp tục xem thêm tại:
Điều kiện khấu trừ, hoàn thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu
Thủ tục và điều kiện để được hoàn thuế xuất nhập khẩu như thế nào?