18/06/2018, 12:43

Quảng Bình - Lễ hội Đập Trống của người Ma Coong

Cứ đến hẹn lại lên, vào ngày 16 tháng Giêng Âm lịch, người Ma Coong ở giữa đại ngàn Trường Sơn lại tưng bừng trong ngày hội dân gian đặc sắc của mình, đó là lễ hội đập trống mừng mùa trăng mới. Lễ hội đập trống thật sự là ngày hội của ...

 
Cứ đến hẹn lại lên, vào ngày 16 tháng Giêng Âm lịch, người Ma Coong ở giữa đại ngàn Trường Sơn lại tưng bừng trong ngày hội dân gian đặc sắc của mình, đó là lễ hội đập trống mừng mùa trăng mới.

Lễ hội đập trống thật sự là ngày hội của các dân tộc người ở miền Tây Quảng Bình như Ma Coong, Arem, Vân Kiều...

Không biết từ đời nào người Ma Coong đã có hội đập trống này, chỉ biết người già nói rằng, ngày xưa vùng đất của người Ma Coong đang ở xuất hiện một con khỉ ác mầu vàng, hằng đêm nó thường vào rẫy của bà con dân bản ăn ngô, lúa. Khi có khỉ ác xuất hiện, người Ma Coong liên tục mất mùa, đau ốm. Dân làng quyết tâm phải đuổi con khỉ ác này đi. Và một hôm khỉ ác tìm đến bản, bà con đã khua trống đánh chiêng đuổi khỉ, tiếng trống tiếng chiêng của cộng đồng người Ma Coong cùng với sự giúp đỡ của Giàng mà khỉ ác đã phải rời xa vùng đất này và từ đó người Ma Coong, người Arem anh em làm ăn được mùa, con cháu không còn đau ốm nữa. Và thế là lễ hội đập trống của người Ma Coong có từ khi đó.

Mâm cỗ cúng Giàng gồm có rượu cần, gà, cá, xôi, ngọn cây mây, khúc thân cây đoác. Mỗi bản có một mâm và trong lễ cúng phải có 18 mâm cỗ như thế. Trách nhiệm làm mâm cỗ phải là người nhà của các già bản. Như năm nay ở bản Cà Roòng 1 việc làm mâm cỗ được giao cho Đinh Hùng là cháu của Đinh Xon.

Cá để cúng Giàng được lấy từ khúc suối cấm, đây là khúc ngăn của con suối Aky. Vào khoảng tháng 5 dân bản ngăn con suối Aky từ bản Rào Bụt đến bản Nồm và được quản lý nghiêm ngặt nếu ai vào đó đánh cá thì bị phạt rất nặng, khúc suối này chỉ được đánh bắt cá tự do sau khi lễ hội đập trống diễn ra.

Trống hội được làm từ buổi sáng, tang trống được làm bằng thân cây gỗ lồi, da bịt mặt trống được lấy từ da bò, bịt trống bằng những cây mây già, chêm mặt trống cho căng là những thân tre già.

Suốt cả ngày 16 tháng Giêng, dân bản Cà Roòng 1 ai cũng bận rộn vì tối nay đây là trung tâm của lễ hội đập trống. Đàn ông thì lo phần chuẩn bị hội, còn đàn bà thì chuẩn bị thức ăn để tiếp đón bà con từ các bản khác đến.

Khi Mặt Trời khuất sau dãy núi lặn xuống cánh rừng già, bà con 18 bản men theo những con đường mòn về đây dâng lễ, người Arem dưới Tân Trạch đã lên, người Ma Coong bên Lào đã sang, già làng Đinh Cửu bước vào lễ tế cúng trời đất, cúng Giàng mặt trời mọc, cúng Giàng mặt trời lặn mong sao năm nay mưa thuận gió hoà, ngô lúa tốt tươi, tất cả mọi người khoẻ mạnh, không đau ốm.

Sau lễ tế già làng Đinh Cửu khai cuộc đánh chiêng đánh trống và thế là hội đập trống được bắt đầu. Ai cũng háo hức đánh hết sức vào trống để cho tiếng trống vang càng xa. Tiếng trống, tiếng chiêng cứ vang mãi làm lay động cả núi rừng Trường Sơn đại ngàn. Bình rượu cần nghiêng, điệu nhảy nghiêng, cả núi rừng cũng nghiêng ngả, chỉ tiếng trống vang mãi vọng qua vách núi xuyên qua những lớp rừng già. Trong điệu nhảy trong tiếng trống những tiếng đồng thanh "Zoa lữ Giàng ơi! Zoa lữ Giàng ơi!" (Vui lắm Trời ơi! Sướng lắm Trời ơi!).

Ánh trăng núi rừng đã quá đỉnh đầu, âm thanh tiếng trống càng giục giã sôi động thì đúng lúc ấy các đôi bạn tình lại tìm đến nhau hò hẹn bên dòng suối Aky.

Và sau mùa lễ hội không biết bao nhiêu đôi bạn tình lại nên vợ nên chồng để cho tộc người Ma Coong ngày càng phát triển.

Có thể nói, lễ hội đập trống của người Ma Coong là lễ hội đậm chất dân tộc, còn nguyên sơ chưa bị pha tạp còn mang nhiều bản sắc của dân tộc miền Tây Quảng Bình và là vốn quý, phải giữ gìn để mùa lễ hội sau không mất đi.


0