Hưng Yên - Lễ rước nước trên sông Hồng
Hằng năm cứ vào dịp từ ngày 10 đến 12-2 âm lịch, nhân dân các xã Bình Minh, Mễ Sở, Dạ Trạch thuộc huyện Châu Giang (Hưng Yên) thường tổ chức lễ hội tưởng nhớ đức Thánh Chử Đồng Tử. Cũng có năm không mở hội lớn nhưng lễ rước nước rất đặc sắc thì năm nào cũng được tiến hành trên một dải sông ...
Hằng năm cứ vào dịp từ ngày 10 đến 12-2 âm lịch, nhân dân các xã Bình Minh, Mễ Sở, Dạ Trạch thuộc huyện Châu Giang (Hưng Yên) thường tổ chức lễ hội tưởng nhớ đức Thánh Chử Đồng Tử. Cũng có năm không mở hội lớn nhưng lễ rước nước rất đặc sắc thì năm nào cũng được tiến hành trên một dải sông Hồng, theo truyền thuyết là nơi diễn ra cuộc hội ngộ có một không hai giữa chàng trai nghèo Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung.
Dọc theo hai bên tả hữu sông Hồng nhiều nơi có đền thờ Chử Đồng Tử nhưng nổi tiếng nhất có lẽ là các đền Dạ Trạch (thôn Yên Vĩnh, xã Dạ Trạch), ngay bên đầm Dạ Trạch (tương truyền là nơi Chử Đồng Tử hóa) và đền Đa Hòa (thôn Đa Hòa, xã Bình Minh) ngay trên bờ sông đối diện bãi Tự Nhiên là nơi xưa kia Chử Đồng Tử và Tiên Dung lần đầu gặp gỡ. Cả hai đền này đều có tổ chức lễ rước nước với nghi thức gần giống nhau trong cùng một ngày mồng 10-2 âm lịch. Theo tục lệ, nước dùng để cúng bái trong cả năm phải là nước được lấy ở giữa sông Hồng. Mỗi đám rước thường rất đông, có đến cả vạn người tham dự. Những người trực tiếp tham gia vào công việc của lễ như đội tế, đội múa sênh tiền, đội múa rồng, đội khiêng kiệu, v.v. được gọi là các giai đồ. So về quy mô thì đám rước nước từ đền Dạ Trạch có lẽ lớn hơn vì có sự tham gia đông đảo của các xã khác như Đông Tảo, Yên Phú, Liên Nghĩa, v.v. đặc biệt các xã thuộc tỉnh Hà Tây có thờ Thánh Chử Đồng Tử cũng tham dự lễ rước nước cùng với Dạ Trạch như xã Tự Nhiên (Thường Tín), xã Vĩnh Khang (Phú Xuyên). Còn đám rước nước từ đền Đa Hòa tuy cũng có rất đông khách thập phương nhưng về quy mô thì chỉ có chín làng (xưa kia thuộc tổng Mễ Sở) trực tiếp tham gia, gọi là lễ hàng tổng. Đi đầu các đám rước là một hoặc hai con rồng vàng lộng lẫy uy nghi uốn lượn theo nhịp trống phách. Tiếp đó đến đội tế nữ của các bà, các cô trong làng ăn mặc xiêm áo rực rỡ, thứ đến bát bửu chấp kích, đội múa bồng vừa đi vừa đánh trống vừa múa thật rộn rã, rồi đến kiệu thánh và kiệu rước chóe để lấy nước sông Hồng. Đám của Dạ Trạch rước đến bảy kiệu, bao gồm: kiệu Long Đình, kiệu Thánh Chử Đồng Tử, kiệu bà cả Tiên Dung, kiệu Hồng Vân, đặc biệt có kiệu gậy - nón và kiệu Ông Bế, sau cùng là kiệu rước chóe. Gậy - nón và Ông Bế là những vật thờ độc đáo của đền Dạ Trạch. Trong đền, gậy và nón (theo truyền thuyết là những vật dụng Chử Đồng Tử dùng để hóa phép ra lâu đài, thành quách) được thờ ở ban phía bên hữu và Ông Bế, hay còn gọi là Bế Ngư được thờ ở ban bên tả. "Bế Ngư thần quan" là tượng một con cá hóa rồng bằng gỗ dài hơn 1m sơn son thếp vàng rực rỡ, biểu hiện niềm mong mỏi chế ngự sông nước của những ngư dân vùng đầm lầy Dạ Trạch.
Dân làng kể rằng thuở xưa trong đầm có những con cá chép lớn đến nỗi trẻ chăn trâu bơi lội còn cưỡi được cả cá, sau 18 năm liền vỡ đê Văn Giang không còn thấy được những con cá lớn ấy nữa. Đám rước nước vừa đi vừa múa trong nhịp trống phách, khi ra đến bờ sông, tất cả các kiệu được chuyển lên đoàn thuyền trang trí cờ xí đèn hoa lộng lẫy đã chờ sẵn. Cả hai làng đều có làm một thuyền rồng lớn có một lầu ở giữa, gọi là du thuyền, để diễn lại cảnh nàng Tiên Dung thuở nào đi du ngoạn trên sông. Chiếc du thuyền uy nghi chèo ở giữa, các thuyền khác diễu chung quanh, sắc màu rực rỡ, âm nhạc vang lừng. Đoàn thuyền của Đa Hòa bơi sang bãi Tự Nhiên, rồi quây thành một vòng tròn ở giữa sông để một cụ già đức độ (được làng chỉ định từ trước) cầm gáo dừa sơn đỏ múc từng gáo nước đổ vào chóe. Còn đoàn thuyền của Dạ Trạch sau khi gặp với đoàn thuyền của xã Tự Nhiên bên kia sông cùng nhau diễn cảnh Tiên Dung du ngoạn xuống đến tận Hàm Tử rồi mới quay về lấy nước ở giữa dòng sông đoạn ngang làng Vĩnh. Chóe nước sông Hồng đầy ắp được các đoàn rước đưa trở về đền để dùng làm nước thờ cúng quanh năm.
Lễ rước nước là một nghi thức tâm linh rất đặc sắc biểu hiện tín ngưỡng cầu nước của những cư dân sống với nền văn minh lúa nước ven sông Hồng. Hầu như mọi thủ tục, mọi hoạt động trong lễ rước này như múa rồng, rước cá, chèo thuyền, rước nước, v.v. đều có liên quan nước - một yếu tố rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Thông qua nghi thức này, nhân dân muốn cầu cho mưa thuận gió hòa để cấy cày thuận lợi, đặng "lấy đầy bát cơm". Lễ hội đền Chử Đồng Tử thôn Đa Hòa và đền Dạ Trạch năm nay nằm trong chương trình du lịch quốc gia "Việt Nam - điểm đến của thiên niên kỷ mới". Lễ rước nước trong hội Chử Đồng Tử sẽ cùng diễn ra ở cả hai xã Bình Minh và Dạ Trạch vào ngày 15-3 (tức ngày 10-2 âm lịch).