Hà Nội - Lễ hội đền Chúa xã Cổ Nhuế
Thôn Viên, xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm (Hà Nội) có chùa Anh Linh và đền Chúa là hai di tích kiến trúc văn hóa nghệ thuật gắn liền với sự kiện lịch sử đời Trần chống giặc Nguyên Mông, đồng thời gắn với quá trình chiêu dân, lập ấp thành làng Việt Cổ ở xã Cổ Nhuế với công lao sự nghiệp của công ...
Thôn Viên, xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm (Hà Nội) có chùa Anh Linh và đền Chúa là hai di tích kiến trúc văn hóa nghệ thuật gắn liền với sự kiện lịch sử đời Trần chống giặc Nguyên Mông, đồng thời gắn với quá trình chiêu dân, lập ấp thành làng Việt Cổ ở xã Cổ Nhuế với công lao sự nghiệp của công chúa Túc Trinh.
Anh Linh Tự do công chúa Túc Trinh bỏ tiền bạc ra xây dựng, ngày đêm chăm lo Phật đạo, giáo hóa chúng sinh, dạy dân cày cấy, lập làng Kẻ Noi (nay là xã Cổ Nhuế). Để tưởng nhớ công ơn của Bà, nhân dân xã Cổ Nhuế thờ Bà làm Hậu phật tại chùa Anh Linh và Thiên Phúc. Các đền, miếu trong thôn thờ Bà, lấy tên là Tối Linh Từ và tôn Bà làm Thần Chủ.
Tương truyền, sau chiến thắng quân Nguyên lần thứ nhất (năm Mậu Ngọ 1258), để phát triển sản xuất làm cho dân ấm no, quốc gia hưng thịnh, Vua Trần đã xuống chiếu cho các vương hầu, công chúa chiêu tập dân phiêu tán để khai khẩn đất hoang, mở rộng vùng ven kinh thành Thăng Long. Theo chiếu chỉ, công chúa Túc Trinh, con gái Vua Trần Thánh Tông (1240 -1290), đã rời cung điện ra vùng phía tây bắc kinh thành Thăng Long. Công chúa bỏ tiền bạc phát chẩn, cấp vốn cho dân nghèo dựng nhà, vỡ đất cấy trồng làm ăn sinh sống, thành làng, thành xóm. Sau khi lập làng Cổ Nhuế Viên, công chúa Túc Trinh đến làng An Nội, xã Liên Mạc, huyện Từ Liêm để làm tiếp việc ân đức.
Sau này, ngày giỗ công chúa Túc Trinh được tổ chức ở cả hai làng An Hội và Cổ Nhuế. Đêm 30/7 âm lịch hàng năm, làm lễ mở cửa đền. Vào giờ Tý ngày mồng 1/8 âm lịch hàng năm, làm lễ mộc dục và cúng thức. Lễ mộc dục do một vị bô lão trong làng đảm nhiệm, trang phục chỉnh tề, đầu đội khăn xếp, quần trùng, áo dài, chân đi hài vân sảo, tất cả đều màu đỏ. Vị bô lão thay mặt cho cả dân làng làm việc ân đức với Chúa nên hết sức tuân thủ các điều kiêng kỵ: ăn chay một tháng, không ngủ chung với phụ nữ... Nước làm lễ mộc dục phải là nước mưa tinh khiết nấu với ngũ vị hương. Người nấu nước ngũ vị là đàn bà và cũng phải tuân thủ các điều kiêng cữ như vị bô lão. Trước khi làm lễ, vị bô lão rửa tay gọi là quán tẩy, vẩy nước hoa vào người, xoa lên mặt, đầu và hai tay, gọi là tẩy uế.
Sau khi mộc dục cho Chúa Bà, các đồ mã cũ đem đốt, dâng đồ mới. Y phục cũ của Chúa Bà được người ta tranh nhau lấy phần đem về để ở bàn thờ tổ tiên với ý nghĩa: có phép mầu nhiệm của Chúa Bà, gia đình sẽ làm ăn hưng thịnh, tránh mọi điều xấu hoặc se thành sợi buộc vào cổ tay, chân hay đeo ở cổ cho trẻ con đi đêm không sợ ma quỷ, đêm ngủ không giật mình. Các bà già cũng lấy một miếng vải áo của Chúa Bà khâu ở vạt áo hoặc buộc vào tràng hạt để cầu mong sau này chết được Chúa Bà giúp sức chầu về cảnh tây phương cực lạc.
Lễ mộc dục xong là đến lễ cúng thức, ông chủ tế đọc chúc văn, nội dung ca ngợi công đức của công chúa Túc Trinh đối với dân làng Cổ Nhuế từ xưa tới nay, cầu xin hồng ân của trời đất, phật, thánh, Chúa Bà ban phúc lành cho quốc thái, dân an.
Sáng ngày mùng 1/8 âm lịch, cúng phật tại chùa Anh Linh, sau đó về đền Chúa làm lễ khai quang, yên vị xin Chúa cúng giỗ. Ngày giỗ Chúa gọi là cúng đối kỵ, có dâng lục cúng: hương, hoa, trà, quả, đăng, thực. Lễ cúng thực gồm có: Cơm tẻ nấu bằng gạo lật, muối vừng, trám đen muối, giá luộc, tương, canh đậu xanh; sau nghi lễ cúng thực dâng chè kho, chè lam và kẹo lạc.
Trong ngày giỗ Chúa, dân hai làng Cổ Nhuế và An Nội phải tuân thủ theo lệ: Không rước tượng Chúa đi viễn du, không đốt pháo từ ngày 25/7 - 2/8 âm lịch. Ngày giỗ Chúa toàn dân làm cỗ chay, ăn chay. Những sản vật trong từng nhà sản xuất được đem dâng lễ tại đền như: mít, dừa, lựu, chuối, na, cam, mía, khoai luộc... Ngoài ra, các gia đình, ngõ xóm nằm trên trục đường xã Cổ Nhuế - Chèm đều sắm hoa quả, vàng, hương, đèn nến, oản, phẩm, đặt lên một chiếc bàn con kê ngoài rìa đường, dâng lên đức Chúa Bà, cầu xin Chúa ban phúc cho gia đình, làng xóm khỏe mạnh, làm ăn hưng thịnh, vạn vật sinh sôi, nảy nở. Đêm ngày giỗ Chúa, tại đền có tổ chức hát chèo, diễn tuồng, múa lân, múa rồng, đọc và bình thơ rất sôi nổi.