Quan niệm văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội trong Hội nghị Trung Ương 5 (khoá VIII)
Hội nghị Trung ương 5 (khoá VIII) xác định “Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội”. Quan niệm văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội của Đảng ta được hiểu là: Kinh tế và văn hoá luôn giữ vị trí quan ...
Hội nghị Trung ương 5 (khoá VIII) xác định “Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội”.
Quan niệm văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội của Đảng ta được hiểu là:
Kinh tế và văn hoá luôn giữ vị trí quan trọng và quyết định đối với sự vận động và phát triển của xã hội. Nếu kinh tế là nền tảng vật chất của đời sống xã hội thì văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội. Văn hoá có chức năng định hình các giá trị, chuẩn mực trong đời sống xã hội, chi phối các hành vi của mỗi người và toàn xã hội. Các giá trị, chuẩn mực đó được truyền bá, lưu giữ, chắt lọc và phát triển trong tiến trình lịch sử của dân tộc, trở thành hệ thống các giá trị đặc trưng cho một dân tộc, bao gồm chính trị, đạo đức, luật pháp, khoa học, văn học, nghệ thuật, các thể chế, thiết chế văn hoá, tập quán, lối sống…, tạo nên bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc.
Với vai trò nền tảng tinh thần của xã hội, văn hoá luôn là mục tiêu và động lực của sự phát triển kinh tế – xã hội; là mục tiêu vì phát triển kinh tế là để phát triển con người; là động lực bởi vì văn hóa thể hiện trước hết thông qua chức năng xây dựng con người, bồi dưỡng nguồn lực con người về trí tuệ và tâm hồn, năng lực, sự thành thạo, tài năng, đạo đức, nhân cách, lối sống của cá nhân và cộng đồng.
Xây dựng và phát triển kinh tế phải nhằm mục tiêu xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, con người được hạnh phúc và phát triển toàn diện. Vì vậy, văn hoá đóng vai trò là mục tiêu cả trước mắt và lâu dài của sự phát triển kinh tế – xã hội. Thiếu nền tảng tinh thần tiến bộ, lành mạnh sẽ không có sự phát triển kinh tế – xã hội bền vững.
Tiến hành đồng bộ và gắn kết ba lĩnh vực: phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt, xây dựng văn hóa, nền tảng tinh thần của xã hội là nhằm tạo nên sự phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững của đất nước trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Trong quá trình thực hiện các nghị quyết của Đảng, đặc biệt từ Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về văn hóa văn nghệ đến nay, chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng, đồng thời vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm, yếu kém cần quan tâm khắc phục. Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa X trình Đại hội XI nêu rõ: “Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thông tin, thể dục thể thao ngày càng mở rộng, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” từng bước đi vào chiều sâu” ; đồng thời, “Văn hóa phát triển chưa tương xứng với tăng trưởng kinh tế. Quản lý văn hóa, văn nghệ, báo chí, xuất bản còn thiếu chặt chẽ. Môi trường văn hóa bị xâm hại, lai căng, thiếu lành mạnh, trái với thuần phong, mỹ tục, các tệ nạn xã hội, tội phạm và sự xâm nhập của các sản phẩm và dịch vụ độc hại làm suy đồi đạo đức, nhất là trong thanh, thiếu niên, rất đáng lo ngại” .