11/05/2018, 15:03

Năm bài học kinh nghiệm trong Báo cáo chính trị tại Đại hội XI

Từ thực tiễn phong phú của cách mạng Việt Nam qua 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 20 năm thực hiện Cương lĩnh 1991 và 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã rút ra 5 bài học lớn; Báo cáo ...

Từ thực tiễn phong phú của cách mạng Việt Nam qua 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 20 năm thực hiện Cương lĩnh 1991 và 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã rút ra 5 bài học lớn; Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI trình Đại hội XI của Đảng đã rút ra 5 bài học kinh nghiệm.

Một là, trong bất kỳ điều kiện và tình huống nào cũng phải kiên trì thực hiện đường lối và mục tiêu đổi mới, kiên định và vận dụng sáng tạo phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đổi mới toàn diện, đồng bộ với những bước đi thích hợp.

Tích cực, chủ động hội nhập quốc tế phải gắn với chú trọng xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, giữ vững truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc. Mở rộng, phát huy dân chủ phải gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương và ý thức trách nhiệm của mỗi công dân, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cả cộng đồng.

Hai là, phải thật sự coi trọng chất lượng, hiệu quả tăng trưởng và phát triển bền vững, nâng cao chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế, đồng thời duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Tăng cường huy động các nguồn lực trong và ngoài nước, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả các nguồn lực để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế. Phát triển lực lượng sản xuất phải đồng thời xây dựng, hoàn thiện quan hệ sản xuất phù hợp; củng cố và tăng cường các yếu tố bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế.

Ba là, phải coi trọng kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là đối với người nghèo, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là trong tình hình kinh tế khó khăn, suy giảm; gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, củng cố quốc phòng, an ninh, tăng cường quan hệ đối ngoại, thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bốn là, đặc biệt chăm lo củng cố, xây dựng Đảng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Thật sự phát huy dân chủ, giữ vững nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương, đoàn kết thống nhất, gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên vững vàng về chính trị, tư tưởng, trong sáng về đạo đức, lối sống, có sức chiến đấu cao, thành thạo về chuyên môn, nghiệp vụ; phát huy hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, tính tích cực, chủ động, sáng tạo của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.

Năm là, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải rất nhạy bén, kiên quyết, sáng tạo, bám sát thực tiễn đất nước; chú trọng công tác dự báo, kịp thời đề ra các giải pháp phù hợp với tình hình mới; tăng cường công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận cao, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

>>> Xem lại Bài học lớn Cương lĩnh 1991: 

0