25/05/2018, 07:46

Quan điểm sáng tác củ Nguyễn Minh Châu trước năm 1975

Kể từ truyện ngắn đầu tay “ Sau một buổi tập ”viết năm 1960, con đường văn học của Nguyễn Minh Châu trải qua gần 30 năm với hai giai đoạn chính mà cái mốc phân chia là năm 1975. ...

        Kể từ truyện ngắn đầu tay “Saumột buổi tập”viết năm 1960, con đường văn học của Nguyễn Minh Châu trải qua gần 30 năm với hai giai đoạn chính mà cái mốc phân chia là năm 1975.

Nguyễn Minh Châu, toàn tập. Mai Hương sưu tầm, biên soạn và giới thiệu. NXB Văn học 2001

Sáng tác từ 1975 về trước :

Trước khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bùng nổ trong cả nước, Nguyễn Minh Châu đã có hơn 10 truyện ngắn và bút ký in trên tạp chí Văn nghệ quân đội. Nhưng phải đến tiểu thuyết “Cửa sông”(1967) thì con đường văn học của Nguyễn Minh Châu mới thực sự định hình. Tiếp đó, tập truyện ngắn “Những vùng trời khác nhau”(1970) và nhất là tiểu thuyết “Dấu chân người lính”(1972) đã đưa Nguyễn Minh Châu vào trong số những cây bút văn xuôi hàng đầu của văn học chống Mỹ.

Tiểu thuyết "Cửa sông"

Cửa sông” là cuốn tiểu thuyết in đậm dấu ấn thời sự của những ngày đầu đất nước bước vào cuộc chiến tranh chống Mỹ. Câu chuyện về một làng quê ở vùng cửa sông ven biển miền Trung vào những ngày đầu cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ. Cuộc sống ở một làng quê vừa bình tĩnh, chủ động vừa khẩn trương khi chiến tranh xảy đến. Cái mà nhà văn đã cảm nhận và thể hiện được là sự vững vàng, bình tĩnh của chúng ta đón nhận tình thế mới, và điều quan trọng hơn nữa là chính cuộc chiến tranh đã gắn kết hết thảy mọi người, từ các thành viên trong gia đình ông Lâm đến mọi người dân làng Kiều, giúp họ vượt qua những ngăn cách để gần nhau hơn trong một tâm trạng chung, một mối lo toan chung. Cửa sông là “hình ảnh về quê hương ta trong chiến tranh” (Phong Lê)

Tiểu thuyết "Dấu chân người lính"

Dấu chân người lính - cuốn sách "gối đầu" của thanh niên Việt Nam thời chống Mỹ - qua 10 lần tái bản.

Ảnh chụp từ tủ sách của gia đình nhà văn.

Nội dung của "Dấu chân người lính"

Tiểu thuyết Dấu chân người lính­(1972) gồm ba phần: Hành quân, Chiến dịch bao vây, Đất giải phóng, đã dựng lại những khung cảnh rộng lớn và hào hùng của cuộc chiến tranh với những cảnh vượt Trường Sơn của các binh đoàn chủ lực, rồi những chiến dịch Khe Sanh- Tà Cơn với những trận chiến ác liệt trên vùng đất Quảng Trị. Cùng với việc tái hiện bối cảnh và không khí lịch sử, ngòi bút Nguyễn Minh Châu đã tập trung khắc hoạ hình tượng người lính cách mạng với hàng chục nhân vật thuộc các thế hệ khác nhau. Đông đúc và sinh động nhất là thế hệ trẻ, mà tiêu biểu là Lữ, Khuê, Cận. Đến với quân đội từ những vùng, miền, những hoàn cảnh xuất thân khác nhau, nhưng ở họ đều mang những phẩm chất chung của thế hệ trẻ thời ấy: lòng yêu nước và ý thức trách nhiệm với tổ quốc niềm say mê chiến đấu, tâm hồn trong sáng. Bên cạnh một Lữ giàu mơ mộng, lãng mạn, nhạy cảm là Khuê thông minh, sắc sảo, tinh nhạy - họ như là sự bổ sung cho nhau để tạo nên gương mặt lí tưởng của thế hệ trẻ trong ý đồ sáng tạo của nhà văn. Nhân vật chính uỷ Kinh cũng để lại được những ấn tượng đẹp về thế hệ những người lính lớp trước từng trải qua hai cuộc chiến tranh. Phẩm chất nổi bật ở người cán bộ này là tình yêu thương sâu sắc của ông với mọi chiến sĩ, được thể hiện bằng sự gần gũi, chăm lo rất  cụ thể với các chiến sĩ. Dấu chân người lính lôi cuốn người đọc bằng chất sử thi hào hùng cùng với màu sắc trữ tình lãng mạn, nhất là ở những trang miêu tả thiên nhiên, những rung động trong tâm hồn các nhân vật.

Một điều rất đáng chú ý trong hai cuốn tiểu thuyết ở thời kỳ này của Nguyễn Minh Châu là cùng với việc thể hiện cảm hứng sử thi bao trùm cả thời đại, nhà văn cũng đã bộc lộ sự nhạy cảm trước những câu chuyện tình đời, những số phận éo le của con người, dù đó mới chỉ là những âm trầm, nốt lặng xen vào bản giao hưởng hào hùng. Đó là câu chuyện éo le, khó xử của ông Vàng với hai bà vợ trong Cửa sông, là mối tình nồng nàn mà ngang trái của Lượng và Xiêm, là tình yêu giàu tính lí tưởng mà thầm lặng của Lữ với cô văn công Thu Hiền, là nỗi đau của chính uỷ Kinh trước cái chết của Lữ, đứa con trai hy sinh lúc còn quá trẻ trong Dấu chân người lính.

Tập truyện ngắn "Những vùng trời khác nhau"

Tập truyện ngắn Những vùng trời khác nhau (1970) gồm bảy truyện ngắn, chủ yếu được viết trong những năm đầu chiến tranh chống Mỹ. Tất cả đều là những câu chuyện, những hình ảnh trong chiến tranh. Cùng với hình ảnh người lính, thì đậm nét hơn cả lại là một số nhân vật phụ nữ, như Thận (Nhành mai), Bà mẹ (Bà mẹ xóm Nhà thờ), Nguyệt (Mảnh trăng). Ở tập truyện ngắn đầu tay này, ngòi bút tác giả chưa phải đã thật sự già dặn trong nghệ thuật kể chuyện, tổ chức kết cấu, tạo tình huống. Một số truyện còn được xây dựng theo mạch kể chuyện khá đơn giản. Đặc sắc hơn cả là truyện Mảnh trăng (về sau, khi in trong tuyển tập truyện ngắn có tên là Mảnh trăng cuối rừng). Ở tập truyện ngắn này cũng đã bộc lộ một số đặc điểm trong bút pháp của Nguyễn Minh Châu là sử dụng hình ảnh biểu tượng: nhành mai, mảnh trăng trong những truyện ngắn cùng tên, dòng suối (trong Nguồn suối).

0