Quan điểm chỉ đạo công tác vận động nhân dân trong công cuộc đổi mới
Nghị quyết Trung ương 8 khoá VI “Về đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân” xác định bốn quan điểm chỉ đạo đổi mới công tác vận động nhân dân trong thời kỳ mới. Một là, cách mạng là sự nghiệp của dân, do dân, vì nhân dân. – Tư tưởng ...
Nghị quyết Trung ương 8 khoá VI “Về đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân” xác định bốn quan điểm chỉ đạo đổi mới công tác vận động nhân dân trong thời kỳ mới.
Một là, cách mạng là sự nghiệp của dân, do dân, vì nhân dân.
– Tư tưởng “lấy dân làm gốc” được Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa, nâng lên tầm cao mới, với những nội dung mới. Ngay từ năm 1949, Người đã chỉ rõ:
“NƯỚC TA LÀ NƯỚC DÂN CHỦ
Bao nhiêu lợi ích đều vì dân.
Bao nhiêu quyền hạn đều của dân.
Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân.
Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân.
Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra.
Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên.
Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.
Người đã nhiều lần khẳng định: “Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì cũng không nên”.
“Nước lấy dân làm gốc”. ”Gốc có vững cây mới bền”.
– Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) được thông qua tại Đại hội XI của Đảng đã nêu năm bài học chủ yếu trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong đó có bài học: “Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Ðảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Ðảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng”.
Hai là, động lực thúc đẩy phong trào quần chúng là đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân, kết hợp hài hoà các lợi ích, thống nhất lợi ích và nghĩa vụ công dân.
– Trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do cho đất nước, Đảng đã vạch ra được đường lối, chủ trương đúng đắn, đáp ứng lợi ích, nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân, đó là đấu tranh cho quyền dân sinh, dân chủ và lợi ích cao nhất là độc lập, tự do của đất nước. Nhờ đó đã tập hợp được các tầng lớp nhân dân đi theo Đảng làm cách mạng.
– Trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, việc giải quyết quan hệ lợi ích theo nguyên tắc: lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể và lợi ích toàn xã hội gắn chặt và thống nhất với nhau, trong đó lợi ích cá nhân là động lực trực tiếp. Kết hợp hài hoà lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài, lợi ích địa phương và lợi ích cả nước. Coi trọng lợi ích cá nhân nhưng không tuyệt đối hoá, không chấp nhận chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ dẫn đến mâu thuẫn xã hội gay gắt, làm tổn hại đến lợi ích chung của cộng đồng. Nhờ đó, qua gần 25 năm đổi mới, chúng ta đã đạt được những thắng lợi to lớn và có ý nghĩa lịch sử.
Đại hội XI của Đảng tiếp tục khẳng định: kết hợp hài hoà các lợi ích cá nhân, tập thể và xã hội… là một động lực chủ yếu để phát triển đất nước. Quán triệt quan điểm này mới tạo ra được phong trào hành động cách mạng rộng rãi của các tầng lớp nhân dân.
Ba là, các hình thức tập hợp nhân dân phải đa dạng.
– Trong giai đoạn mới của cách mạng phải đa dạng hoá các hình thức tập hợp nhân dân, vì cơ cấu xã hội – giai cấp, xã hội – dân cư, xã hội – nghề nghiệp… có sự phát triển mới cùng với sự phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, làm cho nhu cầu lợi ích của xã hội, của tổ chức và mỗi cá nhân hết sức đa dạng, phong phú. Mặt khác, trình độ của các tầng lớp nhân dân không đồng nhất, do đó phải có cấp độ khác nhau về hình thức tập hợp. Đa dạng hoá các hình thức tập hợp nhân dân là hợp với quy luật phát triển của xã hội trong nền kinh tế thị trường với nhiều thành phần kinh tế ở nước ta.
– Cùng với hình thức tập hợp nhân dân, Đảng cũng nhấn mạnh đến phương thức và khẩu hiệu vận động nhân dân sao cho phù hợp với trình độ từng đối tượng nhân dân, coi trọng việc vận động bằng các điển hình tiên tiến.
– Theo tinh thần Đại hội XI của Đảng, để phát huy dân chủ trong đời sống xã hội đòi hỏi phải phát triển nhiều hình thức trong sinh hoạt xã hội. Vì vậy, bên cạnh việc củng cố, đổi mới tổ chức và hoạt động của các đoàn thể chính trị – xã hội truyền thống, cần khuyến khích phát triển những tổ chức mang tính xã hội, nghề nghiệp, nhân đạo, hữu nghị…, thu hút đông đảo nhân dân thực hiện đường lối đổi mới của Đảng.
Bốn là, công tác vận động nhân dân là trách nhiệm của Đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân dân.
– Đảng phải lãnh đạo toàn bộ hệ thống chính trị làm công tác dân vận nhằm thường xuyên củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân, coi trọng công tác kiểm tra việc thực hiện các chủ trương về dân vận, nhất là đối với hệ thống chính quyền.
– Các cấp chính quyền phải chăm lo công tác quần chúng, vì Nhà nước của ta là Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Cần khắc phục tình trạng nhiều cấp chính quyền còn có những biểu hiện coi nhẹ công tác dân vận và coi nhẹ việc xây dựng các tổ chức quần chúng.
– Các tổ chức đoàn thể, các hội nghề nghiệp… cần phải coi trọng công tác vận động đoàn viên, hội viên, phải tiếp tục đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động cho phù hợp với tình hình mới.
– Mọi cán bộ, đảng viên, mọi công chức, viên chức nhà nước đều phải làm tốt công tác dân vận theo chức trách của mình. Hơn nửa thế kỷ trước đây, trả lời câu hỏi: “Ai phụ trách dân vận?, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ Đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân (Liên Việt, Việt Minh v.v.) đều phải phụ trách dân vận”. Người còn ân cần nhắc nhở, phê bình: “Khuyết điểm to ở nhiều nơi là xem khinh việc dân vận. Cử ra một ban hoặc vài người, mà thường cử những cán bộ kém rồi bỏ mặc họ. Vận được thì tốt, vận không được cũng mặc. Những cán bộ khác không trông nom, giúp đỡ, tự cho mình không có trách nhiệm dân vận. Đó là sai lầm rất to, rất có hại”.