Đảng lãnh đạo toàn dân kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954) như thế nào? ý nghĩa lịch sử của thắng lợi?
Vừa mới ra đời, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã bị các nước đế quốc, các thế lực phản động cấu kết với nhau chống phá rất quyết liệt hòng tiêu diệt chính quyền cách mạng còn non trẻ. Nhà nước ta lúc này hết sức khó khăn: Nền kinh tế nghèo nàn xơ xác, nạn đói hoành hành, đất nước bị bao vây bốn ...
Vừa mới ra đời, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã bị các nước đế quốc, các thế lực phản động cấu kết với nhau chống phá rất quyết liệt hòng tiêu diệt chính quyền cách mạng còn non trẻ. Nhà nước ta lúc này hết sức khó khăn: Nền kinh tế nghèo nàn xơ xác, nạn đói hoành hành, đất nước bị bao vây bốn phía; vận mệnh của Tổ quốc như “ngàn cân treo sợi tóc”. Song, Đảng ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp thời đề ra những chủ trương, quyết sách đúng đắn, toàn diện trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng… Với đường lối cực kỳ sáng suốt, vừa cứng rắn về nguyên tắc, vừa mềm dẻo về sách lược, Đảng đã huy động được sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc vượt qua muôn vàn khó khăn, nguy hiểm, củng cố giữ vững chính quyền cách mạng, chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp.
Bất chấp nguyện vọng yêu chuộng hòa bình của nhân dân ta, mặc dù chúng ta đã nhân nhượng, chúng ta càng nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng muốn cướp nước ta một lần nữa. Ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Đáp lời kêu gọi đó, nhân dân cả nước đã nhất tề đứng lên với quyết tâm: “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Với đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, đánh lâu dài, dựa vào sức mình là chính, vừa kháng chiến vừa kiến quốc, Đảng ta đã tổ chức, lãnh đạo nhân dân vượt qua mọi khó khăn, giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược.
Chiến thắng Điện Biên Phủ (tháng 5-1954) đã đi vào lịch sử dân tộc ta như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa của thế kỷ XX, đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi, đột phá thành trì của đế quốc, báo hiệu sự sụp đổ hoàn toàn không tránh khỏi của chủ nghĩa thực dân cũ. Đánh giá ý nghĩa lịch sử của thắng lợi này, Hồ Chủ tịch viết: “Lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ yếu đã thắng một nước thực dân hùng mạnh. Đó là thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là thắng lợi của các lượng hòa bình, dân chủ và CNXH thế giới”…
Thắng lợi đó đã làm sáng tỏ một chân lý: Trong điều kiện thế giới ngày nay, một dân tộc dù nhỏ yếu nhưng một khi đoàn kết đứng lên, kiên quyết đấu tranh dưới sự lãnh đạo của chính Đảng Mác-Lênin để giành độc lập và dân chủ thì có đầy đủ lực lượng để chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược.