Pozsgay Imre, một người cộng sản yêu nước
Pozsgay Imre (bên phải, ngoài cùng) cùng Medgyessy Péter và Németh Miklós, những lãnh đạo cộng sản cấp tiến trong lễtái mai táng Thủ tướng Nagy Imre (tháng 6-1989), cuộc tổng diễn tập của sự hòa hợp, hòa giải Hungary – Ảnh tư liệu Hoàng Nguyễn Giáo sư Pozsgay Imre, lãnh tụ cộng ...
Hoàng Nguyễn
Giáo sư Pozsgay Imre, lãnh tụ cộng sản theo xu hướng cải tổ, một trong những yếu nhân của biến chuyển dân chủ 1989 tại Hungary vừa qua đời hôm qua, 25-3, hưởng thọ 83 tuổi.
“Con ốc lạ” trong thể chế độc tài
Pozsgay Imre sinh năm 1933, gia nhập Đảng Công nhân Hungary (tiền thân của Đảng Cộng sản Hungary MSZMP) năm 17 tuổi, và đã đi hết các nấc thang cần thiết đương thời để trở thành thành viên Ban lãnh đạo thượng đỉnh Hung vào những năm cuối thập niên 80 thế kỷ trước.
Có bằng Tiến sĩ Triết học từ năm 1970 với một đề tài bị coi là nhạy cảm và cấm đoán thời đó là sự phát triển của dân chủ, Pozsgay thăng tiến nhanh chóng trên con đường chính trị: thời kỳ 1976-1980 ông giữ cương vị Bộ trưởng Văn hóa, và sau đó từ năm 1980 là Bộ trưởng Văn hóa Giáo dục.
Sau một thời gian bị thất sủng và phải chuyển sang giữ chức Bí thư Mặt trận Nhân dân Ái quốc, một tổ chức “quần chúng”, Pozsgay thực sự trở lại vũ đài chính trị Hungary năm 1988 khi được bầu vào Bộ Chính trị Trung ương đảng, đồng thời là Bộ trưởng bộ không bộ thời kỳ 1989-1990.
Lý giải cho những tư tưởng cởi mở thời gian này, về sau Pozsgay nói rằng, thời trẻ, ông từng tin tưởng vào CNCS, và tin rằng cuộc cách mạng 1956 là hành vi phản cách mạng. Tuy nhiên, tới năm 1958, khi Thủ tướng xu theo hướng cải tổ Nagy Imre bị tử hình, ông đã thay đổi quan niệm này.
Và do đó, trong suốt mấy chục năm hoạt động trong bộ máy độ tài, Pozsgay vẫn không coi mình là một người cộng sản, mà luôn tìm cách phá bỏ nó từ bên trong. Ông cho rằng, sở dĩ thể chế Kádár ở Hung thời đó còn chấp nhận ông, vì họ muốn có một guơng mặt khả dĩ đối với giới trí thức.
Có nhiều năm làm công tác văn hóa, Pozsgay đã có nhiều ưu ái với giới văn nghệ, và góp phần để đời sống văn hóa, tinh thần Hungary trong những năm dưới thời cộng sản không quá nghèo nàn, nhiều văn nghệ sĩ có tư tưởng bứt phá không bị đàn áp thô bạo như ở nhiều nước CS đương thời.
Tuyên bố động trời
Pozsgay được biết đến với một sự kiện mà nếu không phải người Hung, khó cảm nhận được sức nặng của nó: ông là người, vào cuối tháng 1-1989, nhân cơ hội Tổng bí thư đảng Grósz Károly đi dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới Thụy Sĩ, đã đột ngột có một công bố động trời trước báo giới.
Đó là nội dung kết quả nghiên cứu của một ủy ban đặc trách do ông Pozsgay đứng đầu và trực thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Hung về sự kiện 1956, theo đó biến cố 1956 – trước nay vẫn chính thức bị coi là “bạo loạn phản cách mạng” – thực chất là một cuộc nổi dậy của nhân dân.
Dầu phát ngôn của Pozsgay Imre sau đó chỉ được tường thuật dưới dạng một mẩu tin ngắn của Hãng Thông tấn Hungary MTI, đăng ở vị trí khá “lẩn khuất” tại trang 6 của tờ báo Đảng thời đó, nhưng nó thực sự đã là một tiếng sấm giữa trời quang, làm tan rã tính hợp thức của thể chế cộng sản.
Kể từ thời điểm ấy, phong trào đối lập dân chủ – đặt trên nền tảng những ước vọng và đòi hỏi của cuộc cách mạng 1956 – chính thức được thừa nhận về căn bản. Mặc dầu được Tổng bí thư Grosz yêu cầu rút lại phát biểu, hoặc ít nhất cũng “tự phê bình”, nhưng Pozsgay đã nhất quyết cự tuyệt.
Sở dĩ Pozsgay Imre phải vội vã đưa ra nhận định chính yếu nói trên của tờ trình, vì ông sợ nó sẽ bị ỉm đi trước Trung ương Đảng. Là một bước ngoặt lớn trong loạt những đánh giá “chính thống” về biến cố 1956, tuyên bố của Pozsgay vô hình chung đã mở ra một ngưỡng cửa mới cho Hungary.
Người cộng sản yêu nước
Cùng với những biến động bên ngoài, tuyên bố của Pozsgay Imre là một trong những cú hích mạnh mẽ khiến nước Hung có nhiều chuyển biến trọng đại trong mùa hạ và mùa thu 1989, mà Pozsgay – một trong những thành viên chủ đạo của phe cải tổ trong Đảng Cộng sản – luôn có vai trò to lớn.
Bàn tròn Đối lập – “Hội nghị Diên Hồng” của Hungary – hình thành từ cuối tháng 3-1989 với mục đích tổ chức thương thảo giữa đại diện của chính quyền cộng sản và các tổ chức đối lập, quyết định vận mệnh nước Hung theo con đường dân chủ. Pozsgay là đại diện của Đảng trong sự kiện này.
Ngày 20/8/1989, Pozsgay Imre là đại diện cho phía Hung tại kỳ “Picnic Toàn Âu” ở TP. Sopron, một thử nghiệm mở biên giới giúp vài trăm người tỵ nạn Đông Đức có thể rời Hung sang Phương Tây. Đây là bước đệm cho việc chính phủ cộng sản Hung mở biên giới Hung – Áo vào hôm 11/9 sau đó.
Pozsgay cũng là ứng viên Tổng thống của Đệ tam Cộng hòa Hungary sau đó ít tháng. Trên cương vị một trong những chính khách được tin cậy và ưa thích nhất thời đó, các nhà bình luận cho rằng, nếu bầu cử Tổng thống được tiến hành trực tiếp bởi lá phiếu cử tri, vị trí đó chắc chắn đã về tay ông.
Nói về Pozsgay Imre, chính quyền cánh hữu hiện tại khẳng định trong lời chia buồn rằng ông “từng có vai trò không thể tranh cãi trong sự thay đổi thể chế”. “Mặc dù đóng vai trò đáng kể trong Đảng Cộng sản và Đảng Xã hội Hungary, nhưng ông luôn coi trọng số phận của đất nước và người dân”.
“Khi vận mệnh dân tộc kêu gọi, ông đã dẹp sang một bên những lợi ích đảng phái, cùng với những người khác tham gia gây dựng bản Hiến pháp mới cho nước Hung”. Pozsgay Imre đã nhận ra được những sai lầm của thể chế cộng sản, và dám đi theo con đường mới như một chính khách chân chính.
Những năm cuối đời, Pozsgay giảng dạy trên cương vị một giáo sư đại học, viết sách và diễn thuyết. Được coi là một “người sống sót” vĩ đại, sự ra đi của ông 16 năm sau khi Hungary thay đổi thể chế chính trị được hậu thế tiếc thương, kể cả những người không đồng quan điểm với ông…
Hoàng Nguyễn, từ Budapest
Nguồn bài đăng