18/06/2018, 16:21

Tiến trình Nhà Thanh công nhận triều đại Quang Trung (bài 6)

Chương IV: đại lễ phong vương Nguyễn Duy Chính Diễn tiến Trì hoãn trước khi thành lâm sang – Thành Lâm đến Nam Quan khoảng cuối tháng Tám năm Kỷ Dậu (Càn Long 54) nhưng phải ngừng lại ở Quảng Tây đến 13 tháng Chín mới qua cửa Nam Quan. – Trong khoảng thời gian đó, ...

Chương IV: đại lễ phong vương

Nguyễn Duy Chính

Diễn tiến

Trì hoãn trước khi thành lâm sang

– Thành Lâm đến Nam Quan khoảng cuối tháng Tám năm Kỷ Dậu (Càn Long 54) nhưng phải ngừng lại ở Quảng Tây đến 13 tháng Chín mới qua cửa Nam Quan.

– Trong khoảng thời gian đó, nước ta đưa ra nhiều lý do trì hoãn (vua Quang Trung bị bệnh không thể ra Thăng Long, có tàu ô xâm phạm vùng biển …) và đề nghị sẽ sai Nguyễn Quang Thuỳ, Ngô Văn Sở, Ngô Thì Nhậm ra đón phái đoàn đưa vào Nghệ An rồi cùng vua Quang Trung vào Phú Xuân làm lễ.

Lý do: Không muốn làm lễ mà không có sắc ấn

trì hoãn sau khi thành lâm sang

– Sứ thần nhà Thanh từ Nam Quan đi Thăng Long (13 tháng Chín đến 22 tháng Chín) Vì sứ thần nhà Thanh không đồng ý vào Phú Xuân, hai bên qua lại tranh biện nên họ phải ở lại công quán Gia Quất thêm 20 ngày nữa (từ 22 tháng Chín đến 13 tháng Mười) đợi vua Quang Trung ra Thăng Long.

– Đầu tháng Mười, vua Quang Trung từ Nghệ An ra Thăng Long lấy cớ bệnh chưa khỏi hẳn nên di chuyển tương đối chậm. Ngày 14 tới Thăng Long, ngày 15 làm lễ phong vương ở điện Kính Thiên.

Lý do: Đợi cho Nguyễn Quang Hiển đem sắc ấn về nước

nguyên do

Nguyên nhân chính:

Thanh triều tự ý thay đổi gom việc thông báo tiền sát và phong vương làm một nên nước ta không hài lòng. Vua Quang Trung e ngại việc phong vương ở Thăng Long là một dấu hiệu không tốt theo truyền thống Nam Á và nhất là không có sắc thư và ấn vàng trong đại lễ này.

Nguyên nhân phụ:

Vua Quang Trung bị bệnh và có tàu ô xâm phạm vùng biển.

tóm tắt

Phái đoàn Nguyễn Quang Hiển được chuẩn thuận cho đem tờ biểu cầu phong lên Bắc Kinh đưa bang giao Thanh Việt qua một bước tiến mới. Vấn đề nhà Thanh chấp nhận triều đình Tây Sơn coi như đã xong, nay làm sao sớm hoàn tất nghi lễ hầu chuẩn bị cho phái đoàn vua Quang Trung sang chúc thọ.

Để giải thích việc công nhận một dòng họ mới ở An Nam, [và cũng để khỏa lấp cái nhục bại trận] vua Càn Long nêu cao cái tài “thắng mà không cần dụng binh”, qui phục ngoại phiên bằng đường lối nhân trị nên đã khoản đãi trọng thể phái đoàn Tây Sơn ở Nhiệt Hà và sức cho các tỉnh trên đường đi về tiếp đón nồng hậu [tương đương như khi phái đoàn Miến Điện sang thần phục]. Chính sự huê dạng của hoàng đế đã ít nhiều làm kế hoạch khống chế An Nam của Phúc Khang An bị lỡ bước.

kế hoạch phúc khang an

Như đã trình bày, kế hoạch của Phúc Khang An chủ yếu dùng hình thức phong vương để ràng buộc và tiến hành nghi lễ ngay tại biên giới cũng bảo đảm rằng Nguyễn Quang Bình không thể thoái thác việc đích thân sang Bắc Kinh chúc thọ. Trong dự tính đó, Phúc Khang An thực hiện nhiều việc cùng một lúc, lấy việc nọ làm đòn bẩy cho việc kia.

  1. Công khai hoá việc từ bỏ nhà Lê và để ngỏ việc công nhận một triều đại mới.
  2. Dụ dỗ những nhóm còn trung thành với nhà Lê sang Trung Hoa để vừa làm ơn cho vua Quang Trung, vừa giữ những con tin làm sức ép.
  3. Nhân danh chính sách của thiên triều dung chứa những triều đại thất thế để ép vua Chiêu Thống và những người đi sang cạo đầu, đổi y phục.
  4. Dùng lễ phong vương như mặc cả sau cùng để vua Quang Trung không thể thoái thác.

Những hình thức vừa doạ nạt, vừa dụ dỗ ấy được tiến hành có lớp lang mang một chủ đích nhất định. Tuy bề trong nhà Thanh tiếp tục gây sức ép nhưng đồng thời bề ngoài hõ cũng gia tăng mật độ giao thiệp, quà cáp qua lại để triều đình Tây Sơn yên tâm về thiện chí và sự thành thực của thiên triều.

sự thay đổi của vua càn long

Tuy kế hoạch của Phúc Khang An khá chu đáo và từng bước lúc nắm lúc buông nhưng ông ta cũng không lường trước được những trở ngại và biến chuyển.

Về phía Tây Sơn, khi thấy Phúc Khang An khăng khăng đòi phong vương ở Nam Quan, vua Quang Trung tìm cách biện bạch rằng khi đến triều đình sẽ “không biết đứng vào đâu” để yêu cầu phải làm lễ cho chính danh trước. Phúc Khang An vội vàng xác định rằng vị thế đã rõ ràng là “trên quận vương, dưới thân vương” tức là tước cao quí nhất chứ không phải kém hơn như đời nhà Mạc, nhà Lê [trung hưng].

Để đáp lại triều đình Tây Sơn cũng ỡm ờ rằng một khi nước ổn định vua Quang Trung sẽ qua triều kiến nhưng không hứa chắc vào lúc nào. Lấy lý do tình hình đất nước là một việc hết sức chính đáng làm gia tăng áp lực đòi hỏi Thanh triều phải công khai từ bỏ ủng hộ nhà Lê, mặt khác cũng làm cho việc chúc thọ thêm bấp bênh vì nếu sau này nước ta không [hay chưa] thi hành thì cũng không phải là bội tín.

Hơn thế nữa, trong hoàn cảnh gấp rút như lửa cháy lông mày, dù vua Quang Trung có thực lòng muốn sang Trung Hoa thì việc chuẩn bị một phái đoàn với nhiều nghi thức, quà cáp, hành trang … thực không dễ dàng mà việc tiếp đón phía Thanh triều cũng không đơn giản.

Trong thế giằng co, tuy không chủ động nhưng nước ta có yếu tố thời gian làm chỗ dựa, chậm một ngày là đối phương bị thất thế thêm một ngày. Đó chính là nguyên nhân gây ra chuyển biến mà Thanh triều phải liên tiếp nhượng bộ, dứt khoát hơn với nhà Lê và cũng khiến Phúc Khang An phải tiến hành một số biện pháp nhằm khai thông những bế tắc để có được sự đồng thuận của phía An Nam.

Khi Nguyễn Quang Hiển đến Quế Lâm, Phúc Khang An được lệnh cho gặp vua Lê và tuỳ tòng đã cắt tóc thay áo nhưng tới lúc đó Thanh triều vẫn chưa nhận được một khẳng định nào rằng vua Quang Trung sẽ qua chúc thọ vào năm sau. Sở dĩ chúng ta biết được điều đó vì trong Đại Việt Quốc Thư vẫn còn lưu hai văn thư của Phúc Khang An và một viên chức họ Ngô bắt ép Nguyễn Quang Hiển phải cho người về yêu cầu vua Quang Trung minh xác sẽ qua chúc thọ trên tờ biểu.[1]

Sở dĩ cần có sự minh xác đó vì trên tờ biểu đem sang không có đoạn nào vua Quang Trung xác nhận việc qua chúc thọ còn khi Phúc Khang An hỏi đến thì Nguyễn Quang Hiển cũng ậm ừ trả lời là ông ta không nhận được lệnh nào chính thức về chuyện này. Phúc Khang An khi đó mới bảo rằng nếu khi hoàng đế hỏi đến mà không trả lời được thì sẽ tưởng đây chỉ là một tiểu lại tầm thường, không xứng đáng với vai trò “tuy đại do thân” nêu ra từ trước. Chính vì vậy, Phúc Khang An mới bắt vệ uý Hồ Văn Tòng phải đem một lá thư của Nguyễn Quang Hiển về Thăng Long yêu cầu vua Quang Trung xác nhận chắc chắn để Nguyễn Quang Hiển tâu lên vua Càn Long khi kiến diện. Để sửa lại sai lầm này, họ Phúc cũng yêu cầu triều đình Tây Sơn viết rõ ràng trên những tờ biểu tạ ơn và trần tình như chúng ta sẽ thấy sau này.

Việc xác định giấy trắng mực đen đó coi như một lời hứa chắc chắn đáp ứng mong mỏi sâu kín khiến vua Càn Long hết sức đẹp lòng nên ông lập tức quyết định phong vương cho vua Quang Trung [thay vì để đến khi sang Trung Hoa như đã đòi hỏi] và ra lệnh cho bộ Lễ đúc ấn, soạn sắc để giao cho Nguyễn Quang Hiển mang về. Thêm một bước, ông lại viết một đặc dụ – một hình thức thư riêng – gửi báo tin cho Nguyễn Quang Bình và ban cho một bài ngự thi giải thích về chuyện đó.

Để khỏi quá lộ liễu khiến nước ta biết được sự khát khao của Thanh triều, vua Càn Long sai Phúc Khang An cử người sang giao tận tay vua Quang Trung ở Thăng Long lấy lý do thanh sát việc chuẩn bị đón tiếp phái đoàn sắp qua làm lễ phong vương. Theo cựu lệ, khi có liên lạc với nước ta Thanh triều chỉ đưa sắc dụ đến Nam Quan giao cho trấn thủ Lạng Sơn chuyển về Thăng Long, nay giao cho một sứ thần đem đi khiến mọi việc trở nên phức tạp. Tuy trong văn thư ngoại giao nước ta vẫn dùng những lời lẽ ôn hoà, nhũn nhặn nhưng thực tế chắc không khỏi khó chịu về nghi lễ phiền toái và tốn kém.

Một trong những sự việc khiến cho triều đình Tây Sơn phải cảnh giác là cũng lúc đó cựu thần nhà Lê tung tin rằng họ sẽ cùng với quân Thanh trở về khi vua Quang Trung sang chúc thọ.[2] Sở dĩ có những tin tức trái ngược nhau cũng vì cùng lúc đó Phúc Khang An bí mật cho người đòi Lê Quýnh sang “bàn quốc sự” mà theo suy luận chủ quan của nhóm nhà Lê thì đồng nghĩa với kế hoạch đưa vua Chiêu Thống về nước. Có lẽ họ cho rằng nhà Thanh đang tính kế “điệu hổ ly sơn”, tìm cách dụ vua Quang Trung ra bên ngoài để bất ngờ đem quân sang. Tin tức ấy lọt ra không khỏi dẫn tới nghi ngại cho triều đình Tây Sơn. Chính những giải thích khác nhau khiến cho sau này Phúc Khang An phải cử một nhân vật thân tín sang để biện bạch cho rõ ràng.

kế hoạch sau cùng

Theo ý định của vua Càn Long việc phong vương nay tiến triển thành hai giai đoạn:

1. Sai một viên chức cấp nhỏ [quan lại cấp đạo phủ người Mãn Châu] đem sang Thăng Long tận mặt giao cho vua Quang Trung tờ sắc dụ [thông báo đã chấp thuận] và bài ngự thi. Phái đoàn này cũng kiểm điểm việc sắp xếp công quán, tổ chức nghi lễ và dĩ nhiên bàn thảo những thoả hiệp cho việc vua Quang Trung sang Trung Hoa vào năm sau.

2. Một khi phái đoàn Nguyễn Quang Hiển về đến Nam Quan, vua Thanh sẽ cho Phúc Khang An đưa về Thăng Long làm lễ phong vương chính thức, trao sắc ấn cho trịnh trọng. Trước đây vua Chiêu Thống được một tổng đốc [người Hán] làm lễ thì vua Quang Trung phải được một tổng đốc [người Mãn] cho hơn một chút.

đại lễ phong vương

Vì thời giờ gấp rút, kế hoạch rềnh rang của vua Càn Long không thể thực hiện được nên phái bộ Thành Lâm đáng lẽ chỉ đóng vai tiền sát lại phải đảm trách luôn nghi lễ phong vương cho vua Quang Trung. Chính sự bất nhất này đã khiến cho vua Quang Trung cảm thấy bị xúc phạm nên tìm cách trì hoãn, hoặc ít nhất cũng phải vào quốc đô [nay là Nghệ An] hay Phú Xuân [ là cựu đô của chúa Nguyễn mà thành quách còn nguyên vẹn]. Thành Lâm lấy cớ chỉ được lệnh đến Thăng Long nên không đi xa hơn và sau cùng đại lễ phong vương được tổ chức tại đây ngày 15 tháng Mười năm Kỷ Dậu.

Nhân dịp này, triều đình Tây Sơn cũng yêu cầu nhà Thanh mở lại các cửa quan thông qua biên giới và lập những nha hãng để trao đổi thương mại, ban lịch chính sóc và chính thức thông báo từ nay kinh đô mới là Nghệ An.

Nhân dịp này Thành Lâm và phái đoàn nhà Thanh cũng tới tế ở miếu thờ mới xây cho các tướng sĩ nhà Thanh tử trận trong lần giao tranh hồi đầu năm.

clip_image001

Ấn bạc mạ vàng (núm hình lạc đà)

nhà Thanh phong cho phiên thuộc

clip_image003

Dấu An Nam quốc vương chi ấn

do nhà Thanh ban cho vua Quang Trung

clip_image005

PHẦN I

tình hình chính trị

bước ngoặt quế lâm

Từ trước đến nay việc giao thiệp giữa Trung Hoa với nước ta luôn luôn tuần tự theo một tiến trình, xong việc nọ đến việc kia, thời gian không phải là vấn đề mà nghi lễ mới thực quan trọng. Riêng trong trường hợp phong vương cho vua Quang Trung, một thay đổi nhỏ do vua Càn Long vẽ ra đã làm đảo lộn mọi sắp đặt.

Cùng lúc với việc nhận thư của Nguyễn Quang Hiển và của Phúc Khang An do Hồ Văn Tòng đem về, thì cũng trong khoảng thời gian ấy, ngày mồng 5 tháng Sáu vua Quang Trung đã sai Hoàng Ðạo Tú [黄道秀], Ðào Xuân Lãng [陶春閬][3] đem hai đạo biểu văn và lễ vật sang trần tình về việc can qua và tạ ơn về việc được ban thủ xuyến bằng trân châu [ban cho khi chấp thuận cho phái đoàn Nguyễn Quang Hiển lên kinh đô].

Bản sao hai tờ biểu được Tôn Vĩnh Thanh chuyển ngay lên Phúc Khang An ngày 12 tháng Sáu để trình lên vua Càn Long xin quyết định về việc nhận lễ vật và chấp thuận cho sứ bộ lên kinh đô triều kiến, tuy trên danh nghĩa tạ ơn nhưng đồng thời cũng là dịp để trình bày về khó khăn nếu Thanh triều chỉ làm lễ phong vương khi vua Quang Trung qua chúc thọ.

Ngày 23 tháng Sáu, Lâm Hổ Bảng vội vã thông báo diễn tiến sự việc cho trấn mục nước ta ở Lạng Sơn là Lê Nho Hứa (trấn thủ) và Lê Doãn Điều (hiệp trấn) để báo về Thăng Long.

Hai tờ biểu của vua Quang Trung [KDANKL, quyển XXII][4] như sau:

1/ Biểu tấu sự

Thần là tiểu mục nước An Nam Nguyễn Quang Bình kính cẩn tâu lên mong giãi bầy về việc thành khẩn xin được chiêm cận để mong thánh thượng nghe đến.

Thần khâm phụng sắc thư tuyên dụ rằng đừng mắc những sai lầm cũ, hãy cố sức đổi mới. Ðức của thánh thượng như trời không bỏ sót kẻ hoang vắng, xa xôi. Thần hết sức vui mừng, cảm kích không biết chừng nào.

Kính thay đại hoàng đế bệ hạ, đức sánh với Hi Viêm, đạo cao như Hiên Hạo, là bậc thiên tử thái bình hơn năm mươi năm. Cai trị lớn lao, phúc đức đầy đủ, xưa nay chưa từng có.

Thần sinh trưởng ở đất Quảng Nam, tuy không thông với Trung Hoa nhưng thuyền bè Mân Quảng qua lại tấp nập nên cũng thường nghe đến sự thịnh vượng văn minh của Trung Quốc, lại càng ngưỡng vọng nhân nghĩa đạo đức tràn đầy của đại hoàng đế. Thần thành tâm nguyện sẽ phổ tại bảo thư, chiêm ngưỡng như trời cao, chẳng phải chỉ vì biển không dậy sóng mới biết rằng Trung Quốc đang có bậc thánh nhân.

Trước đây thần sai cháu là Nguyễn Quang Hiển đến cửa quan, thay mặt hành lễ đã từng chính miệng cáo rằng đợi khi quốc sự tạm yên sẽ nhập cận kinh sư, tấm lòng chân thành của thần, chỉ biết sợ mệnh trời tuân theo thiên tử, là chuyện đương nhiên của chức phận vậy.

Cúi lạy thánh thiên tử trời sinh là bậc chí đức, vị lộc danh thọ, tất cả đều gồm đủ.

Sang năm tháng Tám là dịp khánh tiết bát tuần vạn thọ, là thịnh sự cát tường, cả gầm trời đều vui mừng nếu như thần được hưởng chung ánh sáng của nhật nguyệt, cùng được vinh hoa đến chúc thọ thực là chí nguyện nên mong sao quốc sự sớm được yên phận, để đến khoảng xuân hạ sang năm có thể bẩm với Tổng đốc Lưỡng Quảng chuyển tấu để cho phép chiêm cận cho thỏa lòng thành kính, mong được bệ hạ chiếu xuống nơi hang vực thì hân hoan cảm kích biết chừng nào.

Còn về việc đề trấn đại viên của thiên triều trước đây bị thuộc hạ của thần lỡ tay giết hại, thần thật đau lòng hối hận, hoảng hốt không yên nên đã lập đàn tế lễ, lại kính cẩn chọn nơi đất lành, lập miếu ở nam quốc đô, xuân thu cúng bái để tỏ lòng thành thờ nước lớn, đáp lại thánh chỉ dặn phải hiếu trung. Có điều quan hàm thụy hiệu của các đề trấn đại thần cúi mong hoàng thượng giáng chỉ cho Tổng đốc Lưỡng Quảng công ban cho bản quốc để khâm tuân phụng tự, hầu chuộc được lỗi lầm xưa.

Về chiếc ấn cũ của An Nam cùng chiếc ấn năm ngoái bổ cấp đều là thưởng cho họ Lê. Thế nhưng trong khi binh hỏa loạn lạc, không biết ở đâu. Thần đã cho tìm kiếm khắp nơi khi nào thấy được sẽ đem nạp lại đổi lấy ấn mới may mắn hơn để truyền lại cho con cháu, ấy là đại nguyện của thần vậy.

Chỉ một điều sang năm thần tiến kinh, cùng các quân trưởng nước khác cung chúc vạn thọ hay khi liệt vào trong triều hạ, thần là kẻ hoang viễn thổ tù được ghé thêm trong vương hội, loanh quanh không biết đứng vào đâu, thật là sượng sùng e ngại.[5] Lại thêm nước thần từ khi Lê tộ cáo chung, binh lửa khắp nơi, nhân dân đồ thán, già trẻ ngơ ngác mong được sớm an cư, dự vào hệ thuộc để cho quốc nội ngày thêm hòa ninh.

Cúi mong thánh đức chiếu sáng chỗ tình nhỏ bé ấy, gia ân vượt bực ban cho thần phong hiệu để có được danh phận, nhờ cậy thiên sủng mà tiểu bang sớm cưu tập. Ấy là đức sinh thành trời che đất chở của thánh thiên tử để thần đời đời giữ một cõi nam, làm phên dậu cho thiên triều, một lòng cung thuận hầu mãi mãi hưởng thiên ân không bỏ mất.

Thần ở xa vọng về cung khuyết, ngưỡng vọng ân từ, hết sức cảm kích sợ hãi, kính cẩn dâng biểu này.[6]

2/ Biểu tạ ân

Tiểu mục nước An Nam thần Nguyễn Quang Bình kính cẩn tâu lên. Thần nhận được ngự tứ sắc thư, lại ban cho thần một vòng đeo bằng trân châu. Thánh ân dày nặng như thế, thần cảm kích thực không bến bờ nên vọng về cung khuyết phương bắc, đốt hương vái chín lần, xem nước thần trong lịch sử từ khi mở nước đến nay, chưa bao giờ được hưởng ân thịnh như thế.

Thần ngày đêm tự hỏi làm cách nào để báo đáp ơn trời che đất chở của thánh thượng, không lời nói nào tả xiết nên kính cẩn phụng biểu tạ ơn.

Cúi lạy

Mây sao xán lạn, rọi sáng mùa xuân của thời đế thế.

Mưa móc tràn đầy, ngưỡng vọng ân trạch của bậc thánh nhân.

Ơn lồng lộng ban xuống cho kẻ dưới, khắc sâu tấm lòng thành.

Ðại hoàng đế bệ hạ nguy nga như trời cao, chiếu xuống ôn hòa như gió mát.

Thể thì kiện toàn đầy đủ cả tứ thời tứ đức, bày ra đầu mối của vạn vật. Hợp tất cả thành một nhà một người, xiển dương vận thái hòa trinh nguyên.

Thần ở nơi hẻo lánh xa xôi nay được ơn trên trông xuống. Ðọc tỉ thư mà biết được lòng nhân khuyên nhủ vỗ về. Thuận theo mệnh thì gần gũi trong gang tấc. Ðeo vòng châu mà thấy được nghĩa thân thuộc hòa hợp.

Nguyện gắng sức qui phụ năm nghìn, khăng khăng một lòng hướng hóa, mãi mãi thụ hưởng tốt lành. Sợ thiên tử, thờ nước lớn nguyện bước đi vạn dặm một lòng. Giữ đất làm phên, ưu sủng phò cửu tiêu thấm ướt.

Thần hạ cảm kích không biết chừng nào nên kính cẩn gửi biểu tạ ơn này.

Xin tâu lên.

Liên tiếp từ giữa đến cuối tháng Sáu, Phúc Khang An gửi nhiều thư đến vua Quang Trung [ hiện nay về phía nước ta còn sao bản ngày 15 tháng Sáu, 28 tháng Sáu trong Đại Việt Quốc Thư (quyển I) và tài liệu Trung Hoa cũng còn một chiếu hội đề ngày 22 tháng Sáu]. Xem như thế, thời gian này thư từ qua lại giữa nước ta và quan nhà Thanh ở Quảng Tây rất xít xao chứng tỏ việc đang gấp rút.

Lá thư Phúc Khang An phúc đáp ngày 15 tháng Sáu trong Đại Việt Quốc Thư như sau:

Trước đây cháu của quốc trưởng Quang Hiển, cùng bọn bồi giới Nguyễn Hữu Trù tiến quan, đi đến Quế Lâm đã sai vệ úy Hồ Văn Tòng mang thư trở về Lê thành, bản tước các bộ đường cũng gửi kèm hịch văn phát vãng, chắc quốc trưởng đã biết cả rồi.

Nay quan viên văn võ đóng ở Trấn Nam Quan đệ lên một biểu văn tạ ơn, một biểu văn tấu sự của quốc trưởng, bản tước các bộ đường đã xem kỹ thấy trong biểu lời lẽ khẩn khoản, đầy vẻ cung cẩn cảm kích chân thành màtrong đoạn xin sang năm sẽ tiến kinh nhập cận chúc thọ thì lại càng tha thiết, rất thích hợp với đạo úy thiên sự đại[7] của thuộc quốc. Bản tước các bộ đường đã vì quốc trưởng mà tâu lên đại hoàng đế rồi, việc đó chắc sẽ được chấp thuận.

Còn như cống vật đem đến, có được thưởng thu hay không thì phải đợi thánh chỉ rồi tuân hành. Hiện bản tước đã sức cho quan viên trú đóng ở cửa quan, chuyển cho sứ giả đem biểu đến để người đó đem về Lạng Sơn đợi lệnh. Từ ngày hai mươi ba tháng Năm nhuận về sau, cháu quốc trưởng Quang Hiển từ Quế Lâm đi bằng đường thủy, mới đây theo lời quan hộ tống là Tả Giang đạo Thang [Hùng Nghiệp] bẩm xưng thì ngày mồng bốn [4] tháng Sáu đi đến tỉnh thành Trường Sa, Hồ Nam, đi đường bình an, tính toán thì vào khoảng trên dưới hai mươi [20] tháng Bảy có thể chiêm ngưỡng thiên nhan để được hưởng ân trạch.

Còn trong tờ biểu của quốc trưởng có nói là đã tuân chỉ vì các đề trấn[8] tử vong, lập miếu để thờ cúng, khẩn xin ban phát quan hàm,[9] thụy hiệu, bản tước các bộ đường[10] sẽ thay mặt trình lên, đợi khi nào khâm ban tới nơi sẽ gửi đến để tiện việc lập bài vị cúng tế cho cung kính.

Trong tờ biểu cũng có đoạn xin được thưởng phong hiệu. Bản tước các bộ đường trong hịch văn lần trước đã nói rõ ràng, hẳn là khi quốc trưởng gửi biểu đi chưa nhận được hịch trước. Quốc trưởng mới dựng nước nên ngẩng xin thánh chúa ban thưởng phong hiệu để thu phục nhân dân, tính từ nay cho đến mùa xuân sang năm cũng chỉ còn vài tháng, việc nước khi đó phần lớn cũng đã giải quyết xong, quốc trưởng sớm đến cửa quan thì có thể xin phong điển, bản tước các bộ đường sẽ chờ quốc trưởng ở Trấn Nam Quan cùng đến khuyết đình, yết kiến chúc thọ để tỏ lòng thành cảm kích cùng thỏa nguyện chiêm ngưỡng thiên nhan, thực là mỹ sự đáng mừng.

Còn Lê Duy Kỳ thì nay đã được thu nhận và giữ lại an tháp tại nội địa, các tông tộc cựu thần lần lượt chạy sang cũng phụng chỉ chia ra an tháp. Ấy là vì đức hiếu sinh của đại hoàng đế, bất kể người dân trong hay ngoài cũng đều đối đãi một chữ nhân, không để cho vất vưởng không nơi chốn. Những người đó đều là người cũ của họ Lê, nếu để lại An Nam thì quốc trưởng phải lưu tâm phòng phạm. Nay an tháp ở nội địa thì cả hai bên đều an toàn vô sự. Bọn họ an tháp rồi cũng chỉ được cấp lương ăn và tiền bạc qua ngày mà thôi. Nay quốc trưởng đã thành tâm qui thuận, tiến biểu xin được đích thân nhập cận, đại hoàng đế giáng chỉ bằng lòng rồi thì quốc trưởng đã vào hàng phiên phục của thiên triều, đại hoàng đế cúi xem lòng thành kính ắt sẽ càng khen ngợi, lẽ nào lại dễ dàng nghe lời kẻ dân dã chạy qua để họ gây rắc rối.

Quốc trưởng xưa nay ở nơi Quảng Nam hẻo lánh nên việc ở Trung Quốc chưa hẳn đã tường, chẳng hạn như trước đây đại hoàng đế bình định Chuẩn Bộ xong, có người Ách Lỗ Ðặc [厄魯特][11] bị Cáp Tát Khắc[12] bắt giữ, về sau từ Cáp Tát Khắc trốn qua đều được thiên triều thu nhận an tháp, cũng chẳng nghe lời người Ách Lỗ Ðặc mà hưng sư vấn tội Cáp Tát Khắc. Hiện nay Cáp Tát Khắc cũng đã thành thực đầu phục để nhận được ân điển, đủ thấy đại hoàng đế phủ ngự vạn quốc, ai chống lại thì đánh dẹp, ai thuận theo thì vỗ về, ân tín khắp nơi, trong ngoài không đâu không nghe thấy.

Nay lại vì quốc trưởng mà mở lòng thành thực, bày ra công đạo hiểu dụ thật rõ ràng. Đức hiếu sinh của đại hoàng đế không khác gì trời đất nên đã trù hoạch cho thật an toàn để quốc trưởng nhìn lên càng thêm cảm kích, đội ơn mà hết nghi ngại, ngõ hầu mãi mãi nhận được thiên ân, mong cầu phúc nhiều thêm nữa.[13]

Được tin này, ngày 22 tháng Sáu vua Quang Trung gửi lại cho Phúc Khang An một bẩm văn như sau:

… Nay được thánh chỉ ban cho ưu đẳng khác thường, trước nay chưa từng có, cho phép tiểu phiên đến triều đình chúc thọ, ấy chẳng phải ơn tràn vượt lẽ, thật là đại nguyện hay sao? Thế nhưng có chút lòng thành, cũng đã tâu lên ở tấu sự biểu lần trước, kính mong tôn đài rộng lòng thẩm tất.

Phàm là nước mới dựng mà được dự vào hàng thân vương, quang vinh thịnh mỹ đến thế thì lẽ nào lại trì hoãn mà không mau mau chiêm cận cho sớm sủa, để được hưởng cái phúc vô cùng, cái việc tôn đại nhân lo cho tiểu phiên, ấy cũng là cái kế lo cho sinh linh của bản quốc.

Thế nhưng khi tiểu phiên đến quan thì sẽ nhận được phong điển, người hiểu biết thì nói rằng ấy là vì thiên triều đã định sẵn như thế rồi, còn kẻ không biết thì lại bảo rằng đại hoàng đế xử với người dưới có điều phân biệt. Kẻ biết thì ít, kẻ không biết thì nhiều, đen trắng khác nhau, hai đằng lẫn lộn cho nên tiểu phiên mới thiết tha đến việc sớm định danh phận, ấy là do lòng chí thành mà ra, chứ không phải dám rức lác ở trước nơi đài giám mà chỉ là tấm chân tình xin đại nhân giúp mà ngọc thành cho …[14]

Ngày 22 tháng Sáu, Phúc Khang An gửi một lá thư có đoạn như sau:

…Đại hoàng đế thấy quốc vương mới mở nước cần dựa vào sủng linh của thiên triều mới có thể tập hòa dân chúng nên đã thực tình tâu lên, hết sức khen ngợi đặc biệt giáng chỉ ban cho phong hiệu, lại làm một bài thơ, đích thân ngự bút, ra lệnh cho bản tước các bộ đường giao cho quốc vương nhận lãnh. Còn cống vật đưa lên cũng gia ơn thu nhận.

Quốc vương vốn là người áo vải đất Tây Sơn được vinh hạnh dự vào hàng phiên phong, thật quang vinh đến cực điểm, tôi không thể không vui mừng. Trước đây vì quốc vương chưa nhận được phong hiệu, nên trong các hịch văn phải dùng chữ ông tôi mà gọi. Nay quốc vương đã được thụ phong, bản tước các bộ đường và quốc vương cùng là bầy tôi của thiên triều, cùng một thể với các phiên vương khác, từ nay thư từ qua lại không còn dùng ông tôi gọi nhau nữa. Còn cháu của quốc vương là Quang Hiển thì trung tuần tháng Sáu đã qua cảnh giới tỉnh Hồ Bắc, đến khoảng 20 tháng Bảy có thể chiêm ngưỡng thiên nhan, được cấp cho ấn tín sắc thư mang về.

Quốc vương trong khoảng mùa Xuân sang năm đến cửa quan, bản tước các bộ đường sẽ chờ ở đấy cùng lên khuyết đình, triển cận chúc thọ để cho thỏa lòng chiêm vân tựu nhật. Trong tờ biểu quốc vương cũng cho biết đã tuân chỉ lập miếu thờ các đề trấn đại viên tử trận nên xin quan hàm thuỵ hiệu thì tôi cũng đã thay mặt tâu lên mong đại hoàng đế khen tặng mà chuẩn thuận rồi ban phát.

Còn Lê Duy Kỳ thì hiện đã thu lưu an tháp tại nội địa, như thế cả hai bên đều yên ổn vô sự, ấy cũng là vì quốc vương mà trù liệu một kế sách thiện toàn. Bọn họ sau khi đã an định rồi chẳng qua cũng chỉ được cấp lương ăn, sống qua ngày, còn quốc vương nay đã là phiên phục thiên triều, chẳng ai nghe lời những người dân chạy qua nội địa để thêm rắc rối. Quốc vương như vậy dứt hẳn nghi ngờ, càng thêm cảm kích mãi mãi nhận được ân quyến đời đời truyền cho con cháu, nay báo tin này.[15]

Lá thư ngày 28 tháng Sáu nội dung như sau:

Trước đây quốc trưởng đã nhận được sắc thư và vòng trân châu của đại hoàng đế ban cho nên đã cung kính dâng tạ biểu, tấu sự biểu sai người đem đến cửa quan. Bản tước các bộ đường đã xem kỹ những tờ biểu đó thấy lời lẽ tình tiết cực kỳ cung cẩn, khẩn thiết, quả là từ lòng chí thành, thật thích hợp với nghĩa sợ mệnh trời thờ nước lớn [畏天事大 – úy thiên sự đại][16]nên bản tước đã thay quốc trưởng tâu lên, đại hoàng đế cũng đã viết một hịch văn [gửi cho quốc trưởng] dụ mọi việc rõ ràng.

Hiện thời đã qua tiết Lập Thu, bấm đốt ngón tay, đến kỳ xuân sang năm quốc trưởng tiến kinh nhập cận chỉ chớp mắt đã tới, hẳn là quốc trưởng đang sai người thay quyền đảm trách việc nước để qui tụ nhân dân là việc trước nhất mà người khai quốc tạo bang phải trải qua.

Cháu quốc trưởng Quang Hiển khi đến tỉnh có nói rằng vì quốc trưởng chưa được thụ phong, sang năm cùng những người đứng đầu nước khác cùng đến khánh chúc không khỏi tủi thẹn.[17] Bản tước hiểu rằng quốc trưởng thấy đại hoàng đế chưa ban phong hiệu nên trong lòng thiết tha mong mỏi, có biết đâu đại hoàng đế độ lượng như trời, ân tràn như biển, sang năm quốc trưởng tiến kinh khi đến cửa quan thì lập tức có thể xin phong điển.

Những điều đó bản tước các bộ đường đã phân tích rõ ràng trong hịch dụ cùng khi xem biểu văn quốc trưởng gửi đến cũng đề cập đến rồi, có lẽ vì chưa nhận được hịch văn lần trước nên mới sơ sót.

Ðại hoàng đế thống ngự hoàn vũ, ban tước định chế đều có cấp bậc. Tước vương vượt trên cả năm cấp,[18] thân vương lại đứng đầu các phiên, không chỉ trong tông thất có thân vương, quận vương mà vương tước của ngoại phiên cũng chia ra thân vương, quận vương nữa.

An Nam vốn là nước phên dậu, từ trước đến nay đều được phong tước vương, quốc trưởng nay đã hối tội đầu thành, sang năm đích thân đến kinh đô, cung chúc vạn thọ, đại hoàng đế rất vui mừng, hiện bản tước đã nhận được dụ chỉ rằng khi nào nhập cận sẽ phong cho chức thân vương, cùng một thể với tông thất ngoại phiên thân vương, xếp ở trên tông thất ngoại phiên quận vương. Như thế đại hoàng đế không những đã chuẩn cấp phong tước mà cũng còn đã sắp xếp đẳng cấp vị thứ rồi chỉ còn đợi ban cấp thôi.

Quốc trưởng vốn là người áo vải[19] đất Tây Sơn, nhân thời thế mà khởi sự nên bao trùm cả đất Giao Nam nay được cùng hưởng ân sủng với hàng tông thất phiên phong. Còn bản thân quốc trưởng được phong chức ưu đãi, để lại cho con cháu vô cùng quang vinh thịnh mỹ thật không gì sánh kịp, bản tước các bộ đường xin chúc mừng quốc trưởng mà cũng chúc mừng luôn toàn thể thần dân nữa, vậy thì còn gì mà trì hoãn không sớm khởi trình ư.

Hồi năm ngoái khi đại binh chưa xuất quan,[20] thủ hạ của quốc trưởng là đốc đồng trấn Mục Mã [牧馬] Nguyễn Viễn Du [阮遠猷], cai kỵ Chu Ðình Lý [朱廷理], bị các thổ ti bắt trói cùng với những người đi theo thủ hạ quốc trưởng là bọn Bùi Danh Vượng [裴名旺] sáu người do nghĩa dân quan ngoại giải lên, đều đang giam tại phủ Thái Bình. Nay quốc trưởng đã thành thực qui phục và bản tước các bộ đường cũng đã tâu lên đại hoàng đế nên nhận được ân chỉ không trị tội thêm mà phóng thích cho về nước.

Ngoại trừ một người là Nguyễn Viễn Du đã bị bệnh chết hồi tháng tư, còn bọn Chu Ðình Lý tất cả 7 người đã chuyển sức cho hộ đạo Tả Giang Lâm [tức Lâm Hổ Bảng] cấp cho họ lương ăn, y phục rồi cho người hộ tống xuất quan, giao lại cho trấn mục Lạng Sơn. Ấy là những ân trạch phi thường, chắc quốc trưởng biết rồi nên lại càng thêm kính trọng, cảm kích và vui mừng.

Mùa xuân sang năm, bản tước các bộ đường sẽ ở quan nội chờ quốc trưởng để cùng khởi thân nhập cận, lạy ở khuyết đình để tỏ lòng thành. Ðại hoàng đế trong ngoài đều coi như một nhà, hạ di đều coi như một thể, thần dân An Nam cũng đều được che chở ôm ấp. Vậy lúc này quốc trưởng nên kính cẩn bố cáo lòng nhân của hoàng thượng, vỗ về để mọi người cùng qui về một mối không để sót một chỗ nào, ai nấy hướng tới thì mọi người vui vẻ, trong biên cảnh ngày thêm an ninh như thế mới mãi mãi được hưởng ưu quyến vậy.

Cháu quốc trưởng Quang Hiển đã đi tới tỉnh Hồ Bắc, trên đường tất cả đều tốt lành, không cần phải lo lắng.

Ðặc hịch.

Càn Long năm thứ 54, ngày 28 tháng Sáu.[21]

mật tấu của phúc khang an về việc đàm phán

Thần Phúc Khang An, thần Tôn Vĩnh Thanh, thần Hải Lộc tâu lên:

Nhận được dụ chỉ truyền cho Nguyễn Quang Hiển tiến quan để tuyên thị ân luân nên phúc tấu mong thánh thượng xem xét.

Ngày 19 tháng này [đây là tháng Tư] bọn thần nhận được dụ chỉ trong đó nói rằng:

Nguyễn Quang Hiển đến quan xin hàng ắt là phải tuân lệnh Nguyễn Huệ mà làm chứ chưa hẳn đã vì do Phúc Khang An đòi hỏi. Vậy nay minh giáng sắc dụ ra lệnh cho Nguyễn Quang Hiển sai người kính cẩn mang về giao cho Nguyễn Huệ xem kỹ.

Còn như Nguyễn Quang Hiển khẩn khoản xin tiến kinh chiêm cận thì nay chuẩn cho lai kinh, làm sao sau ngày 20 tháng Bảy đến được Nhiệt Hà, lúc đó chư vương công thai cát Mông Cổ cũng đến triều để cùng được vinh dự hưởng yến tiệc thì rất hay.

Lại cũng ra lệnh cho Thang Hùng Nghiệp đưa họ lên kinh theo đường Quế Lâm để gặp Lê Duy Kỳ nói cho họ biết rằng vì họ Lê nhiều đời cung thuận nên không nỡ xử tội mà đưa đi an tháp, mai sau không thể nào đưa trở về Lê thành làm chủ nước nữa. Hãy ra lệnh cho Nguyễn Quang Hiển đem các tình tiết đó viết rõ ràng gửi về cho Nguyễn Huệ bảo đừng có nghi kỵ sợ hãi và Phúc Khang An nói rõ sang năm khi Nguyễn Huệ khởi hành thì bản bộ đường sẽ cùng đi.

Thế nhưng việc Nguyễn Huệ tình nguyện đến kinh đô cũng mới chỉ là do miệng Nguyễn Quang Hiển nói, trong tờ biểu và tờ bẩm không thấy có lời này. Vậy Phúc Khang An hãy đem tình hình lần đó gặp Nguyễn Quang Hiển thế nào cứ thực trình lên. Và bản sao thiên Ngự Chế An Nam Ký nếu chưa gửi lại Phúc Khang An cũng hãy tuyên thị cho Nguyễn Huệ biết.

Còn như lời tâu xin thưởng cho Thang Hùng Nghiệp đeo hoa linh (lông chim trên mũ) thì nếu người di nghe biết thì sẽ tưởng như thiên triều có ý muốn cho mau xong việc, sao Phúc Khang An không nhìn ra chỗ đó, vậy đợi khi y [Thang Hùng Nghiệp] đến Nhiệt Hà lúc đó trẫm sẽ xem xét ra ơn. Còn Lê Quýnh đã đến cửa quan chưa cũng phải tâu lên một thể, Nguyễn Huệ thái độ ra sao khi mở coi tờ chỉ cũng phải tâu lên rõ ràng cho trẫm biết.

Nhân khi nhận được sắc dụ cho Nguyễn Quang Bình bằng hai thứ tiếng Thanh (Mãn) và Hán văn, một vòng trân châu bọn thần quì đọc thấy thánh chúa chỉ thị rõ ràng quả đúng là đạo vừa trấn nhiếp vừa chiêu dụ cho thấy phương sách phủ ngự của hoàng thượng trấn phục tứ di mấy chục năm qua, đức ý uy thanh đều đầy tràn …

Từ khi Nguyễn Quang Hiển đến cửa quan tiến biểu xin hàng cùng bọn Nguyễn Hữu Trù về sau đến quan tạ ơn mọi thứ tự đều do bọn thần tuân theo thánh dụ mà chỉ thị rằng sang năm khi Nguyễn Huệ tiến kinh nhập cận nhân kỳ Bát Tuần Vạn Thọ sẽ được phong tước, lại cũng dụ cho y biết Lê Duy Kỳ nay đang an tháp ở Quế Lâm, bất quá không bị tru diệt, chỉ cho làm thường dân, lẽ nào còn đưa về nước, việc đó cũng đã tâu lên …

Bọn thần tra xét thấy nước An Nam từ họ Đinh đầu đời Tống đến nay đều nhận phong hiệu nhưng cừ trưởng (người đứng đầu) chưa bao giờ đến Trung Quốc, gã di trưởng này tuy cách bang, ở nơi vắng vẻ nhưng chắc cũng có sách vở để kê cứu. Nguyễn Huệ nhân gây hấn với họ Lê nên đến nỗi đắc tội với thiên triều còn lưu lại dấu tích, nếu y không đích thân lên kinh triều cận thì không thể nào xoá được vết cũ. Thế nhưng người di bản tính đa nghi mà trong sự ngờ vực y cũng còn sợ hãi chưa dám đích thân sang nên sai cháu là Nguyễn Quang Hiển đến quan xin nhập cận. Việc ấy chưa hẳn vì biết mình có tội sợ thiên triều không tha mà cũng còn nghi ngại nên mới nói rằng Lê thành chưa yên không đi xa được, chẳng qua cũng là lời nói khéo che đậy việc sợ rằng một khi sang Trung Quốc thì thiên triều nhân dịp đó sẽ đưa Lê Duy Kỳ đang ở nội địa về.

Thần từ khi đến Trấn Nam Quan rồi quay về Nam Ninh tới nay tính ra cũng đã tròn hai tháng, ngày đêm tính toán làm cách nào để giải trừ nghi ngại sợ hãi [cho Nguyễn Huệ], suy đi tính lại mà chưa có chủ kiến. Nay nhờ hoàng thượng chuẩn thuận cho Nguyễn Quang Hiển lên kinh đô nhập cận đến thẳng sơn trang để cùng vương công thai cát Mông Cổ dự yến cho bọn họ vốn ở nơi hoang vắng man tục được dịp xem mây gần ánh sáng (mặt trời), biết Trung Quốc rộng lớn thế nào, thiên triều uy nghiêm thế nào, thánh ân tràn khắp thế nào để y đời đời đều được vinh hạnh.

Dụ chỉ lại ra lệnh đổi lộ trình qua Quế Lâm để gặp Lê Duy Kỳ, cho biết đứa trẻ hèn yếu vong quốc kia hưởng đức hiếu sinh của hoàng thượng, tuy không giam cấm nhưng cũng không vun trồng. Nguyễn Quang Hiển đem tình hình đó viết thư cho Nguyễn Huệ chắc nghi ngờ sợ hãi đều tiêu tan …

Trước đây bọn thần có tâu lên rằng Nguyễn Huệ tình nguyện đến kinh đô, trong biểu văn và bẩm thiếp tuy không có những lời ấy nhưng hôm trước khi Nguyễn Quang Hiển tiến quan thì bọn thần cũng đã giảng giải tường tận cho y biết đại nghĩa thì y có nói rằng chú y là Nguyễn Quang Bình đợi cho việc nước tạm yên thì sẽ nhập kinh để triều cận thiên nhan. Bọn thần xem sắc mặt y và lời nói cực kỳ cung kính hẳn là do lòng chí thành của Nguyễn Huệ, không phải là Nguyễn Quang Hiển đến lúc đó mới nói như thế. Cũng vì lời nói đó do khi khẩn yếu e rằng thông sự dịch lại có khi không đúng nên đã lấy giấy bút bảo y viết ra thì cũng giống như lời nói, bọn thần liền đem tờ giấy đó trình lên.

Trộm nghĩ Trung Quốc chăn dắt ngoại di cốt trọng đại thể, bọn thần chịu ơn sâu nặng, chỉ biết tuyên dương đức sáng, phô bày uy nghiêm đễ vỗ yên Giao Nam nhưng vì kiến thức không đủ, suy nghĩ chưa thấu đáo nhưng lúc nào lời ăn tiếng nói cũng tuân theo thánh huấn không dám nói ngoa …

Còn Tả Giang đạo Thang Hùng Nghiệp từ năm ngoái bắt đầu việc An Nam thì đã theo thần Tôn Vĩnh Thanh lo việc đài trạm lương hướng ở nội địa, không nề khó nhọc, tận tâm tận lực. Từ khi triệt binh ở Lê thành về sau, viên đạo đó cùng người di trao đổi giao thiệp, việc gì cũng thoả đáng.

Bọn thần nhân vì chuyện y ra sức đã một năm nên mạo muội tâu lên xin thưởng cho hoa linh nhưng không nghĩ đến lúc này lập tức ra ơn thì sẽ lộ ra là mong cho chóng xong việc, may được thánh thượng sáng suốt chỉ thị mới biết xin như thế là sai lầm, thật sợ hãi không đâu kể xiết.

Thang Hùng Nghiệp hiện đang ở Nam Quan, bọn thần đã đem sắc dụ, vòng châu kính cẩn gói lại kỹ càng rồi sai người đem đến cửa quan. Thần Phúc Khang An cũng đã viết một hịch văn giao cho Thang Hùng Nghiệp bảo Nguyễn Quang Hiển gửi thư gửi về Lê thành báo cho Nguyễn Huệ biết, đồng thời gấp rút chuẩn bị hành trang cùng đồng bọn khởi trình lên kinh đô.

Tính toán ngày giờ thì cuối tháng này Nguyễn Quang Hiển có thể tiến quan còn Nguyễn Huệ thì sau ngày vọng tháng Năm nhuận sẽ có tạ biểu. Y cảm kích sợ hãi uy đức bao nhiêu nghi ngại sẽ không còn, tuân chỉ sang năm nhập kinh chiêm cận để được dự vào hạng phiên phong, không nói từ xưa đến nay chưa hề nghe đến mà cũng là lần đầu cho nước An Nam …

Nguyễn Huệ từ khi sai Nguyễn Quang Hiển đến cửa quan tiến biểu, ở Lê thành chờ đợi thánh chỉ, những người di trên đường được Nguyễn Huệ hiểu dụ rằng nếu như gặp biền binh thiên triều đi lạc tụt hậu thì hãy cho họ ăn uống, cấp kinh phí cho họ. Những ngày gần đây lại còn cho cả quần áo, mỗi trạm còn cho cả tiền ăn đường, khi thì một nghìn đồng, khi thì vài trăm đồng, từ mồng 7 tháng Tư đến nay bọn thần đã được báo rằng trong số binh phu tiến quan có cả thiên tổng Tống Phùng Chấn, ngoại uỷ Lâm Đại Chương bà binh sĩ 60 người. Bọn thần tra hỏi từng người, Tống Phùng Chấn, Lâm Đại Chương đều khai rằng chưa từng gặp Nguyễn Huệ, không dám dấu diếm,[22] bọn thần đã tuân chỉ ra lệnh cho họ trở về bản doanh.

Còn Lê Quýnh thì bọn di mục Nguyễn Doãn Tuấn tiến quan có khai rằng y có dấu quả ấn trong người đến xứ bắc thì bị bệnh không đi thêm được nên đang đi trốn trong núi ở đó. Bọn thần đã ra lệnh cho Lê Huy Đông, Nguyễn Liêu là hai người đi cùng với Nguyễn Doãn Tuấn tiến quan trở về dò tìm tung tích nhưng trong hơn một tháng nay không nghe tin gì về Lê Quýnh kể cả tra hỏi người di tiến quan cũng không ai biết gì.

Nếu như Lê Quýnh không phải bị bệnh thì tin về ấn triện do lời bọn Nguyễn Doãn Tuấn nói ra thì cũng chưa đủ làm bằng, bọn thần sẽ tìm hỏi thêm xem ở đâu và sẽ tâu lên ngay… Bọn thần kèm theo bản hịch dụ Nguyễn Huệ để hoàng thượng xem xét.

Chuyển theo đường dịch năm trăm dặm (một ngày).

Càn Long năm 54 ngày 21 tháng Năm.

Thanh Quí Nội Các Đáng Án Toàn Tập

Minh Thanh Sử Liệu, Canh Biên

Bắc Kinh, Học Uyển 1999

Quyển 11, tr. 4220-3

phản ứng của thanh triều

Hai tờ biểu của vua Quang Trung được chuyển lên theo cách hoả tốc khiến vua Thanh thay đổi chủ ý. Khi hay tin Nguyễn Quang Bình công khai việc sang chúc thọ, vua Càn Long lập tức viết cho Phúc Khang An một dụ chỉ minh xác thuận cho Nguyễn Quang Bình làm An Nam quốc vương. Ngoài lễ tiết chính thức, vua Càn Long cũng gửi thêm một đặc dụ nêu rõ việc ấy kèm một bài ngự thi do chính tay ông viết.

Theo nội dung chỉ dụ vua Càn Long gửi Phúc Khang An, ông muốn sai một viên quan cấp địa phương [phủ đạo] mang sang giao cho Nguyễn Huệ bài thơ và sắc thư báo cho biết rằng hoàng đế đã thuận phong cho ông làm quốc vương và khi Nguyễn Quang Hiển mang sắc thư và ấn về, một phái đoàn chính thức sẽ sang nước ta thi hành đại lễ cho thật long trọng.

Ngày 13 tháng Bảy, binh bị đạo Tả Giang là Lâm Hổ Bảng gửi thư cho nước ta theo lối hoả tốc [600 dặm một ngày] thông báo cho biết sơ tuần tháng Tám thì khâm sứ nhà Thanh sẽ đến Nam Quan và yêu cầu chuẩn bị các đồ dùng cần thiết trên đường đi, phu mã, tu bổ công quán,và tập luyện điển lễ sách phong. Việc Lâm Hổ Bảng gửi thư cho nước ta cũng trùng với việc Phúc Khang An tâu lên vua Càn Long rằng vì không có đạo phủ nào người Mãn Châu đang ở Quảng Tây để sai đem sắc dụ và ngự thi sang nên ông ta xin cử một chương kinh là viên ngoại lang bộ Lễ Thành Lâm sang nước ta làm việc này.[23]

Nghe tin này, phái đoàn nước ta lên đợi sẵn ở cửa quan từ tháng Bảy. Hai viên quan văn võ được lệnh đón ở cửa quan là Dũng Phái Hầu Vũ Vĩnh Thành, chức vụ đô đốc[24] và Thuỵ Nham Hầu Phan Huy Ích, chức vụ Hình bộ tả thị lang. Về sau Vũ Vĩnh Thành bị bệnh bất ngờ nên đô đốc Nguyễn Văn Thọ lên thay, có đô đốc Lê Xuân Tài điều động 500 vệ sĩ lên cửa quan nghênh đón và hộ tống.

Ngoài hai viên trọng thần, còn có 4 viên hầu mệnh [đợi để tuỳ nghi lo công việc được giao phó] là Tô Xuyên Hầu Lê Doãn Điều[25], hiệp trấn Lạng Sơn, Đạo Thành Hầu Phan Tú Đạo, chánh sứ phái đoàn tạ ơn, Mi Xuyên Bá Đào Xuân Lan, nhiệm vụ phó sứ và Hải Phái Bá Đoàn Nguyễn Tuấn, hàn lân viện hiệu thảo lo việc giấy tờ.

Đầu tháng Tám, Phúc Khang An sai Lâm Hổ Bảng thông báo cho nước ta biết phái bộ đem sắc thư và ngự thi đến giao cho Nguyễn Huệ (ở Thăng Long) đồng thời phụng mệnh thanh tra và kiểm soát mọi cung đốn trên đường đi, các công quán trạm nghỉ để bẩm lên trước khi sắc lệnh phong vương và ấn bạc được đem sang làm lễ.

Trong lá thư của Lâm Hổ Bảng có chép nguyên văn lời của Phúc Khang An như sau:

Chiếu theo bản tước các bộ đường ngày hai mươi [20] tháng Sáu năm nay, quốc vương nước An Nam là Nguyễn [Quang Bình] đã sai đầu mục cung kính mang một đạo biểu tạ ơn, và một tờ biểu xin được sang năm tiến kinh triển cận chúc thọ, tất cả hai đạo, tiến quan được bản tước các bộ đường đem nguyên biểu do dịch mã chuyển tấu.

Ngày mồng mười [10] tháng Bảy, tổng đốc khâm phụng dụ chỉ nói là biểu văn lời lẽ cung cẩn, việc sang năm xin đích thân nhập cận quả là thành thực, thánh tâm rất vui mừng nên lập tức giáng ân chỉ phong Nguyễn Quang Bình làm An Nam quốc vương.

Còn sắc thư phong tước và ấn thì sau khi Nguyễn Quang Hiển nhập cận sẽ ra lệnh đem về nước. Ngoài tờ biểu trình tiến cống vật mong được thu nhận ra, hiện hoàng đế cũng ban cho một đạo sắc thư và một bài thơ ngự chế do chính hoàng đế viết. Nay bản tước các bộ đường đặc phái hậu bổ đạo Thành [Lâm] cùng thự[26] đồng tri phủ Nam Ninh, Quảng Tây Vương [Phủ Đường] cung kính mang sắc thư và ngự chế thi xuất quan đến thẳng Lê thành đích thân giao cho quốc vương kính cẩn nhận lãnh.

Xét lần này viên quan mang sắc thư và thơ ngự chế tuy do bản tước các bộ đường phái qua, không phải là sắc sứ [sứ thần do vua sai đi] nhưng đã là người mang sắc thư và ngự chế thi thì phải phục vụ một cách kính cẩn cũng như đại viên mang đến cho quốc vương vậy.

Còn như tiến biểu để xin ân tứ phong hiệu [tuy chưa được] nhưng được ban sắc thư và ngự thi để tưởng lệ thì cũng là sủng vinh vượt bực rồi, ân điển, ưu quyến như thế là hay lắm. Quốc vương kia từ khi nạp khoản thâu thành đến nay [tức là thành tâm thần phục nhà Thanh], phụng sự thiên triều từ lời văn đến lễ nghi đều rất là cung cẩn nên được thánh chúa trông xuống ân sủng phi thường. Nay nhận được sắc và thơ, cả nước đều thêm rực rỡ, quốc vương hẳn cảm kích gấp bội, càng vui sướng nên đợi trước để đón tiếp.

Nghe nói từ Trấn Nam Quan đến Lê thành, đường sá cầu cống ngay từ lần trước nhận sắc thư và châu xuyến quốc vương đã cho tu sửa, lần này chắc sẽ còn thêm nhiều. Còn việc phái quan viên sang thì phu mã cần dùng đều do nội địa chuẩn bị từ trước khi xuất quan, không để cho quí quốc phải lo liệu, cả đến những gì cần dùng khi nghỉ trên đường thì cũng tự mang theo. Thế nhưng bản tước các bộ đường xem gốc tích quốc vương thấy luôn luôn chu đáo, làm việc gì cũng vuông tròn nên nay lúc mới thụ phong, vui sướng kính cẩn nói không sao hết được. Cho nên khi người được sai đến biên cảnh rồi thì việc cung ứng trên đường đi ắt vạn phần chu đáo, vạn phần ổn thỏa. Thế nhưng cũng đừng có rườm rà tốn phí, chỉ nên dự bị phu mã để thay thế những phần bị mệt mỏi, đôi khi có việc cần đến thì mua cho đủ dùng, như thế ủy viên[27] đi lại yên ổn và nhanh chóng.

Quốc vương được thụ phong sớm một ngày thì là một ngày sớm toại nguyện, chẳng phải là thịnh sự tốt lành hay sao.

Chính vì thế, bản tước các bộ đường đã trát sức cho hộ đạo lâp tức theo hịch mà lo liệu, báo ngay cho trấn mục Lạng Sơn tức tốc bẩm lên quốc vương kính cẩn tuân chiếu.[28]

Ngày 13 tháng Tám, Phan Văn Lân và Nguyễn Văn Danh [là hai đại thần lưu thủ Thăng Long] báo cáo cho vua Quang Trung [đang ở Nghệ An] rằng Phúc Khang An đã gửi thư cho biết “[chế hiến] đã nhận được dụ chỉ của đại hoàng đế chuẩn thuận cho Nguyễn Quang Bình làm vua ở An Nam [chế hiến] đã ủy cho đại viên bưng sắc thư đến An Nam tuyên cáo cho mọi người rõ, lại phụng mệnh xem xét công quán, nhu dụng, phu mã, đệ dịch của bản quốc cùng điển phong, điển lễ và chương trình đón tiếp, tất cả mọi việc liệt kê rồi bẩm báo trở lại để [chế hiến] theo đó mà tâu lên”.

TẤU THƯ CỦA PHÚC KHANG AN

NGÀY 15 THÁNG BẢY NĂM CÀN LONG 54

Thần Phúc Khang An quì tâu

Đã tuân chỉ cho người cung kính bưng sắc thư và ngự chế thi chương, kính cẩn đem sang An Nam nên tâu lên.

Thần khâm phụng thượng dụ:

Phúc Khang An tâu rằng Nguyễn Huệ đưa biểu tạ ơn lại tha thiết xin được triển cận, trẫm thấy biểu văn cực kỳ cung cẩn, thực quả xuất phát tự lòng cảm kích chí thành, còn phần xin được chiêm cận chúc thọ thì lại càng thêm khẩn khoản.

0