18/06/2018, 16:21

Bàn về “Thời điểm kết thúc ngàn năm bắc thuộc”

Họ Khúc (Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo, Khúc Thừa Mỹ) là người mở đầu thời kỳ tự chủ ở Việt Nam- Nguồn ảnh : trang Đại Việt Cổ Phong Đặng Thanh Bình Trong bài “Thời điểm kết thúc ngàn năm bắc thuộc” của tác giả Trần Trọng Dương có nêu lại các đề xuất về những mốc thời gian, ...

ho Khuc tu chu

Họ Khúc (Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo, Khúc Thừa Mỹ) là người mở đầu thời kỳ tự chủ ở Việt Nam- Nguồn ảnh : trang Đại Việt Cổ Phong

Đặng Thanh Bình

Trong bài “Thời điểm kết thúc ngàn năm bắc thuộc” của tác giả Trần Trọng Dương có nêu lại các đề xuất về những mốc thời gian, đó là: Năm 938; năm 931 và năm 905. Trong bài này chúng ta sẽ đưa ra những bằng chứng cho một giả thuyết khác mà từng được Ngô Thì Sĩ nêu lên trong Việt sử tiêu án, đó là năm 880.

Nhà Đường sau sự biến An Lộc Sơn (755 – 763) suy yếu rất nhiều, tình hình phiên trấn cát cứ diễn ra mạnh mẽ, hình thành các Tiết độ sứ. Triều đình rối ren, biên giới xung đột, nhà Đường mất chủ động trong cai trị. Năm 791, Triệu Xương làm An Nam đô hộ, thực hiện chính sách chính quyền hoá địa phương cho đến khi mất vào tay Nam Chiếu năm 863, nhiều cuộc chiến giành lại nhưng đều không thành công, phải đến năm 866 Cao Biền mới lấy lại được Giao Châu, được phong làm Kinh lược sứ, đổi An Nam thành Tĩnh Hải quân. Lúc này ở phương bắc tình hình chính trị xã hội ngày càng trở nên phức tạp nên đến năm 868 Biền được triệu về Trường An, liền dâng biểu xin cho Cao Tầm (là cháu họ) làm Tiết độ sứ.

Đỉnh điểm của loạn lạc phương bắc là khởi nghĩa Hoàng Sào (875-844). Năm 874 Vương Chi Tiên khởi binh ở Hà Nam, năm 875 Hoàng Sào khởi binh ở Sơn Đông. Do tình hình chiến sự mà Cao Tầm trở về phương bắc vào khoảng giữa niên hiệu Kiền Phù (874 – 879) nên Tiết độ sứ Tĩnh Hải quân do Tăng Cổn giữ [năm 882 Chiêu Nghĩa tiết độ sứ Cao Tầm hợp binh với Hà Trung tiết độ sứ Vương Trọng Vinh công chiếm Hoa châu cho nhà Đường]. Năm 878 Hoàng Sào xưng là Xung Thiên đại tướng quân. Cùng năm Hoàng Sào chiến bại trước Trấn Hải tiết độ sứ Cao Biền nên tiến về phía nam hướng tới Lĩnh Nam. Năm 879 Hoàng Sào tiến công Quảng Châu, thủ phủ của Lĩnh Nam Đông Đạo [năm 862 do không còn kiểm soát được Giao Châu, nhà Đường đã chia đất Lĩnh Nam thành Đông Đạo và Tây Đạo] sát hại tiết độ sứ Lý Điều, rồi tiến binh về phía tây chiếm lấy Quế châu khống chế Lĩnh Nam tự xưng là nghĩa quân đô thống. Đây là một sự kiện quan trọng, nó làm thay đổi cấu trúc quyền lực truyền thống ở Lĩnh Nam, trước đây Lĩnh Nam do nhà Đường quản lý, nhưng sau sự kiện này Lĩnh Nam nằm dưới sự quản lý trực tiếp của Hoàng Sào, nhà Đường mất quyền cai trị ở Lĩnh Nam, tôi cho rằng: trước những thay đổi mang tính bước ngoặt này ở Lĩnh Nam, châu Giao cũng bị tác động mạnh mẽ, mà cụ thể là cuộc nổi loạn của quan quân ở đô hộ phủ năm 880.

Lúc này, Tăng Cổn đang là tiết độ sứ do nhà Đường sắp đặt, thế nhưng sự hiện diện quân sự của Hoàng Sào tại Lĩnh Nam, trước hết đã đe doạ trực tiếp tới sự cai trị của nhà Đường tại Giao Châu, sau đó nó tác động rất mạnh tới sự chia tách trong nội bộ chính quyền cai trị. Nó tạo cơ hội giành độc lập cho những người bản địa, đồng thời cũng tạo cơ hội cho chính những người phương bắc có ý đồ muốn độc lập với Đại Đường (tiến trình lịch sử cho thấy luôn tồn tại những người phương bắc muốn tách ra khỏi phương bắc để lập quốc ở phương nam). Trong tình hình này xuất hiện một cuộc binh biến cũng là điều dễ hiểu. Như vậy, cuộc nổi loạn tại phủ đô hộ năm 880 có sự ảnh hưởng rất lớn từ việc nghĩa quân Hoàng Sào chiếm Lĩnh Nam làm căn cứ.

Lời cẩn án trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục có viết: ‘Sử cũ chép quân trong phủ nổi loạn, Cổn bỏ trốn khỏi thành, nay dựa vào An Nam kỷ yếu mà cải lại’. Nội dung của lời cẩn án này là: theo như sử cũ (có lẽ là Đại Việt sử ký toàn thư) thì khi quan quân trong phủ nổi loạn Tăng Cổn đã bỏ trốn khỏi thành, nhưng nay xét sách An Nam kỷ yếu thì không phải như vậy, khi quan quân nổi loạn, binh lính trung thành với Tiết độ sứ có báo cho Cổn biết, nhưng Cổn đã không bỏ trốn mà ngược lại còn phủ dụ quân nổi loạn, làm yên được châu Giao vì thế mà cải lại, tuy nhiên việc cải lại này có chắc là chính xác không? Thứ nhất An Nam kỷ yếu cũng chỉ là sách viết cùng thời với Khâm định Việt sử thông giám cương mục mà thôi và thứ hai bản thân những thông tin trong An Nam kỷ yếu chép cũng không chính xác, chẳng hạn như An Nam chí nguyện chép Tăng Cổn ở châu 14 năm, tới năm 892 Chu Toàn Dục mới sang thay. Đây là việc không đúng, vì trước khi Chu Toàn Dục sang thay thì đã có Cao Mậu Khanh (882 – 883), Tạ Triệu (884 – ) và An Hữu Quyền (897 – 900) được phong Tiết độ sứ. Như vậy việc Tăng Cổn phủ dụ yên được châu Giao chưa chắc đã đúng như lời cải.

Năm 880 Hoàng Sào tiến công Lạc Dương và Trường An, năm 881 Đường Hi Tông từ bỏ Trường An chạy về Tây Xuyên, cùng năm Hoàng Sào đặt quốc hiệu Đại Tề. Năm 882 Đồng châu phòng ngự sử của Đại Tề là Chu Ôn chiến bại trước Vương Trọng Vinh, cùng năm Chung Truyền tiến công thủ phủ Hồng châu của Giang Tây trục xuất quan sát sứ Cao Mậu Khanh do triều đình bổ nhiệm. Như vậy là năm 882 trong khi Cao Mậu Khanh đang làm quan sát sứ ở Hồng châu thì bị Chung Truyền tiến đánh, phải bỏ chạy, cùng năm đó được cho làm Tiết độ sứ ở Tĩnh Hải quận, nhưng đây là thời binh loạn, chiếu dụ của nhà Đường không còn tác dụng, quyền lực là dựa trên sức mạnh quân sự, Cao Mậu Khanh không có quân đội (vì có thì đã chẳng bị Chung Truyền đuổi khỏi Hồng châu) trong khi nhà Đường không còn quyền lực ở châu Giao và Cao Mậu Khanh cũng chỉ là tiết độ sứ ở Tĩnh Hải quân có 1 năm nên có thể khẳng định: Cao Mậu Khanh làm Tiết độ sứ Tĩnh Hải quân chỉ là trên danh nghĩa, nhưng nó cũng gợi ý chúng ta rằng: Tăng Cổn đang ở đâu, có vai trò gì ở châu Giao hay không? [Năm 898, Thứ sử Thiệu Châu là Tăng Cổn tiến đánh Quảng Châu, hợp binh với một tướng lĩnh Quảng Châu là Vương Côi. Lưu Ẩn đã đánh bại liên quân]. Mà nhà Đường lại cho Cao Mậu Khanh làm Tiết độ sứ. Việc nhà Đường cho bại tướng Cao Mậu Khanh làm Tiết độ sứ ở Tĩnh Hải quân trong trường hợp này cho thấy nhiều khả năng tại Tĩnh Hải quân đang trống chức Tiết độ sứ hay Tăng Cổn thực sự đã bị quân trong phủ nổi loạn, buộc phải trốn khỏi thành và không phủ dụ yên được Tĩnh Hải quân như An Nam kỷ yếu chép. Như vậy thì Tĩnh Hải quân đã không do nhà Đường quản lý từ năm 880, nó do quân nổi loạn tiếp quản (lưu ý rằng: bắc triều trong thời loạn thường có hình thức là phong chức cho tướng, với mục đích để tướng đó đi chiếm khu vực mà triều đình không kiểm soát được). Trong thời chiến quyền lực thực sự thuộc về ai có quân đội, còn không các chức tức cũng chỉ là trên danh nghĩa, Cao Mậu Khanh thực tế chỉ làm Tiết độ sứ trên danh nghĩa.

Sau nhiều trận chiến, Hoàng Sào thất bại và chết năm 884. Tuy khởi nghĩa Hoàng Sào bị dập tắt song xã hội nhà Đường vẫn tiếp tục lún sâu vào loạn lạc, việc các thế lực địa phương không còn tuân theo triều đình và chuẩn bị cho việc cát cứ, hình thành nên thời Ngũ Đại Thập Quốc gồm: Hậu Lương (907 – 923); Hậu Đường (923 – 937); Hậu Tấn (936 – 947); Hậu Hán ( 947 – 951); Hậu Chu (951 – 960) và nước Sở (897 – 951); nước Ngô (902 – 937); nước Tiền Thục (903 – 925); nước Ngô Việt (907 – 978); nước Mân (909 – 945); nước Nam Hán (917 – 971); nước Kinh Nam (924 – 963); nước Nam Đường (937 – 975); nước Bắc Hán (951 – 979). Trong thập quốc thì một điểm khá thú vị là các nước phía nam lập quốc khá sớm, điều này gợi ý chúng ta thời gian này châu Giao cũng đã tự chủ.

Có hai sự kiện nữa cũng cần bàn đến, đó là: Việc Chu Toàn Dục thôi giữ chức Tiết độ sứ Tĩnh Hải quận. Chu Toàn Dục là anh của Chu Ôn, người rất có thế lực ở phương bắc thời điểm Chu Toàn Dục làm Tiết độ sứ, hơn thế nữa các phiên trấn phương nam lại thuận theo Chu Ôn, do vậy mà Chu Toàn Dục mới có thể làm Tiết độ sứ. Có hai điểm để phỏng đoán là: Các thế lực ở châu Giao cũng thuận theo và các thế lực này có mối quan hệ nhất định nào đó với Chu Ôn. Năm 904 Chu Ôn ám sát Đường Chiêu Tông đưa Đường Ai Đế lên thay, kiểm soát triều đình và nhận hối lộ để bổ nhiệm Lưu Ẩn làm Thanh Hải tiết độ sứ, thời điểm này mối quan hệ giữa hai anh em họ Chu không được tốt, Chu Toàn Dục thì cho rằng: việc làm của Chu Ôn sẽ để lại hậu quả nặng nề cho thế hệ sau trong khi Chu Ôn thì cho rằng: Chu Toàn Dục không có tài. Khi kiểm soát triều đình, Chu Ôn đã ám hại những người chống đối và tể tướng Độc Cô Tổn bị buộc phải chuyển làm Tĩnh Hải tiết độ sứ thay cho Chu Toàn Dục. Độc Cô Tổn cũng chỉ làm Tiết độ sứ trên danh nghĩa được 1 năm thì bị giết hại. Việc Chu Ôn cho rằng Chu Toàn Dục không có tài gợi ý chúng ta: vị Tiết độ sứ này không kiểm soát được châu Giao như mong muốn của Chu Ôn do đó mà đã xin bãi miễn chức của anh đồng thời lại chuyển kẻ chống đối của mình đến giữ chức Tiết độ sứ. Nếu thực sự phương bắc có thể kiểm soát được châu Giao, thì việc cử Độc Cô Tổn đến làm Tiết độ sứ thì chẳng khác gì thả hổ về rừng, nhưng nếu phương bắc không thể kiểm soát được châu Giao thì việc chuyển Độc Cô Tổn đến làm Tiết độ sứ chẳng qua là việc mượn dao giết người. Như vậy việc bãi miễn chức của Chu Toàn Dục do kém năng lực và thuyên chuyển Độc Cô Tổn đến thay gợi ý chúng ta rằng: Giao Châu thực sự tồn tại một thế lực.

Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục có dẫn sách Tư trị thông giám của Tư Mã Quang viết rằng: ‘Năm Thiên Hựu thứ ba (năm 906) tặng Tĩnh Hải Quân Tiết Độ Sứ Khúc Thừa Dụ chức Đồng Bình chương sự. [Trước đó] Khúc Thừa Dụ nhân loạn mà chiếm cứ An Nam’. Năm 905 Lưu Ẩn cũng được Đường Ai Đế ban chức Đồng Bình chương sự. Thời điểm này Chu Ôn kiểm soát triều đình, nên việc phong những chức tước này là chủ ý của Chu Ôn, đây là việc củng cố quyền lực. Nó cho chúng ta biết rằng: Khúc Thừa Dụ có mối quan hệ nào đó với Chu Ôn và Khúc Thừa Dụ có quyền lực tại An Nam. Quyền lực của Khúc Thừa Dụ được thấy rõ qua việc chiếm cứ An Nam nhân lúc loạn. Nhưng loạn này là lúc nào? Nếu đó là thời điểm Độc Cô Tổn buộc phải thôi chức Tiết độ sứ thì không thuyết phục vì trên thực tế Độc Cô Tổn chỉ là Tiết độ sứ trên danh nghĩa, không có thực quyền. Nếu gọi đây là loạn thì không phù hợp. Cuộc nổi loạn thực sự ghi nhận được là thời điểm năm 880. Năm 905 là năm Khúc Thừa Dụ chính thức xưng Tiết độ sứ, nhưng  để có thể xưng là Tiết độ sứ và triều đình phương bắc phải phong chức Đồng Bình chương sự thì Khúc Thừa Dụ phải có thực quyền tại An Nam và như thế gợi ý chúng ta người thủ lĩnh trong cuộc nổi loạn tại đô hộ phủ năm 880 chính là Khúc Thừa Dụ.

Năm 907 Khúc Thừa Dụ mất, con là Khúc Hạo lên thay, năm 908 Hậu Lương thái tổ Chu Ôn phong Lưu Ẩn làm Tiết độ sứ hai quân là Thanh Hải quân và Tĩnh Hải quân. Năm 917 Lưu Nhan lập nước Nam Hán, trong khi đó Khúc Thừa Mỹ lên thay Khúc Hạo. Khúc Thừa Mỹ thực hiện chính sách thân Hậu Lương chống đối Nam Hán. Việc Khúc Thừa Dụ vừa mất, Chu Ôn thay chức Tiết độ sứ bởi một người khác mà không phải người họ Khúc và việc Khúc Thừa Mỹ có chính sách thân Hậu Lương gợi ý chúng ta về sự tồn tại mối quan hệ giữa họ Chu và họ Khúc.

Tóm lại trong bài này chúng ta xem xét mấy ý sau:

– Có 3 nhóm người ở An Nam thời điểm cuối nhà Đường đó là: Những người bản sứ được chính quyền hoá; những người phương bắc có ý đồ bá vương và những người trung thành với chính quyền phương bắc.

– Sau sự biến An Lộc Sơn, tình trạng phiên trấn, bất tuân triều đình trở nên phổ biến, xã hội rơi vào loạn lạc mà đỉnh điểm là khởi nghĩa Hoàng Sào, đây cũng là cuộc khởi nghĩa làm thay đổi cấu trúc quyền lực ở Lĩnh Nam và trực tiếp gây ra cuộc nổi loạn tại An Nam đô hộ phủ năm 880.

– Có bằng chứng cho thấy những ghi chép của An Nam kỷ yếu là không chính xác, gián tiếp khẳng định Tiết độ sứ Tăng Cổn đã bỏ trốn ra khỏi thành, phủ An Nam do quân nổi loạn chiếm giữ.

– Các vị Cao Mậu Khanh, Chu Toàn Dục, Độc Cô Tổn chỉ làm Tiết độ sứ trên danh nghĩa, không có thực quyền, cho thấy tại An Nam quyền lực thực sự thuộc về một thế lực khác.

– Qua việc Khúc Thừa Dụ nhân loạn giữ An Nam được phong Đồng Bình chương sự cho thấy Khúc Thừa Dụ mới thực sự nắm quyền lực tại An Nam và cũng là thủ lĩnh của quân nổi loạn năm 880.

– Nhà Đường suy yếu, Chu Ôn nắm quyền, các thế lực ở phương nam đều thuận theo, không giám chống đối, Khúc Thừa Dụ cũng ẩn mình, bên ngoài thì thuận theo bên trong thì nắm thực quyền, đến năm 905 thì xin lĩnh chức Tiết độ sứ.

Ghi chú:

– Khi Hoàng Sào chiếm Lĩnh Nam, quân phản loạn trong phủ chiếm cứ An Nam và vì chiến sự thì diễn ra khắp mới, nhà Đường không có khả năng và không ghi nhận bất cứ một cuộc chiến nhằm tái lập lại ở An Nam, nên quyền lực thực sự thuộc về quân phản loạn. Không có lý do gì để quân phản loạn tuân theo lệnh của các Tiết độ sứ, vì thế và có bằng chứng cho thấy một vài Tiết độ sứ chỉ làm trên danh nghĩa.

– Khúc Thừa Dụ phải thực sự có quyền lực tại An Nam thì mới có thể tự xưng Tiết độ sứ và được phong Đồng Bình chương sự, trong thời loạn thì quyền lực này có được từ hoạt động quân sự và để làm được Tiết độ sứ tại An Nam một cách yên bình thì phải mất nhiều năm, phải có uy thế rất lớn, đặc biệt là phủ dụ được quân phản loạn đang nắm giữ đô hộ phủ.

Kết luận: Tôi cho rằng thời điểm kết thúc ngàn năm bắc thuộc là cuộc binh biến tại An Nam đô hộ phủ năm 880 do Khúc Thừa Dụ thực hiện nhân sự kiện Hoàng Sào chiếm cứ Lĩnh Nam.

0