Phương pháp hướng đối tượng và quá trình phát triển hệ thống phần mềm
Thách thức lớn nhất của loài người trong thế kỷ 21 là sự hỗn độn và mức độ phức tạp trong hầu hết các lĩnh vực của cuộc sống. Khoa học tính toán, tin học sẽ đóng vaitrò rất quan trọng trong việc tăng thêm trí tuệ, khoa học cho con người nhằm ...
Thách thức lớn nhất của loài người trong thế kỷ 21 là sự hỗn độn và mức độ phức tạp trong hầu hết các lĩnh vực của cuộc sống. Khoa học tính toán, tin học sẽ đóng vaitrò rất quan trọng trong việc tăng thêm trí tuệ, khoa học cho con người nhằm giải quyết những vấn đề rất phức tạp trong mọi hoạt động của mình. Nền kinh tế của chúngta ở thế kỷ này cũng phải chuyển sang nền kinh tế tri thức, nghĩa là luôn đổi mới và thay đổi, khác hẳn với nền kinh tế dựa vào vật chất. Để hiểu, để khống chế được độphức tạp của những vấn đề đặt ra trong nền kinh tế tri thức và từ đó đưa ra được những giải pháp để giải quyết chúng thì chúng ta phải có những phương pháp khoa học vàđúng đắn, phù hợp với các qui luật xã hội và tự nhiên. Bên cạnh việc nghiên cứu các phương pháp thích hợp đối với từng loại hệ thống, chúng ta cũng cần tìm hiểu từng bộphận của chúng để mô hình hoá và xác định được quá trình hình thành của mỗi hệ thống. Như Pascal đã khảng định “Không thể hiểu được bộ phận nếu không hiểu toàn thể và không thể hiểu toàn thể nếu không hiểu được từng bộ phận”. Do vậy, nhiệm vụcủa các ngành khoa học là đi nghiên cứu các quá trình, các qui luật tự nhiên, các tính chất và hành vi của hệ thống để mô hình hoá chúng và đề xuất những phương pháp để giải quyết những vấn đề xảy ra trong các hoạt động của con người sao cho hiệu quả nhất.
Nhiệm vụ của công nghệ thông tin nói chung, công nghệ phần mềm nói riêng là nghiên cứu các mô hình, phương pháp và công cụ để tạo ra những hệ thống phần mềm chất lượng cao trong phạm vi hạn chế về tài nguyên nhằm đáp ứng được những nhu cầu thường xuyên thay đổi của khách hàng, giải quyết được những vấn đề phức tạp đặtra trong thực tế. Trước những năm 60, chưa định hình các phương pháp rõ rệt cho quá trình phát triển phần mềm [19, 35]. Người ta xây dựng hệ thống phần mềm tương đối tuỳ tiện, theo sở thích và những kinh nghiệm cá nhân. Từ những năm 70 tới nay, nhiềumô hình, phương pháp phát triển phần mềm lần lượt ra đời. Mỗi phương pháp đều có những ưu, nhược điểm riêng, có thể được ưa chuộng ở nơi này, ở một số lĩnh vực nào đó nhưng lại không được ưa chuộng ở những nơi khác. Sự đa dạng và phong phú trong các phương pháp cũng có nghĩa là có sự không thống nhất, không chuẩn hoá.
Tuy nhiên, trải qua thời gian, một số phương pháp đã tỏ ra có sức sống dẻo dai, đang được áp dụng rộng rãi trong thực tế. Trong số này phải kể trước hết những phương pháp có tên chung là các phương pháp có cầu trúc [7, 9, 19]. Những phương pháp này thống nhất trong cùng một cách tiếp cận, đó là hướng thủ tục và cùng một hướng tư duy (có cấu trúc và trên xuống), nhưng mỗi phương pháp lại chỉ đề cập đến một phương diện của quá trình phát triển phần mềm. Do vậy, người ta thường sử dụng một số phương pháp liên hoàn, bổ sung cho nhau trong cùng một đề án phát triển phần mềm phức tạp. Ngày nay nó vẫn chưa lạc hậu, vẫn còn phát huy tác dụng tốt cho những hệ thống có cấu trúc với những dữ liệu tương đối thuần nhất. Nhưng do sự phong phú về phương pháp luận và sự đa dạng về sự biểu diễn các khái niệm (các ký hiệu rất khác nhau, không thống nhất) dẫn tới khó có thể đưa ra được một qui trình thống nhất cho quá trình phát triển phần mềm. Mặt khác, nhiều vấn đề phức tạp mới xuất hiện, không chỉ yêu cầu tính toán lớn, xử lý phân tán, thường xuyên thay đổi các yêu cầu mà còn đòi hỏi phải quản lý với nhiều loại dữ liệu khác nhau, dữ liệu đa phương tiện, dữ liệu âm thanh, hình ảnh, v.v.
Từ những năm 90, xuất hiện một trào lưu mới, mãnh liệt: đó là sự ra đời của các phương pháp hướng đối tượng [4, 5, 18, 21, 24]. Thay vì cách tiếp cận dựa vào chức năng, nhiệm vụ của hệ thống như các phương pháp có cấu trúc nêu trên, phương pháp hướng đối tượng lại dựa chính vào các thực thể (các đối tượng). Cách tiếp cận hướng đối tượng đặt trọng tâm vào việc xây dựng lý thuyết cho các hệ thống tổng quát như làmô hình khái niệm cơ sở. Hệ thống được xem như là tập các đối tượng tác động với nhau trên cơ sở truyền thông điệp để thực thi các nhiệm vụ đặt ra trong hệ thống đó.Cách tiếp cận này rất phù hợp với cách quan sát và quan niệm của chúng ta về thế giới xung quanh và tạo ra những công cụ mới, hữu hiệu để phát triển các hệ thống có tính mở, dễ thay đổi theo yêu cầu của người sử dụng, đáp ứng được các tiêu chuẩn phần mềm theo yêu cầu của nền công nghệ thông tin hiện đại, giải quyết được những vấn đề phức tạp của thực tế đặt ra trong thế kỷ 21. Một điều rất quan trọng trong công nghệ phần mềm là các khái niệm mới của mô hình hệ thống hướng đối tượng, các bước phát triển có thể đặc tả và thực hiện theo một qui trình thống nhất [2, 21] với một hệ thốngký hiệu chuẩn, đó là ngôn ngữ mô hình hoá hợp nhất UML (Unified Modeling Language) [3, 10], được sự hỗ trợ của những phần mềm công cụ như Rational Rose[17, 22]. Những công cụ này hỗ trợ rất hiệu quả cho các giai đoạn phân tích, thiết kếvà lập trình hướng đối tượng.
Theo từ điển Larousse, “Tin học là tập hợp các ngành khoa học, kỹ thuật, kinh tế - xã hội vận dụng vào việc xử lý thông tin và sự tự động hoá”. Nếu vậy, có thể định nghĩa hệ thống tin học là hệ thống có mục đích xử lý thông tin và có sự tham gia của máy tính. Sự tham gia của máy tính trong một hệ thống tin học có thể ở nhiều mức độkhác nhau:
- Mức thấp: máy tính chỉ được sử dụng để giải quyết một số công việc đơn lẻ, như soạn thảo các công văn, báo cáo, các bảng biểu thống kê, hoá đơn, chứng từ, bảng tính lương, v.v.
- Mức trung bình: máy tính cùng với con người cộng tác, phân công với nhau để thực hiện một qui trình quản lý phức tạp, ví dụ, các hệ thống thông tin quản lý hành chính nhà nước, các dịch vụ công, các hệ thống điều hành tác nghiệp đang được xây dựng trong Chương trình Cải cách hành chính, Đề án 112 của Chính phủ giai đoạn 2001 – 2005, v.v.
- Mức cao: máy tính đóng vai trò chủ chốt trong quá trình xử lý thông tin, con người không can thiệt trực tiếp vào quá trình này mà chỉ có nhiệm vụ cung cấp thông tin đầu vào cho hệ thống và nhận được kết quả ra từ máy tính như các chương trình điều khiển các chuyến bay của các con tàu vũ trụ, các chương trình điều khiển các quá trình sản xuất tự động, những vấn đề về trí tuệ nhân tạo, v.v.
Hệ thống tin học (phần mềm) do vậy, có thể được xem là tổ hợp các phần cứng, phần mềm có quan hệ qua lại với nhau, cùng hoạt động hướng tới mục tiêu chung thông qua việc nhận các dữ liệu đầu vào (Input) và sản sinh ra những kết quả đầu ra (Output) thường là ở các dạng thông tin khác nhau nhờ một quá trình xử lý, biến đổi có tổ chức. Một cách hình thức hơn chúng ta có thể định nghĩa phần mềm [13, 19] bao gồm các thành phần cơ bản như sau:
- Hệ thống các câu lệnh (chương trình) khi thực hiện thì tạo ra được các hoạt động và cho các kết quả theo yêu cầu,
- Các cấu trúc dữ liệu làm cho chương trình thực hiện được các thao tác, xử lý và cho ra các thông tin cần thiết,
- Các tài liệu mô tả thao tác và cách sử dụng hệ thống.
Các đặc trưng của hệ thống
Hệ thống thông tin cũng giống như các hệ thống khác đều có những đặc trưng cơ bản như sau:
1. Mọi hệ thống đều có tính nhất thể hoá và đặc tính này được thể hiện thông qua:
- Phạm vi và qui mô của hệ thống được xác định như một thể thống nhất và hệ thống không thay đổi trong những điều kiện nhất định. Khi những điều kiện này không còn được đảm bảo thì hệ thống sẽ phải biến đổi theo.
- Tạo ra những đặc tính chung để thực hiện được các nhiệm vụ hay nhằm đạt được các mục tiêu chung mà từng bộ phận riêng lẻ không thể thực hiện được.
2.Trong sự hỗn độn, phức tạp của thế giới xung quanh, một hệ thống được tạo ra và phát triển thì phải có tính tổ chức, có thứ bậc. Nghĩa là:
- Mọi hệ thống luôn là hệ thống con của một hệ thống lớn hơn trong môi trường nào đó và chính nó lại bao gồm các hệ thống (các thành phần) nhỏ hơn.
- Giữa các thành phần của một hệ thống có sự sắp xếp theo quan hệ thứ bậc hay một trình tự nhất định.
3. Mọi hệ thống đều có cấu trúc: Chính cấu trúc của hệ thống quyết định cơ chế vận hành của hệ thống và mục tiêu mà nó cần đạt được. Cấu trúc của hệ thống được thể hiện bởi:
- Các phần tử được sắp xếp theo trật tự để cấu thành một hệ thống.
- Mối quan hệ giữa các thành phần liên quan chủ yếu đến loại hình, số lượng, chiều, cường độ, v.v.
Những hệ thống có cấu trúc chặt thường được gọi là hệ thống có cấu trúc. Cấu trúc của hệ thống là quan trọng, nó có thể quyết định tính chất cơ bản của hệ thống.
Kim cương và than đá đều được cấu tạo từ các phân tử các-bon, nhưng khác nhau về cấu trúc nên: kim cương vô cùng rắn chắc, còn tham đá thì không có tính chất đó.
Sự thay đổi cấu trúc có thể tạo ra những đặc tính mới (sức trồi mới, hay còn gọi là những đột biến) của hệ thống và khi vượt quá một ngưỡng nào đó thì có thể dẫn tới việc phá vỡ hệ thống cũ.
Công nghệ biến đổi gen: chính là làm thay đổi cấu trúc của các tế bào sinh học. Những nguyên lý di truyền và biến đổi gen của công nghệ sinh học cũng đang được nghiên cứu và ứng dụng trong công nghệ thông tin.
4. Mọi hệ thống đều biến đổi theo thời gian và không gian:
- Hệ thống nào cũng có một đời sống, từ lúc khai sinh đến lúc bị phế bỏ. Các hệ thống phải luôn thay đổi cho phù hợp với điều kiện thực tế theo thời gian và không gian, nghĩa là muốn tồn tại và phát triển thì phải biến đổi cho phù hợp với môi trường xung quanh theo qui luật tiến hoá của tự nhiên (Darwin). Sự khác nhau chủ yếu là tốc độ và khả năng nhận biết được về sự thay đổi đó.
- Mọi sự thay đổi luôn có mối liên hệ ngược (feedback) trong hệ thống và chịu sự tác động của qui luật “nhân - quả”.
Hệ thống được đánh giá theo nhiều tiêu chí khác nhau [7, 13, 19, 24] và chưa có một hệ thống tiêu chí chuẩn để đánh giá cho các sản phẩm phần mềm. Ở đây chúng ta chỉ quan tâm đến một số tính chất quan trọng nhất hiện nay của các sản phẩm phần mềm. Một sản phẩm của công nghệ phần mềm hiện nay, ngoài những tính chất chung của các hệ thống nêu trên thì phải có các tính chất sau:
- Tính tiện dụng (usability): sản phẩm phải dễ sử dụng và tiện lợi cho người dùng, hỗ trợ để thực hiện các công việc tốt hơn. Muốn đạt được mục đích này thì phần mềm phải có giao diện thân thiện, phù hợp, có đầy đủ các tài liệu mô tả và có sự hỗ trợ kịp thời cho người sử dụng.
- Khả năng bảo hành và duy trì hoạt động (Maintainability): Hệ thống phải có khả năng cập nhật, đễ thay đổi, có khả năng mở rộng để thực hiện được những yêu cầu thay đổi của khách hàng.
- Tính tin cậy (Dependability): Tính tin cậy của phần mềm không chỉ thể hiện ở khả năng thực hiện đúng nhiệm đã được thiết kế và cả các khả năng đảm bảo an toàn, an ninh dữ liệu. Hệ thống phải thực hiện bình thường ngay cả khi có sự kiện bất thường xảy ra.
- Tính hiệu quả (Efficiency): Phần mềm không gây ra sự lãng phí các tài nguyên như bộ nhớ, bộ xử lý,các thiết bị ngoại vi, thời gian sử dụng, v.v.
Phân loại hệ thống phần mềm
Nếu xét tới nội dung của thông tin được xử lý và tính chất của môi trường của hệ thống, người ta có thể phân hệ thống phần mềm theo các loại khác nhau [24, 35] như sau:
1. Hệ thống thông tin quản lý (Management Information System - MIS): hệ thống cung cấp các thông tin cần thiết cho công tác quản lý và điều hành của một doanh nghiệp, cơ quan, hay nói rộng ra là cho một tổ chức. Hạt nhân của hệ thống thông tin quản lý là một cơ sở dữ liệu (CSDL) chứa các thông tin phản ánh tình trạng hiện thời và các kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức đó. Hệ thống thu thập các thông tin từ môi trường hoạt động của doanh nghiệp, kết hợp với các thông tin có trong CSDL để kết xuất các thông tin mà các nhà quản lý cần, đồng thời thường xuyên cập nhật dữ liệu để giữ cho các thông tin ở trong CSDL luôn phản ánh đúng thực trạng hiện thời của tổ chức đó. Hệ thống thông tin quản lý thường được phân loại theo hai mức:
- Mứcthấp,hay còngọimứctácnghiệp,hệ thống chỉ có nhiệm vụ in ra các bảng biểu, chứng từ giao dịch theo những biểu mẫu của cách xử lý thủ công (bằng tay) vẫn làm. Đó thường là các hệ thống xử lý dữ liệu như các hệ thống đơn hàng, quản lý nhân sự, quản lý thiết bị, vật tư, kế toán tài vụ, v.v.
- Mức cao, hay còn gọi mức điều hành, hệ thống phải đưa ra được các thông tin có tính chất chiến lược và kế hoạch giúp cho người lãnh đạo đưa ra được các quyết định đúng đắn trong công tác điều hành sự hoạt động của đơn vị, ví dụ, các hệ thống dịch vụ công, các hệ thống thông tin tổng hợp, các trang thông tin điều hành tác nghiệp của Tỉnh / Thành đang được xây dựng trong Đề án 112 của Chính phủ [36, 37, 38]. Những hệ thống như thế có thể phát triển được thành hệ hỗ trợ quyết định (Decision Support System – DSS). Đặc điểm của hệ hỗ trợ quyết định là bên cạnh CSDL còn có cơ sở các mô hình, các phương pháp mà khi lựa chọn để vận dụng lên các dữ liệu sẽ cho các lời giải, cho các kết quả theo yêu cầu đa dạng của người dùng đặt ra các tình huống khi chọn lựa các quyết định của mình.
2. Các hệ thống kỹ thuật (Technical Systems), những hệ thống tự động hoá sản xuất hay còn gọi là các hệ thống điều khiển các quá trình. Đó là những hệ thống nhằm xử lý và điều khiển tự động các quá trình vận hành các thiết bịkỹ thuật trong sản xuất, viễn thông, quân sự, các quá trình công nghiệp, v.v. Những hệ thống này thường phải làm việc theo phương thức xử lý thời gianthực. Về mặt kiến trúc vật lý, bên cạnh phần mềm, hệ thống này bao gồm nhiều loại thiết bị tin học đa dạng: từ các CPU phổ dụng, đến các máy tính chuyên dụng, các ôtômát lập trình được, như các bộ điều khiển logic lập trình được (Programmable Logic Controller – PLC), các đường truyền, cácbộ cảm biến, các bộ chuyển đổi tín hiệu A/N hay N/A.
3. Các hệ thống nhúng thời gian thực (Embedded Real_time System). Hệ thống thực hiện trên những thiết bị cứng đơn giản và được nhúng vào các thiết bị khác như: mobile phone, hệ thống hướng dẫn lái xe ô tô, hệ thống điều khiển các dụng cụ dân dụng, v.v. Các hệ thống này thường được thực hiện lập trình ở mức thấp, và cũng thường thực hiện xử lý theo thời gian thực. Trong các hệ này, thường thiếu vắng các thiết bị ngoại vi thông dụng như màn hình, ổ đĩa cứng, v.v.
4. Phần mềm hệ thống (System Software). Những hệ thống này thiết lập nên hạ tầng kỹ thuật của các hệ thống máy tính, phục vụ cho các phần mềm ứng dụng chạy trên đó. Đó có thể là hệ điều hành, hệ quản trị CSDL, chương trình dịch, giao diện phần mềm ứng dụng API (Application Programming Interface), v.v. Chúng khai thác các dịch vụ tầng thấp của các phần cứng để đưa các giao diện, các dịch vụ ở tầng cao ở mức khái quát, dễ sử dụng cho các chương trình ứng dụng.
5. Các hệ thống tự động hoá văn phòng (Automated Office Ssystems). Tự động hoá văn phòng là cách tiếp cận nhằm đưa máy tính vào hoạt động văn phòng, cho phép thâu tóm mọi công việc tính toán, giao lưu, quản lý thông tin, tất cả vào trong các cửa sổ trên màn hình máy tính, có ngay trên bàn làm việc của mỗi nhân viên văn phòng. Một hệ thống tự động hoá văn phòng phải cung cấp được ít nhất một số trong các chức năng chính như sau:
- Thư tín điện tử (E-mail): nhận/gửi các thông điệp văn bản (Text messages) tới các cá nhân hay nhóm người.
- Lịch biểu, kế hoạch công tác, thông báo, v.v.
- Xử lý văn bản: soạn thảo, sửa chữa, mi trang, v.v. các tài liệu, biểu đồ, văn tự và đồ hoạ.
- Hội thảo điện tử: hội thảo nghe nhìn từ xa, trao đổi dữ liệu, các cuộc toạ đàm hỗn hợp dữ liệu và tiếng nói, hình ảnh, nối ghép các màn hình với nhau.
Các hệ thống tích hợp điện thoại với xử lý, tính toán của máy tính:người sử dụng có thể truy cập tới các hệ CSDL thông qua hệ thống điện thoại (kể cả điện thoại không dây) để có được những dịch vụ cần thiết.
Thông thường, mỗi loại phần mềm thường có những phương pháp, mô hình, công cụ và qui trình riêng. Do vậy, khi xây dựng một hệ thống phần mềm chúng ta cần phải xác định xem nó thuộc loại nào để quyết định lưa chọn giải pháp cho thích hợp và hiệu quả nhất.
Mọi hệ thống (phần mềm) đều phải trải qua sự khởi đầu, triển khai, xây dựng, kiểm định, khai thác, bảo trì và kết thúc. Gọi quá trình đó là vòng đời haychỉ nhấn mạng đến sự triển khai và xây dựng, thì gọi là sự phát triển của hệ thống (System Develoment). Để xem xét xự phát triển hệ thống, có hai khía cạnh phải đề cập:
- Sự nối tiếp các giai đoạn trong quá trình phát triển hệ thống, còn gọi là chu trình phát triển hệ thống,
- Các phương tiện để nhận thức và đặc tả hệ thống, còn gọi là các mô hình.
Chu trình phát triển hệ thống
Có nhiều loại chu trình phát triển phần mềm khác nhau. Ivan Sommerville [19 ] nói tới năm loại chu trình phát triển chính.
(i) Mô hình thác nước (Waterfall). Đây là chu trình phát triển đầu tiên, được Royce đề xuất năm 1970 để mô tả sự phát triển hệ thống tin học. Quá trình phần mềm được chia thành dãy các giai đoạn (các pha) liên tiếp từ phân tích yêu cầu, phân tích các thành phần, thiết kế, lập trình đến thử nghiệm và triển khai hệ thống. Giai đoạn sau chỉ được bắt đầu khi giai đoạn trước đã hoàn thành (không được chờm lên nhau). Vì vậy chu trình phát triển này còn được gọi là chu trình tuyến tính (Hình 1).
Mô hình này được thiết lập theo cách tiếp cận hướng chức năng và phù hợp cho những dự án lớn, phức tạp. Nhược điểm chính của chu trình phát triển thác nước là ở chỗ không có sự quay lui. Sự quay lui là một nhu cầu rất tự nhiên trong quá trình phát triển phần mềm, vì nhiều khi thực hiện ở giai sau người ta mới phát hiện ra những thiếu sót của giai đoạn trước và do vậy cần phải quay lại giai đoạn đó để chỉnh sửa, bổ sung cho đầy đủ. Ngoài ra, trong quá trình phát triển phần mềm theo chu trình thác nước, không có sự tham gia trực tiếp của người dùng trong mỗi giai đoạn, mà chỉ tiếp xúc với hệ thống sau khi nó đã được hoàn thành.
Chu trình thác nướcChính vì vậy mà đã có nhiều phương pháp cải tiến chu trình thác nước, cho phép sự quay lui. Chẳng hạn chu trình phát triển hình chữ V [35], được AFCIQ (Association Française pour le Contrôle Industriel de la Qualité) đề nghị bao gồm cả các bước quay lui, và ngoài ra còn đặt tương ứng các pha kiểm thử, tích hợp trong giai đoạn phân tích và thiết kế. Khi một sai sót được phát hiện thì giai đoạn đó được xem lại và chu trình bắt đầu lại từ đó.
(ii) Chu trình tăng trưởng. Chu trình tăng trưởng, do D. R. Graham đề xuất năm 1989, dựa trên các bước tăng trưởng dần, cho phép hoàn thành hệ thống từng phần một. Mỗi bước tăng trưởng thực hiện một tiến trình tuyến tính gồm các bước phân tích, thiết kế, lập trình, kiểm định và chuyển giao từng phần (Hình 2). Quá trình này lặp lại nhiều lần cho đến khi có được phương án hoàn chỉnh cho cả hệ thống.
Chu trình phát triển phần mềm tăng trưởngRõ ràng cách làm này chỉ thích hợp với các hệ thống có thể chia cắt và chuyển giao theo từng phần.
(iii) Chu trình xoắn ốc. Chu trình xoắn ốc hay chu trình lặp được Boëhm đề xuất năm 1988, với các đặc điểm sau:
- Tiến trình lặp lại một dãy các giai đoạn nhất định,
- Qua mỗi vòng lặp, tạo ra một nguyên mẫu và được hoàn thiện dần,
- Nhấn mạnh sự khắc phục các nguy cơ, những rủi ro có thể xuất hiện trong quá trình phát triển phần mềm, trong đó có nguy cơ bắt nguồn từ các sai sót trong đặc tả yêu cầu.
Trong tin học, phần mềm nguyên mẫu (Prototype) là một hệ thống:
- Có khả năng làm việc được trên các dữ liệu thực, nghĩa là nó đã vượt qua giai đoạn dự án trên giấy, và như vậy có thể được đánh giá bởi người thiết kế hoặc người sử dụng (khách hàng).
- Có thể được phát triển thêm để tiến tới hệ thống hoàn chỉnh, hoặc có thể làm cơ sở để phát triển hệ thống theo đơn đặt hàng.
- Được tạo lập nhanh và ít tốn kém.
- Dùng để kiểm chứng các giả định về nhu cầu cần đáp ứng, các lược đồ thiết kế về logic của các chương trình.
Như vậy, việc tạo ra các nguyên mẫu nhanh chóng là có ích trên nhiều phương diện:
- Chính xác hoá các yêu cầu của hệ thống. Thường thì các nhu cầu của người dùng không được phát biểu rành mạch, khó mà đặc tả được một cách hoàn toàn đúng đắn. Một nguyên mẫu sẽ phô diễn cụ thể, tường minh để người dùng nhìn và cảm nhận thấy nó có đáp ứng trúng nhu cầu của mình hay không.
- Phát hiện được các hành vi lệch lạc, các sai sót. Trong thiết kế, có những điểm rất nhạy cảm, người thiết kế không lường hết được mọi tình huống. Xây dựng nguyên mẫu giúp ta có thể phát hiện được hành vi lệch lạc, các khiếm khuyết của hệ thống.
- Đánh giá được hiệu năng của hệ thống. Hiệu năng của hệ thống liên quan chặt chẽ tới sự thích ứng của ngôn ngữ lập trình, các nền (Platform) và các phần cứng như máy tính. Nguyên mẫu phản ánh hiệu năng tương đối của chương trình và thông qua nguyên mẫu ta có thể phát hiện được những nguyên nhân cơ bản của sự chậm chạp từ bên trong chương trình,từ những khâu giao tiếp người/máy, v.v.
Kỹ thuật làm nguyên mẫu ngày nay được thực hiện được khá hiệu quả là nhờ các ngôn ngữ lập trình phi thủ tục, còn được gọi là ngôn ngữ thế hệ thứ tư, trong đó có các ngôn ngữ hướng đối tượng. Hầu hết các sản phẩm phần mềm của Viêt Nam, trong đó các phần mềm phục vụ chương trình cải cách hành chính của Chính Phủ cũng được xây dựng theo kỹ thuật làm nguyên mẫu của chu trình xoắn ốc. Ban điều hành Đề án 112 tổ chức và quản lý thực hiện rất chặt chẽ theo các giai đoạn, luôn có trao đổi, thảo luận, đánh giá những kết quả đạt được và trên cơ sở đó đề ra những tài liệu mẫu [37, 38, 39] để hướng dẫn các nhóm thực hiện nhằm đảm bảo phần mềm làm ra đúng theo yêu cầu.
Với việc làm nguyên mẫu thì quá trình phát triển phần mềm sẽ có nhiều khác biệt so với quá trình tuyến tính nêu trên. Theo Jekins, Milton và Naumann (Đại học Indiana City), chu trình xoắn ốc có thể chia thành bốn giai đoạn cho mỗi vòng lặp chính như hình 3.
Chu trình xoắn ốcGiai đoạn 1: Với vòng lặp đầu tiên thì giai đoạn này nhằm phát hiện các yêu cầu cơ bản, rõ nét nhất thông qua các phương pháp thông thường như: khảo sát, phỏng vấn, xem xét tài liệu, v.v. Không cần phải vét cạn các yêu cầu mà nhanh chóng chuyển sang giai đoạn sau. Từ vòng lặp thứ hai, thì giai đoạn này tập trung xác định các mục tiêu của vòng lặp hiện tại, các phương án và các ràng buộc từ kết quả vòng lặp trước.
Giai đoạn 2: Đánh giá các phương án có thể, phát hiện ngay các nguy cơ tiềm ẩn và tìm cách giải quyết chúng. Các nguy cơ, rủi ro có thể xuất phát từ phía những công nghệ mới, những đối tác cạnh tranh, từ thị trường và khách hàng, từ phía ngân sách, tài chính, v.v., trên cơ sở đó đánh giá tính khả thi của dự án.
Giai đoạn 3: Thiết kế và tạo lập nguyên mẫu, tập trung vào những điều cốt yếu
Giai đoạn 4: Thử nghiệm nguyên mẫu. Trước hết giới thiệu nó cho một số người dùng chọn lọc, thu thập các phê phán, các góp ý của họ. Tuỳ theo mức độ quan trọng, một số điều chỉnh được thực hiện ở những vòng tiếp sau.
Các vòng lặp được tiếp tục cho đến khi xét thấy nguyên mẫu là tốt thì có thể chuyển sang sản xuất thực sự.
Một số người cho rằng cách làm vòng vo này sẽ làm kéo dài thời gian. Song, những nghiên cứu nghiêm túc của Boëhm và Gray cho thấy thời gian có thể rút xuống còn khoảng 45% so với cách làm cũ.
Nhưng, sự thành công của tiến trình lặp có thể dẫn tới một vài hậu quả cần dè chừng. Người dùng có thể thoả mãn với những phương án đầu và muốn dừng ngay, mặc dù không phải là không có những việc đáng làm. Việc làm tư liệu, vốn rất cần thiết cho sự hoạt động và bảo trì hệ thống sau này, cũng dễ bị bỏ qua hoặc xem nhẹ.
Tóm lại, khuôn cảnh chung của kỹ nghệ phần mềm có thể được mô tả như sau:
Quá trình phát triển phần mềmCác giai đoạn của quá trình phát triển phần mềm có thể thực hiện theo những phương pháp khác nhau tuỳ thuộc vào khả năng của nhóm thực hiện dự án. Tuy nhiên, để cho thống nhất và hiệu quả thì tốt nhất là nên chọn một phương pháp, phương pháp hướng chức năng hay hướng đối tượng cho cả quá trình phát triển phần mềm. Xu thế hiện nay là nên chọn phương pháp hướng đối tượng với sự hỗ trợ của nhiều công cụ hiện đại.
Các bước phát triển hệ thống như tìm hiểu nhu cầu, phân tích, thiết kế và lập trình hệ thống tuy có khác nhau về nhiệm vụ và mục tiêu, song chúng cùng có những đặc điểm sau:
- Đều phải đối mặt với sự phức tạp của các bài toán ứng dụng,
- Đều là quá trình nhận thức và diễn tả sự phức tạp thông qua các mô hình. Nói cách khác đều là quá trình thực hiện mô hình hoá để hiểu và xây dựng hệ thống.
(i) Nguyên lý chế ngự sự phức tạp. Để tìm hiểu một thế giới vô cùng phức tạp, mọi khoa học thực nghiệm đều phải vận dụng nguyên lý “Chia để trị” (Devide and Conquer) và nguyên lý “Trừu tượng hoá”. Trừu tượng hoá (hay còn gọi là trừu xuất) là nguyên lý nhận thức, đòi hỏi phải bỏ qua những sắc thái (của một chủ đề) không liên quan tới chủ định hiện thời, để tập trung hoàn toàn vào những sắc thái liên quan đến chủ định đó (Từ điển Oxford).
Nói cách khác, trước một bài toán (một chủ đề), ta tạm quyên đi hay tạm lờ đi những chi tiết có tác dụng rất ít hoặc không có tác dụng đối với lời giải bài toán, nhờ đó hình thành được một sự diễn tả đơn giản hoá và dễ hiểu, cho phép chúng ta giải quyết được bài toán thực tế, đúng theo bản chất của nó.
(ii) Mô hình (Model) là một dạng trừu tượng hoá của hệ thống thực.
Nói cách khác, mô hình là hình ảnh thực tại của bài toán mà chúng ta đang xét, được diễn tả ở một mức độ trừu tượng hoá nào đó, theo một quan điểm và được thể hiện bởi một hình thức (bằng văn bản, bảng biểu, biểu đồ, đồ thị, công thức hay phương trình toán học, v.v.).
Ngày nay các phương pháp phân tích, thiết kế hệ thống đều có xu hướng sử dụng các mô hình được thể hiện dạng biểu đồ (diagrams). Đặc biệt phương pháp hướng đối tượng với UML, tất cả các khái niệm, các kết quả của các bước trong quá trình phát triển phần mềm đều có thể diễn tả một cách tường minh, trực quan bằng các biểu đồ [2, 3, 16] theo những ký pháp thống nhất.
(iii) Mục đích của mô hình hoá. Có năm mục đích chính.
1. Mô hình giúp ta hiểu và thực hiện được sự trừu tượng, tổng quát hoá các khái niệm cơ sở để giảm thiểu độ phức tạp của hệ thống. Qua mô hình chúng ta biết được hệ thống gồm những gì? và chúng hoạt động như thế nào?. Jean Piaget từng nói: “Hiểu tức là mô hình hoá”. Do vậy, quá trình phát triển phần mềm nêu trên chẳng qua là quá trình nhận thức và diễn tả hệ thống đó. Đó cũng là quá trình thiết lập, sử dụng và biến đổi các mô hình. Có một mô hình đúng sẽ giúp ta làm sáng tỏ những vấn đề phức tạp và cho ta cái nhìn thấu đáo về vấn đề cần giải quyết.
2. Mô hình giúp chúng ta quan sát được hệ thống như nó vốn có trong thực tế hoặc nó phải có như ta mong muốn. Muốn hiểu và phát triển được hệ thống phần mềm theo yêu cầu thực tế thì ta phải quan sát nó theo nhiều góc nhìn khác nhau: theo chức năng sử dụng, theo các thành phần logic, theo phương diện triển khai, v.v.
3. Mô hình cho phép ta đặc tả được cấu trúc và hành vi của hệ thống để hoàn chỉnh:
+ Đảm bảo hệ thống đạt được mục đích đã xác định trước. Mọi mô hình đều đơn giản hoá thế giới thực, nhưng phải đảm bảo sự đơn giản đó không loại bỏ đi những những yếu tố quan trọng.
+ Kiểm tra được các qui định về cú pháp, ngữ nghĩa về tính chặt chẽ và đầy đủ của mô hình, khẳng định được tính đúng đắn của thiết kế, phù hợp với yêu cầu của khách hàng. Nghĩa là, mô hình hoá là quá trình hoàn thiện và tiến hoá liên tục.
4. Mô hình hoá là nhằm tạo ra khuôn mẫu (template) và hướng dẫn cách xây dựng hệ thống; cho phép thử nghiệm, mô phỏng và thực hiện theo mô hình.
5. Mô hình là cơ sở để trao đổi, ghi lại những quyết định đã thực hiện trong nhóm tham gia dự án phát triển phần mềm. Mọi quan sát, mọi sự hiểu biết (kết quả phân tích, thiết kế, lập trình) đều phải được ghi lại chi tiết để phục vụ cho cả quá trình phát triển và bảo trì hệ thống. Vì tính hiểu được của mô hình mà nó trở thành một thứ ngôn ngữ chung để trao đổi giữa những người cùng tham gia trong một dự án cũng như giữa những người phát triển phần mềm với khách hàng.
Nhìn chung, không có mô hình nào là đầy đủ. Mỗi hệ thống thực tế có thể được tiếp cận thông qua một hay một số mô hình khác nhau. Quá trình mô hình hoá hệ thống phần mềm thường thực hiện theo hai cấp:
+ Mô hình logic: mô tả các thành phần và mối quan hệ của chúng để thực hiện các nhu cầu hệ thống,
+Mô hình vật lý: xác định kiến trúc các thành phần và tổng thể của hệ thống.
Tóm lại, mô hình hoá một hệ thống phải thực hiện theo cả bốn hướng:
Các hướng mô hình hoáCó bốn yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới hiệu quả của dự án phát triển phần mềm:
1. Con người. Yếu tố quan trọng nhất hiển nhiên là số lượng và trình độ chuyên nghiệp của những người tham gia phát triển phần mềm, những người có khả năng nắm bắt, làm chủ được những công nghệ mới, có khả năng hiểu được bài toán của lĩnh vực ứng dụng.
2. Bài toán (lĩnh vực ứng dụng). Hiệu quả của dự án phụ thuộc nhiều vào độ phức tạp của bài toán với những yêu cầu thường xuyên thay đổi, những đòi hỏi phức tạp với các ràng buộc về dữ liệu, thời gian và tài nguyên của hệ thống.
3. Công nghệ: các kỹ thuật, công cụ hỗ trợ để phát triển phần mềm,
4. Các tài nguyên: bao gồm cả các phần cứng như máy tính, thiết bị phụ trợ, phần mềm ứng dụng và tài chính, ngân sách đầu tư cho dự án phát triển phần mềm.
Vấn đề rất quan trọng hiện nay trong công nghệ phần mềm là cần phải có những công cụ hỗ trợ để thực hiện mô hình hoá trực quan theo một chuẩn dễ hiểu giúp cho việc trao đổi giữa những người phát triển phần mềm hiệu quả và dễ dàng hơn. Các nhà tin học đã rất cố gắng để hình thành các công cụ thực hiện mô hình hoá trực quan. Từ những khái niệm, ký pháp quen thuộc của Booch, Ericsson, OOSE/Objectory (Jacobson), OMT (Rumbaugh) [16] người ta đã xây dựng được một ngôn ngữ mô hình hợp nhất UML [2, 3] được nhiều người chấp nhận và sử dụng như một ngôn ngữ chuẩn trong phân tích và thiết kế hệ thống phần mềm theo cách tiếp cận hướng đối tượng. Hầu hết các hãng sản xuất phần mềm lớn như: Microsoft, IBM, HP, Oracle, v.v… đều sử dụng UML như là chuẩn công nghiệp phần mềm.
Để thực hiện một dự án phát triển phần mềm thì vấn đề quan trọng đầu tiên chắc sẽ là phải chọn cho một cách thực hiện cho thích hợp dựa trên những yếu tố nêu trên. Có hai cách tiếp cận cơ bản để phát triển phần mềm: cách tiếp hướng chức năng (Functional-Oriented) và cách tiếp cận hướng đối tượng (Object- Oriented Approach).
Cách tiếp cận hướng chức năng
Phần lớn các chương trình được viết bằng ngôn ngữ lập trình như C, hay Pascal từ trước đến nay đều được thực hiện theo cách tiếp cận hướng chức năng (Functional Oriented) hay còn được gọi là cách tiếp cận hướng thủ tục (Procedure-Oriented). Cách tiếp cận này có những đặc trưng sau [9, 24]:
(i) Dựa vào chức năng, nhiệm vụ là chính. Khi khảo sát, phân tích một hệ thống chúng ta thường tập trung vào các nhiệm vụ mà nó cần thực hiện. Chúng ta tập trung trước hết vào việc nghiên cứu các yêu cầu của bài toán để xác định các chức năng chính của hệ thống. Ví dụ khi cần xây dựng “hệ thống quản lý thư viện” thì trước hết chúng ta thường đi nghiên cứu, khảo sát trao đổi và phỏng vấn xem những người thủ thư, bạn đọc cần phải thực hiện những công việc gì để phục vụ được bạn đọc và quản lý tốt được các tài liệu. Qua nghiên cứu “hệ thống quản lý thư viện”, chúng ta xác định được các nhiệm vụ chính của hệ thống như: quản lý bạn đọc, cho mượn sách, nhận trả sách, thông báo nhắc trả sách, v.v. Như vậy, khi đã nghiên cứu để hiểu rõ được bài toán và xác định được các yêu cầu của hệ thống thì các chức năng, nhiệm vụ của hệ thống gần như là không thay đổi suốt trong quá trình phát triển tiếp theo ngoại trừ khi cần phải khảo sát lại bài toán. Dựa chính vào chức năng (thuật toán) thì dữ liệu sẽ là phụ và biến đổi theo các chức năng. Do đó, hệ thống phần mềm được xem nhưlà tập các chức năng, nhiệm vụ cần tổ chức thực thi.
(ii) Phân rã chức năng và làm mịn dần theo cách từ trên xuống (Top/Down). Khả năng của con người là có giới hạn khi khảo sát, nghiên cứu để hiểu và thực thi những gì mà hệ thống thực tế đòi hỏi. Để thống trị (quản lý được) độ phức tạp của những vấn đề phức tạp trong thực tế thường chúng ta phải sử dụng nguyên lý chia để trị, nghĩa là phân tách nhỏ các chức năng chính thành các chức năng đơn giản hơn theo cách từ trên xuống. Qui trình này được lặp lại cho đến khi thu được những đơn thể chức năng tương đối đơn giản, hiểu được và thực hiện cài đặt chúng mà không làm tăng thêm độ phức tạp để liên kết chúng trong hệ thống. Độ phức tạp liên kết các thành phần chức năng của hệ thống thường là tỉ lệ nghịch với độ phức tạp của các đơn thể. Vì thế một vần đề đặt ra là có cách nào để biết khi nào quá trình phân tách các đơn thể chức năng hay còn gọi là quá trình làm mịn dần này kết thúc. Thông thường thì quá trình thực hiện phân rã các chức năng của hệ thống phụ thuộc nhiều vào độ phức hợp của bài toán ứng dụng và vào trình độ của những người tham gia phát triển phần mềm. Một hệ thống được phân tích dựa trên các chức năng hoặc quá trình sẽ được chia thành các hệ thống con và tạo ra cấu trúc phân cấp các chức năng.
Chúng ta có thể khẳng định là các chức năng của hầu hết các hệ thống thông tin quản lý đều có thể tổ chức thành sơ đồ chức năng theo cấu trúc phân cấp có thứ bậc.
(iii) Các đơn thể chức năng trao đổi với nhau bằng cách truyền tham số hay sử dụng dữ liệu chung. Một hệ thống phần mềm bao giờ cũng phải được xem như là một thể thống nhất, do đó các đơn thể chức năng phải có quan hệ trao đổi thống tin, dữ liệu với nhau. Trong một chương trình gồm nhiều chương trình con (thực hiện nhiều chức năng khác nhau) muốn trao đổi dữ liệu được với nhau thì nhất thiết phải sử dụng dữ liệu liệu chung hoặc liên kết với nhau bằng cáchtruyền tham biến. Mỗi đơn thể chức năng không những chỉ thao tác, xử lý trên những dữ liệu cục bộ (Local Data) mà còn phải sử dụng các biến chung, thườngđó là các biến toàn cục (Global Data).
Với việc sử dụng những biến toàn cục thì những bất lợi trong quá trình thiết kế và lập trình là khó tránh khỏi. Đối với những dự án lớn, phức tạp cần nhiều nhóm tham gia, mỗi nhóm chỉ đảm nhận một số chức năng nhất định và như thế khi một nhóm có yêu cầu thay đổi về dữ liệu chung đó sẽ kéo theo tất cả các nhóm khác có liên quan cũng phải thay đổi theo. Kết quả là khi có yêu cầu thay đổi của một đơn thể chức năng sẽ ảnh hưởng tới các chức năng khác và do đó sẽ ảnh hưởng tới hiệu xuất lao động của công việc. Mà nhu cầu thay đổi các chức năng khi phân tích là tất yếu và thường rất hay thay đổi.
(iv) Tính mở (Open) và thích nghi của hệ thống được xây dựng theo cách tiếp cận này là thấp vì:
- Hệ thống được xây dựng dựa vào chức năng là chính mà trong thực tế thì chức năng, nhiệm vụ của hệ thống lại hay thay đổi. Để đảm bảo cho hệ thống thực hiện được công việc theo yêu cầu, nhất là những yêu cầu về mặt chức năng đó lại bị thay đổi là công việc phức tạp và rất tốn kém.
Ví dụ: giám đốc thư viện yêu cầu thay đổi cách quản lý bạn đọc hoặc hơn nữa, yêu cầu bổ sung chức năng theo dõi những tài liệu mới mà bạn đọc thường xuyên yêu cầu để đặt mua, v.v.
Khi đó vấn đề bảo trì hệ thống phần mềm không phải là vấn đề dễ thực hiện. Nhiều khi có những yêu cầu thay đổi cơ bản mà việc sửa đổi không hiệu quả và vì thế đòi hỏi phải phân tích, thiết kế để xây dựng lại mới hệ thống.
- Các bộ phận của hệ thống phải sử dụng biến toàn cục để trao đổi với nhau, do vậy, khả năng thay đổi, mở rộng của chúng và của cả hệ thống là bị hạn chế. Như trên đã phân tích, những thay đổi liên quan đến các dữ liệu chung sẽ ảnh hưởng tới tất cả các bộ phận liên quan. Do đó, một thiết kế tốt phải dễ hiểu và sửa đổi chỉ có hiệu ứng cục bộ.
(v) Khả năng tái sử dụng (Reuse) bị hạn chế và hầu như không hỗ cơ chế kế thừa (Inheritance). Để có độ thích nghi tốt thì một thành phần phải là tự chứa. Muốn là tự chứa hoàn toàn thì một thành phần không nên dùng nhiều các thành phần ngoại lai. Tuy nhiên, điều này lại mâu thuẫn với kinh nghiệm nói rằng các thành phần hiện có nên là dùng lại được. Vậy là cần có một sự cân bằng giữa tính ưu việt của sự dùng lại các thành phần (ở đây chủ yếu là cấu trúc và các hàm) và sự mất mát tính thích ứng được của chúng. Các thành của hệ thống phảikết dính (Cohension) nhưng phải tương đối lỏng để dễ thích nghi. Một trong cơ chế chính hỗ trợ để dễ có được tính thích nghi là kế thừa thì cách tiếp cận hướng chức năng lại không hỗ trợ. Đó là cơ chế biểu diễn tính tương tự của cácthực thể, đơn giản hoá định nghĩa những khái niệm tương tự từ những sự vật đã được định nghĩa trước trên cơ sở bổ sung hay thay đổi một số các đặc trưng hay tính chất của chúng. Cơ chế này giúp chúng ta thực hiện được nguyên lý tổng quát hoá và chi tiết hoá các thành phần của hệ thống phần mềm.
Cách tiếp cận hướng đối tượng
Để khắc phục được những vấn đề tồn tại nêu trên thì chúng ta cần phải nghiên cứu phương pháp, mô hình và công cụ mới, thích hợp để phát triển phần mềm. Mô hình hướng đối tượng [4, 5, 10, 12, 13, 14, 18, 24, 32, 33] có thể giúp chúng ta vượt được khủng hoảng trong công nghệ phần mềm và hy vọng sẽ đưa ra được những sản phẩm phần mềm thương mại chất lượng cao: tin cậy, dễ mở rộng, dễ thích nghi, cường tráng và phù hợp với yêu cầu của khách hàng. Cách tiếp cận hướng đối tượng có những đặc trưng sau.
(i) Đặt trọng tâm vào dữ liệu (thực thể). Khi khảo sát, phân tích một hệ thống chúng ta không tập trung vào các nhiệm vụ như trước đây mà tìm hiểu xem nó gồm những thực thể nào. Thực thể hay còn gọi là đối tượng, là những gì như người, vật, sự kiện, khái niệm, v.v. mà chúng ta đang quan tâm, hay cần phải xem xét và xử lý.
Khi xây dựng “Hệ thống quản lý thư viện” thì trước hết chúng ta tìm hiểu xem nó gồm những lớp đối tượng hoặc những khái niệm nào. Đó là các lớp Sách, Tạp_Chí, Bạn_Đọc, v.v.
(ii) Xem hệ thống như là tập các thực thể, các đối tượng. Để hiểu rõ về hệ thống chúng ta phân tách hệ thống thành các đơn thể đơn giản hơn. Quá trình này được lặp lại cho đến khi thu được những đơn thể tương đối đơn giản, dễ hiểu và thực hiện cài đặt chúng mà không làm tăng thêm độ phức tạp khi liên kết chúng trong hệ thống. Các đối tượng trong hệ thống liên quan với nhau theo các quan hệ: kết hợp (Association), kết nhập (Aggregation), kế thừa (Inheritance) và sự phụ thuộc (Dependency) [25, 32]. Phương pháp hướng đối tượng cho phép đặc tả hết được tất cả các mối quan hệ của các đối tượng đúng với bản chất tự nhiên như trong thế giới thực.
(iii) Các lớp đối tượng trao đổi với nhau bằng các thông điệp (Message). Theo nghĩa thông thường thì lớp (Class) là nhóm một số người, vật có những đặc tính tương tự nhau hoặc có những hành vi ứng xử giống nhau. Trong mô hình đối tượng, khái niệm lớp là cấu trúc mô tả hợp nhất các thuộc tính (Attributes), hay dữ liệu thành phần (Data Member) thể hiện các đặc tính của mỗi đối tượng và các phương thức (Methods), hay hàm thành phần (Member Function) thao tác trên các dữ liệu riêng và là giao diện trao đổi với các đối tượng khác để xác định hành vi của chúng trong hệ thống. Khi có yêu cầu dữ liệu để thực hiện một nhiệm vụ nào đó, một đối tượng sẽ gửi một thông điệp (gọi một phương thức) cho đối tượng khác. Đối tượng nhận được thông điệp yêu cầu sẽ phải thực hiện một số công việc trên các dữ liệu mà nó sẵn có hoặc lại tiếp tục yêu cầu những đối tượng khác hỗ trợ để có những thông tin và trả lời cho đối tượng yêu cầu. Với phương thức xử lý như thế thì một chương trình hướng đối tượng thực sự có thể không cần sử dụng biến toàn cục nữa [33].
(iv) Tính mở và thích nghi của hệ thống cao hơn vì:
- Hệ thống được xây dựng dựa vào các lớp đối tượng nên khi có yêu cầu thay đổi thì chỉ thay đổi những lớp đối tượng có liên quan hoặc bổ sung thêm một số lớp đối tượng mới (có thể kế thừa từ những lớp có trước) để thực thi những nhiệm vụ mới mà hệ thống cần thực hiện.
Giám đốc thư viện yêu cầu bổ sung chức năng theo dõi những tài liệu mới mà bạn đọc thường xuyên yêu cầu để đặt mua, ta có thể bổ sung thêm lớp mới để theo dõi yêu cầu: lớp Yêu_Cầu.
- Trong các chương trình hướng đối tượng có thể không cần sử dụng biến toàn cục nên mọi sửa đổi chỉ có hiệu ứng cục bộ.
(v) Hỗ trợ sử dụng lại và cơ chế kế thừa. Các lớp đối tượng được tổ chức theo nguyên lý bao gói (Encapsulation) và che giấu thông tin (Information Hidding) tăng thêm hiệu quả của kế thừa và độ tin cậy của hệ thống. Các ngôn ngữ lập trình hướng đối tượng như: C++, Java [33], C#, Delphi, v.v. đều hỗ trợ quan hệ kế thừa.
Ưu điểm chính của phương pháp hướng đối tượng:
- Đối tượng là cơ sở để kết hợp các đơn thể có thể sử dụng lại thành hệ thống lớn hơn, tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao. Đây cũng là cơ sở để thực hiện theo công nghệ thành phần.
- Qui ước truyền thông điệp giữa các đối tượng đảm bảo cho việc mô tả các giao diện giữa các đối tượng thành phần bên trong hệ thống và những hệ thống bên ngoài trở nên dễ dàng hơn. Điều đó giúp cho việc phân chia những dự án lớn, phức tạp để phân tích, thiết kế theo cách chia nhỏ bài toán thành các lớp đối tượng hoàn toàn tương ứng với quan điểm hướng tới lời giải phù hợp với thế giới thực một các tự nhiên.
- Nguyên lý bao gói, che giấu thông tin hỗ trợ cho việc xây dựng những hệ thống thông tin an toàn và tin cậy.
- Nguyên lý kế thừa dựa chính vào dữ liệu rất phù hợp với ngữ nghĩa của mô hình trong cài đặt, không những có thể giảm thiểu được thời gian thực hiện mà còn làm cho hệ thống có tính mở, tin cậy hơn.
- Phương pháp hướng đối tượng, nhất là nguyên lý kế thừa cho phép dễ dàng xác định những bộ phận cơ bản, xây dựng các lớp như là các đơn vị cơ sở của hệ thống và sử dụng ngay khi chúng mà không cần phải hoàn thiện, không đòi hỏi phải thực hiện đầy đủ tất cả các chức năng (đơn thể mở) và sau đó có thể mở rộng đần và không làm ảnh hưởng tới các đơn thể khác, không đòi hỏi phải thiết kế lại.
- Định hướng đối tượng cung cấp những công cụ, môi trường mới, hiệu quả để phát triển phần mềm theo hướng công nghiệp và hỗ trợ để tận dụng được những khả năng kế thừa, sử dụng lại ở phạm vi diện rộng để xây dựng được những hệ thống phức tạp, nhạy cảm như: hệ thống động, hệ thống thời gian thực, hệ thống đa phương tiện, v,v.
- Xoá bỏ được hố ngăn cách giữa các pha phân tích, thiết kế, cài đặt và kiểm định trong quá trình xây dựng phần mềm. Nhiều kết quả (sản phẩm) của các giai đoạn trước có thể sử dụng ngay ở những giai đoạn sau.
Hơn nữa, để hiểu rõ về những vấn đề cần mô hình hoá thì ngoài những khái niệm cơ sở của phương pháp luận thì cần phải hiểu rõ các tính chất, những đặc trưng của những hệ thống, phương pháp đó. Với mục đích đó, chúng ta có thể tìm hiểu thêm một số kết quả nghiên cứu về những khả năng đặc tả và việc xử lý thông tin của các hệ thống [23, 31, 36], tập trung vào các hệ thống hướng đối tượng, nghiên cứu các hành vi, các tính chất đảm bảo tính nhất quán thông tin của mô hình hệ thống [25, 26, 27, 28] và những vấn đề chuyển đổi tương đương giữa các mô hình dữ liệu [30, 32, 34].
Phần mềm là một sản phẩm được phát triển hay được kỹ nghệ hoá và được chế tạo tương tự như các sản phẩm công nghiệp (phần cứng) khác. Phát triển phần mềm và chế tạo phần cứng cũng có những điểm tương đồng: đều là sản phẩm và chất lượng của chúng phụ thuộc nhiều vào thiết kế, hơn nữa lại phụ thuộc cơ bản vào con người.
Tuy nhiên, phần mềm và phần cứng lại có nhiều điểm đặc trưng rất khác nhau.
- Qui trình và phương pháp tổ chức thực hiện để sản xuất ra chúng rất khác nhau, phần cứng thường được sản xuất theo dây chuyền, hành loạt còn phần mềm thường được xây dựng theo đơn đặt hàng, đơn chiếc.
- Các giai đoạn chế tạo ra phần cứng có thể xác định và có khả năng điều chỉnh được chất lượng của sản phẩm còn đối với phần mềm thì không dễ gì thay đổi được,
- Mối quan hệ giữa người sử dụng và công việc cần thực hiện với từng loại sản phẩm là hoàn toàn khác nhau,
- Cách tiếp cận để xây dựng, chế tạo các sản phẩm cũng khác nhau. Khả năng nhân bản của chúng là hoàn toàn trái ngược nhau. Việc bảo vệ bản quyền sản phẩm phần mềm là cực kỳ khó khăn vì khả năng sao chép thành nhiều bản giống nhau là có thể thực hiện được (tương đối dễ).
- Phần mềm khác hẳn với phần cứng là không bị hư hỏng theo thời gian, không bị tác động của môi trường (thời tiết, nhiệt độ, điều kiện, v.v…). Do vậy, đối với phần cứng việc bảo hành là đảm bảo nó hoạt động được như mới còn đối với phần mềm thì lại khác hẳn. Bảo hành, bảo trì phần mềm là bảo đảm cho hệ thống hoạt động đúng với thiết kế và đáp ứng yêu cầu sử dụng của khách hàng. Chính vì thế mà công bảo hành phần mềm là rất tốn kém và đòi hỏi phải tập trung nhiều hơn vào khâu phân tích, thiết kế hệ thống.