05/06/2017, 00:01

Phân tích tâm sự sâu kín của Nguyễn Duy qua bài thơ “Ánh trăng”

Ăn năn là một trạng thái tinh thần mà trong đó người ta nghiêm khắc kiểm điểm mình, dũng cảm phán xét những tội lỗi, yếu kém của mình. Thực chất ăn năn là một cuộc đấu tranh âm thầm, một cuộc vật lộn không khoan nhượng: Cái Tốt, cái Thiện tuyên chiến với cái Xấu, cái Ác; cái Cao cả phủ định sự thấp ...

Ăn năn là một trạng thái tinh thần mà trong đó người ta nghiêm khắc kiểm điểm mình, dũng cảm phán xét những tội lỗi, yếu kém của mình. Thực chất ăn năn là một cuộc đấu tranh âm thầm, một cuộc vật lộn không khoan nhượng: Cái Tốt, cái Thiện tuyên chiến với cái Xấu, cái Ác; cái Cao cả phủ định sự thấp hèn, lòng vị tha vượt lên sự vị kỷ ... Qua tâm sự sâu kín của Nguyễn Duy ở bài thơ “Ánh trăng”, chúng ta như được thanh lọc lại tâm hồn mình, như lay động miền ký ức mà có lúc vô tình chúng ...

Hẳn chúng ta chưa thể quên những lời thơ mộc mạc, giản dị mà chan chứa tình cảm trong bài thơ “Tre Việt Nam” của tác giả. Nếu như “Tre Việt Nam” tựa như một khúc đồng dao ngân nga trong tâm hồn thì bước vào thế giới của “Ánh trăng” ta lại gặp những lời thơ chân thành, ẩn chứa niềm băn khoăn, day dứt:
 
“Hồi nhỏ sống với đồng
Với sông rồi với bể
Hồi chiến tranh ở rừng
Vầng trăng thành tri kỷ”
 
Chỉ bằng bốn câu thơ ngắn, Nguyễn Duy đã dựng lại được cả thời niên thiếu cho đến lúc trưởng thành của mình. Người đọc như thấy thấp thoáng bóng dáng một cậu bé hồn nhiên, lí lắc lớn lên theo tháng ngày nơi đồng ruộng, sông bể. Rồi cũng như thấy được cậu bé năm xưa thành chiến sĩ. Và đặc biệt trăng cũng như đồng, sông, bể những người bạn thuở ấu thơ - nay đã trở thành tri kỷ. Khổ thơ nhẹ nhàng đưa người đọc lần về quá khứ, hai chữ “hồi” ở câu một và ba làm cho khổ thơ như có một chỗ dừng chân. Cái dừng chân giữa ranh giới của ấu thơ và lúc trưởng thành! Và người dẫn đường chỉ lối cho dòng suy nghĩ ấy chính là ánh trăng. Dường như cái ánh sáng cao khiết ấy soi rọi đến từng ngõ ngách khiến con đường trở về quá khứ trở nên sáng rõ. Lời thơ như giọng nói thủ thỉ, tâm tình, như mở ra một không gian cổ tích. Truyện cổ thường bắt đầu rằng “Ngày xửa ngày xưa...” Phải chăng vì thế mà người đọc bị lôi cuốn theo lời tâm sự của tác giả? Và cái vầng trăng kia - cái vầng trăng từng làm mê đắm bao tâm hồn thi nhân của mọi thòi đại - hiện lên trong bài thơ vẫn rất mới mẻ, không hề trùng lặp:
 
“Trần trụi với thiên nhiên
Hồn nhiên như cây cỏ
Ngỡ không bao giờ quên
Cái vầng trăng tình nghĩa”
 
Ở đây (và nói chung đối với thơ) tả không lấy tả là chính. Thơ là gợi là nhân trăng mà thổ lộ cảm xúc - ý tưởng. Vầng trăng hiện lên với vẻ đẹp hoang sơ mà gần gũi. Trăng hồn nhiên như trẻ thơ, trăng chân thành như bạn hữu, “cái vầng trăng tình nghĩa” ấy đã từng khiến tác giả “ngỡ không bao giờ quên”. Mạch thơ vẫn được tiếp nối tựa như người bộ hành tiếp tục chuyến đi sau lúc nghỉ chân.
 
Ánh trăng vẫn len lỏi, quấn quít và có phần nồng nàn, đậm sắc hơn. Lời thơ vẫn thủ thỉ, tâm tình nhưng dường như đã xuất hiện những biến chuyển trong lời tâm sự của thi nhân “Ngỡ không bao giờ quên”, ừ ngày ấy chỉ “ngỡ” là sẽ thế nhưng có lẽ việc đó đã xảy ra rồi. Câu thơ đột ngột trở về hiện tại:
 
“Từ ngày về thành phố
Quen ánh điện cửa gương
Vầng trăng đi qua ngõ
Như người dưng qua đường”
 
Người đọc bị cuốn theo mạch cảm xúc của tác giả và cảm thấy có chút gì đó bàng hoàng như vừa nghe một lời thú tội. Xin đừng vội cho những lời thơ kia là những lời thanh minh. Đó chắc hẳn phải là những lời ‘‘thú tội” rất mực chân thành và dũng cảm. “Từ ngày về thành phố” có lẽ là khi chiến tranh đã qua rồi, cuộc sống yên bình đã trở lại và cũng có nghĩa là những gian khổ, ác liệt của cuộc chiến đấu đã lùi xa. Những no đủ hạnh phúc của cuộc sống mới hấp dẫn hơn vầng trăng tri kỷ năm nào. Có lẽ vì thế mỗi khi vầng trăng đi qua chỉ như người lạ mặt, dường như tác giả không còn nhận ra đó đã từng là người bạn tri kỷ năm nào, từng là người bạn nghĩa tình ngày trước. Lời thơ pha chút chua xót, dường như tác giả đang cố giữ nguyên không để cho lời tâm tình kia xao động. Mỗi khổ thơ lại gợi mở trong lòng ta những cảm xúc khác nhau. Điều gì đã làm nên sức hấp dẫn cho bài thơ ấy?. Cách viết giản dị, mộc mạc, thật khó tìm ra những lời thơ hoa mĩ hay những biện pháp tu từ nghệ thuật đặc biệt. Mà nếu có thì chúng cũng không đủ sức hấp dẫn đến thế?. Có lẽ chỉ có tấm lòng mới đủ sức níu kéo những tấm lòng. Nói như nhà thơ Vũ Quần Phương “chất thơ tinh tế chỉ đậu hờ vào chữ, tay phàm đụng vào dễ bay mất, nói chi mổ xẻ với phân tích”.
 
“Thình lình đèn điện tắt
Phòng buyn đinh tối om
Vội bật tung cửa sổ
Đột ngột vầng trăng tròn”
 
Bốn câu thơ với hai từ “thình lình”; “đột ngột” làm người đọc giật mình - cái giật mình như một phản xạ kéo ta ra khỏi luồng suy nghĩ miên man. Vẫn là những lời kể lại nhưng rất khó xác định được thời gian. Dường như sự việc vừa xảy ra, hay đã xảy ra rồi? Có lẽ điều đó không quan trọng, chắc hẳn sự việc đó có sức ám ảnh rất lớn mới khiến tác giả viết như thế. Nhưng vẫn có gì đâu? Chỉ là vì “mất điện” nên phải “bật tung cửa sổ”“đột ngột vầng trăng tròn”. Có lẽ hành động mở cửa cũng chỉ là một phản xạ bình thường, nhưng vầng trăng tròn đột ngột xuất hiện như đánh thức tâm hồn người đọc:
 
“Ngửa mặt lên nhìn mặt
Có cái gì rưng rưng
Như là đồng là bể
Như là sông là rừng”
 
Cái nút tâm lý giờ đây đã được nới rộng và niềm tâm sự đang dần được tháo gỡ. Đây có lẽ không phải là việc ngắm trăng. Ta nhớ lại khi xưa Bác Hồ đã từng viết:
 
“Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt
Nguyệt tòng song kích khán thi gia”
 
Người ngắm trăng, trăng ngắm người - người cũng đủ sức làm mê đắm hồn trăng. Giữa vầng trăng và thi nhân là mối giao cảm của những người tri kỷ, bởi thế song sắt nhà tù trở nên mong manh. Nhưng ở đây, cũng là mặt đối mặt, khung cửa sổ dường như không hiện hữu chỉ có hai tấm lòng đang đối diện. Cái nhìn đăm đắm mà như mờ ảo và “cái gì rưng rưng” thật khó gọi tên. Thế rồi bao nhiêu điều ùa về chiếm lĩnh tâm hồn Nguyễn Duy. Trăng đấy - người bạn tri kỷ năm xưa, kẻ tri âm dạo nào. Và rồi hiện lên là cả ấu thơ hồn nhiên, trong mát. Ánh trăng soi rọi tâm hồn và những nẻo đường trong ký ức:
 
“Trăng cứ tròn vành vạnh
Kể chi người vô tình
Ánh trăng im phăng phắc
Đủ cho ta giật mình”
 
Dường như khổ thơ cuối dồn nén biết bao niềm tâm sự. Trăng vẫn thế, trăng nhìn cố nhân vô tình kia vẫn bằng con mắt trong trẻo. Chỉ có lương tâm thi nhân đang lên tiếng, những lời sám hối ăn năn dù không cất lên nhưng chính vì thế càng trở nên ám ảnh, day dứt.
 
Thà rằng trăng cất lời trách móc hay ẩn mình sau đám mây nào đó, có lẽ lòng kẻ vô tình kia đỡ ân hận. Nhưng không, trăng lặng im không nói, cái lặng im làm “ta giật mình”. Nếu như người đọc đã từng giật mình như một phản xạ thì đến đây có lẽ sẽ cảm nhận được cái giật mình của lương tâm. Vẫn biết rằng vầng trăng trên kia khi ta chưa sinh ra cũng cứ khuyết lại tròn, khi ta tồn tại hay sau này ta có thành cát bụi trăng cứ tròn lại khuyết vậy thôi. Nhưng chính cái giật mình thức tỉnh đáng trân trọng của tác giả khiến lòng ta cảm động. Một sự thức tỉnh đầy ý nghĩa. Có người sẽ hỏi rằng nếu không mất điện liệu nhà thơ có được sự thức tỉnh ấy không? Một lần nữa xin đừng “mổ xẻ” câu chữ, hãy gượng nhẹ mà đón lấy niềm tâm sự sâu kín của thi nhân. Nguyễn Duy đã diễn tả rất thành công những biến thái tinh vi của một tâm hồn trong quá trình ăn năn, hối hận. Nếu ai đã có lần đọc “Hơi ấm ổ rơm” của tác giả sẽ nhận thấy cảm xúc của Nguyễn Duy rất dễ rung với những tình huống giản dị mà có lẽ ít nhà thơ có được:
 
“Rơm vàng bọc tôi như kén bọc tằm
Tôi thao thức trong hương mật ong của ruộng
Trong hơi ấm hơn nhiều chăn đệm
Của những cọng rơm xơ xác, gày gò
Hạt gạo nuôi hết thảy chúng ta no
Riêng cái ấm nồng nàn như lửa
Cái mộc mạc lên hương của lúa
Đâu dễ chia cho tất cả mọi người”
 
Lớn lên trong cảnh nghèo ở nông thôn Thanh Hoá tác giả thường có những câu thơ xúc động, thâm thuý về đời sống lam lũ, vất vả của bà con lao động. Chính vì thế, những lời thơ của Nguyễn Duy thường rất mộc mạc, dân dã mà vẫn rất xúc động. Người đọc cảm nhận sâu sắc những gì tâm hồn nhà thơ muốn chia sẻ có lẽ nhờ vào nguồn mạch chân thành ấy.
 
Trở lại với “Ánh trăng”, có lẽ niềm tâm sự sâu kín giờ đây không chỉ còn là của riêng Nguyễn Duy nữa. Ý kết của bài thơ đã nâng những suy nghĩ của tác giả lên tầm khái quát - triết lý: ai cũng có những lúc vô tình quên đi những gì tốt đẹp của ngày xưa. Nếu như không có sự thức tỉnh, những lúc “giật mình” nhìn lại của lương tâm thì biết đâu chúng ta sẽ đánh mất chính mình? Và với Nguyễn Duy nếu tác giả không phải là người từng có một thòi sống như thế, làm sao có được niềm tâm sự đáng quý như vậy? Những chặng đường của quá khứ và hiện tại cứ nối tiếp nhau, lúc thì đan xen, khi thì tách rời khiến ta nhìn rõ nét băn khoăn, rối bời của tâm trạng, cả bài thơ được đẫm trong ánh trăng trong trẻo, ngời mát và ám ảnh. Lý Bạch đã từng có hai câu thơ rất nổi tiếng:
 
“Cử đầu vọng minh nguyệt
Đê đầu tư cô hương”
 
Giữa miền đất xa lạ dẫu vẫn nằm trên đất Trung Hoa, Lý Bạch nhìn vầng trăng mà nhớ quê hương mình, như níu lấy chút gì thân quen để sưởi ấm tâm hồn người lữ khách. Thì với Nguyễn Duy, vầng trăng ngời tỏ trên bầu trời kia gợi lại cả một thời trong quá khứ và đặc biệt làm cho tâm hồn thi nhân bừng tỉnh và trở về chính mình. Có bao giờ ta tự hỏi tại sao cũng chỉ là vầng trăng ấy thôi, con người lại có thể nhìn thấy nhiều điều khác nhau đến thế. Lúc ấy, hãy nhớ lại câu nói của Macxen Prutxtơ: “Thế giới được tạo lập không phải một lần mà mỗi lần người nghệ sĩ độc đáo xuất hiện thì lại một lần thế giới được tạo lập”.
 
Đọc “Ánh trăng” của Nguyễn Duy, người đọc như một lần được đối diện với chính mình và cũng đồng thời giao cảm với một tâm hồn đáng trân trọng, vẫn còn trong trẻo trên cao, vầng trăng tròn vành vạnh, vẫn còn vương vấn đâu đây ánh sáng trong mát, nhẹ nhàng, im ắng quấn quện trong tâm hồn mỗi chúng ta ./.

0