05/06/2017, 00:01

Hướng dẫn làm bài tập làm văn giải thích

Để làm tốt bài tập làm văn giải thích em phải nắm được yêu cầu của đề là giải thích cái gì? sau đó tìm ý, lập ý cho bài văn của mình. Kết hợp với một số biện pháp giải thích như: Nêu định nghĩa, nêu ví dụ, so sánh, giải thích lần lượt và dùng lí lẽ. 1. Đọc kĩ đề để nắm được đề yêu cầu giải thích ...

Để làm tốt bài tập làm văn giải thích em phải nắm được yêu cầu của đề là giải thích cái gì? sau đó tìm ý, lập ý cho bài văn của mình. Kết hợp với một số biện pháp giải thích như: Nêu định nghĩa, nêu ví dụ, so sánh, giải thích lần lượt và dùng lí lẽ.

1. Đọc kĩ đề để nắm được đề yêu cầu giải thích cái gì
 
Trong tập làm văn giải thích thường gặp các đề như giải thích quan niệm chứa đựng trong một vài khái niệm trừu tượng. Chẳng hạn: “Nhà trường đang phát động phong trào thi đua hai tốt: dạy tốt và học tốt. Là người học sinh em hiểu thế nào là học tốt?” Lại có đề yêu ,cầu giải thích nội dung ý nghĩa trong một câu tục ngữ hay một câu ca dao, một câu danh ngôn, một nhận định. Chẳng hạn:
 
“Bác Hồ khuyên thanh niên:
 
Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên.
 
Em hãy giải thích nội dung lời khuyên của Bác”
 
Trong loại đề thứ nhất chỉ có hai chữ “học tốt”, em phải dựa vào kiến thức, kinh nghiệm của mình để giải thích. Trong loại đề thứ hai, đề cung cấp một văn bản ngắn, ngoài hiểu biết, kinh nghiệm các em còn phải phân tích văn bản ấy để làm sáng tỏ nội dung của nó.
 
2. Điểm then chốt để làm tốt bài tập làm văn giải thích là học sinh phải biết cách giải thích để tìm ý, lập ý cho bài văn của mình
a) Đối với loại đề tìm hiểu quan niệm trong một số khái niệm trừu tượng như các vấn đề sau đây :
- Em hiểu thế nào là học tốt?
- Em hiểu thế nào là người bạn tốt?
- Em hiểu thế nào là khiêm tốn, thật thà, dũng cảm?
 
Thì cách giải thích là trình bày cách hiểu của mình, cụ thể là những yêu cầu về học tốt (xem bài mẫu trong SGK Tập làm văn 8, tr 19-20) theo thứ tự liệt kê một, hai, ba, bốn. Cách này làm cho khái niệm học tốt trở nên cụ thể, dễ hiểu. Học sinh hãy tự đặt câu hỏi: Học tốt là như thế nào? Và kể ra các yêu cầu, các việc làm để học tốt. Các yêu cầu này phải có tính khái quát, tránh kể lể vụn vặt, dài dòng, trùng lặp.
 
b) Đối với loại đề giải thích một câu tục ngữ, ca dao, danh ngôn... thì phải phân tích ý nghĩa của câu, chữ, từ nghĩa đen đến nghĩa bóng.
Ví dụ: Ca cao có câu:
 
Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn
 
Theo em câu ca dao trên có ý nghĩa như thế nào?
 
Đây là câu ca dao kêu gọi thương yêu, đoàn kết giữa những người khác nhau (giàu, nghèo, nam, bắc, xuôi, ngược, tôn giáo) nhưng cùng cảnh ngộ - chung một giàn là chung hoàn cảnh, chung Tổ quốc... Hình ảnh trong câu ca dao là ẩn dụ bóng gió.
 
c) Bài tập làm văn giải thích không phải giản đơn chỉ là câu chuyện chữ nghĩa, mà còn là sự hiểu biết về cuộc sống.
Các em còn giải thích do đâu mà có tư tưởng trong câu ca dao đó. Nó đã có ý nghĩa như thế nào trong đời sống đầy khó khăn gian khổ - hạn hán, lụt lội, giặc ngoại xâm, bọn quan lại, địa chủ bóc lột... của nhân dân ta. Có như thế thì bài giải thích mới đi sâu vào thực tế đời sống, xã hội, tâm lí và mới thấu triệt.
 
3. Một số biện pháp giải thích
a) Biện pháp nêu định nghĩa, diễn giải, liệt kê nhằm nói rõ nội dung vấn đề là gì.
 
Biện pháp này đòi hỏi người viết phải hiểu đúng yêu cầu, tính chất của vấn đề. Ví dụ: “Học tốt trước hết là học sinh phải đi học cho đều, chăm chú nghe thầy giảng ở lớp, học thuộc bài trên cơ sở hiểu thấu môn học, nắm vững kiến thức (không học thuộc như vẹt), theo đúng chương trình học, học đều, không học gạo, học lỏi.” (Trường Chinh). Giải thích bằng cách chỉ ra các việc phải làm, phân biệt với việc làm không đúng (không học vẹt, không học gạo...).
 
b) Biện pháp nêu ví dụ:

Nêu ví dụ là nêu các sự việc tiêu biểu để làm cho ý kiến được cụ thể. Ví dụ, nói về công tác Trần Quốc Toản, Hồ Chủ tịch nói: “Sức các cháu làm được việc gì thì giúp việc ấy. Ví dụ: quét nhà, gánh nước, lấy củi, xay lúa, giữ em, dạy chữ Quốc ngữ...” Những ví dụ đã cho thấy các em có thể làm những việc vừa sức mình để phục vụ cách mạng.
 
c) Biện pháp đối sánh:
 
Nêu các ví dụ tiêu biểu so sánh nhau để giải thích rõ một ý. Ví dụ: để giải thích rõ tốc độ tiến bộ nhanh của khoa học kĩ thuật, người ta nói: Năm 1946 chiếc máy tính điện tử đầu tiên nặng 46 tấn, để chật mấy gian nhà, ngày nay chiếc máy tính có thể nhỏ như quyển sổ tay, rất tiện dụng.
 
Để giải thích học thật là thế nào em có thể đối sánh: học thật là học thuộc bài, hiểu bài, làm được bài tập.
 
Còn học vẹt là học thuộc lòng như con vẹt mà chẳng hiểu gì, bạn hỏi kiểm tra cái gì thì đều không trả lời được.
 
d) Giải thích lần lượt:
 
Khi phải giải thích một vấn đề có nhiều ý thì phải sắp xếp các ý theo từng mặt mà lần lượt giải thích, như vậy thì rõ ràng, mạch lạc. Ví dụ: khi giải thích câu ca dao “Bầu đi thương lấy bí cùng...” thì em có thể giải thích lần lượt: về nghĩa đen... về nghĩa bóng..., về ý nghĩa đối với đời sống.
 
e) Biện pháp dùng lí lẽ:
 
“Lí lẽ” nói chung là những điều ai cũng cho là phải được đem ra dùng để làm căn cứ nhằm quyết định đúng sai, phải trái về một vấn đề nào đó. Chẳng hạn, giải thích câu “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, các em có thể vận dụng lí lẽ sau: “Nhớ kẻ trồng cây có nghĩa là nhớ rằng, những gì ta hưởng đều không phải tự trên trời rơi xuống, không phải tự dưới đất trồi lên, hay do một phép mầu nào làm ra, mà là do bàn tay “người trồng cây” mà có. Từ miếng cơm ta ăn, chiếc áo ta mặc, mái nhà ta ở, quyển sách ta học... đều là kết quả lao động của những người đi trước...” Dùng lí lẽ rõ ràng có sức thuyết phục cao.
 
Các biện pháp giải thích trên đây đều có thể sử dụng tổng hợp với nhau làm cho bài làm văn giải thích đạt được các yêu cầu đề ra ở trên.

0