26/08/2018, 17:24

Phân tích nhân vật Chí Phèo qua truyện ngắn Chí Phèo của nhà văn Nam Cao (dàn ý và bài làm tham khảo)

Phân tích nhân vật Chí Phèo qua truyện ngắn Chí Phèo của nhà văn Nam Cao (dàn ý và bài làm tham khảo) Dàn ý chi tiết 1. Mở bài: – Giới thiệu tác giả, hoàn cảnh sáng tác, hình tượng nhân vật Chí Phèo. 2. Thân bài: a. ...

Phân tích nhân vật Chí Phèo qua truyện ngắn Chí Phèo của nhà văn Nam Cao (dàn ý và bài làm tham khảo)

Dàn ý chi tiết

1. Mở bài:

– Giới thiệu tác giả, hoàn cảnh sáng tác, hình tượng nhân vật Chí Phèo.

2. Thân bài:

a. Hình tượng nhân vật Chí Phèo.

+ Sinh ra bị vứt bỏ ở lò gạch cũ, một người đàn bà đi thả ông lươn nhặt được.

+ Nhờ sự cưu mang của nhiều người.

→ Tuổi thơ bất hạnh, bơ vơ.

+ 20 tuổi trở thành anh canh điền khỏe mạnh, làm thuê cho Bá Kiến.

+ Ao ướt có một gia đình: Chồng cầy thuê cuốc mướn, vợ dệt vải.

→ Người nông dân chăm chỉ, trong sáng, có ước mơ giản dị.

b. Qúa trình tha hóa.

– Vào tù chỉ vì cơn ghen của Bá Kiến

– Ngoại hình bị biến dạng:

  • Cái đầu cạo trọc lốc, răng cạo trắng hơn.
  • Mặt thì đen mà rất câng câng, hai mắt gườm gườm.
  • Ngặc trạm chổ đầy rồng phượng.
  • Quần nát đen, áo Tây vàng.

→ Bị tha hóa về ngoại hình.

– Tha hóa cả về tính cách.

  • Triền miên trong cơn say.
  • Thành tên lưu manh, côn đồ chuyên rạch mặt ăn vạ, tay sai của Bá Kiến.
  • Trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại.

→ Chí Phèo đánh mất nhân tính.

→ Nhà tù thực dân và xã hội thời phong kiến đã tiếp tay cho địa chủ PK băm vằm bộ mặt con người cũng như nhân cách của họ.

c. Qúa trình hồi sinh.

Cuộc gặp gỡ giữa Chí Phèo và Thị Nở.

Miêu tả thị Nở:

  • Như người đần, xấu như ma chê quỷ hờn
  • Cái mặt xấu tệ hại: Bề ngang lớn hơn bề dài, mặt hao hao như mặt lợn.
  • Mũi ngắn, to, đỏ, sần sùi như vỏ cam sành, môi dày, nứt nẻ như bờ ruộng mấy năm không có nước tưới.

=> Thị là nỗi đau sâu thẳm của Chí: Nghèo, xấu, dở hơi như thế mà Chí còn không xứng đôi với Thị, tô dậm bi đát của Chí Phèo.

– Là cây câu đưa Chí trở về với xã hội loài người. Tình yêu của thị  đánh thức bản bất lương thiện của Chí Phèo.

– Chí phèo đã thức tỉnh, quay trở lại tính hiền lành.

– Nhận biết mọi âm thanh trong cuộc sống.

– Nhận ra bi kịch của cuộc đời mình.

– Muốn làm người lương thiện.

Diễn biến tâm trạng CP sau khi ăn bát cháo hành.

– Ngạc nhiên xúc động, thấy mắt mình ươn ướt.

– Ăn năn hối lỗi về những tội ác của mình

– Nhớ lại cảnh bà ba bắt bóp chân.

– Lo lắng cho tương lai => Bắt đầu có ý thức phải thay đổi cuộc sống.

→ Chi tiết hiện thực thúc đẩy biến cố truyện, thấm đẫm triết lí trữ tình.

d. Bi kịch bị cự tuyệt.

+ Diến biến bi kịch bị cự tuyệt

Nguyên nhân:

  • Bà cô Thị Nở không cho Thị lấy Chí. → Những định kiến xã hội.
  • Thị Nở từ chối sống chung

+ Tâm trạng Chí Phèo:

  • Lúc đầu Chí ngạc nhiên, đau đơn thất vọng.
  • Ngẩn người kêu la, uống rượu, tính giết cô cháu Thị.
  • Sau đó hiểu mọi việc.Đâm chết Bá Kiến và tự sát.

→ Bi kịch bị cự tuyệt quyền được làm người, bị dồn đến đường cùng .Niềm khao khát được sống lương thiện và tố cáo xã hội thực dân nửa phong kiến.

e. Tổng kết.

* Giá trị nội dung

– Phản ánh tình trạng một bộ phận nông dân bị tha hóa, hình ảnh làng quê VN trước CM T8 đầy rẫy những bất công.

– Mâu thuẫn giữa nông dân và đại chủ, giữa các thế lực ác bá ở địa phương.

– Cảm thương trước số phận con người cùng cực.

– Phát hiện và miêu tả phẩm chất tốt đẹp của người nông dân ngay cả khi họ bị tha hóa

– Niềm tin vào bản chất lương thiện của con người.

* Gía trị nghệ thuật:

– Bậc thầy xây dựng và  miêu tả tâm lí nhân vật  vừa có ý nghĩa tiêu biểu vừa sống động, có cá tính độc đáo.

– Cốt truyện và các tình tiết hấp dẫn, biến hóa giàu kịch tính.

– Ngôn ngữ sống động, vừa điêu luyện vừa gần gũi tự nhiên.

3. Kết bài:

Bài làm tham khảo

 “Dẫu rằng phải kiếp lưu manh

Nhưng anh vẫn đẹp nhân tình Chí ơi!

Chết anh – một kiếp con người

Hoá thành bất tử giữa đời văn chương!”

(Bảy mươi năm Chí Phèo)

Nam Cao là nhà văn của những người nông dân nghèo khổ và bất hạnh, của những con người nghèo khổ, tủi nhục nhất trong xã hội thực dân phong kiến. Viết về đề tài này, Nam Cao đã dựng nên một bức tranh sống động, chân thực về làng quê Việt Nam trước cách mạng tháng 8-1945: nghèo đói, xơ xác với đầy rẫy những xung đột giữa tầng lớp thống trị là những địa chủ, cường hào và tầng lớp bị trị là những người nông dân nghèo khổ. Không dừng lại ở đó Nam Cao còn lên án cái xã hội, những thành kiến, định kiến tồi tệ đã đẩy con người vào đường cùng tuyệt vọng, hủy hoại từ ngoại hình cho đến nhân phẩm của họ. Một trong những nhân vật điển hình mà Nam Cao đã tái hiện phải nhắc đến Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên.

Nhận  xét về truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao Giáo sư Hà Minh Đức cho rằng: “Chí Phèo không phải là một tính cách đơn độc mà thực sự là một kiểu người và nhân vật mang nặng trên vai những vấn đề xã hội! Vấn đề Chí Phèo không thuần túy là vấn đề nông dân, mà suy cho cùng là vấn đề con người.”  Sinh ra bị vứt bỏ ở lò gạch cũ, một người đàn bà đi thả ông lươn nhặt được, tuổi thơ hết đi ở cho nhà này nhà khác`. Không cha không mẹ, không một tấc đất cắm sào, Chí lớn lên như cây cỏ, chẳng được ai yêu thương. Thời gian làm canh điền cho nhà lí Kiến, Chí được tiếng là hiền như đất. Dù tuổi thơ bất hạnh, lớn lên không cha không mẹ nhưng chí vẫn biết thế nào là đúng, là sai.  Chí cũng có ước mơ riêng của mình, đó là có một gia đình nho nhỏ “chồng cuốc mướn, cày thuê, vợ dệt vải”. Thế nhưng  chỉ vì sự ghen tuông vô cớ của Bá Kiến đã đẩy Chí vào cái nhà tù thực dân đầy đáng sợ, nơi đã đưa Chí đến con đường lưu manh hóa và kéo Chí ra khỏi thế giới loài người. Sự tha hóa của Chí Phèo là tiếng nói lên án, tố cáo sự tàn bạo của xã hội thực dân phong kiến đã không cho con người được làm người, đồng thời thể hiện giá trị nhân đạo mới mẻ của Nam Cao trong cách nhìn nhận số phận người nông dân trước Cách mạng.

Sau bảy, tám năm ở tù về Chí trở thành một con quỉ dữ đáng sợ: “Cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà lại rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết. Hắn mặc cái quần nái đen với cái áo tây vàng. Cái ngực phanh, đầy những nét chạm trổ đầy rồng phượng. Ngay đến cả ngoại hình Chí còn bị tha hóa thì tính cách tha hóa là một điều dễ hiểu. Trở về làng Vũ Đại, cái mảnh đất đầy sự bất công và chèn ép ấy, Chí Phèo không thể hiền lành, nhẫn nhục như trước nữa. Từ khi trở về, hắn triền miên trong cơn say, chỉ có nghề là rạch mặt ăn vạ, trở thành tay sai cho Bá Kiến và là con quỷ dữ của làng Vũ Đại: “hắn đã phá tan bao nhiêu gia đình, đập vỡ bao nhiêu hạnh phúc, làm chảy máu và nước mắt bao nhiêu người lương thiện”. Chí Phèo đánh mất nhân tính. Nhà tù thực dân và xã hội thời phong kiến đã tiếp tay cho địa chủ PK băm vằm bộ mặt con người cũng như nhân cách của họ.

Thế nhưng phía cuối con đường tối tăm của cuộc đời Chí vẫn có một khe sáng lóe lên, xua tan đi cái nghịch cảnh đau đớn của đời Chí dù chỉ là giây lát. Thị đến với đời Chí nhẹ nhàng như thế và có thể nói mối tình với Thị Nở là món quà nhân ái mà Nam Cao ban tặng cho Chí Phèo. Thị Nở là người đàn bà  xấu như ma chê quỷ hờn, cái mặt xấu tệ hại: Bề ngang lớn hơn bề dài, mặt hao hao như mặt lợn, mũi ngắn, to, đỏ, sần sùi như vỏ cam sành, môi dày, nứt nẻ như bờ ruộng mấy năm không có nước tưới. Thế nhưng Thị lại làm cái điều mà không ai làm được đó là thức tỉnh Chí Phèo. Đọc Chí Phèo người đọc không thể nào quên chi tiết bát cháo hành mà Thị nở mang đến cùng những sự quan tâm tận tình mà Thị dành cho Chí. Cả cái làng Vũ Đại hay nói chính xác là cả xã hội lúc bấy giờ chỉ có Thị coi Chí như con người. Tình yêu của Thị Nở đã hồi sinh Chí Phèo, đánh thức bản tính lương thiện và khát vọng làm người của hắn. Lần đầu tiên sau bao nhiêu năm, những âm thanh quen thuộc của cuộc sống vọng đến tai hắn và ngân vang trong lòng hắn, nhớ lại cảnh bà Ba bắt bóp chân hắn thấy nhục chứ chẳng sung sướng gì. Hắn bắt đầu ý thức được tương lai và lo sợ phải sống cô đơn, hắn càng thèm được làm một con người bình thường như bao người khác.

Thế nhưng, bà cô Thị Nở – đại diện cho những định kiến xã hội là người đã vùi dập ước mơ đó ngay từ khi nó chớm nở.  Chiếc cầu nối ấy đã bỏ hắn mà đi chỉ vì lời nói của bà cô: “đàn ông đã chết hết cả rồi hay sao mà lại phải lấy một thằng không cha, không mẹ chỉ biết rạch mặt ăn vạ”. Từ hi vọng, Chí Phèo rơi xuống vực thẳm tuyệt vọng. Cánh cửa trở về với xã hội lương thiện, xã hội loài người vừa mở ra đã vội đóng sầm lại ngay trước mắt Chí Phèo. Thị Nở như tia chớp rạch ngang cuộc đời Chí, chỉ kịp lóe lên một tia sáng rồi lại vội tắt ngấm. Nói xa hơn, cái xã hội thực dân nửa phong kiến đó đã cướp đi của Chí quyền làm người và vĩnh viễn không trả lại. Nó đã đã bẻ gãy chiếc cầu nối Chí với cuộc đời.  Hắn lại đem rượu ra uống để mong cơn say làm vơi bớt khổ đau, tủi nhục nhưng khốn nỗi càng uống hắn càng tỉnh. Hắn không muốn tiếp tục làm một con quỷ dữ bị cả xã hội khinh ghét, hắn dường như đã ý thức được cái bi kịch không đường lui của mình nhưng dường như đã muộn. Trong cơn say, hắn đã đâm chết Bá Kiến – kẻ đã đẩy hắn đến đường cùng rồi tự kết liễu, chấm dứt cuộc đời đầy bi kịch của chính mình. Chí Phèo chết khi đang ở ngưỡng của trở về thế giới loài người, trở về cuộc sống khi chưa bị lưu manh hóa. Cái chết của Chí phèo và câu hỏi không lời giải đáp: ‘Ai cho tao lương thiện? Tao muốn làm người lương thiện’ đã khiến độc giả cảm thấy day dứt đến tận hôm nay.

Bằng việc xây dựng và  miêu tả tâm lí nhân vật  vừa có ý nghĩa tiêu biểu vừa sống động, có cá tính độc đáo, cốt truyện và các tình tiết hấp dẫn, biến hóa giàu kịch tính và ngôn ngữ sống động, vừa điêu luyện vừa gần gũi tự nhiên Nam Cao đã thành công trong việc xây dựng hình tượng nhân vật Chí Phèo.  Với sự tài hoa của mình Nam Cao đã phản ánh tình trạng một bộ phận nông dân bị tha hóa, hình ảnh làng quê VN trước CM T8 đầy rẫy những bất công với những mâu thuẫn giữa nông dân và đại chủ, giữa các thế lực ác bá ở địa phương. Không dừng lại ở đó ông nói lên tiếng lòng cảm thương trước số phận con người cùng cực, phát hiện và miêu tả phẩm chất tốt đẹp của người nông dân ngay cả khi họ bị tha hóa,thể hiện niềm tin vào bản chất lương thiện của con người.

Chí Phèo bằng xương bằng thịt đã chết nhưng còn lại trong lòng người đọc là một Chí Phèo đang lên tiếng đòi quyền sống, quyền lương thiện. Khép lại truyện ngắn Chí Phèo bằng cái chết đầy đau đớn của Chí điển hình cho số phận bi thảm của tầng lớp nông dân bị bần cùng hóa. Nam Cao đã lên tiếng vạch trần bộ mặt ‘ác nhân’ của cái xã hội phong kiến Việt Nam những năm trước cách mạng tháng 8-1945 đồng thời lên tiếng bảo vệ quyền được sống, được hạnh phúc cho những người nông dân nghèo khổ lúc bấy giờ.

Đỗ Thị Thu Trang

Lớp 11A6 – Trường THPT Nghĩa Dân, Kim Động, Hưng Yên

0