CEO là gì, vị trí CEO có vai trò và nhiệm vụ gì trong công ty
CEO là gì, tìm hiểu vị trí Giám đốc Điều hành – Chief Executive Officer – CEO trong công ty và những công việc mà một vị CEO cần phải làm. Hẳn nhiều người cũng mường tượng CEO là người điều hành một doanh nghiệp, nhưng nhiệm vụ và vai trò của một vị CEO như thế nào, vì sao lại phải sinh ra chức ...
CEO là gì, tìm hiểu vị trí Giám đốc Điều hành – Chief Executive Officer – CEO trong công ty và những công việc mà một vị CEO cần phải làm. Hẳn nhiều người cũng mường tượng CEO là người điều hành một doanh nghiệp, nhưng nhiệm vụ và vai trò của một vị CEO như thế nào, vì sao lại phải sinh ra chức danh này trong khi các tập đoàn lớn đã có hội đồng quản trị. Liệu 1 công ty có thể có nhiều CEO hay chỉ có một người mà thôi. Một số nước thì CEO lại vừa là chủ tịch hội đồng quản trị luôn thì có sao không và lý do vì sao. Hãy cùng Yeutrithuc.com tìm hiểu CEO là gì, một trong những khái niệm quan trọng bậc nhất trong doanh nghiệp.
CEO là gì?
CEO là tên viết tắt của của cụm từ tiếng Anh Chief Executive Officer, dịch sang tiếng Việt phổ biến nhất là “Giám đốc Điều hành”, hoặc cũng có thể là “Tổng Giám đốc”, “Tổng Giám đốc điều hành”, “Giám đốc công ty”. Tất cả đều chỉ về vị trí của người điều hành cao nhất một công ty, tổ chức hay tập đoàn.
CEO là người giữ trách nhiệm quan trọng bậc nhất trong công ty, thực hiện điều hành mọi hoạt động theo chiến lược và chính sách của Hội đồng Quản trị đề ra. Trong đó, CEO có nhiệm vụ vạch ra các kế hoạch, chiến lược kinh doanh nhằm phát triển công ty lớn mạnh, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu do HĐQT đưa ra.
Trên thực tế thì CEO là người có quyền điều hành cao nhất của công ty, tổ chức đó, đồng thời CEO là người đại diện về mặt luật pháp, trực tiếp điều hành công ty. HĐQT chỉ đưa ra những mục tiêu, chiến lược tổng quát, còn CEO có nhiệm vụ chi tiết hóa chúng và điều hành sao cho nhân viên và toàn bộ công ty phải nỗ lực để đảm đương mục tiêu mà HĐQT mong muốn.
Vì thế mà vị trí CEO phải làm rất nhiều việc, từ điều hành hoạt động doanh nghiệp, thiết lập bộ máy quản lý, cho đến xây dựng văn hóa danh nghiệp, xây dựng và điều hành bộ máy nhân sự, giám sát các hoạt động chung cùng nhiều công việc “không tên” khác.
Ở một số công ty thì CEO cũng thường là Chủ tịch Hội đồng Quản trị luôn, nhưng cũng có tập đoàn chỉ Chủ tịch riêng, CEO riêng và khi công việc điều hành quá nhiều thì người ta có thêm vị trí COO. Lúc này, COO được gọi là Giám đốc điều hành, còn CEO là Tổng Giám đốc Điều hành. Vai trò của hai chức vụ này khá tương đương nhau, nhưng khi khối công việc lớn thì CEO cần một người trợ giúp điều hành công ty, quan tâm tới những việc nhỏ hơn, còn mình thì chỉ giám sát và điều hành những việc lớn thôi. Tùy mô hình tổ chức mà vị trí Chủ tịch HĐQT và CEO có thể được tách biệt hoặc liên quan mật thiết đến nhau trong công việc quản lý công ty.
Với những người am hiểu về kinh tế thì cũng đều biết, Liên minh châu Âu có cơ cấu tổ chức doanh nghiệp khá đồng nhất. Thường thì ở đây, tập đoàn lớn sẽ có 2 ban lãnh đạo riêng biệt, 1 chuyên phụ trách công việc kinh doanh hằng ngày, còn 1 là ban giám sát phụ trách định hướng cho công ty và ban này do các cổ đông bầu ra. Như vậy, 2 ban đó là Ban Lãnh đạo và Ban Giám sát. Lúc này, CEO sẽ đứng đầu Ban Lãnh đạo, còn Chủ tịch HĐQT sẽ chủ trì ban Giám sát, hai lực lượng sẽ được tổ chức bởi những con người khác nhau để đảm bảo tính minh bạch.
Đồng thời, tách riêng như vậy để đảm bảo tính độc lập giữa việc điều hành công ty và giám sát, nhằm phân định rõ về quyền lực, trách nhiệm, ngăn ngừa xung đột lợi ích, tránh tập trung quá nhiều quyền lực vào một cá nhân nào đó.
Sự khác nhau giữa CEO và COO
Thường thì chúng ta sẽ nhầm lẫn giữa CEO và COO. Ở Việt Nam thì ít công ty nào có COO, cả hai chức danh đều có thể dịch thành “Giám đốc Điều hành” nên các bạn khó phân biệt cũng là đúng thôi. Nhưng nên nhớ, nếu công ty mà có 2 vị trí này thì khi dịch sang tiếng Việt sẽ cần phân định rõ ràng, COO sẽ là “Giám đốc Điều hành”, còn lúc này CEO sẽ là “Tổng Giám đốc Điều hành”.
Thực ra, COO là một chức danh tách ra từ CEO, khi mà công ty quá lớn hoặc có quá nhiều việc, thì một mình CEO không thể đảm đương hết được. Lúc này, người ta sẽ bầu một vị trí COO nhằm giúp đỡ CEO giải quyết công việc, nhờ thế mà CEO sẽ không phải lo các công việc chi tiết mà có thể tập trung hơn về tính tổng thể.
Những công việc chi tiết của CEO:
Thực ra rất khó để liệt kê các công việc chi tiết của CEO, bởi vì còn tùy thuộc vào quy mô, mô hình tổ chức và ngành nghề nữa. Tuy nhiên, nhìn chung thì các CEO sẽ có một số công việc chung như sau:
– Vạch ra chiến lược nhằm thực hiện tầm nhìn, sứ mệnh của công ty.
– Chịu trách nhiệm cho việc lập kế hoạch và định hướng đi cụ thể cho công ty.
– Chỉ đạo công tác xây dựng, thực hiện triển khai các kế hoạch kinh doanh do Hội đồng quản trị phê duyệt.
– Chịu trách nhiệm về lợi nhuận, tăng trưởng của công ty. Đảm bảo đạt được các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn đã đề ra.
– Đưa ra những ý kiến, đề xuất nhằm góp phần cải thiện hoạt động của công ty.
– Xây dựng, phát triển, quảng bá hình ảnh, thương hiệu công ty.
– Xây dựng và nuôi dưỡng văn hóa công ty.
– Phê duyệt các vấn đề, chính sách tài chính, theo dõi, kiểm soát và đánh giá, điều chỉnh ngân sách và định mức chi phí. Duyệt thu/chi, chuẩn bị các bản dự toán định kì.
– Thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư của công ty.
– Thay mặt công ty đàm phán và kí kết các hợp đồng thương mại.
– Tổ chức, điều hành, kiểm tra, đánh giá các hoạt động kinh doanh của công ty theo định kì.
– Phê duyệt các dự án phát triển, đa dạng hóa sản phẩm; phân phối, tiếp thị sản phẩm ra các kênh trên thị trường.
– Tổ chức cơ cấu, thiết lập bộ máy quản lý của công ty, vận hành bộ máy nhân sự hiệu quả; đề ra nhiệm vụ, mục tiêu của từng ban ngành cụ thể. Đánh giá tình hình hoạt động, hiệu quả của các phòng ban.
– Xây dựng kế hoạch nhân sự, tuyển dụng. Phê duyệt quy định, chính sách bổ nhiệm, miễn nhiệm, các quy chế tiền lương, tiền thưởng, tiền trợ cấp. Duyệt kết quả đánh giá nhân viên và xác định kết quả khen thưởng.
Hy vọng bài viết của Yeutrithuc.com đã giúp độc giả phần nào hiểu khái niệm CEO là gì. Ở Việt Nam thì thường CEO kiêm luôn Chủ tịch HĐQT, ít có doanh nghiệp nào mà thuê CEO ngoài như ở nước ngoài. Thực ra việc thuê CEO về quản lý công ty là chuyện bình thường, vì đây là một vị trí có vai trò nhiệm vụ rõ ràng. Công ty cổ phần thì những người góp cổ phần nếu không chọn được người điều hành thì có thể thuê để giúp đạt hiệu quả cao nhất.
Nghề CEO lắm áp lực, từ nhiệm vụ mà HĐQT đề ra cũng như làm sao để điều hành nhân viên, công ty phát triển. Người làm CEO phải có kinh nghiệm, bản lĩnh và tính tổ chức cao, là người từng trải và chinh chiến nhiều để có thể đưa doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Họ phải lo tất cả, từ nhân sự, cân đối ngân sách, phân bổ tài chính, chiến lược phát triển sản phẩm, dịch vụ cho đến việc quản lý văn hóa… rất nhiều việc không tên khác, nhưng vinh quang thì cũng nhiều và mang tới những trải nghiệm rất khác.