Phân tích nhân vật bà cụ Tứ trong tác phẩm Vợ Nhặt
() – Anh (Chị) hãy trong sách Ngữ Văn lớp 12. (Bài làm của học sinh giỏi trường THPT Lê Lợi). Đề bài: Phân tích nhân vật bà cụ Tứ trong tác phẩm Vợ nhặt BÀI LÀM Lòng mẹ bao la như biển thái bình dạt dào…lời bài hát thật ngọt ngào làm xao động lòng ...
() – Anh (Chị) hãy trong sách Ngữ Văn lớp 12. (Bài làm của học sinh giỏi trường THPT Lê Lợi).
Đề bài: Phân tích nhân vật bà cụ Tứ trong tác phẩm Vợ nhặt
BÀI LÀM
Lòng mẹ bao la như biển thái bình dạt dào…lời bài hát thật ngọt ngào làm xao động lòng người. Ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn ngàn cân treo sợi tóc như nạn đói khủng khiếp năm 1945, tình mẹ vẫn luôn cao quý và thiêng liêng. Một người mẹ rất vĩ đại bước ra từ trang văn rất chân thực của nhà văn Kim Lân với tác phẩm “Vợ nhặt”. Một người mẹ hết lòng thương yêu con. Một người mẹ đã gần đất xa trời nhưng vẫn gieo bao hi vọng và niềm tin vào đôi con trẻ.
Câu chuyện kể về cuộc nhặt vợ đầy bi hài của hai con người cùng khổ giữa lúc nạn đói đang hoành hành. Qua đó, Kim Lân đã tái hiện lại một góc nghèo trong cả một xã hội nghèo xơ nghèo xác của những năm 1945 đầy ai oán, bi thương. Chính nhà văn cũng là một người được sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn, nên ông hiểu hơn ai hết những nổi khổ của cảnh đói cùng cực này. Từ lòng thương xót và niềm đồng cảm, ông đã xây dựng nên hình ảnh một người mẹ già nua đã gần đất xa trời nhưng chính bà lại là người đã làm nên hi vọng cho con cái, cho mọi người giữa lúc túng quẫn, bần hàn.
Bà cụ Tứ cũng chung số phận với những người khác trong xóm, cùng sống trong nạn đói đầy thảm hại, thê lương. Chính cái đói đã làm bà quên mất ý định lấy vợ cho thằng con trai nghèo khó, xấu xí của mình. Bởi vậy, khi thấy một người đàn bà lạ xuất hiện trong nhà, bà ngạc nhiên lắm. Mãi cho đến khi Tràng thưa chuyện, bà mới hiểu. Bà lão cúi đầu nín lặng. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình. Có lẽ, bà cũng giống như những người mẹ khác yêu thương con cái, có trách nhiệm với con. Nhưng ở trong hoàn cảnh này, đến miếng ăn còn không đủ, làm sao bà dám nghĩ đến việc lấy vợ cho con. Sự đau khổ của bà càng làm cho tội ác bọn thực dân bị vạch rõ. Chính bọn chúng đã gây nên những tình cảnh éo le này. Bà bất lực, lòng đẩy tủi hờn: Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn con mình thì… Dấu ba chấm bị bỏ lửng bởi không còn từ ngữ nào có thể nói được hết nỗi niềm day dứt của một người mẹ xót con vào lúc này. Bà đã trải qua bao thăng trầm của cuộc đời, những tưởng không còn nước mắt để khóc. Nhưng trong kẽ mắt kèm nhèm của bà vẫn rỉ xuống hai dòng nước mắt. Dòng nước mắt của sự tủi hờn và đau khổ. Rồi bà tự nghĩ trong lòng: người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có được vợ…Bà thấu hiểu hoàn cảnh và chấp thuận “nàng dâu mới” dù không hề biết thị xuất thân từ đâu, gia đình như thế nào, con trai mình gặp thị trong hoàn cảnh nào… Tất cả những điều đó bà đều không quan tâm. Không phải vì bà vô tâm mà vì ở cái hoàn cảnh ấy, con người ta không thiết cân nhắc những vấn đề này. Bà nhẹ nhàng nói với con dâu: Thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng. Sau những nồi niềm băn khoăn, tủi hờn, sau những dòng nước mặt còn xót lại của cuộc đời dằng dặc những nỗi đau, bà đã mở lòng với “con dâu”, đón nhận thị bằng tất cả tình cảm xót thương của mình. Biết gia cảnh nghèo, nên bà cũng thật thà phân trần với con: Nhà ta thì nghèo con ạ. Vợ chồng chúng mày liệu mà bảo nhau làm ăn. Rồi may ra ông giời cho khá… Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ ai khó ba đời? Có ra thì rồi con cái chúng mày về sau. Bà thật đúng là một người mẹ chồng tốt và yêu thương con.
Nhưng dù thế nào đi nữa, trong hiện tại, cảnh đói vẫn đang đeo bám gia đình bà. Bà lão đăm đăm nhìn ra ngời. Bóng tối bao trùm lấy hai con mắt. Kim Lân lại hướng ngòi bút của mình vào tả cái cảnh thảm hại, thê lương của nạn đói đang diễn ra: Mùi đốt đống rấm ở những nhà có người chết theo gió thoảng vào khét lẹt. Bà lão vẫn đang trăn trở, nghĩ suy. Bà nghĩ đến ông lão, nghĩ đến cuộc đời khổ cực dài dằng dặc của mình. Rồi bà tự hỏi: Vợ chồng chúng nó lấy nhau, cuộc đời chúng nó liệu có hơn bố mẹ trước kia không? Bà thấu hiểu sự đời và lo lắng cho tương lai con cái sau này. Nhưng bà gần đất xa trời rồi, hơn nữa bà cũng không thể làm gì để chống lại cái ách thống trị bạo tàn đang lộng hành khắp nơi nên bà chỉ biết xót thương. Thương cho một người đàn bà lạ vừa về làm vợ của con mình. Thương vì bà không làm được gì giúp cho con. Bà an ủi con: Kể ra có làm được dăm ba mâm thì phải đấy, nhưng nhà mình nghèo, cũng chả ai người ta chấp nhặt chi cái lúc này. Cốt làm sao chúng mày hòa thuận là u mừng rồi. Năm nay thì đói to đấy. chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá. Có lẽ, cũng là thân phận đàn bà, nên bà đồng cảm với tự tủi hổ của thị khi về theo không làm vợ tràng. Lại một lần nữa, bà cụ nghẹn lời không nói được, nước mắt cứ chảy xuống ròng ròng.
Sáng hôm sau, ngày đầu tiên trong nhà có con dâu mới, mọi thứ đều thay đổi. Bà tuy già rồi nhưng vẫn cố dành chút sức tàn lực yếu cùng con dâu sửa soạn lại nhà cửa, vườn tược. Bà lúi húi giẫy những búi cỏ mọc nham nhở… Những việc làm đơn giản của bà và con dâu đã làm nên sự thay đổi lớn cho Tràng, cho cả nhà. Ngay cả chính bà cũng thấy nhẹ nhõm, tươi tỉnh khác ngày thường, cái mặt bủng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên. Hình như ai nấy đều có ý nghĩ rằng thu xếp cửa nhà cho quang quẻ, nề nếp thì cuộc đời họ có thể khác đi, làm ăn có cơ khấm khá hơn. Cảnh tượng thật bình dị và đầm ấm giữa lúc nạn đói khủng khiếp đang càn quét mọi gia đình. Họ cùng nhau làm việc, cùng nhau ăn cơm dù bữa cơm ngày đói trông thật thảm hại: giữa một cái mẹt có độc một lùm rau chuối thái rối mà một đĩa muối ăn với cháo, nhưng cả nhà đều ăn rất ngon. Bà cụ vừa ăn vừa kể chuyện làm ăn, gia cảnh với con dâu. Rồi chính bà đã định hướng cho đôi vợ chồng trẻ vừa nhặt được nhau, bà tính khi nào có tiền sẽ mua đôi gà, ngoảnh đi ngoảnh lại chả mấy mà có ngày đàn gà cho xem. Bà khiến cho con dâu và con trai cũng thấy phấn chấn hẳn lên. Họ đặt hết niềm tin vào ngày mai sẽ tươi sáng.
Niềm vui của bữa cơm đầu có con dâu mới chợt chững lại vì nồi cháo chỉ đủ cho mỗi người ăn được hai lưng bát. Trong lúc ấy, bà lão – một người mẹ chu toàn như đã lường trước được tình huống, bà đã chuẩn bị sẵn một nồi cháo cám, chỉ chờ cháo hết là bà bưng ra. Trong khi Tràng và thị đang hụt hẫng thì bà hào hứng: Ta có cái này hay lắm. Chè đây. Chè khoán đây. Ngon đáo để cơ. Những tưởng bà cụ có cái gì đó ngon thật, ngon hơn cả rau chuối và cháo loãng mà họ vừa ăn. Nào ngờ, vừa đưa lên nhìn, thị tối mắt lại, còn Tràng thì chun miệng. Nhưng họ vẫn điềm nhiên cho vào miệng. Vị cháo cám đắng xít. Lòng người mẹ đau khổ ấy hiểu quá rõ vị cám như thế nào nhưng bà không làm thế nào khác được. Thậm chí trong cái xóm ngụ cư này, khối nhà còn không có cám mà ăn. Cách nói của bà vừa để an ủi con vừa để động viên chính mình.
Ngoài đình bỗng dội lên một hồi trống, dồn dập, vội vã. Bà nhận ra ngay tiếng trống thúc thuế. Bà than thở: Đằng thì nó bắt giồng đay, đằng thì nó bắt đóng thuế. Giời đất này không chắc đã sống qua được đâu các con ạ… Bà lão ngoảnh vội ra ngoài. Bà lão không dám để con dâu nhìn thấy bà khóc. Lần thứ ba bà khóc. Bà gần đất xa trời rồi, bà không sợ gì cái chết nữa. Nhưng bà lo và xót xa cho con dâu, con trai mình. Dường như ở người đàn bà này không hề có sự phân biệt gì về chuyện mẹ chồng nàng dâu. Ngược lại bà luôn xót thương cho thân phận đứa con dâu mình. Nhưng đến cuối truyện, cả gia đình bà đã được khơi dậy lên một niềm tin mới: đứng lên phá kho thóc của Nhật chia cho dân nghèo, đứng lên đấu tranh giải phóng chính mình.
Xuyên suốt câu truyện, bà lão xuất hiện không nhiều nhưng chính bà lại là người reo niềm hi vọng cho những nhân vật khác. Qua đó, Kim Lân đã thể hiện được bản chất tốt đẹp và sức sống kỳ diệu của những con người đáng sống trên bờ vực thẳm của cái chết. Họ cần miếng ăn để cứu chính mình nhưng vẫn luôn sẵn sàng chia sẻ, yêu thương và đùm bọc lẫn nhau.
Kim Lân đã rất thành công khi miêu tả diễn biến tâm lý của bà cụ Tứ. Bà là một người mẹ mẫu mực và điển hình cho những người mẹ hiền Việt Nam.