Phân tích khổ 3 bài thơ Tây tiến của Quang Dũng tuyệt hay
Phân tích khổ 3 bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng Bài làm “Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt Như mẹ, như cha, như vợ, như chồng Ôi Tổ quốc nếu cần ta chết Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, dòng ...
Phân tích khổ 3 bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng
Bài làm
“Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt
Như mẹ, như cha, như vợ, như chồng
Ôi Tổ quốc nếu cần ta chết
Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, dòng sông”
Chiến tranh đã lùi xa mấy mươi năm, hòa bình đã lập lại trên đất nước. Nhưng đối với văn chương, sứ mệnh của nó là phải khắc họa vĩnh viễn hình tượng những anh hùng dân tộc đã ngã xuống vì độc lập tự do, vì hòa bình Tổ quốc trong suốt chiều dài lịch sử. Song hành với điều đó,bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng là một bài thơ tiêu biểu viết về đề tài người lính trong cuộc kháng chiến chống Pháp trường kì, gian khổ. Đó là hình tượng những chiến sĩ đã ngã xuống vì dân tộc, mang vẻ đẹp anh dũng,kiên cường, hào hoa, lãng mạn. Bức chân dung người lính Tây Tiến được tái hiện có lẽ là một hình tượng đặc sắc về đề tài người lính thời kháng chiến.
Đoàn quân Tây Tiến là nơi lưu giữ những tư tưởng tốtđẹp trong trái tim Quang Dũng, đó là những tháng năm gian khổ, thiếu thốn nhưng đẹp đẽ vô cùng. Hình ảnh người chiến sĩ được khắc tạc theo nhiều chiều hướng độc đáo,đậm chất bi tráng nhưng cũng hết sức chân thành, gần gữi. Bức chân dung về những con người ấy đã được nhà thơ tái hiện thật đặc sắc, khác thường:
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Ở hai câu trên đã miêu tả chân thực về ngoại hình người lính: không mọc tóc. Điều đó như biểu hiện một cái gì đó thật đặc biệt, đời thường. Bệnh sốt rét hoành hành, cuộc sống kháng chiến thiếu thốn, kham khổ. Nhưng những con người ấy vẫn kiên cường, ngạo nghễ. Có phải bệnh sốt rét xâm nhập, tóc người lính đã rụng hết vì bệnh. Hay đó lại là thế chủ động của người lính Tây Tiến. Vì điều kiện khó khăn của hoàn cảnh, thiếu thốn về vật chất mà họ tự cạo trọc đầu mình cho tiện trong sinh hoạt? Dù do bệnh, hay cố tình thì những con người ấy vẫn luôn trong thế chủ động, làm chủ cuộc sống của mình, chấp nhận gian nan vì cuộc chiến trường kì. Phải chăng, họ không muốn mọc tóc chứ không phải là tóc không mọc được? Người lính chiến đã thể hiện một chí khí ngang tàng, mạnh mẽ, ngão nghễ và chủ động trong mọi hoàn cảnh. Cuộc sống dù khó khăn, vất vả nhưng cũng không thể làm khó họ, không cản nổi bước chân người chiến sĩ. Cùng hoàn cảnh thiếu thốn trong thời chiến, không chỉ Tây Tiến của Quang Dũng, mà đọc những dòng thơ trên, ta có đôi chút liên tưởng đến bài thơ Đồng chí của nhà thơ Chính Hữu với hình ảnh người chiến sĩ thiếu thốn vô cùng nhưng vẫn luôn lạc quan, vượt lên hoàn cảnh:
“Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày…”
Hoàn cảnh sống không phải là điều đáng ngại, trong cốt cách con người người lính, ta vẫn thấy ở họ có một sức sống ngang tàng, mãnh liệt, thách thức khó khăn, thách thức hoàn cảnh. Hình ảnh người lính đã được nhà thơ khắc họa thành thực, đậm chất người lính: quân xanh màu lá dữ oai hùm. Hiện thức khắc nghiệt, người lính đang phải chịu bao nỗi thấm khổ mà hoàn cảnh mang lại, người xanh xao như lá cây do bệnh sốt rét rừng mang lại, dáng vẻ dữ oai hùm khiến nhiều người kinh sợ:
“Giọt giọt mồ hôi rơi
Trên má anh vàng nghệ”
Sự nghiệt ngã của thiên nhiên và sự tàn phá của chiến tranh đã để lại nhiều hệ lụy, khiến người lính phải chịu đựng bao gian nan, khổ ải, vượt lên hoàn cảnh để chống lại Thực dân, dành lại hòa bình cho đất nước. Tuy vậy, người lính Tây Tiến dù ốm nhưng không yếu. Họ vẫn luôn kiên cường, hào hùng, khí phách oai phong, lẫm liệt.
Phân tích khổ 3 bài thơ Tây Tiến
“Tây Tiến- sự thăng hoa của những tâm hồn lãng mạn”, bằng hiện thực mà nhà thơ đã từng trải, Quang Dũng đã miêu tả tâm hồn và khí phách người chiến sĩ thật lãng mạn, bay bổng, đầy khát vọng:
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Tâm hồn người lính quả thật mơ mộng, bay bổng. Họ mơ về cuộc chiến, mơ về ngày lập công, về ngày chiến thắng để gửi qua biên giới bằng ánh mắt nhìn thẳng về phía trước, hy vọng ngày hòa bình trở lại. Không những thế, người chiến sĩ cũng rất đa tình, họ mơ về dáng kiều thơm, về người con gái Hà Thành đầy yêu kiều, thướt tha. Đó là những người con gái duyên dáng, kiều diễm. Những giấc mơ về tình yêu đã khiến trái tim người lính trở nên thơ mộng, đẹp đẽ về một thoáng mơ màng, hồn nhiên, tinh nghịch của tâm hồn người chiến sĩ cách mạng.
“Tây Tiến biên cương mờ khói lửa
Quân đi lớp lớp động cây rừng
Và bài thơ ấy con người ấy
Vẫn sống muôn đời với núi sông”
(Giang Nam)
Chiến tranh tàn khốc, ác liệt đã để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Nó tàn ác, nhẫn tâm cướp đi sinh mạng biết bao con người yêu nước, lên đường vì nghĩa lớn. Không thể phủ nhận công lao của người lính xưa, họ đã sống và hy sinh, đã cống hiến hết mình cho đất nước:
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Hai từ Hán Việt: biên cương, viễn xứ đã làm cho những nấm mồ vô danh rải rác trên mọi miền Tổ quốc trở nên trang nghiêm, cao quý. Qua đó cũng gợn lại một cảm xúc đau đớn, thương cảm vì sự hy sinh của người lính, sự mất mát to lớn của cả dân tộc. Họ đã ngã xuống dưới những nấm mồ vô danh, như Nguyễn Khoa Điềm đã từng viết:
“Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất nước”
Những người chiến sĩ đã hy sinh, nhưng họ cũng đã để lại thành quả to lớn cho dân tộc. Đó là hòa bình, là tự do, là sự đánh đổi bằng cả máu xương và tính mạng của bao người anh hùng. Sống là để chiến đấu: chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh. Những con người ấy luôn mang trong mình một ngọn lửa của tinh thần kháng chiến và lý tưởng cao đẹp: chẳng tiếc đời xanh. Tuổi trẻ là sức sống, là thanh xuân, là những ước mơ và hoài bão lớn, có ai mà không tiếc chứ? Nhưng trong hoàn cảnh nước mất, Thực dân xâm lược, kìm kẹp. Họ buộc hy sinh cả tuổi xuân của mình để dành lại sự tự do cao cả cho Tổ quốc. Không chỉ bản thân, đằng sau những con người ấy còn có gia đình, quê hương. Đó là động lực để họ chiến đấu vì sự sinh tồn của cả dân tộc Việt Nam lúc bấy giờ.
Nói như Vũ Thu Hương: ”Tây Tiến là tượng đài bất tử về người lính vô danh. Trong thời thế hỗn loạn, nhân dân lầm than, cơ cực. Điều kiện sống khó khăn, gian khổ. Người chiến sĩ ngã xuống trong cuộc chiến. Họ đã nằm lại vĩnh viễn dưới những nấm mồ vô danh, không mảnh chiếu:
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
Sống giữa những dòng thơ hiện đại, với trái tim nhạy cảm, sâu sắc. Bằng trải nghiệm thực tế, nhà thơ đã khắc họa hình tượng người lính vô cùng thiết thực, đúng chất. Thời kháng chiến, người dân thường đan chiếu để gửi ra chiến trường nhằm phục vụ kháng chiến. Khi người lính ngã xuống, họ dùng chiếu để chôn cất hài cốt. Nhưng, điều kiện quá khó khăn, mảnh chiếu cũng không đủ dùng. Họ đành dùng tạm tấm áo bào trang trọng để quấn thi thể người chiến sĩ, đưa họ về với đất mẹ oai linh. Bằng chất liệu hiện thực và biện pháp nghệ thuật lãng mạn, nhà thơ Quang Dũng đã diễn tả thành công hoàn cảnh và hình tượng người lính. Người lính ngã xuống không có một mảnh chiếu che thân, đồng đội chôn cất anh vội vã trên mảnh đất của dân tộc thiêng liêng, trong những nấm mộ không tên. Tác giả không hề né tránh hiện thực mà hơn thế nữa, ông đã gợi tả hình ảnh người chiến sĩ một cách chân thực nhất. Trong hoàn cảnh nghiệt ngã của thế thời, người lính Tây Tiến dù bi thương nhưng không hề bi lụy. Họ vẫn mãi là hình tượng đẹp trong văn chương cũng như trong cuộc sống đời thường. Chất lãng mạn đã thấm đẫm trong những dòng thơ Quang Dũng. Nghệ thuật nói giảm, nói tránh đã giảm đi phần nào đau thương nhưng cũng không thể vơi đi cảm xúc đồng cảm với người lính. Người lính ra đi nhưng không phải là mãi mãi, mà dường như đó chính là sự trở về. Họ trở về với đất mẹ linh thiêng, với lòng đất mẹ để hóa thân vào quê hương xứ sở, làm nên đất nước muôn đời.
“Ôi đất nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy
Những cuộc đời đã hóa núi sông ta”
Không chỉ có đồng đội, mà tiễn đưa anh về nơi an nghỉ còn có thiên nhiên gầm lên khúc độc hành của dòng sông Mã. Sông Mã chính là biểu tượng của thiên nhiên, biểu tượng cho đất nước, nhân dân. Cả thiên nhiên, đất nước, con người đều nghiêng mình tiễn anh về với lòng đất mẹ oai linh. Một tiếng gầm đau thương, toát lên vẻ hùng tráng. Đó là sự bi thương của người lính đậm chất anh hùng.
Bằng những câu thơ mang âm hưởng hào hùng, đoạn thơ đã khắc họa thành công hình tượng người lính từ ngoại hình đến tâm hồn, đặc biệt là sự hào hoa, lãng mạn. Những con người đã tạo nên những phong cách đẹp và độc đáo của người lính cụ Hồ.
Cuộc chiến chống Pháp trường kì đã qua đi, nhưng khi hình tượng người lính được tái hiện thì nó luôn là một đề tài không hề cũ. Bài thơ Tây Tiến ở đoạn thơ thứ ba đã khắc họa thành công bức chân dung người chiến sĩ. Với cái tài của Quang Dũng, những hình ảnh về người lính càng trở nên đặc sắc và phong phú. Gợi nên một nét đẹp vừa hiện thực, vừa lãng mạn. Những dòng thơ cách mạng đã đem lại nhiều cảm xúc cho người cảm nhận, tô đậm thêm vẻ đẹp của người chiến sĩ thời kháng chiến gian nguy.
Bùi Phương Thảo