Phân tích bài ca dao Thân em như hạt mưa rào Hạt rơi xuống giếng hạt vào vườn hoa
(Văn mẫu lớp 10) – Em hãy phân tích bài ca dao Thân em như hạt mưa rào Hạt rơi xuống giếng hạt vào vườn hoa (Bài văn phân tích của bạn Nguyễn Hồng Hạnh lớp 10C1 trường THPT chuyên Quốc học Huế). Đề bài: Phân tích bài ca dao Thân em như hạt mưa rào Hạt rơi xuống giếng ...
(Văn mẫu lớp 10) – Em hãy phân tích bài ca dao Thân em như hạt mưa rào Hạt rơi xuống giếng hạt vào vườn hoa (Bài văn phân tích của bạn Nguyễn Hồng Hạnh lớp 10C1 trường THPT chuyên Quốc học Huế).
Đề bài: Phân tích bài ca dao Thân em như hạt mưa rào Hạt rơi xuống giếng hạt vào vườn hoa
BÀI LÀM
Mỗi bài ca dao tôi từng được nghe đều có hình ảnh làng quê, con người, sự vật, hoạt động… thân thiết, gắn bó với tuổi thơ của mình. Sau mỗi bài ca dao, tôi lại thấu hiểu hơn tâm hồn, tình cảm, tư tưởng hay nỗi lòng của con người Việt Nam xưa. Bài ca dao sau đây cũng là một ấn tượng sâu sắc với tôi, để lại trong tôi nhiều suy nghĩ:
“Thân em như hạt mưa rào
Hạt rơi xuống giếng hạt vào vườn hoa”
Đây là một trong số rất nhiều bài ca dao bắt đầu bằng từ “thân em” mà tôi từng biết. Ca dao dân ca có vô số bài bắt đầu bằng hình ảnh này:
“Thân em như giếng giữa đàng
Người không rửa mặt người phàm rửa chân”
“Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”
Hình ảnh “thân em” gợi lên nhiều điều. Từ “em” không xác định cụ thể ai đó mà là nhắc tới những người phụ nữ nói chung. Chữ “thân” đứng đầu như thể nhấn mạnh tới vẻ đẹp bề ngoài hoặc là thân phận, số phận của người phụ nữ. Hai chữ “thân em” giống như lời than thở dài của những người phụ nữ trong xã hội xưa. Mỗi bài ca dao là một lời than thì hẳn người phụ nữ xưa cảm thấy tủi hờn về cuộc đời mình nhiều lắm.
Trong bài ca dao này, “thân em” được ví von với “hạt mưa rào”.
“Thân em như hạt mưa rào”
Mưa mang lại nguồn nước, nước là nguồn sống cho con người. Người ta từng quan niệm mưa chính là thứ thiêng liêng, là sự ban phát điềm tốt lành của ông trời cho con người và nước mưa là thứ nước tinh túy của trời đất. Xưa kia, khi nước mưa còn sạch, người dân thường hứng để tích trữ và có thể uống trực tiếp. Nước mưa mát lành, tinh khiết tựa dòng sữa của bà mẹ thiên nhiên nuôi sống con người, cho mùa màng tươi tốt. Vào mùa hè thường có các trận mưa rào, cung cấp lượng nước lớn cho nông nghiệp lúa nước. Những trận mưa rào cứu ruộng đồng hạn hán, người dân có thể vui sướng mà nhảy múa trong mưa. Vì sao ta phải tìm hiểu kĩ về mưa rào như vậy? Bởi, nó có thể giúp ta hiểu rõ được “thân em” kia. Người xưa muốn khẳng định người phụ nữ thôn quê dáng dấp đằm thắm, mặn mà, nội tâm trong trẻo và giàu sức sống như cơn mưa rào.
Đến câu thơ thứ hai, mặt trái của cuộc đời người phụ nữ được thể hiện:
“Hạt rơi xuống giếng hạt vào vườn hoa”
Phải, mưa rào tuyệt vời đấy nhưng cuối cùng vẫn chỉ là phận mưa, nó có thể rơi xuống bất kì đâu. Nếu mưa xuống giếng sâu, nó sẽ chìm lặng dưới đáy u tối chờ người ta sử dụng. Nếu mưa may mắn hơn, nó sẽ rơi xuống vườn hoa, vừa làm đẹp cho vườn hoa, vừa như có giá trị hơn. Phận người phụ nữ cũng vậy, người phụ nữ được đến nơi tốt đẹp thì sẽ hạnh phúc nhưng nhỡ may rơi vào cảnh lỡ dở thì cũng đành chấp nhận. Họ không thể làm chủ cuộc đời mình. Bởi, họ bị ràng buộc vào những định kiến, lễ giáo hà khắc như “trọng nam khinh nữ”, “xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”… Phận Thúy Kiều (“Truyện Kiều” – Nguyễn Du) cũng vậy. Kiều lớn lên trong gia đình khá giả thì “êm đềm trướng rủ màn che”, gặp được tài tử Kim Trọng thì có tình yêu mãnh liệt, Kiều sa chân vào lầu xanh thì bị khinh rẻ coi như món hàng… Cuộc đời của nhân vật Thúy Kiều là minh chứng điển hình nhất cho câu ca dao trên.
Tóm lại, bài ca dao “Thân em như hạt mưa rào / Hạt rơi xuống giếng hạt vào vườn hoa” đã thể hiện nỗi tủi hờn của người phụ nữ xưa khi không được làm chủ cuộc đời, phải phó mặc cho số phận đưa đẩy. Quả thật, người phụ nữ muôn đời vẫn luôn phải chịu những bất công. Sẽ còn nhiều tiếng than thân hơn nữa nếu như chúng ta không trân trọng và giành lấy quyền lợi cho người phụ nữ.