Cảm nhận về bài thơ Nhàn của Nguyễn Bình Khiêm
Cảm nhận về bài thơ Nhàn của Nguyễn Bình Khiêm Bài làm Nguyễn Bình Khiêm là một trong những nhân vật rất có tên tuổi trong thời kì trung đại Việt Nam. Ông vốn nổi tiếng là người học rộng, tài cao, nhân vật kiệt xuất chốn quan ...
Cảm nhận về bài thơ Nhàn của Nguyễn Bình Khiêm
Bài làm
Nguyễn Bình Khiêm là một trong những nhân vật rất có tên tuổi trong thời kì trung đại Việt Nam. Ông vốn nổi tiếng là người học rộng, tài cao, nhân vật kiệt xuất chốn quan trường và cũng là nhà thơ với những tác phẩm có độ phổ biến hết sức sâu rộng đối với quần chúng nhân dân. Nhàn là một trong những bài thơ như thế. Bài thơ là tiếng lòng của ông với cuộc đời, là những ước mong của ông về một cuộc sống thực sự lý tưởng.
Bài thơ được ra đời trong thời gian Nguyễn Bình Khiêm về quê ở ẩn. Sống trong chốn quan trường bao nhiêu năm, ông thấy mình có chút mệt mỏi trong cuộc chiến chính – tà, ông mong muốn có chút thời gian để cân bằng lại cuộc sống. Được trở về cái cảm giác về một cuộc sống đáng sống, sống một cách đúng nghĩa. Và tất cả những tâm tư, tình cảm của ông được gói gọn trong chữ "nhàn".
Một mai, một cuốc, một cần câu
Thơ thẩn dàu ai vui thú nào
Hai câu thơ đầu liệt kê những sự vật quen thuộc của cuộc sống nhà nông, với cái "mai" để đào mương, cái "cuốc" để cuốc đất làm ruộng và cái "cần câu" để câu cá. Những hoạt động quen thuộc của đời sống lao động của nhà nông, những công việc lao động chân tay nặng nhọc nhưng lại tạo cho con người ta cảm giác chân chất cùng với đó là cảm giác về một cuộc sống yên bình đến lạ. Cuộc sống lao động tự do là một cái được của cuộc sống rồi. Câu thơ thứ hai mở rộng phạm vi của sự việc với từ láy "thơ thẩn" và từ ghép "vui thú" tô đậm thêm trạng thái hiện thời của tác giả. Ông đang ung dung hưởng thụ cuộc sống thoải mái, thanh thản, an nhiên với cuộc sống lao động yên bình chốn thôn dã, giờ đây lòng ông không vướng chút bụi trần. Hạnh phúc của ông không phải là quyền lực hay tiền bạc, mà hạnh phúc khi được sống một cuộc đời đáng nhất. Tiếp sau hai câu đề, hai câu thực của bài thơ có những chứng minh rõ ràng hơn về tâm thế của nhân vật trữ tình đồng thời gợi mở về triết lý sống của bậc cao nhân:
Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao
Hai câu thơ mang dáng dấp của một sự châm biếm khéo léo. "Nơi vắng vẻ được hiểu là chốn thôn quê thanh bình, an nhàn, ở đó tâm hồn con người được hòa nhập với thiên nhiên, xa lánh chốn bụi đời. Còn “chốn lao xao” là nơi có cuộc sống giàu sang phú quý của tiền bạc và quyền lực, là chốn quan trường với những đua tranh ghen ghét của danh lợi, mưu đồ, nơi đó con người ta có thể vì lợi ích của bản thân mà dẫm đạp lên người khác, cuộc sống luôn phải toan tính thiệt hơn. Vậy dại – khôn trong sự lựa chọn cuộc sống ấy cái nào là đáng, cái nào là không. Thế nào là dại, thế nào là khôn. Và cái ý tứ của nhà thơ chính là ông nhận ông dại, ông chọn một cuộc sống lao động bình dị nhưng lại có được sự thanh cao trong tâm hồn.
Cảm nhận về bài thơ Nhàn
Tự mình chọn lựa cho mình lối sống ấy, cuộc sống ấy và tác giả chưa bao giờ cảm thấy hối hận về sự lựa chọn đó. Cuộc sống của ông thật sự quá đỗi bình dị, đơn sơ nhưng cũng khiến cho người ta phải ghen tị về cuộc sống như thiên đường giữa chốn trần gian ấy:
Thu ăn măng trúc đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao
Măng trúc, sen, giá…là những thức ăn dân giã gắn liền với cuộc sống thôn dã bình dị và giản đơn. Và khi trở về với đồng quê, Nguyễn Bình Khiêm đã thực sự hòa nhập, hòa mình với thôn quê hồn hậu. Cuộc sống tự cấp tự túc, thanh đạm từ sự lao động chân chính nhưng mang lại thú vui an nhàn, thảnh thơi, đó là một cuộc sống được nhiều người ngưỡng mộ mà chẳng mấy ai có được. chính cảnh sinh hoạt đời thường ấy đã thể hiện sự đồng điệu giữa thiên nhiên và con người. Cuộc sống ấy quả thực là lý tưởng vô cùng. Hai câu kết tác giả có những đúc kết rất ý nghĩa về triết lý sống ở đời:
Rượu đến cội cây ta sẽ uống
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao
Trong câu thơ, Nguyễn Bình Khiêm có sử dụng điển tích “cội cây” ý chỉ công danh tiền bạc là những thứ phù du, phù phiếm trên đời. Con người ta ai cũng chỉ sống một lần nên hãy biết trân quý cuộc sống, hướng đến cuộc đời có ý nghĩa. Lao vào những cuộc chiến quyền lực, danh vọng rốt cuộc làm được gì cho đời. Đó là cách nghĩ rất đúng đắn. Nguyễn Bình Khiêm chọn lối sống "nhàn", và bản chất chữ "nhàn" của ông mang tính chất nhân tâm rất lớn. Nhàn là không để dục vọng xấu xa làm mờ ám lương tâm, làm vẩn đục tâm hồn, không bon chen vòng danh lợi, nhưng tấm lòng với đời, với con người thì luôn nhiệt huyết.
Bài thơ là sự kết hợp hoàn hảo của bút pháp tả cảnh và giọng văn trữ tình, giàu chất triết lý suy tưởng thể hiện một cách sâu sắc tấm lòng của Nguyễn Bình Khiêm với cuộc đời. Ông thương nhân dân, yêu thiên nhiên đất nước, chỉ ước mong nhân dân được sống một cuộc đời bình an, không bị lôi vào cuộc chiến danh lợi không đáng.
Minh Tuệ