05/02/2018, 11:28

Phân tích cảm nhận về truyện ngắn Cố hương của Lỗ Tấn

Hướng dẫn viết bài văn phân tích và nêu cảm nghĩ cảm nhận về truyện ngắn “Cố hương” của Lỗ Tấn có dàn ý chi tiết và bài viết tham khảo Lỗ Tấn là nhà văn nổi tiếng Trung Quốc. Ông sinh trưởng trong một gia đình quan lại sa sút. Lỗ tấn dành cả đời mình để cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng ...

Hướng dẫn viết bài văn phân tích và nêu cảm nghĩ cảm nhận về truyện ngắn “Cố hương” của Lỗ Tấn có dàn ý chi tiết và bài viết tham khảo Lỗ Tấn là nhà văn nổi tiếng Trung Quốc. Ông sinh trưởng trong một gia đình quan lại sa sút. Lỗ tấn dành cả đời mình để cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Ông là nhà văn của nhân dân lao động Trung Quốc dưới ách áp bức bóc lột của chế độ phong kiến Trung Quốc. Lỗ Tấn đã để lại một số lượng các tác phẩm rất đồ sộ: gồm 17 tập văn và 2 tập truyện ngắn. Một số các tác phẩm tiêu biểu như: AQ chính truyện, Thuốc, Nhật kí người điên... Trong các tác phẩm của ông, người đọc thấy hiện lên không khí ngột ngạt của xã hội Trung Quốc trước cách mạng và sự mê muội của nhân dân dưới ách thống trị của triều đình phong kiến. “Cố hương” là truyện ngắn nổi bật trong tập “Gào thét”. Thông qua tường thuật chuyến về quê cuối của nhân vật “tôi”, tác giả đã khắc họa bức tranh hiện thực về nông thôn Trung Quốc thời bấy giờ, đồng thời đặt ra vấn đề đường đi cho người nông dân và cho toàn xã hội. Từ đó ta thấy nhà văn không chỉ là người uyên thâm, lỗi lạc mà còn có một trái tim giàu tình yêu thương. DÀN Ý BÀI VĂN PHÂN TÍCH TRUYỆN NGẮN “CỐ HƯƠNG” 1.MỞ BÀI Giới thiệu truyện ngắn “Cố hương” 2. THÂN BÀI Cảnh vật cố hương: lạnh lẽo, tiêu điều, đìu hiu Tâm trạng của tác giả: buồn, xót xa Con người quê hương: Nhuận Thổ: Quá khứ: khỏe mạnh, lanh lợi, tháo vát Hiện tại: già nua, nghèo khổ, đần độn Chị Hai Dương Quá khứ: xinh xắn, có duyên Hiện tại: xấu xí, kệch cỡm, tham lam, trơ tráo Trên đường rời xa quê Tác giả không cảm thấy lưu luyến, chỉ thấy lẻ loi, ngột ngạt Hình ảnh con đường: hi vọng một tương lai tốt đẹp hơn Đánh giá: Nội dung: hiện trạng xã hội phong kiến Trung Quốc Nghệ thuật: miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật; kết hợp tự sự, miêu tả, biểu cảm, nghị luận; sáng tạo hình ảnh biểu tượng giàu ý nghĩa triết lí 3. KẾT BÀI Khẳng định lại ý nghĩa của truyện ngắn BÀI VĂN PHÂN TÍCH TRUYỆN NGẮN “CỐ HƯƠNG” CỦA LỖ TẤN Tình yêu quê hương dường như là thứ tình cảm luôn thường trực trong mỗi con người. Lúc còn bé, tình yêu quê gắn với yêu gia đình, yêu những cảnh vật bình dị của quê hương. Khi lớn lên, yêu quê là nỗi nhớ mong cồn cào, da diết mỗi lần phải xa quê, là háo hức, mong chờ khi được trở về nơi chốn ta đã sinh ra và lớn lên. Tình yêu quê luôn được các nhà văn truyền tải hết sức chân thành, mộc mạc trong các tác phẩm của mình. Đến với “Cố hương” của Lỗ Tấn, ta sẽ cùng với nhà văn làm cuộc hành trình đi về miền quê cũ, tuy rằng miền quê ấy giờ đây đã đổi khác và chẳng còn vẹn nguyên, tươi đẹp như xưa. Sau hơn hai mươi năm xa cách, nhân vật tôi vượt qua hai ngàn dặm trong mùa đông lạnh giá để trở về thăm quê cũ. Đối với một người con xa quê, trở về chốn xưa chắc hẳn trong lòng ít nhiều sẽ có những mong đợi, háo hức, nhớ thương. Thế nhưng, cảnh vật quê hương thu vào tầm mắt nhân vật “tôi” là “thôn xóm tiêu điều, hoang vắng nằm im lìm dưới trời vàng úa”. Cảnh vật nhuốm màu thê lương, hoang vắng, hiu quạnh không khỏi khiến cho con người có cảm giác buồn. Đó cũng chính bức tranh làng quê ảm đạm, sa sút, héo hon của xã hội Trung Quốc đầu thế kỉ 20. Cảnh vật làng quê vốn vẫn thê lương như xưa, hay phải chăng do tâm trạng con người nên nó mới trở nên như thế? Lần về quê này của nhân vật “tôi” cũng là lần trở về cuối cùng, trở về để “vĩnh biệt ngôi nhà yêu dấu và từ giã làng cũ thân yêu đem gia đình đến nơi đất khách tôi đang làm ăn sinh sống”. Cái buồn của cảnh vật cùng cái buồn trong tâm làm lòng người vốn đã tê tái nay lại càng thêm muôn phần xót xa. Không chỉ cảnh quê thay đổi, mà con người quê giờ đây cũng đã đổi khác. Tác giả khéo léo kết hợp đan xen giữa quá khứ và hiện tại. Hai nhân vật được tác giả tập trung miêu tả là Nhuận Thổ và chị Hai Dương. Nhuận Thổ trong quá khứ có khuôn mặt tròn trĩnh, nước da bánh mật, cổ đeo vòng bạc, bàn tay hồng hào lanh lẹ mập mạp, đầu đội mũ lông chiên bé tí tẹo. Hình ảnh Nhuận Thổ gợi về biết bao kỉ niệm tươi đẹp trong quá khứ, đó là những câu chuyện về bẫy chim, canh dưa, nhặt vỏ sò. Và lúc nhỏ, giữa hai người cũng không bị ngăn cách bởi địa vị xã hội, tình cảm hoàn toàn chân thành, trong sáng. Thời gian đã làm cho Nhuận Thổ của hiện tại trở thành người nông dân già nua, đần độn, mụ mẫm, nghèo khổ, cam chịu số phận: cao gấp đôi trước, da vàng sạm, có nếp nhăn sâu hoắm, đội mũ lông chiên rách bươm, cảm thấy khổ không nói được hết... Đặc biệt là sự thay đổi trong thái độ đối với nhân vật tôi: tỏ ra rụt rè, nói năng thiểu não, xưng hô cung kính. Còn chị Hai Dương hay nàng Tây Thi đậu phụ trong quá khứ xinh xắn, có duyên bán hàng bao nhiêu thì bây giờ đanh đá, nanh lọc, vô duyên, tham lam, trơ tráo bấy nhiêu. Bằng sự so sánh tương phản, giọng điệu trần thuật chua chát, những con người quê hiện lên trong sự ngậm ngùi, xót xa của tác giả. Nếu như Nhuận Thổ dù có nghèo khó nhưng vẫn giữ được bản chất hiền lành, lương thiện của người nông dân thì chị Hai Dương đã bị biến chất, thay đổi cả về ngoại hình lẫn tính cách. Hình ảnh chị Hai Dương chính là biểu hiện cho sự tha hóa, suy đồi về lối sống và đặc điểm ở làng quê. Nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi ấy có cả khách quan lần chủ quan. Một phần là do mất mùa, sưu cao thuế nặng, lính tráng, trộm cắp, quan lại, thân hào, một phần là do con người không chịu thay đổi, đần độn, mụ mẫm... Nhân vật tôi rời quê mà không có chút gì lưu luyến, chỉ thấy vô cùng lẻ loi, ngột ngạt. Truyện khép lại trong sự suy ngẫm đầy tính triết lí của nhà văn: “Kì thực trên mặt đất làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi”. Trong cái xót xa, cay đắng vẫn không nguôi hi vọng về tương lai. Tác giả đặt ra vấn đề lớn lao phải thay đổi thực tại, cần xây dựng những con đường mới, những cuộc sống mới tốt đẹp hơn cho mai sau. Bằng nghệ thuật miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật, sự kết hợp giữa tự sự, miêu tả, biểu cảm và nghị luận, sáng tạo hình ảnh biểu tượng giàu ý nghĩa triết lí, Lỗ Tấn đã phơi bày thực trạng xã hội phong kiến Trung Quốc lúc bấy giờ. Tác phẩm vì thế càng có giá trị hiện thực sâu sắc. “Quê hương nghĩa nặng tình sâu Bể dâu biến đổi biết đâu là nhà” “Cố hương” của Lỗ Tấn đã giúp khơi gợi ở lòng người những tình cảm cao đẹp đối với quê hương. Yêu quê không hẳn phải gắn bó với quê, yêu quê cũng chính là niềm mong mỏi một cuộc sống tốt đẹp hơn cho quê hương, khát khao thay đổi, phá tan màn đêm đang bao trùm lên quê hương yêu dấu.

Hướng dẫn viết bài văn phân tích và nêu cảm nghĩ cảm nhận về truyện ngắn “Cố hương” của Lỗ Tấn có dàn ý chi tiết và bài viết tham khảo

Lỗ Tấn là nhà văn nổi tiếng Trung Quốc. Ông sinh trưởng trong một gia đình quan lại sa sút. Lỗ tấn dành cả đời mình để cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Ông là nhà văn của nhân dân lao động Trung Quốc dưới ách áp bức bóc lột của chế độ phong kiến Trung Quốc. Lỗ Tấn đã để lại một số lượng các tác phẩm rất đồ sộ: gồm 17 tập văn và 2 tập truyện ngắn. Một số các tác phẩm tiêu biểu như: AQ chính truyện, Thuốc, Nhật kí người điên... Trong các tác phẩm của ông, người đọc thấy hiện lên không khí ngột ngạt của xã hội Trung Quốc trước cách mạng và sự mê muội của nhân dân dưới ách thống trị của triều đình phong kiến. “Cố hương” là truyện ngắn nổi bật trong tập “Gào thét”. Thông qua tường thuật chuyến về quê cuối của nhân vật “tôi”, tác giả đã khắc họa bức tranh hiện thực về nông thôn Trung Quốc thời bấy giờ, đồng thời đặt ra vấn đề đường đi cho người nông dân và cho toàn xã hội. Từ đó ta thấy nhà văn không chỉ là người uyên thâm, lỗi lạc mà còn có một trái tim giàu tình yêu thương.

DÀN Ý BÀI VĂN PHÂN TÍCH TRUYỆN NGẮN “CỐ HƯƠNG”
1.MỞ BÀI
Giới thiệu truyện ngắn “Cố hương”

2. THÂN BÀI
Cảnh vật cố hương: lạnh lẽo, tiêu điều, đìu hiu
Tâm trạng của tác giả: buồn, xót xa

Con người quê hương:
Nhuận Thổ:
Quá khứ: khỏe mạnh, lanh lợi, tháo vát
Hiện tại: già nua, nghèo khổ, đần độn

Chị Hai Dương
Quá khứ: xinh xắn, có duyên
Hiện tại: xấu xí, kệch cỡm, tham lam, trơ tráo
Trên đường rời xa quê
Tác giả không cảm thấy lưu luyến, chỉ thấy lẻ loi, ngột ngạt
Hình ảnh con đường: hi vọng một tương lai tốt đẹp hơn
Đánh giá:
Nội dung: hiện trạng xã hội phong kiến Trung Quốc
Nghệ thuật: miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật; kết hợp tự sự, miêu tả, biểu cảm, nghị luận; sáng tạo hình ảnh biểu tượng giàu ý nghĩa triết lí

3. KẾT BÀI
Khẳng định lại ý nghĩa của truyện ngắn

BÀI VĂN PHÂN TÍCH TRUYỆN NGẮN “CỐ HƯƠNG” CỦA LỖ TẤN
Tình yêu quê hương dường như là thứ tình cảm luôn thường trực trong mỗi con người. Lúc còn bé, tình yêu quê gắn với yêu gia đình, yêu những cảnh vật bình dị của quê hương. Khi lớn lên, yêu quê là nỗi nhớ mong cồn cào, da diết mỗi lần phải xa quê, là háo hức, mong chờ khi được trở về nơi chốn ta đã sinh ra và lớn lên. Tình yêu quê luôn được các nhà văn truyền tải hết sức chân thành, mộc mạc trong các tác phẩm của mình. Đến với “Cố hương” của Lỗ Tấn, ta sẽ cùng với nhà văn làm cuộc hành trình đi về miền quê cũ, tuy rằng miền quê ấy giờ đây đã đổi khác và chẳng còn vẹn nguyên, tươi đẹp như xưa.

Sau hơn hai mươi năm xa cách, nhân vật tôi vượt qua hai ngàn dặm trong mùa đông lạnh giá để trở về thăm quê cũ. Đối với một người con xa quê, trở về chốn xưa chắc hẳn trong lòng ít nhiều sẽ có những mong đợi, háo hức, nhớ thương. Thế nhưng, cảnh vật quê hương thu vào tầm mắt nhân vật “tôi” là “thôn xóm tiêu điều, hoang vắng nằm im lìm dưới trời vàng úa”. Cảnh vật nhuốm màu thê lương, hoang vắng, hiu quạnh không khỏi khiến cho con người có cảm giác buồn. Đó cũng chính bức tranh làng quê ảm đạm, sa sút, héo hon của xã hội Trung Quốc đầu thế kỉ 20. Cảnh vật làng quê vốn vẫn thê lương như xưa, hay phải chăng do tâm trạng con người nên nó mới trở nên như thế? Lần về quê này của nhân vật “tôi” cũng là lần trở về cuối cùng, trở về để “vĩnh biệt ngôi nhà yêu dấu và từ giã làng cũ thân yêu đem gia đình đến nơi đất khách tôi đang làm ăn sinh sống”. Cái buồn của cảnh vật cùng cái buồn trong tâm làm lòng người vốn đã tê tái nay lại càng thêm muôn phần xót xa.

Không chỉ cảnh quê thay đổi, mà con người quê giờ đây cũng đã đổi khác. Tác giả khéo léo kết hợp đan xen giữa quá khứ và hiện tại. Hai nhân vật được tác giả tập trung miêu tả là Nhuận Thổ và chị Hai Dương. Nhuận Thổ trong quá khứ có khuôn mặt tròn trĩnh, nước da bánh mật, cổ đeo vòng bạc, bàn tay hồng hào lanh lẹ mập mạp, đầu đội mũ lông chiên bé tí tẹo. Hình ảnh Nhuận Thổ gợi về biết bao kỉ niệm tươi đẹp trong quá khứ, đó là những câu chuyện về bẫy chim, canh dưa, nhặt vỏ sò. Và lúc nhỏ, giữa hai người cũng không bị ngăn cách bởi địa vị xã hội, tình cảm hoàn toàn chân thành, trong sáng. Thời gian đã làm cho Nhuận Thổ của hiện tại trở thành người nông dân già nua, đần độn, mụ mẫm, nghèo khổ, cam chịu số phận: cao gấp đôi trước, da vàng sạm, có nếp nhăn sâu hoắm, đội mũ lông chiên rách bươm, cảm thấy khổ không nói được hết... Đặc biệt là sự thay đổi trong thái độ đối với nhân vật tôi: tỏ ra rụt rè, nói năng thiểu não, xưng hô cung kính. Còn chị Hai Dương hay nàng Tây Thi đậu phụ trong quá khứ xinh xắn, có duyên bán hàng bao nhiêu thì bây giờ đanh đá, nanh lọc, vô duyên, tham lam, trơ tráo bấy nhiêu. Bằng sự so sánh tương phản, giọng điệu trần thuật chua chát, những con người quê hiện lên trong sự ngậm ngùi, xót xa của tác giả. Nếu như Nhuận Thổ dù có nghèo khó nhưng vẫn giữ được bản chất hiền lành, lương thiện của người nông dân thì chị Hai Dương đã bị biến chất, thay đổi cả về ngoại hình lẫn tính cách. Hình ảnh chị Hai Dương chính là biểu hiện cho sự tha hóa, suy đồi về lối sống và đặc điểm ở làng quê. Nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi ấy có cả khách quan lần chủ quan. Một phần là do mất mùa, sưu cao thuế nặng, lính tráng, trộm cắp, quan lại, thân hào, một phần là do con người không chịu thay đổi, đần độn, mụ mẫm...

Nhân vật tôi rời quê mà không có chút gì lưu luyến, chỉ thấy vô cùng lẻ loi, ngột ngạt. Truyện khép lại trong sự suy ngẫm đầy tính triết lí của nhà văn: “Kì thực trên mặt đất làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi”. Trong cái xót xa, cay đắng vẫn không nguôi hi vọng về tương lai. Tác giả đặt ra vấn đề lớn lao phải thay đổi thực tại, cần xây dựng những con đường mới, những cuộc sống mới tốt đẹp hơn cho mai sau.

Bằng nghệ thuật miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật, sự kết hợp giữa tự sự, miêu tả, biểu cảm và nghị luận, sáng tạo hình ảnh biểu tượng giàu ý nghĩa triết lí, Lỗ Tấn đã phơi bày thực trạng xã hội phong kiến Trung Quốc lúc bấy giờ. Tác phẩm vì thế càng có giá trị hiện thực sâu sắc.
“Quê hương nghĩa nặng tình sâu
Bể dâu biến đổi biết đâu là nhà”

“Cố hương” của Lỗ Tấn đã giúp khơi gợi ở lòng người những tình cảm cao đẹp đối với quê hương. Yêu quê không hẳn phải gắn bó với quê, yêu quê cũng chính là niềm mong mỏi một cuộc sống tốt đẹp hơn cho quê hương, khát khao thay đổi, phá tan màn đêm đang bao trùm lên quê hương yêu dấu.
0