Phân tích bài thơ Tự tình II của Hồ Xuân Hương (dàn ý và bài làm tham khảo)
Phân tích bài thơ Tự tình II của Hồ Xuân Hương (dàn ý và bài làm tham khảo) Dàn ý chi tiết 1. Mở bài: – Giới thiệu tác giả: Hồ Xuân Hương – bà chúa thơ Nôm, là một nhà thơ nữ nổi tiếng của VN – Giới thiệu tác phẩm: Nằm ...
Phân tích bài thơ Tự tình II của Hồ Xuân Hương (dàn ý và bài làm tham khảo)
Dàn ý chi tiết
1. Mở bài:
– Giới thiệu tác giả: Hồ Xuân Hương – bà chúa thơ Nôm, là một nhà thơ nữ nổi tiếng của VN
– Giới thiệu tác phẩm: Nằm trong chùm 3 bài thơ Tự tình, đây là bài thơ thứ 2 trong chùm ba bài thơ đó. Bài thơ thể hiện nỗi buồn và tâm sự của nhà thơ về số phận lẻ loi của mình và niềm khát khao có được hạnh phúc.
2. Thân bài:
a. Hai câu đề.
“Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn
Trơ cái hồng nhan với nước non.”
– Thời gian: Đêm khuya – lúc mọi vật chìm trong bóng tối.
– Âm thanh: Trống canh.
– Từ ngữ: +Văng vẳng’- từ láy tượng thanh, những âm thanh nhỏ từ xa vọng đến.
– > Gợi cái im vắng của không gian (NT lấy động tả tĩnh)
+ ‘Dồn’ – âm thanh dồn dập gấp gáp như thúc giục về mặt thời gian.
– Hồng nhan: Phận má hồng – hình ảnh ẩn dụ cho người con gái.
– Trơ: Nghệ thuật đảo ngữ – Nhấm mạnh sự lẻ loi, trơ trọi, cảm xúc bẽ bàng, trơ trẽn.
=> Hai câu thơ diễn tả sự cô đơn, lẻ loi của người phụ nữ giữa đêm khuya thanh vắng.
b. Hai câu thực.
‘Chém rượu hương đưa say lại tỉnh
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.’
– Chén rượu: Tâm trạng buồn, mang rượu ra giải sầu nhưng càng uống lại càng tỉnh, lúc tỉnh lại càng buồn thêm.
– Vầng trăng: Tượng trưng cho sự hẹn thề, mối nhân duyên.
– Bóng xế khuyết chưa tròn: Nhân duyên còn dang dở, hạnh phúc còn chưa trọn vẹn.
=> Hạnh phúc chưa trọn, tình yêu dang dở, niềm khao khát có được hạnh phúc.
c. Hai câu luận
“Xiên ngang mặt đất rêu từng đám
Đâm toạc chân mây đá mấy hòn”
– Nghệ thuật đảo ngữ
– Rêu từng đám, đá mấy hòn: sự ít ỏi, nhỏ bé trên nền không gian bao la, rộng lớn.
-> Ẩn dụ cho thân phận lẻ loi cô đơn của nvtt.
– Xiên ngang, đâm toạc: Động từ mạnh
-> Mạnh mẽ, quyết liệt vùng lên đấu tranh của người phụ nữ.
=> Khát vọng “nổi loạn”: phá tung đạp đổ tất cả những trói buộc, đứng lên khẳng định chỗ đứng của mình.
d. Hai câu kết.
“Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại
Mảnh tình sang sẻ tí con con.”
– Ngán: Chán nản, tuyệt vọng.
– Xuân: Mùa xuân theo quy luật tự nhiên cũng như tuổi xuân của người con gái. Mùa xuân qua đi lại trở lại theo quy luật thế nhưng tuổi xuân của người con gái một đi không trở lại.
=> Ý thức về sự hữu hạn của thời gian cũng như sự hữu hạn của đời người.
– Mảnh tình: chút tình cảm nhỏ nhoi – lại còn phải san sẻ – cuối cùng chỉ còn là “tí con con” – nhỏ nhoi không đáng kể.
=> Niềm khát khao hạnh phúc tình yêu – một tình yêu nồng thắm một hạnh phúc trọn vẹn đủ đầy.
3. Kết bài:
Nhận xét, đánh giá
Suy ngẫm của bản thân.
Bài làm tham khảo
Hồ Xuân Hương – nữ sĩ số một trong nền văn học Việt Nam. Bà được Xuân Diệu mệnh danh là ‘bà chúa thơ Nôm’ bởi thơ bà là tiếng nhạc tâm tình da diết, là tiếng nói đồng cảm cho những người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Bà đã để lại cho nền văn học Việt Nam không ít tác phẩm có giá trị như bánh trôi nước, cái quạt, mời trầu và không thể không kể đến chùm ba bài thơ tự tình; tiêu biểu trong số đó là bài thơ Tự tình II. Bài thơ là tiếng lòng buồn tủi, xót xa trước tâm trạng cô đơn và khát khao có được hạnh phúc trọn vẹn của ngườ phụ nữ.
“Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn
…
Mảnh tình san sẻ tí con con.”
Đêm khuya, khi mọi vật chìm trong bóng tối ‘vẳng vẳng’ tiếng trống điểm canh từ một chòi xa đưa lại như phá tan không gian yên tĩnh xung quanh.Tiếng trống dồn dập như thúc giục về mặt thời gian. Nhân vật trữ tình như cảm nhận được sự vận động của thời gian. Thời gian cứ theo hồi trống mà trôi đi để lại nỗi buồn nặng trĩu nơi người con gái bạc mệnh.Dường như bà đang lắng tai nghe từng tiếng động nhỏ, từng bước đi của thời gian:
“Tiếng gà văng vẳng gáy trên bom
Oán hận trông ra khắp mọi tròm.”
(Tự tình I)
Từ ‘trơ’ được đảo lên đầu câu nhấn mạnh sự cô độc, trơ trọi và dường như là tâm trạng bẽ bàng, trơ trẽn của người phụ nữ. ‘Hồng nhan’ – sắc đẹp của người phụ nữ lại bị gọi là ‘cái’ như một sự mỉa mai, châm trọc. Hồng nhan lại so với nước non không chỉ là sự cay đắng, tủi hổ mà còn là nỗi xót xa, thấm thía, càng ngẫm càng thương thân.
Trong cái hoàn cảnh cô đơn, buồn tủi ấy, Hồ Xuân Hương càng tuyệt vọng không lối thoát, bà mượn rượu giải sầu:
“Chén rượu hương đưa say lại tỉnh
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.”
Khi sầu, người ta thường làm bạn với rượu, để có thể quên đi mọi thứ không vui, những nỗi đau. Ở đây Hồ Xuân Hương cũng vậy, bà mượn rượu giải sầu thế nhưng càng uống lại càng tỉnh, nỗi buồn lại thêm chồng chất. Cụm từ “say lại tỉnh” gợi lên như một vòng tròn luẩn quẩn, tình duyên là một trò đùa. Hương rượu nồng nàn quyện cùng nỗi buồn tủi xót xa khiến người phụ nữ chìm trong tuyệt vọng. Bà đưa mắt nhìn lên bầu trời rồi vô tình bắt gặp ‘vầng trăng bóng xế’. Tình và cảnh như hòa chung một nhịp. Đêm sắp tàn mà trăng thì chưa tròn đã xế cũng giống như người con gái tuổi xuân đã qua mà hạnh phúc chưa trọn. Hương rượu để lại vị đắng chát, hương tình thoảng qua chỉ còn phận hẩm duyên ôi đầy xót xa để rồi người con gái tỏ lòng phẫn uất ấy vào thiên nhiên, để thiên nhiên bày tỏ.
“Xiên ngang mặt đất rêu từng đám
Đâm toạc chân mây đá mấy hòn.”
Thiên nhiên trong thơ HXH cũng như mang một nỗi niềm oan hận, phẫn uất bởi:
“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.”
(Nguyễn Du)
Hai câu thơ này cũng có thể hiểu là đảo ngữ: rêu từng đám xiên ngang mặt đất, còn đá mấy hòn vươn lên đâm toạc chân mây. Những đám rêu kia tuy mềm yếu nhưng dám mọc lên xiên ngang mặt đất, đá kia tuy cứng nhưng nay còn muốn đâm toạc chân mây. Biện pháp đảo ngữ trong hai câu luận đã làm nổi bật lên sự phẫn uất của thân phận rêu, đá. Các động từ mạnh như ‘xiên ngang’ ‘đâm toạc’ đã cho thấy sức mạnh, sự ngang ngạnh của người phụ nữ ẩn mình sau hình ảnh của rêu, đá. Nó thể hiện cá tính manh mẽ, táo bạo của chính Hồ Xuân Hương.
Hai câu kết chính là kết tinh của sự chán nản, sự tuyệt vọng, khi những nỗi tủi hờn được đẩy lên đỉnh điểm:
“Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại
Mảnh tình san sẻ tí con con.”
Xuân theo quy luật của tạo hóa, của tự nhiên cứ qua đi lại trở lại, cứ thế tuần hoàn thế nhưng tuổi xuân người con gái một đi không trở lại. Mùa xuân đến đáng nhẽ con người phải hào hứng đón nhận thế nhưng mùa xuân ở đâu quay lại với những nỗi chán chường, với tuổi đời ngày một chồng chất. Sự trở lại của mùa xuân đồng nghĩa với sự ra đi của tuổi trẻ. Biết bao chua chát, chán ngán, nặng nề mà Hồ Xuân Hương gửi vào trong chữ “lại” đầu tiên rồi càng thêm chua xót khi hai chữ “lại” cùng đặt cạnh nhau trong cùng một câu thơ.
“Mảnh tình san sẻ tí con con.”
Nghệ thuật tăng tiến trong câu thơ cuối cùng làm nghịch cảnh thêm éo le hơn. ‘Mảnh tình’ là thứ vô hình nhưng đối với HXH lại trở thành hữu hình. Nó có thể đem ra cân, đong, đo, đếm thậm chí ‘san sẻ’. Tình chỉ có một mảnh mà lại phải đem ra san sẻ để rồi còn lại chỉ là ‘tí con con’. Bởi lẽ “Hạnh phúc luôn là chiếc chăn quá hẹp.” Đây cũng chính là nỗi lòng của người phụ nữ trong xã hội xưa:
“Chém cha cái kiếp lấy chồng chung
Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng.”
(Làm lẽ)
Bằng những từ ngữ giản dị, chân thực ‘Bà chúa thơ nôm’ đã thể hiện thành công nỗi tủi nhục, chua xót của những số phận người con gái bạc mệnh. Không chỉ vậy, bài thơ Tự tình II còn là khao khát có được hạnh phúc, có được tình yêu trọn vẹn của người phụ nữ có duyên phận hẩm hiu. Trong cái xã hội lúc bấy giờ dường như có khao khát đến đâu, có mạnh mẽ đến đâu thì người phụ nữ cũng bị đẩy xuống đáy của đau khổ, đáy của bi kịch. Chính vì thế bài thơ còn là tiếng lòng đồng cảm, tiếng nói lên án xã hội Pk và tiếng nói kêu gọi mọi người hãy chung tay bảo vệ, quan tâm đến quyền được sống, quyền được trân trọng, được yêu thương của những người phụ nữ.
Đỗ Thị Thu Trang
Lớp 11A6 – Trường THPT Nghĩa Dân, Kim Động, Hưng Yên