Thái Bình Thiên Quốc chiến tranh toàn sử (Bài 1)
Phần 1. Sức mạnh chiến lược toàn cục Tác giả Hoắc Chi Thanh Đỗ Trung Thành dịch Kinh tế xã hội làm trầm trọng thêm nguy cơ. Từ khởi nghĩa Kim Điền tới khi chiếm được Nam Kinh là giai đoạn hưng vượng của quân Thái Bình Thiên Quốc, đây là thời kỳ quan trọng, là giai ...
Phần 1. Sức mạnh chiến lược toàn cục
Tác giả Hoắc Chi Thanh
Đỗ Trung Thành dịch
- Kinh tế xã hội làm trầm trọng thêm nguy cơ.
Từ khởi nghĩa Kim Điền tới khi chiếm được Nam Kinh là giai đoạn hưng vượng của quân Thái Bình Thiên Quốc, đây là thời kỳ quan trọng, là giai đoạn quân Thái Bình tổ chức, xây dựng và phát triển. Quân Thái Bình, để sinh tồn, phát triển và đạt được mục tiêu chính trị vĩ đại là lật đổ triều đình nhà Thanh đã dựng cờ khởi nghĩa ở thôn Kim Điền, huyện Quế Bình, tỉnh Quảng Tây, trong sự bao vây tiêu diệt của quân Thanh và lực lượng vũ trang địa chủ, quanh co khúc khuỷu, liên tục chiến đấu gian khổ đã từng bước xác lập phương hướng chiến lược nhất định, đã hình thành nên chiến lược chiến thuật độc đáo của riêng mình, giành được những thắng lợi huy hoàng trong thời kỳ đầu của cuộc chiến, có ảnh hưởng sâu sắc và trực tiếp tới tiến trình phát triển của cuộc chiến sau này. Vì vậy, khảo sát và nghiên cứu lịch sử khởi phát của quân Thái Bình chính là bước mở đầu của việc nghiên cứu toàn bộ lịch sử của cuộc chiến tranh Thái Bình Thiên Quốc.
Về mặt biểu hiện thì chiến tranh là sự xung đột và đọ sức nơi tiền tuyến của lực lượng vũ trang song phương đối địch, việc thắng thua phụ thuộc vào sự tổng hợp của các nhân tố như thực lực quân sự, sĩ khí tinh thần chiến đấu và cách vận dụng chiến lược chiến thuật của đôi bên. Đây chính là khâu khảo sát mà các sử gia chiến tranh phải chú ý và nắm bắt. Nhưng chiến tranh thường là quá trình biến đổi dài lâu, gian khổ và đầy rẫy những rắc rối tráo trở, kết cục cuối cùng không hoàn toàn phụ thuộc vào sự thành bại được mất nhất thời nơi tiền tuyến mà chịu ảnh hưởng sâu sắc và khống chế của nhiều nhân tố. Trong đó, số lượng chiến lược hậu bị của đôi bên đối địch có vai trò hết sức quan trọng. Thế nhưng có chiến lược hậu bị và vận dụng, động viên trình độ và tốc độ của các lực lượng hậu bị có quan hệ rất lớn. Chiến lược hậu bị có thể chuyển hóa thành thực lực quân sự nơi tiền tuyến một cách nhanh chóng và hiệu quả hay không, cũng như trình độ chuyển biến được quyết định bởi cơ cấu chính quyền và năng lực quản lý động viên của thể chế đó, hiệu suất và sức hiệu triệu, bao gồm việc làm cho phù hợp và động viên lòng dân. Do đó khi chúng ta khảo sát và so sánh tài nguyên chiến lược hậu bị của quân Thanh và quân Thái Bình, phải phân tích đặc trưng về chính trị, năng lực kinh tế của song phương, nghiên cứu thảo luận và khảo sát so sánh cơ chế, hiệu ứng tổ chức và động viên hậu bị của họ, mới có thể đưa ra được sự so sánh tình trạng lực lượng tương đối toàn diện và khách quan.
Nền tảng của chiến lược hậu bị là trình độ phát triển của sức sản xuất. Đầu triều Thanh, do xảy ra chiến tranh nông dân thời Minh mạt và cuộc đấu tranh của dân tộc Hán phản kháng triều đình ngoại tộc, buộc Thanh triều phải cải cách những chính sách gây tổn hại cuối triều Minh, điều chỉnh một số mối quan hệ sản xuất phong kiến, thực thi một số chính sách kinh tế, chính trị ôn hòa và mang tính liên tục, đặc biệt là “than đinh nhập mẫu”, bãi bỏ thuế đinh là cải cách thuế khóa rất trọng đại, thả lỏng việc phụ thuộc con người của nông dân đối với quốc gia phong kiến, đề cao việc sản xuất tích trữ của họ. Hơn nữa, sau khi trải qua mấy chục năm chiến loạn, dân số giảm mạnh, đất đai hoang vu, sức sản xuất suy giảm. Thanh triều ra sức động viên và tổ chức nông dân khai khẩn đất hoang, khiến cho họ an cư lạc nghiệp, kinh tế xã hội từng bước được khôi phục và phát triển, sức sản xuất cũng không ngừng được nâng cao, thu nhập tài chính của triều đình vì thế mà tăng trưởng vững chắc. Thời Ung Chính, nơi khởi nguồn của chiến tranh nông dân cuối triều Minh là Thiểm Tây được ra sức khai khẩn, kinh tế hưng vượng, xã hội ổn định. Vùng Giang Tô lại càng phồn vinh, giá mỗi thạch gạo chỉ 0,6 – 0,8 lạng bạc, đời sống nhân dân tương đối sung túc. Ngân khố trung ương tích trữ được hơn 40 triệu lạng bạc trắng, tương đương với thu nhập tài chính trong một năm. Vì vậy được các sử gia phong kiến ca tụng là thịnh thế.
Tuy nhiên, kết cấu kinh tế của Thanh triều vẫn chưa vượt ra khỏi mô hình kinh tế tiểu nông truyền thống. Về kết cấu sản nghiệp mà nói, là sự kết hợp chặt chẽ giữa nông nghiệp và thủ công nghiệp hộ gia đình, lấy gia đình làm đơn vị sản xuất cơ bản nhất, hơn 90% số dân làm nông nghiệp phân tán. Công thương nghiệp rất không phát triển, bị kìm hãm và kì thị của xã hội trong một thời gian dài, việc sản xuất và trao đổi hàng hóa còn trong giai đoạn sơ khởi, vẫn còn chưa dẫn tới hình thái của chủ nghĩa tư bản cận đại. Về mặt quan hệ sản xuất, ruộng đất tư hữu và hình thức thu tô dẫn tới sự tách rời quyền sở hữu ruộng đất và quyền kinh doanh. Hộ nông dân tự canh, tá điền trên một diện tích đất đai nhỏ hẹp, sử dụng công cụ sản xuất thô sơ, làm những công việc lao động đơn giản nam cày nữ dệt, mục đích chỉ là sự tồn tại và no ấm của nhân khẩu trong nhà, hình thái kinh tế tự nhiên tự cấp tự túc được đời đời tiếp nối, hình thành nên một khung sản xuất ổn định lâu dài. Cho dù là giai đoạn thịnh thế của triều Thanh thì vẫn là hình thái kinh tế như vậy, cơ bản chỉ là tái bản sự phồn vinh của những triều đại trước, còn cách kinh tế hàng hóa của chủ nghĩa tư bản hiện đại quãng đường rất xa. Vì thế, Thanh triều không cách tránh khỏi những mâu thuẫn nội tại cố hữu trong lòng xã hội truyền thống, mà còn ngày càng bộc lộ rõ nét thời kỳ sau đời Càn Long, nung nấu thành nguy cơ nghiêm trọng của kinh tế xã hội, phong kiến thống trị nhà Thanh từ Khang Càn thịnh thế đã không ngừng sa vào dẫn tới sự suy thoái ở những năm Gia Khánh Đạo Quang.
Trước tiên, Thanh triều phải đối mặt với khó khăn giống như những triều đại trước: giai cấp địa chủ không ngừng gia tăng thôn tính ruộng đất và phong kiến bóc lột, khiến cho phần lớn hộ nông dân tự canh phá sản, mất đi ruộng đất, trở thành tá điền hoặc lưu dân; tá điền lại càng chẳng còn hi vọng có được ruộng đất, đồng thời họ còn phải đối mặt với nguy cơ bị cưỡng đoạt thêm nhiều sức lao động, bị buộc phải chấp nhận những điều kiện hà khắc, chấp nhận mức tô càng nặng nề hơn trước. Bởi thế, tình trạng bần cùng hoá giai cấp nông dân trở nên phổ biến, đẩy họ vào hoàn cảnh đói rét vô cùng bi thảm. Triều đình nhà Thanh đối với vấn đề này rất thờ ơ vô cảm, không một kế sách giải quyết lo liệu, số lượng dân đói, dân lưu lạc ngày càng tăng, mâu thuẫn giai cấp xã hội ngày càng nghiêm trọng, nguy cơ kinh tế vì thế dẫn tới đấu tranh chính trị, cung cấp điều kiện xã hội ngày càng chín muồi cho các cuộc khởi nghĩa nông dân.
Thanh triều còn phải đối mặt với những khó khăn về mặt xã hội do sự bùng nổ dân số mang lại, một điều hiếm gặp ở những triều đại trước đó. Thời kì đầu triều Thanh, do chiến loạn kéo dài, dân số giảm mạnh, đất rộng người thưa, triều đình thi hành chính sách giảm thuế lao dịch, khuyến khích khai khẩn, cơ chế kinh tế tiểu nông được tái sinh, phát huy hết mức, sức sản xuất nhanh chóng được phục hồi và từng bước phát triển. Thế nhưng, Thanh triều lại tiến hành chính sách khuyến khích sinh sản, từ “tư sinh nhân đinh, vĩnh bất gia phú” thời Khang Hy tới “than đinh nhân mẫu” thời Ung Chính đều xoá bỏ thuế đầu người, cổ vũ khuyến khích nhân dân sinh nở. Đồng thời, trong việc sinh nở thì cả kẻ thống trị lẫn người dân trước nay đều chịu sự chi phối bởi quan niệm truyền thống về nhân khẩu. Thêm vào việc xã hội ổn định, kinh tế từng bước phát triển đã cung cấp điều kiện thuận lợi cho việc tăng sức sinh nở. Vậy là dân số phồng lên nhanh chóng, trong vòng 100 năm từ năm Càn Long thứ 6 (1741) tới năm Đạo Quang thứ 20 (1840), dân số từ 140 triệu tăng vụt lên tới 410 triệu, tăng 270 triệu, hiện tượng này trước nay chưa từng xảy ra, khiến cho Trung Quốc hình thành cơ số dân số khổng lồ, đến nay vẫn trở thành bài toán khó cho việc phát triển kinh tế và xã hội.
Thanh triều là xã hội nông nghiệp lấy nông nghiệp làm nền tảng quốc gia, việc sản xuất của cải vật chất cơ bản dựa vào nông nghiệp. Do sự hạn chế của diện tích đất đai và điều kiện tự nhiên, sản lượng nông nghiệp tăng trưởng chậm chạp, biên độ tăng trưởng có hạn. Thanh triều kế thừa chính sách kinh tế trọng nông khinh thương của các triều đại trước, dùng quyền lực hành chính và tuyên truyền giáo hóa đánh giá thấp, áp chế công thương nghiệp, cưỡng chế trói buộc phần lớn dân số trong vùng diện tích đất nông nghiệp có hạn, khiến cho tài nguyên sức lao động trở nên hết sức lãng phí, cũng không thể điều chỉnh và thay đổi kết cấu sản nghiệp và mô hình nông nghiệp hiện hành, mở mang tài nguyên công thương nghiệp để sản xuất ra của cải cho xã hội, cung cấp thêm việc làm và tư liệu sản xuất mới cho việc bùng nổ dân số. Theo đó, tới giai đoạn giữa triều Thanh, những mâu thuẫn từ việc bùng nổ dân số và mức tăng trưởng không đáng kể của sức sản xuất nông nghiệp đã dần bộc lộ. Quy mô sản xuất nông nghiệp vốn dĩ chịu sự giới hạn trong mô thức tái sản xuất đơn giản, duy trì sự sinh kế hộ nhà nông và sự tiếp diễn của xã hội. Việc bùng nổ dân số đã dẫn tới sự va chạm và phá vỡ sự xoay vòng được duy trì lâu dài của mô thức tái sản xuất đơn giản. Nếu như nói thời kì đầu triều Thanh, áp lực về dân số tương đối nhỏ, tới giữa thời Càn Long, bình quân đất canh tác tính trên đầu người còn được duy trì ở mức 4,25 mẫu, lượng lương thực do nông nghiệp cung cấp vẫn đủ khả năng nuôi sống người dân, còn dư đôi chút để tích trữ, mâu thuẫn xã hội nói chung vẫn ở mức hòa hoãn, biểu tượng của sự thịnh thế vẫn được duy trì. Đến thời Thanh mạt, giữa những năm Gia Khánh Đạo Quang bình quân đất canh tác tính trên đầu người đã giảm xuống còn 2,19 mẫu, nền kinh tế nông nghiệp đã vô cùng khốn quẫn, khó duy trì nổi sinh kế của hơn 300 triệu người, giá lương thực cao vọt, giá mỗi thạch gạo chưa tới 1000 quan tiền thời Khang Hy nay lên tới 3000 quan tiền. Những năm trị vì cuối cùng, vua Càn Long đã phát giác ra nguy cơ về lương thực, hạ chỉ dụ cho các tỉnh mở rộng diện tích trồng khoai, “tiếp tế lương thực cho dân”. Khi ông ta tuyên bố truyền ngôi cho Gia Khánh, lưu dân, dân đói đã chịu không nổi mất mùa đói kém, năm 1796, Bạch Liên giáo phát động khởi nghĩa quy mô lớn, kéo dài 9 năm, ảnh hưởng đến 9 tỉnh. Quân Thanh nhiều lần thất bại, triều đình phải chiêu mộ lính hương dũng làm chủ lực, đàn áp đẫm máu cuộc khởi nghĩa, số người chết lên tới hơn 11 triệu. Hàm Phong lên ngôi cũng là lúc phong trào Thái Bình Thiên Quốc mới nổ ra, bình quân đất canh tác tính trên đầu người là 1,78 mẫu, nơi khởi nguồn của cuộc khởi nghĩa là Quảng Tây chỉ còn 1,2 mẫu, dân lưu lạc đầy rẫy, gia nhập giang hồ, vào nhà cướp của, Thiên địa hội lấy nơi đây làm nơi tụ tập, lấy dân lưu tán làm nguồn nhân lực. Đây chính là điều kiện quan trọng để phong trào Thái Bình Thiên Quốc nổi dậy và lan rộng ra toàn quốc.
Những trình bày và phân tích ở trên chỉ là phép hoán đổi ngạch độ bình quân giữa dân số và đất đai, mượn để phân tích và chứng minh việc dân số bùng nổ dẫn tới xu thế chung về nguy cơ kinh tế và xã hội. Đối với vấn đề này, những kẻ sĩ có tri thức đã cảnh giác. Thời Càn Long, học giả trứ danh Hồng Lượng Cát đã cảnh báo triều đình, số lượng nhân khẩu đã bão hòa, đã gần kề bờ ấm no “một người thu nhập một năm 4 mẫu ruộng”, nếu còn tiếp tục tăng thêm tất sẽ dẫn đến nguy cơ(1) (Hồng Giang Bắc thi văn tập), (Thí các văn giáp tập), có người còn cảnh báo vua Càn Long: “dân số đông là nguyên nhân đầu tiên của trăm thứ bệnh”(2) (Thanh Cao Tông thực lục) (quyển 331) nhưng không được triều dã để tâm, càng không có bất cứ đối sách nào. Ngược lại, Thanh triều vẫn đắm say trong tiếng ngợi ca thái bình thịnh thế, coi việc dân số bùng nổ là dấu hiệu quan trọng của thời thịnh thế, cho biểu dương và khẳng định. Vì thế nguy cơ bùng nổ dân số không những không bị ngăn chặn mà diễn ra với tốc độ nhanh chóng và mãnh liệt. Mấy chục năm sau, dần dần ở vào tình thế chỉ tăng chứ không giảm, rất khó ngăn chặn.
Dân số bùng nổ làm trầm trọng thêm vấn đề về đất đai. Người đông đất chật, ruộng đất eo hẹp, giá đất cao vọt, người nông dân tự canh nói chung không thể mua được điền sản, quan lại, thân sỹ giàu có, địa chủ thừa dịp điên cuồng thôn tính đất đai, khiến cho xu hướng tập trung ruộng đất không ngừng gia tăng mạnh mẽ. Thời Càn Long, tình trạng thôn tính đã cực kỳ nghiêm trọng, “trong 10 người thì 1,2 kẻ sở hữu đất đai, 3,4 người không có ruộng để cày, còn tá điền thì chiếm đến 4,5 người”(1). Cho tới trước cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc, tình hình càng thêm tồi tệ, ở các huyện đông nam Quảng Tây, 80-90% đất đai nằm trong tay địa chủ(2). Giá địa tô cũng không ngừng tăng cao, thường là trên 5 phần, thậm chí cao tới 7-8 phần. Phần lớn tá điền không gánh vác nổi mức tô quá cao, “vì thế thường có những người phải bán cả con cái”(3) (Quế Bình huyện chí) (Dân quốc năm thứ 9, quyển 29, trang 3), một số lượng lớn nông dân bị ép phải rời bỏ quê hương, trở thành lưu dân, mất đi nguồn sinh kế, lưu lạc tha hương. Chỉ riêng thành Bắc Kinh đã có 10 vạn ăn mày. Cho dù vào năm mưa thuận gió hòa được mùa, cũng có số lượng lớn dân số lưu động đến những vùng biên thùy dân cư thưa thớt. Dân số các tỉnh vùng đông bắc, tây nam, tây bắc tăng trưởng càng nhanh, trong đó tỉnh Quảng Tây là do những cuộc di dân lớn từ Quảng Đông, Phúc Kiến, Hồ Nam, khiến cho vấn đề dân số, đất đai càng thêm trầm trọng. Mâu thuẫn giữa người nhập cư và bản địa từ đó phát sinh, bất cứ lúc nào cũng có thể xảy ra xung đột, tranh đoạt đất đai và các tài nguyên khác, trầm trọng thêm tình trạng bất ổn xã hội trong tỉnh. Nếu như vào năm có thiên tai hạn hán, tình hình còn tồi tệ hơn. Từ năm 1841 đến năm 1843, Hoàng Hà liên tục xảy ra vỡ đê 3 lần, cả một vùng đất giữa Hoàng Hà và Hoài Hà bị ngập úng; Từ năm 1846 đến năm 1850, hơn 500 châu huyện ở lưu vực sông Hoàng Hà và hơn 600 châu huyện ở lưu vực sông Trường Giang đều bị thiên tai ở các mức khác nhau. Khoảng thời gian 10 năm sau chiến tranh nha phiến, hầu như năm nào ở Quảng Tây cũng xảy ra thiên tai, mức độ và phạm vi chịu thiên tai tuy có khác nhau nhưng cũng làm tăng thêm số dân đói và dân phiêu tán vốn đã tập trung đông đảo. Bọn họ không nhận được sự cứu tế và sắp xếp, chỉ có thể lưu lạc tha phương cầu thực, số người chết đói, chết rét nhiều vô số kể. Các tổ chức phản kháng như Bạch Liên giáo, Thiên Địa hội, Niệm đảng, Bái Thượng Đế giáo vv..thừa cơ mở rộng lực lượng, tổ chức khuyên răn dẫn dắt dân đói, dân lưu lạc tham gia đấu tranh phản Thanh, tìm con đường sống và phát triển. Dân số bùng nổ, đất đai bị thôn tính, liên tiếp mất mùa, dân đói khắp mọi nơi, dân lưu lạc tập trung, tất cả mọi vấn đề về kinh tế và xã hội liên đới lẫn nhau, đã cản trở, làm đình trệ sự phát triển bình thường của sức sản xuất xã hội, đem đến nguy cơ kinh tế nghiêm trọng chưa từng có, lại khiến cho các tổ chức phản kháng bí mật có được nguồn tài nguyên nhân lực hùng hậu và thời cơ rất tốt để phát động khởi nghĩa. Xã hội rối ren, ngày càng thêm loạn. Các thế lực phản kháng đang nhanh chóng tụ tập lực lượng, một cuộc cách mạng long trời lở đất sắp nổ ra. Ngay từ trước chiến tranh nha phiến, nhà lý luận trứ danh thuộc phái kinh thế là Cung Tự Trân đã nhạy bén cảm nhận được nguy cơ của sự suy thoái, dự báo những triệu chứng xã hội rất rối ren. Ông nói:
Bắt đầu từ kinh sư lan ra khắp nơi, đại khái hộ giàu trở thành hộ nghèo, hộ nghèo trở thành đói ăn. Kẻ đứng đầu tứ dân, bôn ba hạ tiện. Tình hình chung các tỉnh nguy cấp tới mức chi tiêu ngày tháng còn không nổi, rảnh rỗi mà hỏi thu nhập năm?!(1) (Cung Tự Trân toàn tập, trang 106)
Vì vậy, gió đã tích đủ thành bão, nó bao hàm những nguy cơ trầm trọng trong một thời gian dài. “Người mang đôi giày cỏ đi trên sương thu còn sợ hơn khi chịu băng giá, con chim trước cơn bão tố trong lòng còn bi thương hơn khi phiêu diêu trong gió mưa, thân thể tê liệt mất tri giác còn đáng sợ hơn khi đầy ung nhọt, bông hoa sắp héo rụng càng khiến người ta thương cảm hơn cành đã khô héo.”(2) (Giáp Ất chi tế trước nghị, thứ 9, Cung Tự Trân toàn tập, trang 7)Tư tưởng gia này đưa ra dự báo, “khi dân chốn núi rừng cất tiếng, trời đất lấy đó làm tiếng chuông tiếng trống, thần nhân lấy đó làm tiếng sóng.”(3) (tôn ẩn, Cung Tự Trân toàn tập, trang 88) Một sự thay đổi long trời sắp nổ ra.
Đối diện với suy thế, Cung Tự Trân chủ trương “biến pháp”, sau này có Ngụy Nguyên đề xuất “biến cổ”, tuy rằng hướng đi có sự khác biệt nhưng đều hướng đến mục tiêu chấn hưng Thanh triều, con đường đổi mới chính là thực hiện cải cách trong lòng chế độ. Chính là, dưới tiền đề bảo vệ thể chế chính trị kinh tế hiện hành, do chính Thanh đình thực thi một số những thay đổi thích hợp, để trừ bỏ tệ nạn ảnh hưởng chính trị, khắc phục nguy cơ, phục hồi thời thịnh thế.
Thế nhưng, kẻ chấp chính của triều đình lại thờ ơ không quan tâm, đã không có dự cảm về nguy cơ lại càng không có ý thức về sự khốn khó thì đương nhiên làm gì có biện pháp nào để ứng phó với những biến loạn tiềm ẩn. Sự kêu gào đòi thay đổi của những nhân sĩ phái kinh thế như Cung Tự Trân, Ngụy Nguyên chỉ là những suy nghĩ đơn lẻ của một số ít sĩ phu không quyền lực, không nhận được phản hồi tích cực của giới quan lại thân sĩ. Được kế thừa giang sơn thịnh thế, vua Càn Long tự cho là tài trí siêu phàm, dốc lòng mưu cầu xây dựng sự nghiệp vượt qua tiền nhân, vì vậy nhiều lần dụng binh, liên tục trưng dụng dân công, hao tốn một lượng lớn quốc khố. Triều thần đua nhau a dua nịnh nót, tâng bốc và tán dương chiến công hiển hách của vị hoàng đế này. Giữa thời Càn Long, đại học sĩ Hòa Khôn chuyên quyền, công khai ăn hối lộ, bẻ cong luật pháp, mua quan bán tước, gây dựng thế lực bè phái trong triều đình và ở các địa phương “việc trên dưới lừa dối lẫn nhau, học thuật suy mà nhân tài hỏng.”(1) Phần lớn kẻ sĩ thanh liêm chính trực bị biếm truất bài xích, trào lưu thanh chính nghiêm minh nơi quan trường chính trị thời Khang Hy – Ung Chính đã thay đổi, sa ngã xuống vũng bùn lầy hủ bại tham lam. Quan lại “lấy việc ăn uống mỹ sắc làm tri kỷ, liêm sỉ cốt ở danh tiếng, cướp lợi lộc là hiền tài, nghiên cứu nghĩa lý là mê hoặc.” Hoàng đế Gia Khánh tuy nghiêm trị Hòa Khôn, thanh lý Hòa đảng nhưng tệ nạn lại trị đã tích tụ bao năm qua đã không cách nào trừ bỏ được. Vua Đạo Quang tài trí tầm thường, nhưng khi mới kế vị lại muốn lập thành tích, đã từng tiếp thu kiến nghị của quân cơ đại thần Anh Hòa, muốn thanh tra quan lại cổ hủ ở các châu huyện, nghiêm khắc chỉnh đốn lại trị. Chiếu lệnh đốc phủ các tỉnh thực hiện mệnh lệnh, hạn chế những luật lệ hủ lậu lan tràn, sau khi tấu thỉnh phê chuẩn rồi thi hành. Quan lại địa phương nếu có vi phạm, phần nhiều lấy của dân, sẽ trị tội nghiêm khắc. Thế nhưng việc thanh tra gặp phải sự cản trở của quan lại các cấp, ngự sử liên danh thượng tấu, đều nói việc chỉnh đốn gặp trở ngại, khó làm. Vua Đạo Quang đành hạ chỉ dừng việc thanh tra, quan lại địa phương tự đặt ra luật lệ cổ hủ, cướp đoạt tại chỗ, việc lại trị ngày càng sa sút, Chương Học Thành chỉ ra, thời Gia Khánh – Đạo Quang, khoản tiền mà quan lại địa phương ăn hối lộ, gấp mười lần, thậm chí gấp trăm lần trước kia. Đốc phủ cũng ăn chia trong đó, “nhà cửa, đồ dùng xa hoa hơn chư hầu thời xưa rất nhiều”. Quan lại lớn nhỏ trong kinh cũng có các loại lễ vật.(3) (Chương Học Thành (Thượng chấp chính luận thời vụ thư). Luật lệ cổ hủ có liên quan đến tiền tài thu nhập của quan lại các cấp, thanh lý chỉnh đốn tất nhiên gặp phải sự phản ứng khắp nơi. Kết quả là quan lại thân sĩ cấu kết, “kẻ trên người dưới tranh nhau lợi, kẻ giàu sang làm điều ác mà chẳng bị truy cứu, người nghèo khó có oan mà không nói được, nói ra thật đau lòng, nhưng còn có một việc cực kỳ phẫn nộ, chính là việc lương tiền, gần đây đã tăng lên mấy lần, đã được miễn 30 năm thì nay không được miễn nữa, tiền của dân đã cạn! Dân khổ cùng cực!”(4)(Kim Dục đẳng biên (Thái Bình Thiên Quốc sử liệu, Trung Hoa thư cục, bản in năm 1959, trang 264).
Theo như kết luận bản báo cáo thực trạng nghiên cứu về việc trưng thu thuế ruộng ở các châu huyện Quảng Tây của Quách Nghị Sinh:
Việc cưỡng bức trưng thu ngoại ngạch là cực kỳ phổ biến và nghiêm trọng. Giá bạc tăng vọt, vốn đã khiến thuế trong dân gian ngầm tăng lên gấp bội, thêm vào các cấp quan lại tham lam bóc lột thành tính, lòng tham vô đáy càng khiến dân chịu không nổi. Căn cứ theo tình hình lúc đó, hàng năm vào lúc trưng thu, tiền lương chia làm bản sắc và chiết sắc: trưng thu bản sắc là mỗi thạch cưỡng bức thu thêm ít là 5, 6 đấu, nhiều thì là 3,4 thạch tính là 1 thạch; trưng thu chiết sắc, tức là giở thủ đoạn, tham lam vô độ, ít nhất cũng tăng gấp đôi, thường là 3,4 lần. (Quách Nghị Sinh, Thái Bình Thiên Quốc kinh tế sử, trang 22).
Thời Đạo Quang còn phải đối mặt với sự xâm lấn của các liệt cường phương Tây. Trước tiên là việc nhập lậu thuốc phiện, khói độc lan tràn cả nước. Từ quan viên quân cơ xứ, đốc phủ địa phương, quan lại châu huyện cho tới nha sai lính lệ đều nhúng tay vào hoạt động buôn lậu thuốc phiện, các con buôn trong ngoài thông qua con đường hối lộ, đem thuốc phiện đi tiêu thụ khắp cả nước. Thế là phần lớn bạc trắng chảy ra ngoài, nguồn bạc thiếu thốn, nạn thiếu bạc lộ rõ, dẫn tới nguy cơ tiền tệ là bạc quý tiền rẻ. Theo thống kê, trong khoảng thời gian trước chiến tranh nha phiến 10 năm, số nha phiến nhập lậu lên tới 23,80000 thùng, trung bình mỗi năm 2,4000 thùng, tính ra bạc trắng là 163 triệu đồng, trung bình mỗi năm tiêu tốn 16,3 triệu lạng, khấu trừ những giá trị xuất khẩu chính thức, mỗi năm chỉ tính giao dịch lậu á phiện, Anh, Mỹ và các cường quốc đã cướp của Trung Quốc 5 triệu lạng bạc(2). Nguyên nhân chính của chiến tranh nha phiến là do triều đình nhà Thanh cấm nha phiến, chặt đứt nguồn lợi thu được từ việc bán nha phiến của nước Anh, dẫn tới sự phẫn nộ của lãnh đạo London, gây nên cuộc chiến tranh xâm lược cực đoan bất nghĩa, nhằm duy trì bảo vệ cho tội ác buôn bán nha phiến. Kết quả, triều đình nhà Thanh chiến bại, buộc phải kí “Điều ước Nam Kinh” cùng việc ngầm cho phép buôn lậu nha phiến. Thế nên việc bán phá giá nha phiến càng mạnh, bạc trắng ào ạt chảy ra ngoài, “từ năm 1843 đến năm 1848, số bạc trắng của Trung Quốc chảy ra ngoài tới hơn 60 – 70 triệu đồng (không bao gồm tiền bồi thường chiến phí). Tổng cộng trong hai thập niên 30 – 40 của thế kỷ 19 (1830 – 1848), trong khoảng thời gian 20 năm, tổng số bạc chảy ra ngoài đã đạt tới hơn 120.200.000 lạng. …còn nhiều hơn 3 lần thu nhập tài chính trong một năm của triều đình những năm Đạo Quang là hơn 40.000.000 lạng.”(3) (Quách Nghị Sinh, Thái Bình Thiên Quốc kinh tế sử, trang 31-32).
Đầu triều Thanh, tỉ giá tiền bạc bình ổn, cứ theo quy định của quan phủ 1 lạng bạc trắng đổi được dao động trên dưới 1000 quan tiền. Trước chiến tranh nha phiến, cao mức 1600 quan, tới sau chiến tranh, năm 1846 – 1848 càng tăng lên tới mức 2200 quan trở lên.(1) (Bành Trạch Ích, tài chính và kinh tế của Trung Quốc thời kỳ nửa sau thế kỷ 19, bản in năm 1983 của nhà xuất bản Nhân dân, trang 29) Thêm vào đó phải chi rất nhiều khoản chiến phí, bồi thường, tổn thất chiến tranh ở các nơi, tổng số tiền lên tới hơn 100 triệu lạng bạc. Tất cả những biến số này đã khiến kinh tế xã hội thời Đạo Quang mang những mầm mống, nguy cơ ngày một xấu đi nhanh chóng, triều đình hủ bại rất khó cứu vãn. Luận về quốc lực, gặp đúng khi thời kỳ suy thoái đã kéo dài, thật là tai họa dồn dập, quốc khố trống rỗng cực độ, tài chính nhiều năm liền bội chi, việc chi tiêu không biết tính toán thế nào; luận về sức dân, nông công thương nghiệp đều tiêu điều, dân cùng tài tận đã không thể chịu nổi bạo chính phong kiến, quần chúng nhân dân căm ghét tột cùng sự tha hóa của triều đình Mãn Thanh, tâm lý phản kháng tự phát ngày càng tăng, tình thế cách mạng ngày càng chín muồi.
Việc bạc quý tiền rẻ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống tài chính tiền tệ, rất nhiều phiếu hiệu (cung cấp các dịch vụ chuyển tiền, giao dịch, tiền gửi và vay mượn), tiền trang (ngân hàng tư nhân) vì thương nhân tranh nhau đổi bạc mà đóng cửa khiến cho việc lưu thông tiền tệ bị tắc nghẽn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc giao dịch thương mại. Triều đình nhà Thanh đối với việc này chẳng chút phản ứng để ứng phó, điều chỉnh chính sách tài chính tiền tệ cho thích hợp. Thương nhân vì tiền tệ không ổn định, thiếu hệ số bảo hiểm, thường “dẫm chân tại chỗ”(2) . Thị trường cũng vì tình trạng phổ biến bần cùng hóa người nông dân mà đột ngột xấu đi, đồng thời vì vật giá không ngừng leo thang, người nông dân không đủ sức mua, càng hướng đến việc tự cấp tự túc nên sức mua trên thị trường giảm mạnh. Đồng thời, hàng hóa Tây dương bán phá giá, va chạm với thủ công nghiệp các khu vực duyên hải. Khu Tô Tùng “chợ vải tiêu điều, bông tằm năm được mùa nhưng đều không thu hồi được vốn, thương nhân không được, thiếu đường sinh kế.(3) (Bao Thế Thần, an ngô tứ trủng, quyển 27) Do đó, kinh tế hàng hóa truyền thống lâm vào hoàn cảnh khó khăn, “trước là thương gia, nay trở thành dân nghèo; trước làm buôn bán nhỏ, nay biến thành ăn mày.”(4) (Lạc Văn Trung công tấu nghị, quyển 5) Những người làm công thương nghiệp đa phần phá sản, gia nhập đội ngũ dân lưu tán.
Người nông dân phải chịu đựng, gánh vác gánh nặng cơ sở của việc bạc quý tiền rẻ. Hộ nông dân tự canh giao nộp tiền lương đều quy ra bạc trắng, khi bán các sản phẩm nông nghiệp thì giao dịch bằng tiền, tiền bạc quy đổi, thiệt hại gấp bội. “ngày xưa bán 3 đấu gạo, nộp thuế một mẫu còn dư; giờ bán 6 đấu gạo, nộp thuế một mẫu vẫn không đủ.”(5) (Tăng Văn Chính công toàn tập, tấu cảo, quyển 1, trang 41) Quan lại thừa cơ vơ vét, “địa đinh lương tiền thì có hỏa hao, vận tải đường thủy thì có gia hao, người dân làm nông nghiệp, thu nhập một mẫu thì mất 1/3 nộp cho quan phủ. Cho dù là năm mưa thuận gió hòa, không có hạn hán thiên tai, nạn cướp bóc thì tiếng kêu khóc vẫn không dứt.”(1) (Lưu Khôn Nhất, Lưu Trung Thành công di tập, tấu nghị, quyển 8) Vì thế, rất nhiều hộ tự canh phá sản, điền sản của họ “hoặc rao bán, hoặc gửi lương”, bị quan lại thân sĩ, địa chủ thôn tính(2). Tình hình tá điền càng bị thảm hơn. Địa chủ vì đùn đẩy gánh nặng tiền thuế mà không tiếc tăng thêm tiền tô, “tiền lãi ngày càng nặng, cho nên kẻ giàu càng giàu, người nghèo càng nghèo.”(3) (Hạ Trường Linh) Người nông dân không chịu nổi, bị ép phải vùng dậy phản kháng, “ở các tỉnh, tầng tầng lớp lớp những án kháng lương kháng tô, chống nha sai, hành hung quan lại.”(4) (Viên Giáp Tam, Đoan Mẫn công di tập, tấu nghị, quyển 1) đến nỗi dân lang thang càng nhiều thêm, Thanh đình “đuổi về làm nông thì chẳng có ruộng để cày, đuổi về làm nghề thì chẳng nghề nào cần người” (5). (Uông Sĩ Đạc, Ất Bính nhật ký, quyển 3) Bọn họ tay trắng, phiêu bạt khắp nơi, có tính phản kháng và tính phá hoại mãnh liệt. được sự thu nhận và dẫn dắt của hội đảng bí mật, dần dà trở thành lực lượng đột kích của các cuộc khởi nghĩa phản Thanh. Nông dân kháng lương kháng thuế, hội đảng bí mật lãnh đạo cuộc đấu tranh vũ trang của du dân, trở thành hai trào lưu phản kháng chính sau chiến tranh nha phiến, mà còn dần tụ hợp thành thế lực, nghiêm trọng uy hiếp và làm rung chuyển nền thống trị phong kiến Mãn Thanh già cỗi.
Sau chiến tranh nha phiến, tình hình tài chính của Thanh triều càng thêm tồi tệ. Tăng Quốc Phiên chỉ ra: “trong 5 năm, từ năm 1840 – 1844, một phần tổn thất do Di vụ, lại tổn thất do những vụ án tham nhũng quốc khố, ba là tổn thất do vỡ đê, đương nhiên là chịu không nổi gánh nặng đó”(6) (Tăng Văn Chính công toàn tập, tấu cảo, quyển 1, trang 25). Theo tấu trình của Trác Bỉnh Điềm, từ năm 1840 đến năm 1849, các khoản chi ngoại ngạch, “đã hơn 70 triệu lạng.”(7) (Trác Bình Điềm tấu, chuyển dẫn (tư liệu lịch sử tiền tệ Trung Quốc cận đại) Có học giả nghiên cứu, trong quãng thời gian 10 năm này, Thanh triều thu nhập 390 triệu lạng, chi ra 464 triệu lạng, bội chi hơn 70 triệu lạng. Điều này phù hợp với bản tấu trình của Trác Bỉnh Điềm. Để bổ khuyết khoản bội chi này, vua Đạo Quang trong cơn túng quẫn nghĩ trăm phương nghìn kế xoay sở, không tiếc mua quan bán chức, mở rộng quyên hiến, thu được hơn 20 triệu lạng bạc, rốt cuộc thì đổ hết lên đầu nhân dân. Đồng thời, lại đem khoản bồi thường chiến tranh nha phiến chia sẻ cho các tỉnh, chiếm 72,93% tổng số tiền bồi thường.(9) Phần không đủ thì ra nghiêm dụ truy thu số lương tiền còn thiếu từ những năm trước, muốn chống đỡ tình thế nguy cấp về tài chính. Nhất thời “tiểu lại, sai dịch đổ đi khắp nơi, khắp nơi ngày đêm tra khảo đánh đập, máu thịt tung tóe” (Tăng Văn Chính công toàn tập). Nhân dân lại chịu thêm tai họa mới.
Để nắm vững tài chính quốc khố, vua Đạo Quang ra nghiêm chỉ thanh tra ngân khố bộ Hộ, bất ngờ phát hiện thiếu hụt 9.250.000 lạng bạc trắng, tiếng xấu làm chấn động triều dã. Vua Đạo Quang càng thẹn quá hóa giận, liên tiếp hạ chỉ thanh tra ngân khố các tỉnh, kết quả là không nơi nào không thiếu hụt. Điều này đối với tình hình tài chính đáng sợ khác nào trên tuyết thêm sương. Vua Đạo Quang nghiêm khắc truy cứu, án khố như núi, quan viên bị liên lụy rất nhiều, đều chịu ngiêm trị, phải bồi thường toàn bộ. Quan trường chịu cơn chấn động lớn, quan viên lòng lo ngay ngáy, sợ tiếng xấu phơi ra và bị biếm truất. Nhưng sau đó không lâu vua Đạo Quang tạ thế, việc thanh sát dần cáo chung, quan trường bình ổn trở lại. Thế nhưng một cơn bão cách mạng âm ỉ đã bùng nổ.
Bất luận vua Đạo Quang tận hết sức lực như thế nào thì tài nguyên vẫn ở vào tình cảnh khánh kiệt, sức sản xuất của Thanh triều lại đình trệ chưa từng thấy, của cải vật chất xã hội không đủ cho số dân khổng lồ tiêu dùng. Đồng thời do sản lượng phân phối bất công, “kẻ giàu càng giàu”, hoàng thất vương công, quan lại phú hào nắm giữ phần lớn của cải, kiêu xa dâm dật, hoang phí tiền tài. Mặt khác “người nghèo càng nghèo”, phần lớn người nông dân tự canh, tá điền và quần chúng khác rơi vào thảm cảnh, khó có thể sinh tồn. Quốc khố cạn kiệt, khi vua Đạo Quang qua đời, ngân khố của bộ Hộ chỉ còn 9.000.000 lạng bạc, chiến lược hậu bị cực kì yếu mỏng. Ngay đến cả chi tiêu bình thường cho quân đội, triều đình cũng khó mà duy trì, nói gì đến còn dư tài lực để mà chiêu mộ tân quân và chế tạo vũ khí. Vì thế sự thiếu hụt tài chính nghiêm trọng đã hạn chế Thanh triều tăng cường lực lượng quân sự để nhanh chóng dập tắt khởi nghĩa nông dân. Nhất là khi trong cả nước các cuộc đấu tranh phản kháng đã xuất hiện rất phổ biến, càng thêm giật gấu vá vai, không có khả năng ứng phó với thế cục biến loạn. Năm 1850, khởi nghĩa Thiên địa hội ở Quảng Tây lên tới đỉnh điểm, vì tài chính không đủ, Tăng Quốc Phiên đã kiến nghị với vua Hàm Phong cắt giảm 5 vạn thừa quân, có thể tiết kiệm được 1.200.000 lạng bạc. Nhưng tại tiền tuyến Quảng Tây, các tướng soái lại cáo cấp gửi tấu xin thêm quân và lương để trấn áp quân khởi nghĩa. Vua Hàm Phong xoay đâu cũng khó, đành phải bác bỏ kiến nghị giảm quân của Tăng Quốc Phiên, gửi thêm viện binh, bổ xung binh hưởng cho Quảng Tây, nhưng lại không đủ sức điều động một đội quân lớn, khiến chiến sự ở Quảng Tây lan ra toàn tỉnh, cuộc vận động Thái Bình Thiên Quốc thừa cơ nổi dậy. Có thể thấy, dân cùng tài tận và quốc khố trống rỗng đã dẫn đến nguy cơ của chiến lược hậu bị, rất có tác dụng hạn chế sức mạnh quân sự của Thanh triều trong việc trấn áp khởi nghĩa nông dân, rất có lợi cho sự sinh tồn và phát triển của cuộc vận động Thái Bình Thiên Quốc.
(còn tiếp)