12/08/2018, 11:33

Phân tích đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh của tác giả Lê Hữu Trác

Phân tích đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh của tác giả Lê Hữu Trác Bài làm Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là một danh y nổi tiếng đồng thời cũng là một nhà văn, nhà thơ lớn. Nhắc đến ông, người đời vẫn thường nhớ đến bộ “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” – một bộ sách ...

Phân tích đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh của tác giả Lê Hữu Trác

Bài làm

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là một danh y nổi tiếng đồng thời cũng là một nhà văn, nhà thơ lớn. Nhắc đến ông, người đời vẫn thường nhớ đến bộ “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” – một bộ sách có giá trị y học quý giá, đặt nền móng cho nền y học nước nhà. Ít ai biết rằng “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” còn có giá trị văn học, bởi lẽ phụ lục của bộ sách này chính là tác phẩm kí nổi tiếng: “Thượng kinh kí sự”. Tác phẩm là bức tranh chân thực về một phủ chúa xa hoa, cùng với đó là thái độ khinh nhờn trước công danh lợi lộc của vị danh y Lê Hữu Trác. Đoạn trích “Vào phủ chúa Trịnh” (SGK lớp 11, tập 11) sẽ giúp ta cảm nhận rõ điều đó.

Đoạn trích kể lại việc Lê Hữu Trác được cho vời gấp vào cung để chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán – con trai của chúa Trịnh Sâm. Chính ở đây, Lê Hữu Trác đã có dịp quan sát và miêu tả lại chân thực quang cảnh ở kinh đô cũng như cung cách sinh hoạt đầy xa hoa trong phủ Chúa.

Quang cảnh trong phủ Chúa được miêu tả theo trình tự: từ ngoài vào trong, từ khái quát đến cụ thể, chi tiết. Trước hết, đường vào phủ chúa phải đi qua mấy lần cửa, một vườn hoa với nhiều kì trân dị thảo, tiếng chim hót véo von, cùng với một dãy hành lang quanh co. Ngay từ con đường vào phủ đó đã cho thấy sự bài trí cầu kì, hoa lệ của phủ chúa. Không chỉ cầu kì, hoa lệ, phủ chúa còn là một chốn canh gác nghiêm ngặt với các điếm Hậu mã luôn túc trực, qua cửa luôn phải trình báo mới được vào. Đó còn là nơi rộn ràng bởi kẻ có việc quan qua lại nhịp nhàng hoặc túc trực đông như mắc cửi, các viên quan giữ cửa và truyền báo cũng đi lại nhộn nhịp. Vào sâu bên trong hơn một chút, tất cả đồ dùng đều bằng sơn son thếp vàng. Nhưng sự xa hoa tráng lệ bậc nhất vẫn là quang cảnh bên trong nội cung với những màn là, trướng gấm, sập vàng, ghế rồng, hương trầm ngào ngạt lan tỏa. Chỉ bằng một vài chi tiết miêu tả, Lê Hữu Trác đã giúp người đọc hình dung ra một quang cảnh tột đỉnh xa hoa với những cách bài trí cầu kì, mĩ lệ. Quang cảnh đó chỉ có thể là nơi cung điện lầu các của vua chúa, đế vương.

Ngay đến sinh hoạt trong phủ chúa cũng có rất nhiều quy tắc. Đối với một người thầy thuốc thanh liêm, cả đời tránh xa vòng danh lợi, “không bước chân vào chốn cung đình nửa bước” (cách nói của Nguyễn Dữ) thì những cung cách sinh hoạt đó thực là xa lạ: đối với Chúa và thế tử luôn phải tỏ ra cung kính, lễ độ. Thế tử Cán vốn là một cậu bé khoảng năm, sáu tuổi nhưng đã có đến bảy tám thầy thuốc hầu bệnh, xung quanh lúc nào cũng có người hầu phục dịch.  Muốn xem bệnh cho thế tử, một người thầy thuốc già như Lê Hữu Trác phải quỳ lạy bốn lạy, thăm mạch xong lại phải quỳ lạy bốn lạy nữa mới được lui ra. Khi thầy thuốc lạy xong, thế tử còn khen ngợi: “Ông này lạy khéo”. Một chi tiết tuy nhỏ nhưng cho thấy tài quan sát của Lê Hữu Trác: chỉ là một đứa trẻ nhưng thế tử Cán lại không có dáng vẻ ngây thơ của một đứa trẻ, mà cũng cư xử và hành động theo những lễ nghi. Thầy thuốc muốn xem thân hình thế tử để chẩn bệnh nhưng cũng phải xin viên nội quan vào bẩm báo trước rồi mới được phép chẩn bệnh. Lê Hữu Trác tuy vào cung nhưng cũng không được thấy mặt rồng, tất cả mọi việc làm đều phải thông qua quan Chánh đường và xin mệnh lệnh của các viên nội quan mới được tiến hành. Tất cả đều khắc họa chân thực một chốn cung đình với những lễ nghi, quy tắc thật gò bó, rườm rà, không hề có một chút thoải mái, tự do.

Đối với những quang cảnh và cung cách sinh hoạt nơi phủ chúa, Lê Hữu Trác không bộc lộ trực tiếp thái độ của mình. Người đọc hình dung như con mắt của vị danh ý chỉ hướng khắp mọi cảnh vật, ngõ ngách để ghi lại những ghi chép chân thực, chi tiết nhất. Ông kể, tả với thái độ khách quan, song cũng vẫn ngầm bày tỏ thái độ với cuộc sống trong phủ chúa: Trước hết, ông nhận xét đây là “quang cảnh khác hẳn người thường” và so sánh mình như chàng ngư phủ lạc vào chốn đào nguyên (thần tiên) thuở nào. Món ăn trong phủ chúa cũng toàn những của ngon vật lạ hiếm thấy. Về thế tử, Lê Hữu Trác cho rằng căn bệnh của thế tử bắt nguồn từ cuộc sống “trong màn che, trướng phủ, ăn quá no, mặc quá ấm” nên tạng phủ bị yếu đi. Rõ ràng, thái độ của tác giả đã bộc lộ: đó là sự không đồng tình với một cuộc sống xa hoa, sung sướng tột bậc song lại không có tự do, thoải mái, không có chút sinh khí nào để con người được “sống” thực sự.

Thông qua những ghi chép, quan sát chân thực, tỉ mỉ của Lê Hữu Trác, người đọc cũng cảm nhận được bức chân dung người thầy thuốc Hải Thượng Lãn Ông. Đó là một người thầy thuốc có lương tâm, không bị danh lợi trói buộc. Bắt mạch, ông hiểu rõ căn bệnh của thế tử song lại sợ rằng nếu mình chữa trị có hiệu quả sẽ bị Chúa để ý, tin dùng, không thoát được chốn danh lợi xô bồ. Nhưng lương tâm của người thầy thuốc cũng không cho phép ông kê thuốc chỉ để chữa bệnh cầm chừng, không có hiệu quả cho thế tử. Những suy nghĩ của Lê Hữu Trác đã chứng tỏ đây là một thầy thuốc tài năng, giàu kinh nghiệm, song vẫn rất lương tâm và đức độ. Đặc biệt, phẩm chất cao quý nhất ở người thầy thuốc này là tấm lòng coi công danh như nước chảy, không bị trói buộc bởi những danh lợi tầm thường.

Như vậy, đoạn trích hấp dẫn người đọc bởi những quan sát tỉ mỉ, những chi tiết nhỏ nhưng lại có ý nghĩa sâu sắc, phản ánh sâu sắc, sinh động bức tranh hiện thực trong phủ chúa: một cuộc sống xa xỉ, vương giả tột bậc nhưng rất gò bó, thiếu sinh khí. Qua đó, vẻ đẹp tâm hồn của Lê Hữu Trác – người thầy thuốc tài năng, đức độ, coi thường danh lợi cũng được bộc lộ. Đoạn trích “Vào phủ chúa Trịnh” nói riêng và “Thượng kinh kí sự” nói chung xứng đáng là một trong những tác phẩm văn xuôi có giá trị nhất trong văn học trung đại.

0