Phân tích bài thơ Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên
Đề bài: Phân tích bài thơ Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên Bài làm Những người yêu thơ Việt Nam không ai là không biết đến Chế Lan Viên. Thơ Chế Lan Viên coa phong cách độc đáo: có vẻ đẹp trí tuệ, luôn có ý thức khai thác triệt để những tương quan đối lập, giàu chất suy tưởng triết lý với thế ...
Đề bài: Phân tích bài thơ Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên Bài làm Những người yêu thơ Việt Nam không ai là không biết đến Chế Lan Viên. Thơ Chế Lan Viên coa phong cách độc đáo: có vẻ đẹp trí tuệ, luôn có ý thức khai thác triệt để những tương quan đối lập, giàu chất suy tưởng triết lý với thế giới hình ảnh đa dạng phong phú, đầy sáng tạo. Tập thơ xuất sắc, kết tinh tư tưởng và nghệ thuật thơ Chế Lan Viên trên con đường thơ cách mạng là "Ánh sáng và phù ...
Đề bài:
Bài làm
Những người yêu thơ Việt Nam không ai là không biết đến Chế Lan Viên. Thơ Chế Lan Viên coa phong cách độc đáo: có vẻ đẹp trí tuệ, luôn có ý thức khai thác triệt để những tương quan đối lập, giàu chất suy tưởng triết lý với thế giới hình ảnh đa dạng phong phú, đầy sáng tạo. Tập thơ xuất sắc, kết tinh tư tưởng và nghệ thuật thơ Chế Lan Viên trên con đường thơ cách mạng là "Ánh sáng và phù sa"(1960). Và bài thơ "Tiếng hát con tàu" được rút từ tập thơ này.
"Tiếng hát con tàu" được gợi cảm hứng từ một sự kiện kinh tế – chính trị, xã hội: cuộc vận động đồng bào miền xuôi lên xây dựng kinh tế ở miền núi Tây Bắc vào những năm 1958 – 1960. Bài thơ trước hết gây ấn tượng bởi bốn câu lời đề từ:
"Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc
Khi lòng ta đã hóa những con tàu
Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát
Tâm hồn ta là Tây Bắc, chứ còn đâu".
Bốn câu thơ làm lời đề từ xuất hiện ngay sau nhan đề với nhiệm vụ thể hiện tư tưởng, cảm xúc bao trùm toàn tác phẩm. Với kết cấu là một khổ thơ lối hỏi – đáp, lời đề từ đã tỏ rõ khát vọng đi xa, đi đến bất kỳ nơi đâu khi Tổ quốc cần. "Tây Bắc" trong khổ thơ vừa để chỉ địa danh vừa để tượng trưng cho những vùng đất xa xôi. "Con tàu" là biểu tượng cho khát vọng đi xa để hiến dâng, phục vụ. Để vận động cho khát vọng ấy là những lời mời gọi lên tàu. Tác giả sử dụng những câu hỏi tu từ vừa tăng tính hối thúc giục giã, vừa thể hiện sự bâng khuâng không biết đi hay ở: "Con tàu này lên Tây Bắc anh đi chăng?". Câu hỏi tu từ này vừa để hỏi tác giả vừa để hỏi mọi người. Sau khi hỏi, nhà thơ lại đưa ra hoàn cảnh đối lập: "bạn bè đi xa anh giữ trời Hà Nội". Nhưng đối với quan niệm :"chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép" Chế Lan Viên đã khẳng định được mối quan hệ giữa văn học và cuộc đời. Văn học phải gắn liền với cuộc đời, ta phải mở lòng với cuộc đời. Một hồi đắn đo băn khoăn lên tàu đến Tây Bắc, cảnh sắc, mảnh đất Tây Bắc đã hiện ra trước mắt người đọc. Nhà thơ đã dùng ngòi bút của mình để ngợi ca "xứ thiêng liêng rừng núi đã anh hùng". Mảnh đất đã thấm "máu rỏ" này lần nữa hồi sinh trở lại "chín trái đầu xuân". Một sự sống mới bắt đầu sau mười năm kháng chiến. "Mười năm qua như ngọn lửa". Tác giả so sánh mười năm ấy như ngọn lửa nối sáng không chỉ dân tộc Việt Nam mà còn soi đường đi đến thắng lợi. Ngọn lửa ấy còn trường tồn vĩnh cửu với thời gian:" nghìn năm sau, còn đủ sức soi đường". Hình ảnh đặc biệt xuất hiẹn trong khổ thơ này là "Mẹ yêu thương". Mẹ ở đây chính là mảnh đất Tây Bắc, là những bà mẹ Việt Bắc, bà mẹ của Tổ quốc. Cách xưng hô "con" đã thể hiện sự kính trọng và khát vọng được trở về với nhân dân của tác giả.
Một trong những nét đặc sắc nội dung của bài thơ này là khái niệm "nhân dân". Dưới lời thơ của Chế Lan Viên, "nhân dân" hiện lên rất gần gũi. Trước hết là những hình ảnh so sánh liên tiếp: dòng suối mát lành đón "nai về suối cũ", hơi ấm mùa xuân cho cỏ rụi bật mầm, ánh thiều quang cho én bầy chao liệng, bầu sữa ngọt ngào cho bé thơ đói lòng, và cánh tay nhẹ dfuwa nôi mềm cho giấc ngủ say. Những hình ảnh rất đỗi quen thuộc này đã khiến cho khái niệm "nhân dân" trừu tượng trở nên dễ hiểu. Nhân dân vừa là vật chất, vừa là tinh thần. Trở về với nhân dân là hoàn toàn hợp lý, đúng lẽ tự nhiên. Mặc dù đoạn thơ giàu chất triết lý nhưng đậm chất trí tuệ không những không khô khan mà còn giàu hình ảnh. Nhân dân không chỉ được miêu tả bởi những hình ảnh đẹp mà còn là những con người quen thuộc: "người anh du kích" nhường cơm xẻ áo, là "mế" – bà mẹ Việt Nam anh hùng, những người mẹ nuôi cán bộ "mùa dài"; nhân dân là "người em liên lạc" mưu trí dũng cảm; là người em "vắt xôi nuôi quân em giấu giữa rừng – đất Tây Bắc tháng ngày không có lịch – bữa xôi đầu còn tỏa nhớ mùi hương". Nhân dân là những con người sống nghĩa tình thủy chung.
Trong tác phẩm này, Chế Lan Viên còn nêu ra triết lý đó là nỗi nhớ trong tình yêu. Trong tình yêu, nỗi nhớ như quy luật của đất trời như "đông về nhớ rét". Tình yêu đẹp và cao quý như "cánh kiến hoa vàng". Tình yêu còn có khả năng làm con người thay đổi "như xuân đến chim rừng lông trở biếc". Tình yêu ấy còn có khả năng diệu kỳ hơn đó là "đất lạ hóa quê hương". Tình yêu có thể khiến những người đang yêu yêu lấy một mảnh đất hoàn toàn xa lạ, yêu mảnh đất ấy như chính quê hương của mình. Trong thơ Chế Lan Viên luôn chứa đựng triết lý như thế. Không chỉ là nỗi nhớ trong tình yêu Chế Lan Viên còn nhớ cảnh vật. Tác giả nhớ đến những cảnh vật quen thuộc mang nét đặc trưng của vùng đất Tây Bắc "nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ – Nơi nao qua, lòng lại chẳng yêu thương? – Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở – Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn". Bằng nỗi nhớ này, nhà thơ còn thể hiện khát vọng trở về với nhân dân, trở về với những kỉ niệm nghĩa tình để đền ơn đáp nghĩa.
Kết thúc bài thơ là một khổ thơ như lời vận động:
"Lấy cả những cơn mơ! Ai bảo con tàu không mộng tưởng?
Mỗi đêm khuya không uống một vầng trăng
Lòng ta cũng như tàu, ta cũng uống
Mặt hồng em trong suối lớn mùa xuân".
Tiếng gọi đất nước của nhân dân của đời sống trở thành sự hối thúc bên trong, trở thành lời giục giã của chính lòng mình. Đến với Tây Bắc là về với chính mình, tìm lại chính mình "Nay trở về lấy lại lòng ta". Đến với Tây Bắc là về với ngọn nguồn của hồn thơ, của cảm hứng sáng tạo: "Tây Bắc ơi, người là mẹ của hồn thơ". Khổ thơ sử dụng nhiều hình ảnh ẩn dụ độc đáo làm cho khổ thơ càng thêm tính gợi hình và gợi cảm, có chiều sâu và chạm đến trái tim người đọc.
Những lời bộc bạch của Chế Lan Viên trong tác phẩm "Tiếng hát con tàu" đã cho người đọc thấy được những hình ảnh tốt đẹp của Tây Bắc – nơi không chỉ có cảnh sắc và tình người, nơi ấy còn là cảm hứng của thi ca. Mang trong mình sức hấp dẫn ấy, Tây Bắc đã đại diện cho những vùng đất xa xôi nhưng tràn đầy hi vọng. Bằng nhiệt huyết của mình, Chế Lan Viên đã đưa người đọc đến gần với Tây Bắc hơn và đã góp phần vận động họ xây dựng kinh tế ở nơi này.
Kim Oanh