05/10/2018, 23:22

Phân tích bài thơ Đồng chí của Chính Hữu tuyệt hay

Phân tích bài thơ Đồng Chí của tác giả Chính Hữu Bài làm Súng nổ rung trời giận dữ Người lên như nước vỡ bờ Nước Việt Nam từ trong máu lửa Rũ bùn đứng dậy sáng lòa ...

Phân tích bài thơ Đồng Chí của tác giả Chính Hữu

Bài làm

Súng nổ rung trời giận dữ

Người lên như nước vỡ bờ

           Nước Việt Nam từ trong máu lửa

Rũ bùn đứng dậy sáng lòa

Đã có những ngày  tháng như thế, những ngày gian khổ, hy sinh máu xương của dân tộc để bảo vệ hòa bình, tự do cho Đất nước.  Hòa chung với những ngày chiến tranh ác liệt, đổ lửa. Văn chương Việt Nam hiện đại cũng đã ghi lại những hình ảnh đặc sắc, chân thực, sáng tạo để thể hiện chí khi sục sôi,anh hùng, giàu nhiệt huyết của những người lính trẻ. Phải chăng, chất lính đã thấm sâu vào những thi phẩm thơ ca mang dáng vấp của thế hệ trẻ dám xông pha, không ngại nguy hiểm. Trong hoàn cảnh của cuộc kháng chiến chống Pháp trường kì, không thể không nhắc đến bài thơ “Đồng chí” của nhà thơ Chính Hữu viết năm 1948 viết về người nông dân mặc áo lính với những tình cảm chân thành, hồn thơ lãng mạn nhằm ca ngợi tình đồng đội, đồng chí- những còn người yêu nước nồng nàn.

Văn chương giống như một cây bút đa màu,vẽ nên bức tranh cuộc sống bằng chất liệu hiện thực để tạo nguồn cảm hứng chân thật, không giả dối cho người đọc. Khi nhắc đến Chính Hữu,ta thường nhắc đến một nhà thơ chiến sĩ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Ông thường viết về chiến tranh và hình ảnh người lính với những tình cảm, cảm xúc bình dị, đời thường mà chân thật, hàm súc. Dựa trên những trải nghiệm của tác giả cùng đồng đội trong chiến dịch Việt Bắc thu đông 1947, bài thơ được xây dựng bằng những hình ảnh giản dị,mộc mạc của những người lính trẻ:

 Quê hương anh nước mặn đồng chua

Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá

 Ở một đất nước không rời tay súng suốt mấy mươi năm thực dân đô hộ. Có lẽ,hình tượng người lính là hình tượng đẹp nhất trong văn thơ thời ấy, đó cũng chính là niềm tự hào to lớn của dân tộc về những con người dám chịu gian khổ, chấp nhận hy sinh. Những con người ấy luôn là đề tài lớn để văn thơ khắc họa và xây dựng, khai phá nên những vẻ đẹp ẩn sâu trong tâm hồn người lính. “Quê hương anh” là nơi anh sinh ra, nơi anh lớn lên, là nơi xuất thân của người đồng đội, đồng chí nhưng nó cũng thật nghèo khổ ,” nước mặn đồng chua”. Nơi đây, có những con người lam lũ, chịu thương, chịu khó. Tác giả đã dùng câu tục ngữ “ nước mặn đồng chua” để nói lên nỗi vất vả của người nông dân nơi miền quê nghèo, nói về làng quê, nơi chôn rau cắt rốn của một con người. Anh với tôi,dù là hai người nhưng đều chung hoàn cảnh sống. “Làng tôi nghèo đất cày nên soi đá”. Đó cũng là nơi tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất cỗi cằn, đói túng. Những con người ấy gặp nhau giữa chiến trường ác liệt. Họ xuất thân là những người nông dân mặc áo lính cầm súng ra trận. Nhưng cái đói nghèo không thể dìm chết cái sức sống và lòng tin bảo vệ Tổ quốc trong họ. Những con người ấy đi ra trong đói khổ, từ những vùng đất khác nhau trên mọi miền đất nước. Và rồi, họ gặp nhau trên chiến trường hiểm nguy để rồi trở thành tri âm,tri kỉ:

Anh với tôi đôi người xa lạ

Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau

Súng bên súng, đầu sát bên đầu

Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ

 Đồng chí!

Súng đạn nổi lên, bao con người phải hy sinh xương máu để giữ vững nền độc lập dân tộc. Chiến tranh thật tàn nhẫn, nó khiến cuộc sống của bao người lầm than, phải vào biển chết của sự thảm khốc. Những ngày tháng gian nan, vất vả ấy đã đưa những người lính đến với nhau, cùng nhau cầm súng. Anh với tôi vốn chẳng hề quen biết, vốn chẳng phải người thân, chỉ là “đôi người xa lạ”, “chẳng hẹn mà quen”. Những con người ấy tình cờ gặp nhau, vô tình biết mặt nhau nhưng đã cùng nhau đối diện với hiện thực khốc liệt, gian truân. Những dòng thơ tưởng chừng vô duyên vô cớ hội ngộ. Nhưng thực ra, họ dù lạ nhưng đã như là quen thân, dù mỗi người một nơi nhưng hoàn cảnh của họ đều là một. Những con người ấy không chung nơi đến nhưng họ chung mục đích, chung lý tưởng, chung kẻ thù và chung nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Cầm chắc cây súng trên tay, họ sẵn sàng hy sinh để giữ gìn non sông, bảo vệ đất nước. Đầu súng bên nhau, anh và tôi cũng ghé sát đầu nhau để cùng canh giữ nơi chiến trường khắc nghiệt. Hình ảnh lãng mạn trong câu thơ như gợi nên một chút nhẹ nhàng, bình dị trong đêm gác của người chiến sĩ. Cái giá rét, nghiệt ngã của thời tiết nơi núi rừng không thể làm gục ngã tâm hồn người lính. Dù hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn bộn bề nhưng những con người ấy vẫn luôn lạc quan, yêu đời. Giữa đêm rét rợn người, vất chất thiếu thốn, người chiến sĩ phải đắp chung chăn, kéo trên thì hở dưới, chăn mảnh làm sao đủ ấm? Thế mà, hoàn cảnh không thể đánh ngã tâm hồn họ, từ gian khổ, họ bước ra và trở thành “đôi tri kỉ”. Gọi nhau thân thiết bằng hai chữ: “Đồng chí!”. Câu thơ ngắn chỉ có hai chữ, giọng thơ trầm lắng,khẳng khái. Đã thể hiện được tình cảm sâu sắc mà tác giả dành cho người bạn của mình. Họ đã cùng nhau “vào sinh ra tử”, cùng trải qua gian khó của cuộc chiến ác liệt. Và giờ đây, họ thân thiết gọi nhau là đồng đội, đồng chí như những tri kỉ. Trải qua bao khó khăn, vượt qua bao thử thách, tình tri kỉ ấy mãi mãi là kỉ niệm đẹp của người lính, không bao giờ có thể quên:

“Ôi núi rừng thẳm sâu

Trung đội đã về đâu

Biết chăng chiều mưa mau

Nơi đây chăn giá ngắt

Nhớ cái rét ban đầu

Thấm mối tình Việt Bắc”

(Thâm Tâm- Chiều mưa đường số 5)

Phân tích bài thơ Đồng chí của Chính Hữu tuyệt hay

Phân tích bài thơ Đồng Chí

Thơ ca là tiếng nhạc của tâm hồn, là những gì của cuộc sống được người nghệ sĩ viết ra qua cảm xúc và tình cảm được tâm hồn thổn thức. Chính Hữu đã thốt ra những lời thơ thật êm dịu, trong sáng mà chân thật của đời lính. Ở ba câu thơ tiếp theo, người lính bắt đầu nhớ về quê hương qua những cảm xúc thiêng liêng, da diết:

Ruộng nương anh gửi bạn thân cày

Gian nhà không mặc kệ gió lung lay

Giếng nước, gốc đa nhớ người ra lính…

Những hoài niệm đó cứ hiện lên trong tâm trí người chiến sĩ. Tâm hồn anh đang mang nỗi nhớ quê da diết. Nhưng vì nghĩa vụ,vì sứ mệnh bảo vệ Tổ quốc, người nông dân quyết bỏ lại quê hương, bỏ lại ruộng nương không ai cày cấy, bỏ lại ngôi nhà có cha mẹ già đang trông mong…để khoác lên chiếc áo xanh người lính mà ra trận. Nhà thơ đã sử dụng hình ảnh ẩn dụ để diễn tả cảm xúc của người chiến sĩ. Họ để lại sau lưng người thân, làng quê. Đó chính là: giếng nước, cây đa,sân đình… những thứ thân thương họ đã từng gắn bó,”cây đa cũ, bến đò xưa”. Những hình ảnh ca dao được nhà thơ vẫn dụng linh hoạt để thể hiện rõ nỗi nhớ người ra trận đối với quê hương đất mẹ. Họ bằng lòng bỏ lại tất cả để lên đường nhập ngũ, bởi lẽ trong thâm tâm của họ, yêu đất nước cũng chính là yêu quê hương. Giống như nhà văn I-li-a Ê-ren bua đã từng viết: “ Lòng yêu nhà, yêu làng xóm,yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc”. Họ yêu đất nước bằng nguồn từ những điều bình dị và thân thương bên mình. Vạt áo người lính còn trĩu nặng tư tình,những thứ gần gũi,bình yên ấy đang thôi thúc tâm hồn người lính. Bởi vậy, khi lòng yêu nước trỗi dậy, cũng chính là lúc nỗi nhớ trong tâm hồn người chiến sĩ đang sục sôi, dâng cao. Những con người ấy nguyện vì đất nước mà chiến đấu. Họ chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ những gì yêu quý.

Những thiếu thốn, vất vả luôn vây quanh cuộc sống người lính. Chiến tranh kéo dài đằng đẵng, khó khăn chồng chất khó khăn:

Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh,
Sốt run người vừng trán ướt mồ hôi.
Áo anh rách vai 
Quần tôi có vài mảnh vá 
Miệng cười buốt giá

Chân không giày.

Thương nhau tay nắm lấy bàn tay

Hiện thực trận kháng chiến trong những ngày đầu thậtkhó khăn, gian khổ. Những người lính phải chịu đựng căn bệnh sốt rét rừng quái ác làm suy giảm sức khỏe. nhưng dù ở hoàn cảnh nào, những con người ấy vẫn luôn giữ vững niềm tin, tin vào ngày mai tươi sáng, tin vào ngày hòa bình trở lại. Họ vô tư kể lại những ngày tháng gian khổ ấy như một chuyện quá đỗi bình thường. Những người chiến sĩ đã trải qua sự thử thách khắc nghiệt của thiên nhiêu núi rừng Tây Bắc, với từng đợt sốt rét “ớn lạnh”. Với sự xung khắc do bệnh gây ra. Trong cơ thể đang lạnh buốt xương gan nhưng “vừng trán ướt mồ hôi”. Hiện tượng vừa sốt vừa lạnh ấy đã dày vò cơ thể con người. Nhưng họ lại không ngần ngại mà vô tư đối diện với những ngày tháng như thế. Trong tâm hồn người lính, họ luôn giữ cho mình niềm vui tươi, lạc quan, yêu đời. Hết khó khăn này đến thử thách khác, những thiếu thốn về vật chất  luôn là gánh nặng của những ngày kháng chiến. Dù vậy, những con người ấy vẫn luôn vô tư, yêu đời, vui vẻ cùng nhau vượt qua những khó khăn ấy. Áo rách vai, quần có vài mảnh vá. Qua đây. Nhà thơ muốn thể hiện sự gắn bó keo sơn, kết dính bền chặt. Những thứ ngoài thân ấy không đáng là gì, họ sẵn sàng cùng nhau vượt lên vì ngày mai độc lập. “miệng cười buốt giá”, đêm lạnh giăng kín cả khu rừng, trong cái tiết trời giá lạnh của mùa thu đông, những con người ấy vẫn đang làm nhiệm vụ canh giữ trong đêm. Quân thù không làm họ sợ thì những thứ ngoài thân ấy không đáng là gì để họ phải lo ngại. Cuộc chiến vẫn còn tiếp diễn, ngày đại thắng sắp đến gần, những người lính vẫn luôn cầm chắc tay súng để bảo vệ nền cõi của mình, đuổi sạch giặc xâm lăng. Thiếu thốn , gian khổ là thế,”chân không giày” nhưng người lính vẫn luôn giữ trong mình niềm thương yêu đồng đội, đồng chí mãnh liệt “thương nhau tay nắm lấy bàn tay”. Nắm lấy tay nhau cho đỡ lạnh, nắm lấy bàn tay để truyền lửa cho nhau,truyền sức mạnh và tình yêu, truyền cho nhau tinh thần kháng chiến. Nhịp thơ không đều, lại hững hờ không có điệu kết thể hiện rõ một tình cảm chân thành không hồi kết giữa những con người nơi đây. Chỉ là cái nắm tay thôi mà sao xúc cảm đến vậy.cái bắt tay của sự đoàn kết, gắn bó. Đó là hành động của tình cảm con người, là khi tim đã chung một nhịp, chí khí chung một mối, quyết bảo vệ non sông, vì ngày mai độc lập.

Chiến tranh không thương tiếc một kẻ nào, nó có sức tàn phá ghê gớm, tàn sát bao sinh linh lầm than,giết chết những con người vô tội. Giặc Pháp có dã tâm cướp nước, ta không thể ngồi yên cho chúng lấn sâu vào tham vọng đó. Một lời thề sắt son,lời thề vì nghĩa lớn :”quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Những người con anh hùng ấy mãi mãi đi vào sử sách, trở thành những hình tượng đẹp cho người sau. Trong không khí sục sôi của cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược, những con người anh hùng đã nổi lên nườm nượp, khí chất cao hơn núi. Trong những lời thơ  cuối của bài thơ “Đồng chí”, Chính Hữu đã xây những những hình ảnh thật lãng mạn, trữ tình:

Đêm nay rừng hoang sương muối

Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

Đầu súng trăng treo

Sắt lửa mặt trận đang hun đúc lên những tâm hồn cao sáng,cuộc chiến sinh tử đã rèn dũa những con người ấy trở nên cứng cáp, mạnh mẽ. Đêm nay, thời tiết khắc nghiệt, “rừng hoang sương muối”. Cái giá lạnh như ngấm vào da thịt, tê buốt đến vô cùng. Nhưng người lính vẫn kiên cường, ý chí vươn cao:”đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới”. Họ sát cánh bên nhau trong thế chủ động :”chờ giặc tới”. Dù đất nước bị xâm lăng, nhưng những người chiến sĩ vẫn luôn ngạo nghễ, can trường, cùng nhau đứng chờ giặc để đánh, để xả hận cho nước nhà. Đáng lẽ ra, trong tình trạng như vậy, giặc Pháp lớn mạnh, quân ta phải dè chừng. Nhưng không, họ là những con người can đảm, không tiếc hy sinh mạng  sống vì Tổ quốc. Họ luôn muốn nuôi dưỡng ý chí của họ thật thanh cao, trong sáng. Trong đêm đông vô cùng lạnh lẽo,hoang vu. Đôi bạn tri kỉ ấy vẫn cùng nhau đứng gác trong tư thế hiên ngang trong đêm trăng nơi chiến khu. Và, một tứ thơ đẹp xuất hiện: “đầu súng trăng treo”. Người chiến sĩ ra trận thì “ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan”. Còn trong đêm gác giữa đêm”sương muối”, người chiến sĩ lại bắt gặp hình ảnh “đầu súng trăng treo”. Cảnh vừa thực vừa mộng, càng về khuya, trăng tà,bay lơ lửng treo trên đầu súng. Đây quả là một hình ảnh lãng mạn thiết thực. Hình ảnh vầng trăng chính là biểu hiện của hòa bình, là trong trẻo. Vầng trăng như soi sáng khu rừng để người chiến sĩ đứng gác được sáng hơn, xua tan đi bóng tối cô quạnh. Ánh trăng ấy đang nuôi ước vọng về ngày độc lập, hòa bình lập lại, ánh sáng muôn nơi. Không còn những ngày tháng đen tối của chiến tranh bua vây. “đầu súng trăng treo” là một hình ảnh sáng tạo trong thi ca, trăng trên trời, trăng trong lòng người chiến sĩ. Tác giả đã mượn hình ảnh ánh trăng để mang đến vẻ đẹp lãng mạn trong thơ kháng chiến. Ánh trăng huyền ảo, nhẹ nhàng, lả lướt trong sương mờ và không gian trầm tĩnh, thơ mộng. Phải chăng, đó cũng chính là sự cao đẹp trong tình đồng chí, tình chiến đấu?

Bài thơ “Đồng chí” vừa mang vẻ đẹp giản dị trong đời sống tinh thần và vật chất của người chiến sĩ. Vừa mang vẻ cao cả, thiêng liêng, thơ mộng khi nói về tâm hồn người lính, về tình đồng chí, đồng đội trong buổi đầu kháng chiến. Đó là những con người mộc mạc, giản dị, chất phác, yêu nước, yêu quê, yêu người… Cũng giống như hình ảnh các anh chiến sĩ thời chống Pháp, chống Mỹ, đều mang nặng tình yêu Tổ quốc:

“Đoàn vệ quốc quân một lần ra đi

Nào có mong chi đâu ngày trở về

Ra đi ra đi bảo vệ sông núi

Ra đi ra đi thà chết không lùi”

Những lời thơ, lời hát, lời ca về đề tài người chiến sĩ luôn là tâm điểm đáng chú ý trong thi đàn Việt Nam. Đó là những tiếng lòng thầm kín, sự biết ơn sâu sắc của thế hệ sau đối với thế hệ đi trước. Bằng những lời thơ giản dị, giọng điệu sâu lắng, trữ tình , bài thơ “Đồng chí” của nhà thơ Chính Hữu đã đem đến cho người đọc nhiều suy tư, cảm xúc về hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ. Qua những từ ngữ hàm súc, lắng đọng, lời thơ bình dị, mộc mạc như thủ thỉ, tâm sự. Vận dụng ca dao, tục ngữ linh hoạt, nhà thơ đã tạo nên chất thơ dung dị, hồn nhiên, đậm đà. Sự kết hợp bút pháp hiện thực và cảm hứng lãng mạn cũng đã đúc nên hồn thơ chiến sĩ. Đồng chí là một bài thơ rất độc đáo- người nông dân mặc áo lính, những anh hùng áo vải đã tạo nên hồn thơ mộc mạc, thiêng liêng,tráng lệ,hào hùng.

 Bùi Phương Thảo

0