05/10/2018, 23:22

Cảm nhận của em về bài thơ Nói với con của Y Phương tuyệt hay

Cảm nhận của em về bài thơ Nói với con của Y Phương Bài làm Y Phương là một nhà thơ rất nổi tiếng với những bài thơ mang đậm phong cách của người miền núi. Thơ ông thể hiện tâm hồn chân thật, mạnh mẽ và trong sáng, Nói với con là ...

Cảm nhận của em về bài thơ Nói với con của Y Phương

Bài làm

Y Phương là một nhà thơ rất nổi tiếng với những bài thơ mang đậm phong cách của người miền núi. Thơ ông thể hiện tâm hồn chân thật, mạnh mẽ và trong sáng, Nói với con là một trong những sáng tác tiêu biểu nhất, có độ phổ biến với công chúng bạn đọc sâu sắc nhất của ông. Bài thơ thể hiện một cách mãnh liệt và sâu sắc tình cảm của con người đối với gia đình – cội nguồn sinh dưỡng và quê hương.

Gia đình chính là nguồn cội của mỗi con người. Tình cảm với gia đình, với quê hương – cội nguồn sinh dưỡn là cao quý, là thiêng liêng vô cùng. Nhà thơ Y Phương cũng vậy, đối với ông, gia đình là quan trọng nhất, tất cả những niềm vui, nỗi buồn của ông cũng xuất phát từ gia đình. Gia đình cho ông những niềm vui, hạnh phúc, sự bình yên và thanh thản:

Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước tới tiếng cười

"Công cha như núi Thái Sơn / Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra", có cha, có mẹ mới có ta trên cuộc đời. Không chỉ có công lao sinh thành, mà công lao dưỡng dục cũng to lớn bằng trời, bằng bể. Từ những tiếng khóc đầu đời, tiếng nói, tiếng cười, bước chân chập chững đầu tiên của người con không thể thiếu bóng dáng của cha mẹ mình. Cha mẹ chính là điểm tựa vững chắc nhất của cuộc đời con. Có cha mẹ và có con, gia đình mới thực sự trọn vẹn sự hạnh phúc nhất.

Đan lờ cài nan hoa
Cách nhà ken câu hát

Mỗi con người sinh ra trên đời có cho mình một gia đình riêng, một quê hương riêng. Và quê hương của người cha và người con trong bài thơ là ở một vùng sơn cước. Nơi đó có "đan lờ" để bắt cá, "ken" vách nhà làm chỗ che nắng, che mưa, là nơi người dân sính sống bằng những công việc lao động hàng ngày tự cấp, tự túc, bình dị, đơn sơ. Tuy nhiên, qua cách miêu tả của tác giả, những hình ảnh cuộc sống đó lại trở nên đậm chất thơ đến bất ngờ. Cuộc sống lao động mà có cả nhạc họa, thơ ca, đời sống tinh thần của người dân phong phú vô cùng.

"Rừng cho hoa/ Con đường cho những tấm lòng ". Hoa là biểu tượng của núi rừng, là biểu tượng của cái đẹp. "Rừng cho hoa" cũng là cho đời sống của người dân những giá trị tinh thần để cuộc sống tươi đẹp hơn. Con đường chính là con đường đến trường, con đường lên nương, con đường của những chia sẻ ngọt bùi của những người đồng mình. Con đường tiếp nối những cuộc đời của người đồng minh, góp phần làm lên lịch sử của người đồng mình.

Cảm nhận của em về bài thơ Nói với con của Y Phương tuyệt hay

Cảm nhận của em về bài thơ Nói với con

Bài thơ như một bức thư đầy tình cảm mà người cha muốn gửi gắm đến với con mình. Người cha dạy con cần luôn biết hướng về cội nguồn nơi mình được sinh ra và lớn lên, biết quý trọng gia đình và biết gắn bó với quê hương. Không ai sống trên đời này được một mình, người với người sống với nhau với cái gốc là nghĩa, là tình. Người cha tâm sự với con về "người đồng mình", những con người có cuộc sống vất vả "lên thác xuống ghềnh" nhưng giàu chí khí, biết lấy "nỗi buồn" mà "nuôi chí lớn", lấy cái cao xa của đất trời làm thước đo "nỗi buồn" và "chí lớn" ấy. Người cha muốn con hiểu lấy và lấy những điều đó để làm bài học kinh nghiệm cho sự trưởng thành của con:

"Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn…nghèo đói".

Quê hương là nơi chôn nhau cắt rốn, là mảnh đất thiêng liêng vô cùng. Cuộc sống của mỗi con người có sự liên kết, gắn bó sâu sắc với mảnh đất quê hương. Quê hương là niềm thương nỗi nhớ của mỗi người. Và quê hương cũng là niềm tự hào của mỗi người. Người cha nói với con rằng "Người đồng mình thô sơ da thịt" nhưng không nhỏ bé về tâm hồn. Người đồng mình rất giàu nghị lực, có ý chí vươn lên mạnh mẽ, đặc biệt hơn, luôn có lối suy nghĩ hướng về cái chung, luôn nghĩ về lợi ích chung, luôn có ước mong cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Lối sống đó rất đẹp, đáng trân trọng và đáng được phát huy, tiếp nối, và người cha mong con muốn con mình sẽ là thế hệ kế thừa:

Con ơi, tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con.

Người cha nhắc đi nhắc lại với con về  "Người đồng mình thô sơ da thịt" là mong cho con hiểu được sự mạnh mẽ của con người quê hương. Cuộc sống có nhiều khó khăn nhưng người đồng mình vẫn biết tự biến hóa cuộc sống trở nên có màu sắc và đầy thi vị, trở thành những cuộc đời đáng sống. Và đó trở thành truyền thống của quê hương, đó chính là hành trang cho con mang theo trên mọi nẻo đường. Người cha đã truyền cho con mình vẻ đẹp, sức mạnh của truyền thống quê hương, cho con mình những bài học cuộc sống ý nghĩa.

Bài thơ thật hay và cảm động, bài thơ như một bức thư tâm tình mà người cha dành tất cả những lời lẽ tinh túy nhất của cuộc đời mình, những gì mình đã được chiêm nghiệm, đã được trải nghiệm để nói với người con. Người cha coi đó là kinh nghiệm của người đi trước truyền lại cho con, mong sao con có được nền tảng để phát triển bản thân, giúp cho cuộc sống của con sẽ tốt đẹp hơn.

Minh Tuệ

0