21/02/2018, 08:50

Phân tích bài thơ Đọc Tiểu Thanh kí của Đại thi hào Nguyễn Du.

Đề bài: Phân tích bài Đọc Tiểu Thanh kí của Nguyễn Du. Bài làm: Nguyễn Du là đại thi hào của dân tộc và là nhà chủ nghĩa nhân đạo lớn. Các tác phẩm của ông để lại rất nhiều, trong đó bài thơ « Độc Tiểu Thanh kí » viết về ...

Đề bài: Phân tích bài Đọc Tiểu Thanh kí của Nguyễn Du.

Bài làm:

Nguyễn Du là đại thi hào của dân tộc và là nhà chủ nghĩa nhân đạo lớn. Các tác phẩm của ông để lại rất nhiều, trong đó bài thơ « Độc Tiểu Thanh kí » viết về cuộc đời, số phận bất hạnh của nàng Tiểu Thanh và những suy nghĩ, trăn trở của tác giả về kiếp tài hoa trong xã hội.

Khi nhà thơ Nguyễn Du đi xứ Trung Quốc tới tỉnh Triết Giang, Hàng Châu ông được nghe kể về cuộc đời của nàng Tiểu Thanh. Nàng là người con gái tái sắc vẹn toàn, năm 16 tuổi, nàng làm vợ lẽ của một gia đình quyền quý. Vợ cả hay ghen, bắt Tiểu Thanh ở một mình trên núi Cô Sơn. Vì đau buồn nàng sinh bệnh rồi chết ở tuổi 18- tuổi đẹp nhất của đời người con gái. Nguyễn Du đã xúc động viết lên bài thơ tuyệt bút  « Độc Tiểu Thanh kí ». Hai câu thơ đầu là nỗi lòng thổn thức của tác giả trước số phận của Tiểu Thanh :

« Tây hồ hoa uyển tẫn thành khư

Độc điếu song tiền nhất chỉ thư »

« Tây hồ hoa cảnh đẹp hoá gò hoang

Thổn thức bên song mảnh giấy tàn »

Bằng nghệ thuật tả thực, Nguyễn Du đã cho người đọc hình dung ra khung cảnh vườn hoa tươi đẹp bên Tây hồ giờ đây đã trở thành gò hoang cô quạnh, gợi cảm giác buồn vắng thê lương. Nghệ thật đối lập giữa quá khứ với hiện tại, giữa cảnh đẹp với gò hoang và động từ « tẫn » cho ta cảm nhận sâu sắc sự khắc nghiệt của thời gian và tâm trạng xót xa, nuối tiếc của tác giả. Câu thơ thứ nhất còn sử dụng hình ảnh ẩn dụ tượng trưng : vườn hoa- cảnh đẹp, gò hoang- sự tàn lụi gợi cho mỗi người đọc về cuộc đời của nàng Tiểu Thanh và tâm trạng đau đớn, xót xa cho số phận bất hạnh của người con gái tài sắc. Câu thơ thứ 2 xuất hiện hình ảnh « độc điếu » – tức một mình tác giả khóc thương cho nàng Tiểu Thanh so sánh với phần dịch thơ là « thổn thức » đã làm mất đi hoàn toàn từ « độc » , cụm từ «  nhất chỉ thư » gợi về cuộc đời đầy cô độc của nàng Tiểu Thanh. Câu thơ nguyên tác cho thấy hình ảnh của một con người với tâm thế cô đơn, mang một lòng đau. Một mình đứng lặng trước cửa sổ khóc thương cho số phận bi thảm của người con gái , trước cảnh xót thương của thi nhân được khơi nguồn từ ngoại cảnh từ tập sách. Hai tâm hồn cô hồn cô đơn gặp nhau, một sự cảm thông giữa người xưa và người nay. Hai câu thơ đầu đã mở ra sự thương cảm sâu sắc của đại thi hào Nguyễn Du đối với số phận của con người.

Nếu như hai câu thơ đầu là tàn phai của cái đẹp thì từ hai câu thơ sau tác giả nói về sự bất tử của cái đẹp :

« Chi phấn hữu thần liên tử hậu

Văn chương vô mệnh luỵ phần dư »

( Son phấn có chôn vẫn hận

Văn chương không mệnh đốt còn vương)

« Son phấn » và « Văn chương » trong câu thơ chính là hình ảnh ẩn dụ cho nhan sắc và tài năng của nàng Tiểu Thanh « son phấn có thần » nghĩa là cái đẹp dù có bị vùi dập chà đạp thì vẫn bất tử cùng thời gian hay nàng Tiểu Thanh dù có bị vợ cả đày đoạ cho đến chết thì vẻ đẹp của nàng vẫn để nhớ để thương cho người đời. « Văn chương đốt còn vương’ nghĩa là cái tài dù có bị huỷ hoại thì vẫn còn mãi với cuộc đời hay văn chương của Tiểu Thanh dù có bị đốt sạch thì ấn tượng về nó vẫn làm người đời nhớ và trân trọng. Hai câu thơ thứ hai là nét nổi bật về cuộc đời của Tiểu Thanh : có nhan sắc, có tài năng, nhưng thương thay lại là nạn nhân để cuộc đời chà đạp, ghẻ lạnh, hờn ghen. Nhà thơ tiếc nuối cho cái đẹp và những giá trị tinh thần đẹp đẽ của con người đã sớm không còn tồn tại. Đặt bài thơ trong xã hội đương thời, ta thấy được tấm lòng nhân hậu sâu sắc trong ngòi bút của Nguyễn Du.

Nỗi bất bình với xã hội mà cái đẹp luôn bị chà đạp, ấy ngay đến cả lực lượng thần uy tối cao là ông Trời cũng không hỏi được :

« Tổ kim hận sự thiên nan vấn

Phong vận kì oan ngã tự cư »

( Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi

Cái án phong lưu khách tự mang)

« Cổ kim hận sự » trong câu thơ mang nghĩa là nỗi hờn của người xưa và người nay, người xưa là Tiểu Thanh và người phụ nữ đồng cảnh ngộ, người nay là những người hồng nhan bạc mệnh cùng thế hệ với Nguyễn Du. Đây không phải là lần đầu tiên Nguyễn Du nói về sự tương đối giữa tài và mệnh , trong tác phẩm « Truyện Kiều » chính ông đã viết :

« Có tài mà cậy chi tài

Chữ tài liền với chữ tai một vần »

Hay trong « Chinh phụ ngâm » Đặng Trần Côn đã viết « Thiên địa phong trần, hồng nhan đa truân ». Nỗi hờn kim cổ ấy được tác giả Nguyễn Du gửi vào trong câu hỏi tu từ, « trời khôn hỏi » hay chính là xã hội đang thờ ơ trước nỗi đau của con người. Câu thơ đã bật nên tiếng nói tố cáo mạnh mẽ xã hội phong kiến bất công trước nỗi đau khổ của con người. Đây là nỗi trăn trở của cả một thời đại. « Phong vận kì oan » là nỗi oan lạ lùng vì nét phong nhã, không thể lí giải được. Đó là quy luật bất di bất dịch của tạo hoá, là định mệnh đầy đau đớn của kẻ tài sắc. Từ quy luật nghiệt ngã ấy, Nguyễn Du nghĩ về mình, tự nhận mình là người cùng hội cùng thuyền với Tiểu Thanh. Sự đồng cảm của Nguyễn Du đã đến mức tri âm, tri kỉ, thương người cũng là thương mình mà thương mình cũng là thương người, bởi thế câu thơ mang giá trị nhân đạo sâu sắc.

Từ xót thương sản phẩm của Tiểu Thanh và của những kiếp người tài hoa trong xã hội, tác giả chợt suy nghĩ :

« Bất tri tam bách dư niên hậu

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như »

( Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa

Người đời ai khóc Tố Như chăng)

Câu hỏi tu từ hướng tới một tương lai rất xa phần nào khắc hoạ thực tại cô đơn, khát vọng cháy bỏng muốn được sẻ chia, đồng cảm, thấu hiểu. Nguyễn Du tự xưng bút hiệu trong câu thơ là lời khẳng định sự đồng cảm, khát vọng của người nghệ sĩ, bật lên được tiếng nói của cái tôi cá nhân, đây là điều hết sức mới mẻ vì mãi đến thế kỉ 20, khi chúng ta chịu ảnh hưởng của văn học phương Tây thì cái tôi cá nhân mới xuất hiện, vậy mà ở thế kỉ 18 đã manh nha tiếng nói cái tôi cá nhân, nên đây là tư tưởng mới mẻ, đi trước thời đại của Nguyễn Du. Bài thơ kết thúc bằng một câu hỏi thống thiết và không phải đợi đến 300 năm sau mà 200 năm sau trong lễ kỉ niệm ngày sinh của Nguyễn Du, Tố Hứu đã viết bài thơ « Kính gửi cụ Nguyễn Du » để đáp lại tâm sự của ông và khẳng định tiếng nói tri ân trong văn chương :

« Tiếng thơ ai động đất trời

Nghe như non nước vọng lời ngàn thu

Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du

Tiếng thơ như tiếng mẹ ru những ngày »

Với thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật, ngôn ngữ cô đọng, hàm súc, chất trữ tình sâu lắng kết hợp với các biện pháp nghệ thuật ẩn dụ, nhân hoá, câu hỏi tu từ,… Bài thơ đã thể hiện tiếng nói thương cảm của Nguyễn Du về số phận bất hạnh của người phụ nữ tài năng trong xã hội phong kiến. Cùng với « Truyện Kiều », « Văn chiêu hồn », «  Độc Tiểu Thanh kí » là một âm thanh trong trẻo, khúc đàn thương cảm của Nguyễn Du nghĩ về con người bạc mệnh mà liên tưởng tới mình rồi từ đó khái quát nên một vấn đề trong xã hội. Thơ Nguyễn Du bao giờ cũng là tiếng kêu thương cho số phận con người, đó là một điều rất đáng trân trọng, nâng niu, sau tiếng nói kêu thương ấy là tiếng nói phẫn nộ, lên án xã hội phong kiến chà đạp lên thân phận nhỏ bé của Tiểu Thanh, của Thuý Kiều hay người con gái gảy đàn đất Long Thành nói riêng hay số phận con người nói chung. Đó là tiếng nói nhân đạo mới mẻ của Nguyễn Du và sự phát triển củ chủ nghĩa nhân đạo trong văn học trung đại.

Đọc « Đọc Tiểu Thanh kí » là một tác phẩm đặc sắc về cả mặt nội dung và nghệ thuật. Bài thơ là nỗi lòng thổn thức của Nguyễn Du trước số phận bất hạnh của Tiểu Thanh, thể hiện nhiều suy nghĩ của chính tác giả về số phận con người trong xã hội.

Đô Tiến.

0