06/11/2018, 00:20

Phân tích bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt để thấy được tình cảm bà cháu thiêng liêng cảm động

Phân tích bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt để thấy được tình cảm bà cháu thiêng liêng cảm động Bài làm Tác giả Bằng Việt là một nhà thơ trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Bài thơ “Bếp lửa” là một sáng tác của ông được ra đời năm 1963, khi ...

Phân tích bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt để thấy được tình cảm bà cháu thiêng liêng cảm động

Bài làm

Tác giả Bằng Việt là một nhà thơ trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Bài thơ “Bếp lửa” là một sáng tác của ông được ra đời năm 1963, khi ông mới 19 tuổi và đang du học ở Liên Xô. Bài thơ là những dòng kỉ niệm đầy cảm động về tình bà cháu, về lòng kính yêu và trân trọng, biết ơn của cháu đối với bà, với gia đình và quê hương, đất nước.

Những dòng cảm xúc và kỉ niệm của tác giả được khơi gợi từ hình ảnh bếp lửa, ở nơi đất khách quê người khi bắt gặp bếp lửa, tác giả đã chợt nhớ về người bà:

“Một bếp lửa chờn vờn sương sớm…

Cháu thương bà biết mấy nắng mưa”

Bếp lửa chờn vờn được thắp lên chính là bếp lửa của cuộc đời bà đã trải qua bao nắng bao mưa, trong khoảng khắc bếp lửa thắp lên, lòng nhà thơ trào dâng tình yêu thương bà vô hạn, dù có cách nửa vòng trái đất nhưng cháu vẫn cảm nhận được sự yêu thương và chăm chút từ bàn tay của bà.

“Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói…

Nghĩ đến giờ sống mũi còn cay”

Trong những ngày tháng đói khổ của nạn đói năm 1945, người bà đã gắn bó và bên cạnh cháu, xua tan đi không khí ghê rợn, đói chết trong tâm trí cháu. Dù có trong hoàn cảnh nào, cháu vẫn được bà chở che, mùi khói đã quện lại và bám vào trong tâm hồn đứa trẻ, ấn tượng đó khiến cho tác giả đến bây giờ nghĩ lại thấy sống mũi còn cay.

“Tám năm ròng cháu cùng bà nhóm bếp…

Tiếng tu hú sao mà tha thiết thế”

Cháu cùng bà nhóm lửa, đó là ngọn lửa của sự sống, tình yêu cháy bỏng. Tiếng chim tu hú kêu như đang giục giã lúa chín, mau kéo người dân ra khỏi nạn đói này. Tiếng tu hú xa xăm, khắc khoải, tha thiết làm cho dòng kỉ niệm của cháu trải dài hơn, rộng hơn trong không gian thăm thẳm của nỗi nhớ. Trong tám năm cháu sống cùng bà, bà đã là chỗ dựa vững chắc cả về vật chất lẫn tinh thần cho cháu, chiến tranh xảy ra đã gây nên bao đau khổ cho bao người, trong đó có cả hai bà cháu:

“Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi…

Cứ bảo nhà vẫn được bình yên”

Có thể thấy, bà là một người rất cần cù, nhẫn nại và giàu đức hi sinh, dù cho hoàn cảnh có khốn cùng đến đâu bà cũng không để cho đứa cháu phải buồn lo. Hình ảnh người bà không chỉ là người bà của riêng tác giả mà đã trở thành hình tượng rõ nét cho những người phụ nữ Việt Nam giàu đức hi sinh, thương con quý cháu. Giờ đây, khi tác giả đang cách xa bà nửa vòng trái đất, nhưng tấm lòng cháu vẫn luôn hướng về bà:

“Giờ cháu đã đi xa…

Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?”

Dù có lớn lên, trưởng thành nhưng trong lòng tác giả vẫn luôn nhớ về nơi góc bếp, nơi hai bà cháu có nhau bên bếp lửa, dù có trong hoàn cảnh nào cháu cũng không bao giờ quên.

Bài thơ “Bếp lửa” đã mang một sức truyền cảm vô cùng sâu sắc đối với người đọc, những giá trị của bài thơ vẫn sẽ sống mãi trong lòng độc giả. Bài thơ đã nhắc nhở chúng ta phải biết sống trong yêu thương và luôn trân trọng những tình cảm gia đình.

0