Vén màn lịch sử khăn trùm đầu
Với phần lớn thế giới phương Tây ngày nay, cụm từ “khăn trùm đầu” luôn gợi liên tưởng đến những phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ Hồi giáo, trùm khăn vì lý do tôn giáo. Nhưng việc che đầu bằng khăn vải trên thực tế đã vượt ra ngoài phạm vi tôn giáo, văn hóa và địa lý. Triển lãm "Veiled, ...
Với phần lớn thế giới phương Tây ngày nay, cụm từ “khăn trùm đầu” luôn gợi liên tưởng đến những phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ Hồi giáo, trùm khăn vì lý do tôn giáo. Nhưng việc che đầu bằng khăn vải trên thực tế đã vượt ra ngoài phạm vi tôn giáo, văn hóa và địa lý.
Triển lãm "Veiled, Unveiled: The Headscarf" (tạm dịch: “Che, Vén: Khăn trùm đầu”) tại Weltmuseum (Bảo tàng Thế giới) ở Vienna, Áo, đã đem đến cái nhìn đa dạng về loại trang phục này. Triển lãm kéo dài từ 18/10/2018 đến 26/02/2019, gồm các bức ảnh chụp, tranh vẽ, video và các mẫu thiết kế tái hiện hình ảnh khăn trùm đầu trên khắp thế giới.
Triển lãm khăn trùm đầu tại bảo tàng Weltmuseum, Áo.
Axel Steinmann, giám tuyển của triển lãm, cho biết một loạt các sự kiện xã hội-chính trị hồi tháng 10 năm ngoái đã khơi mào cho triển lãm: một quảng cáo của ngành dược với hình ảnh người phụ nữ đội khăn trùm đầu; sự xuất hiện của biểu tượng cảm xúc người đội khăn trùm hijab trên mạng xã hội do một cô bé 15 tuổi đề xuất; và quyết định cấp quyền công dân cho robot Sophia của Ả Rập Xê-út và robot này không phải đội khăn trùm đầu như các công dân nữ ở đây.
Steinmann nhấn mạnh, trong suốt chiều dài lịch sử ở phương Đông và phương Tây, khăn trùm đầu đã bị ảnh hưởng bởi các yếu tố chính trị và đạo đức. Theo ông: “Mục đích của triển lãm nhằm tái hiện những biến đổi mà chiếc khăn trùm đầu đã trải qua và những biến đổi đã bị lãng quên, bị loại bỏ hoặc đơn giản là không ai biết đến".
Các bức ảnh tại triển lãm giới thiệu tất cả, từ mạng che mặt Cơ đốc giáo truyền thống đến các thiết kế khăn quấn thời trang cao cấp tinh xảo hay những mảnh vải che đầu tượng trưng. Và trong khi một bức vẽ cho thấy một cô gái trẻ mắt tròn xoe diện bộ đồ mùa hè sành điệu với chiếc khăn trùm nửa đầu được buộc thắt lại sau gáy từng đoạt giải tại một cuộc thi thiết kế thời trang, một bức phác thảo khác từ Tehran lại mô tả một người phụ nữ trùm khăn kín người, khuôn mặt hoàn toàn bị che giấu, chỉ lộ mắt cá chân nhỏ trong giày cao gót. Sự chồng chéo và tương phản xuất hiện khắp triển lãm.
Từ những năm 1950, khăn trùm đầu đã trở thành một biểu tượng thời trang.
Ngày nay, khăn trùm đầu thường là tâm điểm trong các cuộc tranh luận ở phương Tây, tập trung vào những tấm khăn trùm đầu của phụ nữ Hồi giáo. Triển lãm không né tránh những tranh cãi đương đại về việc trùm kín đầu của người Hồi giáo, và chỉ rằng: "một số cô bé và phụ nữ trẻ người Hồi giáo buộc phải che đậy mình" ở nơi công cộng. Cuộc trưng bày cũng thừa nhận một thực tế rằng, nói chung chiếc khăn trùm đầu “vẫn thường đại diện cho sự áp đặt mệnh lệnh của người đàn ông lên cơ thể phụ nữ”. Tuy vậy, Steinmann nhấn mạnh, không thể chỉ nhìn nhận chiếc khăn trùm đầu như một biểu hiện tôn giáo rằng phụ nữ lệ thuộc đàn ông.
Bằng cách đặt những hình ảnh này cạnh những hình ảnh cho thấy khăn trùm đầu là biểu tượng của sự ngoan đạo trong Cơ Đốc giáo, sự giải phóng phụ nữ hay thậm chí là sự sành điệu, triển lãm "Che và Vén" cho thấy khăn trùm đầu không phải là lãnh địa riêng của một tôn giáo, một nền văn hóa hay một thế giới quan nào cả.
Việc che đầu của con người đã là một phần không thể thiếu trong các tôn giáo độc thần khởi nguồn từ Abraham như Do Thái, Cơ đốc và Hồi giáo - và thậm chí nguồn gốc của khăn trùm đầu còn có thể truy xuất về nền văn minh Lưỡng Hà cổ đại hàng nghìn năm trước khi có tôn giáo.
Tinh thần vượt lên vật chất — Julie, chân dung một quý cô. (Ảnh: Suzanne Jongmans).
Trong Cơ đốc giáo, tấm mạng che mặt trở thành biểu tượng của danh dự, lòng khiêm tốn và trinh tiết. Sứ đồ Paul yêu cầu những phụ nữ che mặt bằng mạng khi họ nói chuyện với Đức Chúa Trời. Việc che đầu từng được coi là đặc quyền của những phụ nữ đã kết hôn và các nữ tu. Vào cuối thời Trung cổ, một số thành phố châu Âu đã thông qua luật quy định cách phụ nữ nên che kín đầu và cổ như thế nào.
Vào đầu những năm 1920, Đức Giáo Hoàng đã lên án những phụ nữ ăn mặc “không đứng đắn” khi khiêu vũ. Trong thời kỳ Cộng hòa Áo - Đức và sau khi Phát xít chiếm đóng Áo, chiếc khăn trùm đầu và váy xòe Dirndl là biểu hiện của sự trung thành của người phụ nữ với quê hương.
Đến những năm 1950, những chiếc khăn trùm đầu in họa tiết đã trở thành một phụ kiện thời trang tượng trưng cho sự sang trọng, tinh tế và khai phóng. "Thời trang khiêm nhường" là tên của một xu hướng thời trang để lộ ít da thịt hơn; nó đã phát triển thành một ngành kinh doanh hàng tỷ đô la mà không phụ thuộc vào bất kỳ một tôn giáo cụ thể nào.
Viennese Chic, 2018.
Triển lãm cũng trưng bày lịch sử những chiếc khăn che đầu của nam giới. Theo ông Steinmann: "Những trang phục che đầu dành cho nam giới (khăn xếp, mũ yarmulkes,…) cũng được quy định bởi các khía cạnh lịch sử và văn hóa - tôn giáo kết hợp với những quy tắc ăn mặc".
Giống như phụ nữ, tôn giáo đôi khi yêu cầu đàn ông phải che đầu trước Chúa Trời, như kinh Talmud của Do Thái giáo đề cập. Đàn ông cũng có thể quấn đầu như một phong cách thời trang. Xu hướng đàn ông quấn khăn Turban trong các bức chân dung thế kỷ 18 được coi như “một sự giả trang xuyên văn hóa nhằm phô trương nam tính” – Steinmann nói.
Đàn ông du mục tại bắc phi quấn khăn che mặt để tránh xa linh hồn ma quỷ.
Việc đan xen các yếu tố giới tính, địa lý và thời đại trong triển lãm làm dấy lên câu hỏi: Liệu chiếc khăn trùm đầu có được coi là một phụ kiện phổ quát? Câu trả lời không hề đơn giản. "Nhưng từ xưa tới nay, cái đầu - cũng giống như cơ thể - luôn được trang trí hoặc bị che đậy trong tất cả các nền văn hóa”, theo Steinmann.