Phân biệt Khướu khôn và Khướu dại
Khướu cũng có con khôn con dại. Hai tiếng khôn, dại ở đây cũng có thể hiểu là hay và dở. Thành ngữ có câu “Hót như Khướu”, nghĩa đen ám chỉ Khướu là giống siêng hót và hót thật hay. Thế nhưng, thực tế cho thấy không phải nào cũng siêng hót và hót hay cả! Có những con Khướu có giọng ...
Khướu cũng có con khôn con dại. Hai tiếng khôn, dại ở đây cũng có thể hiểu là hay và dở.
Thành ngữ có câu “Hót như Khướu”, nghĩa đen ám chỉ Khướu là giống siêng hót và hót thật hay. Thế nhưng, thực tế cho thấy không phải nào cũng siêng hót và hót hay cả!
Có những con Khướu có giọng hót hay thật là hay. Nó hót được nhiều giọng và luyến láy một cách tài tình, có bài bản hẳn hoi. Nhưng, cũng có những con Khướu hót giọng thật tệ, quanh đi quẩn lại cũng hót mãi có năm ba câu ngắn ngủi chẳng hay ho gì, mặc dầu đã nuôi lâu đôi ba năm mà chẳng hơn gì Khướu bổi!
Con Khướu khôn là Khướu biết tiếp thu nhanh những giọng hót của những chim chốc chung quanh, dù đó là giọng Họa Mi, Chích Chòe và những chim cùng giống với nó. Những tiếng chó sủa, mèo kêu, gà cục tác… cũng được con Khướu khôn in sâu vào trí nhớ, để rồi vay mượn những âm thanh khác lạ đó làm vốn tiếng cho giọng hót của mình càng ngày càng khởi sắc hơn.
Chính vì vậy, nuôi một con Khướu khôn, ai cũng lấy làm hài lòng vì được nghe giọng hót của nó càng ngày càng thêm nhiều làn điệu phong phú hơn, hay ho hơn…
Trong khi đó, con Khướu dại thì tiếp thu chậm những âm thanh lạ xảy ra quanh nó, vì vậy dù có năng mang đi tập dượt giọng hót của nó cũng không khá được bao nhiêu. Những chim này, trong thời kỳ còn là chim bổi, nuôi lâu “mở miệng” lắm.
Do không “mau mồm mau miệng” nên nó không biết đảo tiếng, biết được giọng nào cứ giữ riết mà hót mãi, khiến người nghe cũng phải bực mình.
Có những con chim chỉ hót đi hót lại mãi câu: “Khứa cổ! Khứa cổ!” hoặc “Meo! Meo!”… Người mình phần đông lại tin dị đoan, làm sao chấp nhận được cảnh mới mờ sáng đã nghe con chim hét toáng lên lồng lộng câu “Khứa cổ! Khứa cổ!”. Người mình phần đông cũng tin câu” “Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì giàu” mà cả ngày con chim cứ nhai đi nhai lại mãi câu “Meo! Meo!”, “Nghèo! Nghèo!”… thì tránh sao được chuyện bực mình!
Thường thì những con Khướu hót giọng “phản chủ” như vậy ít người chịu nuôi, mà nếu có bán thì cùng chỉ nhận được giá rẻ.
Khổ nỗi những chim hót giọng “Khứa cổ! Khứa cổ!” lại khá nhiều. Vì vậy có nhiều người không chịu nuôi Khướu, nếu có nuôi họ phải nghe qua năm lần bảy lượt, khi biết chắc con Khướu đó không hót giọng “hãm tài” họ mới chịu nuôi.
Chuyện con Khướu hót: “Khứa cổ! Khứa cổ! Meo! Meo”… là chuyện có thật, nhưng ta không nên ngộ nhận cho là lời xui xẻo để ghét bỏ nó đến nỗi không muốn nuôi!
Trong chuyện này, con Khướu hoàn toàn vô tội, vì chính nó có mang một ý ác nào đên chủ nuôi đâu! Một lẽ dễ hiểu là chim đâu nói được tiếng người, và đâu có tánh ranh ma để rủa xả người chủ như vậy!
Chỉ có con người vì mê lín dị đoan vô lối nên mới cố tình xuyện tạc giọng hót của con Khướu để rồi ghét bỏ nó, thậm chí không có ý định nuôi giống chim này nữa, mới là chuyện đáng phê phán.
Với những con Khướu hót dỡ như vậy, một là không nên nuôi, hai là nên có phương pháp tập luyện riêng để giúp nó hót giọng hay hơn. Và điều này thiết nghĩ cũng không quá khó đối với người có kinh nghiệm nuôi chim, chỉ đòi hỏi ở sự bền chí là được.
Điều cần là phải tìm nuôi một con Khướu mái thật hay. Mái hay là mái dạn dĩ, siêng kêu ro ro để thúc cho trống hăng lên mà hót. Trống nghe tiếng mái thì chẳng khác gì như cờ gặp gió, dù chậm mồm chậm miệng cũng phải cất tiếng hót vang rân.
Việc đem chim đi dượt để chim có dịp tốt làm quen với giọng điệu cua nhiều chim khác, cũng là điều thiết cần. Có thể đến nơi “đô hội” đó nó không hót, nhưng điều đó không có nghĩa nó vô tâm không học hỏi được gì… Những con chim đi dượt, về nhà thường sôi nổi hót lên những giọng hay lạ, gây cho chủ nuôi sự tán thưởng bất ngờ.
Có điều khi dượt chim, ta tránh treo chim dở gần những con chim dữ, nhất là chim cùng giống với nó. Vì như vậy là vô tình làm cho chim của mình sợ hãi thêm. Quí vị cũng biết là con chim hót hay là khi nó biết tự tin vào lài năng của nó. Nếu sự tự tin này bị đe dọa, bị đánh mất thì dù chim hay cũng trở thành chim dở, không còn chút giá trị gì!
Mặt khác, mỗi ngày ta nên ép cho chim dở đố ngủ sớm để sáng nó thức giấc sớm mà cất tiếng hót chào đón bình minh. Ngay đầu hôm nên trùm kín áo lồng cho chim, rồi treo lồng vào nơi yên tĩnh nhất để chim được yên giấc ngủ.
Bản tính của chim, con nào cũng rất siêng hót vào lúc sáng sớm. Nó có thể say sưa hót cả giờ mà không biết mệt. Trong trường hợp này mà có mái thúc, chim trống còn hót hay hơn, tài nghệ được trút ra phô diễn đến mức độ cao hơn, khôn khéo hơn… Những tiếng “Khứa cổ! Khứa cổ!” mà nhiều người cho là chướng tai đó, tưởng là nó quen miệng, lần hồi nó cũng quên dần…
Nên nhớ giọng hót của chim chính là “tiếng Mẹ đẻ” của nó, vì vậy con chim nào cũng biết hót với giọng của dòng giống mình, chỉ có điều hay hoặc dở mà thôi. Nếu được tập luyện thường xuyên và đúng phương pháp, con Khướu nào cũng có khả năng hót hay cả. Điều cần là chủ nuôi phải chịu khó kiên tâm trì chí đẻ tập luyện tho chim đến cùng…
Nếu gặp con trống dở, ta nên nuôi con Khướu mái. Gặp mái càng hay lại càng tốt…