Phạm Duy Tốn (1883 – 25 tháng 2 năm 1924) là nhà văn xã hội tiên phong của nền văn học mới Việt Nam hồi đầu thế kỷ 20. Trước khi trở thành một nhà văn, nhà báo, ông từng là thông ngôn ở toà Thống sứ Bắc Kỳ. Truyện ngắn Sống chết mặc baycủa ông được coi là truyện ngắn đầu tiên theo lối tây phương của văn học Việt Nam. Ngoài tên thật Phạm Duy Tốn, ông còn viết với các bút danh Ưu Thời Mẫn, Đông Phương Sóc, Thọ An.Một trong những người con của Phạm Duy Tốn là nhạc sĩ nổi tiếng Phạm Duy.
Trong bài Nói chuyện với Phạm Duy về Phạm Duy Tốn (báo Văn số 169), nhà văn, nhà báo Vũ Bằng dẫn lời Phạm Duy cho biết ông Phạm Duy Đạt là một ông chánh tổng, còn bà Nguyễn Thị Huệ là "một người ả đầu cũ kỹ nổi tiếng hát hay một thời". Sau khi lấy nhau, bà Huệ bỏ nghề hát về bán dầu. Cũng theo lời Phạm Duy, nhờ nghề buôn bán của gia đình ông nội nên "chắc bố tôi cũng được lớn lên trong một hoàn cảnh dễ chịu, không bị thôi thúc vì đồng tiền" (Phạm Duy, Viết về bố, báoVăn số 169). Thuở nhỏ Phạm Duy Tốn học chữ Nho. Sau ông cùng với các ông Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim học trường Thông ngôn Hà Nội (Quai de Commerce) ở Yên Phụ và tốt nghiệp năm 1901.
Sau khi tốt nghiệp, Phạm Duy Tốn được bổ làm thông ngôn ngạch tòa sứ Ninh Bình rồi sang Thị Cầu (tòa sứ Bắc Ninh). Lúc ấy ông nổi tiếng là một thông ngôn có bản sắc riêng. Tuy nhiên, ông nhanh chóng bỏ công việc đúng theo sở học của mình mà không rõ lý do.
Mặc dù có tài liệu nói ông bỏ việc vì chống đối người Pháp, nhưng theo lời Phạm Duy, có thể lý do là ở máu phiêu lưu và sự hiếu động của ông. Phạm Duy viết trong bài Viết về bố:
"Theo lời mẹ tôi nói trong lúc răn dạy tôi khi còn bé thì bố tôi là một người rất đam mê, nhưng chóng chán. Làm đủ mọi việc nhưng không bao giờ làm hết một việc. Tính tình đó đã cắt nghĩa được sự hành nghề lung tung của bố tôi trong một quãng đời ngắn ngủi".
Làm đủ nghề để kiếm sống
Sau khi bỏ việc thông ngôn, Phạm Duy Tốn đi dạy học ở trường Trí Tri, phố Hàng Quạt, Hà Nội. Là một trong số những người Việt Nam đầu tiên húi tóc ngắn và mặc trang phục châu Âu, Phạm Duy Tốn cùng Nguyễn Văn Vĩnh là hai trong số những người sáng lập phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội năm 1907.
Tiểu luận Phạm Duy Tốn, Journalist, Short Story Writer, Collector of Humorous Stories (Phạm Duy Tốn, nhà báo, tác giả truyện ngắn, nhà sưu tập truyện cười) của giáo sư John C. Schafer, đại học Huboldt State cho biết thêm Phạm Duy Tốn cùng Nguyễn Văn Vĩnh là hai người đã đệ đơn lên chính quyền thuộc địa của Pháp ở Đông Dương xin thành lập trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Tuy nhiên, trường này bị nhà chức trách đóng cửa vào năm 1908 vì là nơi tập hợp các trí thức yêu nước, có khuynh hướng độc lập dân tộc và chống lại thực dân Pháp.
Sau khi thôi dạy học, ông làm đủ các nghề khác nhau. Đầu tiên là mở một tiệm cao lâu ở phố Cầu Gỗ, Hà Nội. Theo Phạm Duy, nghề mở tiệm ăn lúc đó nằm trong tay Hoa kiều, tiệm cao lâu của ông Phạm Duy Tốn là tiệm đầu tiên của người Việt Nam. Tuy nhiên, tiệm không cạnh tranh được và phải đóng cửa. Ông lại vay tiền để mở một tiệm vàng tên là Nam Bảo. Chính vì việc vay mượn này mà sau khi Phạm Duy Tốn mất, vợ ông, bà Nguyễn Thị Hòa, đã phải làm lụng suốt đời để trả món nợ cũ của chồng. Tiệm vàng thất bại, Phạm Duy Tốn lại cùng một số bạn bè đi tìm mỏ ở Quảng Yên, nhưng theo lời Phạm Duy, "việc tìm mỏ chắc không đem lại cho bố tôi những thích thú về tiền bạc hay tinh thần".
Sau khi thất bại liên tục trên đường tìm sinh kế, Phạm Duy Tốn được một người bạn Pháp giúp đỡ bằng cách giới thiệu vào làm việc cho chi nhánh của Ngân hàng Đông Dương (Banque d'Indochine) ở Mông Tự, Trung Quốc. Ông ở Trung Quốc không lâu, lại bỏ việc trở về và quyết định theo đuổi nghề mà xưa nay ông vẫn cho là nghề phụ: viết văn, làm báo.
Viết văn, làm báo
Giáo sư Schafer trong tiểu luận đã dẫn bình luận với nghề báo và viết lách, Phạm Duy Tốn "đã tìm thấy tiếng gọi của ông" và ông theo đuổi các hoạt động này đến khi qua đời. Schafer dẫn một bài trong báo Văn năm 1971 có tựa là Tưởng niệm Phạm Duy Tốn cho biết Phạm Duy Tốn đã viết cho tất cả 11 tờ báo khác nhau.
Hầu hết các tờ báo đó, như Đông Dương tạp chí hay Nam phong có trụ sở tại Hà Nội, nhưng ông cũng có vào Nam Kì để viết giúp các tờ báo của miền nam như Lục tỉnh tân văn hay Nông cổ mín đàm. Giáo sư Schafer viết khó xác định chính xác Phạm Duy Tốn đóng vai trò cụ thể gì trong nhiều tờ báo khác nhau, nhưng những tài liệu từ báo Văn cho thấy Phạm Duy Tốn đã làm biên tập và trợ lý biên tập cho một số tờ báo, ông cũng viết xã luận và truyện ngắn. Ông còn làm thư ký tòa soạn cho tờ Học báo trước khi nghỉ hưu vì sức khỏe.
Làm chính trị
Phạm Duy Tốn còn là một chính trị gia. Năm 1919, ông được bầu vào Hội đồng dân biểu thành phố Hà Nội. Từ năm 1920 đến 1923, ông là nghị viên Viện Dân biểu Bắc Kỳ, đại biểu của khu vực ba, Hà Nội. Năm 1922, ông cùng một số trí thức và quan chức của chính quyền thuộc địa như Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Vũ Huy Quang tham dự Hội chợ triển lãm quốc tế (tức Đấu xảo) ở Marseilles, Pháp.
Thời gian này sức khỏe ông đã kém đi nhiều và theo Phạm Duy, chuyến đi khiến ông càng yếu hơn. Phạm Duy Tốn bắt đầu hút thuốc phiện khi biết ông mắc bệnh lao và sẽ không còn sống được bao lâu. Lúc những bạn bè ở tờ Thực nghiệp dân báo đến thăm ông bên giường bệnh, Phạm Duy Tốn nói: "Người ta chỉ chết một lần. Tôi đã biết mình sẽ chết vài năm trước. Bệnh này không chữa được. Với tôi chết thì chẳng đáng hy vọng gì, nhưng cũng chẳng đáng sợ gì".
Ông qua đời ngày 25 tháng 2 năm 1924 tại nhà riêng ở số 54, đường Felloneau, Hồ Chí Minh
Nguồn:https://vi.wikipedia.org